Việt Nam đứng trước thách thức phải thay đổi cách tiếp cận về an ninh lương thực phụ thuộc cây lúa, bắt nguồn từ việc vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng.
Mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực
Hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã từng xảy ra trước kia, nhưng tình trạng điêu đứng của mùa khô 2016 khiến các chuyên gia không ngần ngại đặt vấn đề là nhà nước cần thay đổi tư duy nông nghiệp đã hiện hữu trong 40 năm qua.
Thống nhất đất nước sau chiến thắng 30/4/1975, hơn chục năm sau Việt Nam không tự túc được về lương thực và phụ thuộc nhập khẩu. Công cuộc đổi mới từ 1986 và sự cởi trói cho nông dân, tận dụng diện tích trồng lúa ít nhất 3 vụ một năm, đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng làm lúa chỉ giúp nông dân có miếng ăn, chứ không thể giúp nông dân làm giàu. Việc này cần phải thay đổi, nhất là trồng lúa cần rất nhiều nước, trong bối cảnh sự thiếu nước ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long không còn là nguy cơ mà đã là thực tế.
Tại sao đồng bằng sông Cửu Long lại quá tập trung làm lúa từ 40 năm qua và rất khó thay đổi. TS Dương Văn Ni một nhà khoa học thuộc Đại học Cần Thơ cho rằng, vấn đề bất cập trong sản xuất nông nghiệp chú trọng cây lúa là một câu chuyện phức tạp. Bởi vì lâu nay lúa gạo là một trong những yếu tố bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam. Ông nói:
"Đối với nhà nước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực được xem là quan trọng số 1. Khi bàn về kế hoạch sử dụng đất bao giờ an ninh lương thực cũng được đưa lên tiêu chí hàng đầu. Đó là lý do để Nhà nước phải giữ một diện tích trồng lúa nhất định. Mỗi khi xảy ra sự cố liên quan tới cây lúa thì Nhà nước luôn luôn có những chính sách can thiệp, thậm chí khi giá lúa giảm thì Nhà nước có gói hỗ trợ để mua tạm trữ, nếu có thiên tai lũ lụt hay hạn hán đe dọa tới diện tích trồng lúa thì Nhà nước luôn luôn có chi phí hỗ trợ địa phương và người nông dân, thậm chí giúp họ giãn nợ hay khoanh nợ ngân hàng…."
Đối với nhà nước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực được xem là quan trọng số 1. Khi bàn về kế hoạch sử dụng đất bao giờ an ninh lương thực cũng được đưa lên tiêu chí hàng đầu. <br/> - TS Dương Văn Ni <br/>
Chính sách của Nhà nước khuyến khích người nông dân làm lúa, dù ở đồng bằng sông Cửu Long mỗi hộ nông dân trung bình chỉ có dưới 1 ha đất và sản xuất nhỏ lẻ mạnh ai nấy làm. Đại đa số nông dân trồng lúa vì khó thể làm gì khác, như ý kiến của một nông dân ở Kiên Giang nơi chịu xâm nhập mặn vào nội đồng tới 70km.
“Vùng tôi chuyên trồng lúa, trồng rau ít thôi…không trồng lúa thì biết làm nghề gì để sống…Nông dân tụi tôi 100% thiếu nợ ngân hàng cầm cố đất. Hầu như 10 năm nay không có ai trả được nợ ngân hàng, nợ càng ngày càng nhiều…cuộc sống nông dân càng ngày càng khó khăn…”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người trực tiếp tham gia biên soạn Báo cáo Việt Nam 2035, công trình hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và chính phủ Việt Nam, từ Hà Nội nhận định:
“Trong thời gian vừa qua, một mặt với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, thì đã có nhiều chuyên gia lên tiếng đề nghị xem xét lại về cách thức làm nông nghiệp. Trong Báo cáo Việt Nam 2035 chúng tôi đã kiến nghị làm nông nghiệp phải theo cách khác, không áp đặt những tiêu chí chính trị như sản lượng hay diện tích dành cho lúa gạo.
Bởi vì Việt Nam tập trung quá nhiều vào lúa gạo và điều đó đã chứng minh rất rõ là làm Việt Nam gánh hậu quả trong sản xuất nông nghiệp nói chung, kể cả hạn chế khả năng tăng thu nhập của người nông dân. Trong báo cáo đó, chúng tôi đã nói rất rõ là Việt Nam cần phải thu hẹp lại và phát triển nông nghiệp theo cách hiện đại hóa và thương mại hóa tổ chức sản xuất nông nghiệp…”
Bài học cho VN
Theo lời bà Phạm Chi Lan sản xuất nông nghiệp phải theo cách hiện đại hơn chứ không như kiểu canh tác truyền thống trước đây. Còn thương mại hóa hàm nghĩa là phải dựa trên yêu cầu của thị trường, dựa trên những tiêu chí thị trường mà quyết định hướng sản xuất chứ không phải đưa ra một cách duy ý chí. Tình trạng hạn hán ngập mặn lớn ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa rồi, nó càng cho thấy rất rõ những nhận định đó là đúng và rất cần phải xem xét lại cách làm lúa gạo từ trước đến nay. Bà Phạm Chi Lan tiếp lời:
“Tập trung quá nhiều cho lúa gạo, chương trình phát triển nông nghiệp gần như chỉ gắn với hoặc phục vụ chương trình phát triển về lương thực thôi, rồi cứ tự hào về thành tích xuất khẩu lúa gạo. Nhưng trong khi đó thực sự hiệu quả làm lúa gạo của Việt Nam thua kém hẳn so với Thái Lan, thậm chí thua Campuchia, trong mấy năm gần đây khi họ bắt đầu làm gạo xuất khẩu, họ làm giỏi hơn tốt hơn hẳn Việt Nam, dù qui mô nhỏ hơn nhưng có hiệu quả cao hơn.
Đấy là những bài học rất rõ cho Việt Nam, còn bây giờ với điều kiện biến đổi khí hậu cộng với việc tác động của con sông Mekong chảy từ Trung Quốc, qua Trung Quốc qua Lào họ làm quá nhiều đập thủy điện, các nước đầu nguồn sử dụng nguồn nước và làm ảnh hưởng tới phía dưới, cũng như là các vấn nạn ở Việt Nam như phá rừng khá nhiều ở Tây nguyên, nó ảnh hưởng tới các vùng phía dưới như vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó thể hiện rất rõ. Lúc này tôi cho là phải xem xét lại toàn diện cách thức làm nông nghiệp ở Việt Nam nhất và vùng đồng bằng sông Cửu Long.”
...hiệu quả làm lúa gạo của Việt Nam thua kém hẳn so với Thái Lan, thậm chí thua Campuchia, trong mấy năm gần đây khi họ bắt đầu làm gạo xuất khẩu, họ làm giỏi hơn tốt hơn hẳn Việt Nam...<br/> - Bà Phạm Chi Lan
Được biết trong những năm gần đây xâm nhập mặn đã thực tế ảnh hưởng 700.000 ha và sẽ có thể tăng lên 1.000.000 héc ta, nhưng việc tái cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác gặp nhiều khó khăn. Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam nhấn mạnh tới điều kiện tiên quyết là cần có thị trường tiêu thụ sản phẩm, thì mới có thể chuyển từ lúa sang cây trồng khác. Ông nói:
“Điều hiện nay chưa làm được là quy hoạch lại sản xuất thay lúa bằng cái gì. Hai năm nay Bộ Nông nghiệp chỉ đạo trồng cây bắp, nhưng bắp tụt giá ghê quá, trồng thì đầu tư lớn hơn lúa, giá bán không hơn bao nhiều, về mặt kinh tế không có lợi. Cho nên bị lúng túng phải xác định trồng cây gì nơi cao trình chỉ có 0,7 tới 0,9 mét so với mực nước biển, mực thấp đất sét nặng từ hồi nào tới giờ chỉ phù hợp cây lúa thôi. Bây giờ chuyển đổi nó phải có thời gian nghiên cứu, chứ không thể sốt ruột được.”
Từ nay tới 2020, Nhà nước Việt Nam có kế hoạch điều chỉnh đất trồng lúa còn 3,76 triệu ha tức cắt giảm 270.000 ha. Đồng thời chuyển từ trồng luá sang cây trồng khác trên diện tích 400.000 ha ở vùng thường bị xâm nhập mặn. Nhưng vẫn có thể trở lại trồng lúa khi cần thiết.
Theo các chuyên gia, câu chuyện an ninh lương thực dựa trên lúa gạo kéo dài đã 40 năm, thay đổi tư duy về vấn đề này quả là khó khăn và cần thời gian.