Khái niệm kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước

0:00 / 0:00

Kinh tế Nhà nước bao hàm khu vực DNNN

T.S Nguyễn Minh Phong: Ở Việt Nam, khái niệm "kinh tế Nhà nước" và "doanh nghiệp Nhà nước" (DNNN) cũng được hiểu không chính xác lắm ở nhiều nhóm đối tượng hay ở nhiều quãng thời gian khác nhau. Trên nguyên tắc, mặc dù, kinh tế Nhà nước và DNNN đều phản ánh những tài sản vật chất và phi vật chất thuộc về sở hữu toàn dân mà do Nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý theo như pháp luật trước đây và được tái khẳng định lại trong Hiến pháp 1992 sửa đổi mới được thông qua cách đây vài hôm.

Trước đổi mới, 2 khái niệm này được sử dụng khá gần nhau vì hồi đó chỉ có một thành phần kinh tế là Nhà nước, cho nên kinh tế NN, DNNN khá gần nhau và dùng trùng hợp, không có gì sai biệt lớn. Nhưng kể từ khi đổi mới đến nay, đã có sự phân biệt ngày càng rõ hơn và điều này đã được thể hiện trong thống kê nhà nước, đã có sự phân định nội hàm của kinh tế Nhà nước và DNNN theo 3 giai đoạn, trong đó, ngày càng khẳng định rõ hơn kinh tế NN là một tổ hợp bao trùm tổng thể, là tất cả tài sản của DNNN, tất cả các tài sản thuộc về các công ty hoạt động theo Luật DN mà do nhà nước có sở hữu. Bên cạnh đấy, kinh tế nhà nước gồm cả những phần tài sản liên quan tới tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tài nguyên trên trời cũng như dưới lòng lãnh hải của Việt Nam, ngoài ra, còn bao gồm tất cả các đơn vị sự nghiệp, kể cả các tổ chức chính trị, chính trị xã hội mà ăn lương ngân sách. Về mặt phạm trù, đây là một phạm trù rất rộng, nếu về mặt giá trị thì bao gồm những giá trị không tính hết bằng tiền. Nếu xét về mặt tỷ trọng tuyệt đối của kinh tế mặt lượng và chất, thì không một khu vực kinh tế khác nào có thể so sánh được.

Về nguyên tắc, DNNN ngày càng có sự phân định rõ hơn. Trước đây, đó là những DNNN hoạt động theo Luật DNNN, nhưng đến khi Luật DNNN bỏ vào năm 2010 để cam kết hội nhập, tất cả các DN hoạt động chung theo Luật DN, thì lúc này, DNNN bao gồm: Một là, những DN do Nhà nước sở hữu 100% và chuyển đổi hoạt động thành công ty TNHH một hoặc hai thành viên do NN sở hữu 100%. Thứ hai, phần vốn và tài sản của các DNNN đã cổ phần hóa mà vẫn còn ở những DN hoạt động theo luật DN. Thứ ba, một số phần vốn nằm trong các DN do các tổ chức chính trị xã hội khác nắm giữ và hoạt động theo luật DN, đó là khái niệm DNNN.

DNNN không thể 'chỉ đạo'

Vũ Hoàng: Vậy theo như giải thích của T.S thì điều này có nghĩa rằng DNNN chỉ là một bộ phận của KTNN và không thể "đánh đồng" giữa 2 khái niệm này?

T.S Nguyễn Minh Phong: Trong so sánh như vậy, có thể thấy rõ ràng DNNN chỉ là một bộ phận của Kinh tế NN, vì thế, khi mà Hiến pháp đưa ra khẳng định "kinh tế NN là chủ đạo" thì điều đó hoàn toàn hợp lý xét theo cách hiểu về nội hàm như đã nói ở trên. DNNN rất khó có thể đóng một vai trò chủ đạo mãi mãi được, về nguyên tắc, nó càng ngày càng bị thu hẹp cả về quy mô lẫn tỷ trọng, cũng như lĩnh vực tham gia. Theo chủ trương của Đảng và NN Việt Nam thì trong thời gian tới, DNNN sẽ tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực hạ tầng, phúc lợi xã hội, những lĩnh vực tạo điều kiện cho các DN khác hoạt động chứ không còn trong lĩnh vực kinh doanh thuần túy đặc biệt là về lợi nhuận nữa.

Hiện nay, có tới 50% số các tỉnh của VN (tức là trên 30 tỉnh) không còn các DNNN hoạt động vì lợi nhuận, mà chỉ còn hoạt động vì công ích. Điều này cho thấy, vai trò chủ đạo của kinh tế NN là đương nhiên, nhưng nó không che lấn, không ngăn cản các hoạt động của các DN khác mà nó hoàn toàn bình đẳng với các DN khác theo nghĩa mọi DN đều được làm những việc mà pháp luật không cấm, tiếp cận với các nguồn vốn, các nguồn lực đầu tư là như nhau. Những thời kỳ bao cấp, tín chấp dành cho DNNN dường như đã giảm thiểu rất nhiều và càng ngày càng không còn nữa. Đặc biệt, trong thời gian tới đây, VN chính thức tuân thủ và được công nhận kinh tế thị trường thì chắc chắn sự bình đẳng đó là theo đúng các cam kết hội nhập, vì thế, nếu ai đó hiểu rằng Kinh tế Nhà nước chủ đạo đồng nghĩa với DNNN chủ đạo là không đúng.

Mẫu số kinh tế càng to, tỉ trọng DNNN càng nhỏ

Vũ Hoàng: Theo T.S, trong thời gian tới, VN cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của khu vực KTNN cũng như DNNN ạ?

Mẫu số kinh tế quốc dân càng lớn, tỉ trọng DNNN càng nhỏ
Mẫu số kinh tế quốc dân càng lớn, tỉ trọng DNNN càng nhỏ (Courtesy of phatthinhvt.vnn.vn)

T.S Nguyễn Minh Phong: Có một ngộ nhận là dường như có một số ai đó hiểu rằng cải cách nhà nước có nghĩa là làm cho Kinh tế NN cũng như DNNN ngày càng bé đi, yếu đi và thậm chí xóa bỏ. Chúng tôi cho rằng đây là một ngộ nhận cực đoan, bởi trên thực tế của tất cả các nước trên thế giới, kể cả Mỹ, Nhật, Anh, Đức…thì nước nào cũng còn ít hay nhiều các tỷ trọng trong nền kinh tế của khu vực kinh tế nhà nước cũng như của DNNN. Thường các tỷ trọng này chiếm từ 5% đến 20%, hiện nay, DNNN Việt Nam đang chiếm khoảng 30% GDP.

Vì thế, trong rất nhiều chủ trương của Đảng và NN, được nhiều chuyên gia VN phát biểu và được ghi nhận thì xu hướng tới đây, Kinh tế NN có thể giảm chậm hơn vì nó bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, rồi lãnh hải…sẽ giảm chậm trừ khi chúng ta thay đổi quan niệm nội hàm thì sẽ khác. Nhưng DNNN sẽ giảm nhanh hơn về tỷ trọng bởi 2 lý do: Thứ nhất, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, mẫu số càng to, DNNN trên mẫu số càng to thì tỷ trọng càng nhỏ đi. Thứ hai, chúng ta tiếp tục cổ phần hóa mạnh hơn nữa, đặc biệt là giảm thiểu những loại doanh nghiệp nào mà không cần thiết nắm giữ 100%, cũng như không cần thiết nắm giữ các tỷ lệ cổ phần tuyệt đối khống chế, thì rõ ràng sẽ khiến tỷ trọng của DNNN giảm xuống.

Để nâng cao hiệu quả DNNN, sắp tới sẽ có những cải cách khá mạnh về mặt thể chế, đặc biệt là luật Đầu Tư Công ra đời, trong đó sẽ có điều chỉnh một phần những hoạt động của kinh tế Nhà nước, của đầu tư công. Đáng tiếc là chưa đưa vào đó các hoạt động của DNNN sẽ được điều chỉnh bởi một nghị định liên quan đến kinh doanh vốn NN, cũng như quản lý vốn tài sản NN ở các DN sắp tới cũng sẽ được Chính phủ xem xét thông qua và sẽ được nâng lên thành pháp luật. Dù là dưới hình thức nào, xu hướng chung của lãnh đạo VN là ngày càng bình đẳng hóa với các DN khác theo luật DN chung cũng như theo cam kết hội nhập. Thứ hai nữa, ngay cả các hoạt động công ích cũng cần phải mở rộng, không đóng gói, kín mít chỉ giữa DNNN với nhau mà mở ra để thực hiện đấu thầu.

Bên cạnh đó, trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm quy trình quản lý hoạt động kinh doanh và giám sát xã hội, đồng thời các chế tài cũng sẽ được làm tốt hơn, minh bạch hơn, cụ thể hơn. Tất cả những điều đó, sẽ giúp cho DNNN trở nên minh bạch hơn và việc quản lý khác cũng sẽ tốt hơn.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn T.S rất nhiều đã dành thời gian cho đài chúng tôi.