Sau khi ăn Tết, lãnh đạo Việt Nam lại ra chỉ thị về việc cần làm ngay để cải tiến tình hình kinh tế. Năm nay, không khí còn có vẻ khẩn trương mà chẳng mấy lạc quan sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế và chỉ thị các phủ bộ cùng cơ quan liên hệ ra sức tiến hành.
Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về viễn ảnh kinh tế đó qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Gia Minh thực hiện sau đây
Khó khăn chồng chất
Gia Minh: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt và ban hành quyết định về Đề án quy mô sẽ thi hành từ nay đến năm 2020 để tái cơ cấu trúc nền kinh tế èo uột của Việt Nam với đà tăng trưởng thấp nhất kể từ 13 năm nay. Lồng trong đề án là tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp, với trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Theo dõi quyết định mang số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Hà Nội, ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và những năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Gần hai năm nay rồi, người ta đã thấy lãnh đạo Hà Nội, từ đảng xuống tới Nhà nước và Chính phủ nói đến việc chuyển hướng và ba yêu cầu tái cấu trúc hệ thống tài chính và ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước và hệ thống đầu tư của khu vực công quyền. Nhưng tiến độ của việc cải sửa thật ra quá chậm và nếu có xem lại các quyết định đã ban hành từ năm ngoái về những yêu cầu tái cơ cấu đó thì cũng như xem lại một khúc phim cũ. Khác biệt nếu có là thời hạn thực hiện, thay vì từ 2011 đến 2015 thì nay sẽ là 2013 đến 2020. Trong khi ấy, thực tế kinh tế và đời sống vẫn tiếp tục xoay vần và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Gia Minh: Xin ông nêu ra vài thí dụ để thính giả của chúng ta hiểu ra cơ sở phân tích của ông về những nỗi khó khăn đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp trở ngại khi phải vay tiền ngân hàng vì các ngân hàng bị kẹt nợ mà xấu tốt và nhiều ít thế nào thì chẳng ai biết hoặc đánh giá được cho chính xác. Bộ máy tuần hoàn cần bơm tiền cho cơ thể mà bị ách tắc như vậy thì sản xuất tất nhiên đình đốn và đà tăng trưởng kinh tế sẽ khó vượt qua 5,5%, với nguy cơ lạm phát thật ra sẽ tăng trong những tháng tới. Về toàn cảnh thì như vậy, nay ta nói đến chuyện cụ thể là nợ nần.
Trong nhiều năm liền, do chính sách ưu đãi lẫn hệ thống quản lý lỏng lẻo của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã vay mượn quá sức, nôm na là gấp ba số vốn, nhiều hơn tư doanh nội địa và công ty có vốn đầu tư của nước ngoài. Khi kinh tế bị suy trầm, doanh nghiệp không trả được nợ và chủ nợ là ngân hàng mới bị kẹt mà càng kẹt nặng khi doanh nghiệp nhà nước đi vay để đầu cơ ngoài mục đích kinh doanh nguyên thủy. Tháng Bảy năm ngoái, Thủ tướng Hà Nội mới ra quyết định mang số 958 về xử lý nợ công và định ra những định mức về đi vay. Nhưng điều ly kỳ là chẳng thấy đề ra biện pháp ngăn ngừa hoặc chế tài khi vay quá chuẩn mực quy định.
Chuyện các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty bị lỗ lã và có nguy cơ vỡ nợ thì đã manh nha từ năm năm trước mà việc cải cách thì vẫn chậm lụt. Năm ngoái cũng đã có hai quyết định từ Thủ tướng mang số 704 và 929 với chỉ thị và hứa hẹn cải tổ rất huê dạng mà kết quả vẫn chưa tới đâu. Người ta chưa thấy công khai hóa thông tin về việc rà soát, chấn chỉnh và kỷ luật những sai phạm vì lý do chuyên môn hay pháp lý. Trong lĩnh vực ngân hàng cũng thế, việc xử lý nợ xấu và lập ra công ty quản lý tài sản để thanh thỏa các khoản nợ đã được Ngân hàng Nhà nước ra quy định từ Tháng Năm năm ngoái mà chưa nhúc nhích, giờ này người ta mới lại nói đến Đề án Tổng thể để tái cơ cấu như một bước đột phá. Tất cả vẫn chỉ là màn khói, là lời nói.
Trở ngại từ ngân hàng
Gia Minh: Với người dân thì tài chính và ngân hàng là lĩnh vực thiết yếu nhất trong sinh hoạt kinh tế, vì thu hút ký thác của họ và cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp. Thưa ông, tình hình lĩnh vực này ra sao và có cải tiến gì không kể từ những quyết định từ năm ngoái như ông vừa nhắc lại?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hệ thống ngân hàng của Việt Nam gây ra mối quan ngại lớn vì hai lý do. Thứ nhất là tài sản ung thối đến rỗng ruột vì các khoản nợ xấu, khó đòi và sẽ mất mà xấu tới cỡ nào và mất bao nhiêu thì chưa ai biết. Thứ hai là từ nhiều năm nay, người ta đã nói đến nhu cầu cải tổ ngân hàng, cũng cấp bách như cải cách doanh nghiệp, vậy mà vẫn chưa tiến hành.
Về chuyện thứ nhất, trong nhiều năm hồ hởi bơm tín dụng mà thiếu khả năng thẩm định rủi ro và cơ chế thanh tra trong một môi trường luật lệ rất lỏng lẻo, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là một cấu trúc èo uột và có thể sụp đổ dưới một núi nợ xấu - thuật ngữ kinh tế gọi là nợ không sinh lời mà sẽ mất. Tính đến Tháng Chín năm ngoái, các ngân hàng báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một tỷ lệ nợ xấu là gần 5%. Ngân hàng Nhà nước thì ước tính một con số gấp rưỡi, là gần 9%, khoảng 200 ngàn tỷ đồng. Nhưng nếu áp dụng tiêu chuẩn thẩm định kế toán ngân hàng của quốc tế thì cục u bướu này có thể to hơn gấp bội.
Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp trở ngại khi phải vay tiền ngân hàng vì các ngân hàng bị kẹt nợ mà xấu tốt và nhiều ít thế nào thì chẳng ai biết hoặc đánh giá được cho chính xác. <br/>Nguyễn-Xuân Nghĩa
Gia Minh: Thưa ông, xin được hỏi ngay một câu là vì sao lại có khác biệt lớn như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng vì sự khác biệt trong định nghĩa. Thí dụ thiết thực là khi một khoản nợ đáo hạn mà chưa thanh toán sau 90 ngày thì phải được coi là nợ xấu và có thể mất. Nếu lại vì khách nợ có quan hệ tốt về chính trị hoặc vì ngân hàng không muốn trương chủ ký thác e sợ mà rút tiền thì ngân hàng có thể đảo nợ là cho vay thêm để thanh lý khoản nợ đó. Về kế toán thì ngân hàng đã thu về khoản nợ cũ tức là không bị nợ xấu, dù thực tế lại khác hẳn. Khi bị rủi ro mất nợ thì ngân hàng phải lập dự phòng. Số dự phòng này ăn vào vốn kinh doanh của ngân hàng, tức là khấu trừ vào khoản tài sản có thể cho vay ra. Nếu đánh giá thấp mức rủi ro mất nợ và thật sự là sẽ mất nhiều hơn thì ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu vốn và phải tăng vốn.
Như vậy, sự khác biệt quá lớn trong cách ngân hàng và cả Ngân hàng Nhà nước chiết tính mức nợ xấu nếu so sánh với tiêu chuẩn của quốc tế cho thấy một sự thật u ám ở bên dưới. Đó là các ngân hàng của Việt Nam không lập dự phòng rủi ro tương xứng với mức nợ sẽ mất, và thực tế là đang bị thiếu vốn kinh doanh. Chuyện ấy hết là một vấn đề kế toán mà là mối nguy kinh tế.
Nguy cơ vỡ nợ
Gia Minh: Mối nguy kinh tế vì các ngân hàng thực tế thiếu vốn cho vay và còn có khả năng bị vỡ nợ, có phải là như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như vậy và một cách gián tiếp người ta đã thấy ra điều ấy qua những chấn động vừa qua về giá vàng.
Trong tình trạng kinh tế èo uột và chính trị bất trắc, người dân không tin vào giá trị của đồng bạc Việt Nam và cứ có tiền thì mua vàng để phòng thân. Họ phải ký thác vàng vào ngân hàng nhưng khi thiếu tiền mặt, ngân hàng lại rút vàng của thân chủ ra bán để đáp ứng tiêu chuẩn về thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước. Rồi sau đó, ngân hàng lại phải mua vàng để trả cho khách cần tiền đâm ra ngân hàng góp phần đáng kể vào sự dao động trên thị trường vàng của Việt Nam.
Các ngân hàng cho vay ra mà không ước tính được rủi ro cho chính xác và an toàn nên bị nguy cơ vỡ nợ. Sau đó, họ phát huy sáng kiến là chiêu dụ thân chủ ký thác vàng miếng, vàng lá vào trong két sắt của ngân hàng và trả tiền lời rất hậu. Lượng vàng ấy trở thành một phương tiện kinh doanh cho các ngân hàng khi họ bán ra rồi mua vào ở từng thời điểm khác nhau với giá khác nhau. Khi phải mua vào với giá cao hơn trong sự biến động của thị trường vàng, các ngân hàng càng bị lỗ nặng và trôi dần vào cái vực phá sản.
Gia Minh: Thưa ông, như vậy thì có phải trách nhiệm chính vẫn thuộc về Ngân hàng Nhà nước hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng thuộc về Ngân hàng Nhà nước và cả Nhà nước đứng sau nữa.
Trên nguyên tắc và nếu làm đúng chức năng, cơ quan này phải ra quy định rõ ràng và huấn luyện hẳn hoi về cách thẩm định rủi ro, xếp loại tín dụng, phải ra tiêu chuẩn về nhu cầu trích lập quỹ dự phòng rủi ro mất nợ và đặt thời hạn trắc nghiệm khả năng ứng phó hay ứng suất – nói theo thuật ngữ ngân hàng. Mà tất cả tiến trình ấy phải được công khai hóa với thông tin minh bạch cho công chúng cùng biết. Đấy là cơ sở cho phép Ngân hàng Nhà nước ước tính ra khối lượng nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng hầu còn kịp đối phó sau này.
Các ngân hàng cho vay ra mà không ước tính được rủi ro cho chính xác và an toàn nên bị nguy cơ vỡ nợ. <br/>Nguyễn-Xuân Nghĩa
Một phương cách đối phó được nói tới là lập ra một Công ty Quản lý Tài sản để sẽ mua lại các khoản nợ và giúp các ngân hàng có một bảng kết toán tài sản lành mạnh và quân bình hơn. Nhưng công ty này sẽ lấy vốn ở đâu và khi bị lỗ thì ai chịu? Mà làm sao tính ra lời lỗ và thanh thoả nếu không có tiêu chuẩn định giá theo một nguyên tắc thống nhất và có những quy định pháp lý về thể thức mua bán? Chúng ta không quên là năm bảy năm trước, Trung Quốc cũng đã mất 200 tỷ đô la để mua lại tài sản và bù lỗ cho các ngân hàng mà đa số là quốc doanh của họ. Dù sao, Chính quyền Trung Quốc còn có tiền.... chứ trong giả thuyết lạc quan là nợ xấu của Việt Nam chỉ lên tới 20 tỷ đô la thì đấy cũng bằng khối dự trữ ngoại tệ hiện nay của Hà Nội.
Gia Minh: Mới chỉ phân tích có hai hồ sơ nổi cộm là doanh nghiệp nhà nước và tài chính ngân hàng thì ta đã thấy ra nhiều khó khăn trước mắt. Đấy là cơ sở của cách đánh giá khá bi quan của ông hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thấy là từ Hội nghị kỳ sáu của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 vào Tháng 10 năm ngoái, lãnh đạo đảng Cộng sản đã nói đến tái cơ cấu về doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư của khu vực công quyền. Nhưng xét cho kỹ thì họ mới chỉ nói thôi mà chưa thấy làm gì. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước, từ các tập đoàn kinh tế đến tổng công ty và bên trong là núi nợ đã đổ, vẫn chưa thấy nhúc nhích sau các Quyết định 929 và 704.
Hệ thống tài chính và ngân hàng cũng đang lung lay mà Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ra tay, trừ cái sáng kiến là nhảy vào quản lý vàng miếng vì những mục tiêu mà người dân cho là mờ ám cũng tựa như quyết định đổi tiền thời xưa vậy. Sau cùng còn lĩnh vực đầu tư công quyền với mấy vạn dự án thì chưa thấy ai nói đến chiều hướng cải cách ra sao và làm thế nào để tái cơ cấu khi có quá nhiều quyền lợi mắc mứu bên trong?
Từ trên xuống là như vậy, thực tế ngoài chợ còn có vụ khủng hoảng về bất động sản làm mất thêm cả triệu tỷ đồng bạc nữa, Nhà nước tính sao? Bối cảnh ấy khiến người ta không thể lạc quan trong trung hạn mà phải bi quan về tình hình ngắn hạn ngay trong năm nay. Ngày xưa có người lãnh đạo của đảng than phiền là nạn tham nhũng cũng tựa như nhà dột từ nóc xuống, nay ta còn thấy ra nền móng ruỗng nát bên dưới căn nhà này. Chỉ mong là nhà không phải gió.
Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.