Ngày 20 tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản báo cáo tự do tôn giáo toàn cầu 2012 trong đó có một chương về Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam dù đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ có đặt Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC theo như đề nghị của Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế?
Thất vọng về báo cáo tự do tôn giáo
Đến hẹn lại lên, những người quan tâm đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam năm nay một lần nữa được đọc bản báo cáo về tự do tôn giáo toàn cầu do Bộ ngoại giao Mỹ công bố hôm 20 tháng 5 vừa qua. Thậm chí có người có thể còn hy vọng rằng Mỹ sẽ đặt Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Tuy nhiên với những gì được nêu ra trong báo cáo và tình hình thực tế trong quan hệ hai nước, hy vọng này có thể hết sức mong manh.
Bản báo cáo viết, trong năm 2012 tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam đã có những tiến bộ khi chính phủ mở rộng việc cho phép các nhóm tôn giáo được đăng ký hoạt động, chấp nhận những lễ có đến hơn 10,000 người tham dự.
Báo cáo cũng nhìn nhận những hạn chế trong tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm qua như việc chính quyền sách nhiễu những người theo đạo, sử dụng các quy định về pháp luật để hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo không được nhà nước thừa nhận.
Kết luận được đưa ra từ bản báo cáo đã làm không ít người quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam thất vọng. Phát biểu với phóng viên Kính Hòa, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, Phụ tá Trưởng ban phối hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết:
Cảm giác đầu tiên của tôi là cảm giác thất vọng vì chỉ có nêu lên một vi phạm về tự do tôn giáo trong năm 2012 thôi trong khi bản báo cáo nhân quyền của mạng lưới nhân quyền cung cấp thì có rất nhiều vi phạm.
Ông Lê Minh Nguyên cho biết mạng lưới Nhân quyền Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động để thúc đẩy việc Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC trong thời gian tới.
Kêu gọi đưa Việt nam vào CPC
Việc kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC đã được Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của quốc hội Hoa Kỳ đưa ra liên tục từ năm 2001 đến nay. Hôm 30 tháng 4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế đã công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Năm nay, báo cáo của Ủy ban về Việt Nam cũng không khác gì so với các năm trước khi cho rằng tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn rất tồi tệ. Một lần nữa Ủy ban Tự do Tôn giáo đề nghị chính phủ Mỹ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Tiến sĩ Katrina Lantos Swett, Chủ tịch ủy ban nói với đài Á châu tự do:
Theo chúng tôi tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn rất xấu mặc dù dã có một số tiến triển trong suốt thập kỷ qua. Chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi đáp ứng với sự chú ý của quốc tế, tuy nhiên cuối cùng, chính phủ Việt Nam vẫn sử dụng luật về an ninh quốc gia rất lờ mờ để đàn áp các hoạt động PHật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành độc lập. Họ vẫn không ngừng việc ngăn chặn sự phát triển của các nhóm Tin lành và Công giáo độc lập bằng cách phân biệt đối xử, sử dụng vũ lực và bắt người theo đạo phải bỏ đạo. Đây là một tình hình hết sức đáng ngại và khiến chúng tôi tin là Việt Nam phải được đưa vào danh sách CPC.
Mặc dù bị nhiều lần thúc giục bởi các tổ chức nhân quyền quốc tế, Mỹ chỉ thực sự đưa Việt Nam vào danh sách CPC từ năm 2004 đến năm 2006. Theo đánh giá của Ủy ban tự do Tôn giáo Quốc tế, sau khi bị xếp vào CPC, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đã có những cải thiện, ví dụ như trả tự do cho các tù nhân, mở rộng phạm vi bảo vệ của pháp luật đối với một số các cộng đồng tôn giáo được nhà nước thừa nhận. Ủy ban ghi nhận phần lớn các lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam cho rằng những thay đổi tích cực này đến từ sức ép của CPC với Việt nam.
Lợi ích của nước Mỹ và danh sách CPC
Dù cho rằng đã có những bằng chứng hết sức thuyết phục về tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, người đại diện của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế cũng tỏ ra không chắc chắn về khả năng chính phủ Mỹ sẽ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC trong năm nay.
Khó để có thể nói là liệu Bộ Ngoại Giao sẽ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC hay không. Chúng ta có Ngoại trưởng mới, có một số thay đổi trong Văn phòng Dân chủ Quyền con người và Lao động của Bộ Ngoại Giao. Vì vậy khó để có thể đoán được Bộ Ngoại Giao sẽ làm gì.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Ủy ban Yểm trợ Cao trào Nhân bản, tiểu bang Virginia, cách nhìn nhận về Việt Nam giữa Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc và Bộ Ngoại giao là khác nhau, và do đó cách đối xử sẽ khác nhau:
Lập trường của bên Bộ Ngoại giao nó khác với lập trường của Ủy ban Tự do Tôn giáo của Quốc hội Hoa Kỳ và lập trường của đa số dân biểu Thượng Nghị sĩ và của cộng đồng Việt Nam…..Bên Bộ Ngoại giao họ nghĩ là có những sự tiến triển về một vài mặt và cũng có vài suy thoái. Thành ra tôi cho việc cho vào CPC thì Bộ Ngoại giao vẫn chưa có một quyết định rõ rệt. Có hai xu hướng ở Bộ Ngoại Giao. Một xu hướng nói có sự suy thoái cần đưa lại CPC, nhóm khác nghĩ cứ để nó nằm như vậy nhưng với sức ép của quốc hội, sức ép của các tổ chức nhân quyền quốc tế và cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì nó có thể có những thay đổi nhiều hơn.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân cũng cho rằng, tân Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry sẽ có cách đối xử mềm mỏng đối với Việt Nam. Ông nói
Tôi có liên lạc và nói chuyện với cố vấn của ông Kerry, và tôi có than phiền và được họ trả lời là họ vẫn can thiệp nhân quyền nhưng họ chủ trương đường lối khác, thuyết phục và không làm cộng sản Việt Nam mất mặt.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry cũng là người đã từng đóng vai trò quan trọng trong việc hàn gắn quan hệ hai nước và nổi tiếng là người thực tế khi ông phát biểu 'ở đâu có quyền lợi chung thì cả Mỹ và Việt Nam có thể làm việc cùng nhau'.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong các năm qua. Kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt hơn 24 tỷ đô la trong năm 2012. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn nhất tại Việt nam với đầu tư vượt quá con số 1,7 tỷ đô la. Hai nước cũng đang trong quá trình đàm phán để trở thành đối tác chiến lược, một bước quan trọng trong quan hệ hai nước mà Việt Nam đã theo đuổi từ nhiều năm nay.
Trong bài phỏng vấn Vietnamnet gần đây, giáo sư môn quan hệ quốc tế, Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường đại học George Mason (Mỹ) đã từng nói 'chính sách đối ngoại của Mỹ luôn hướng tới ba mục tiêu khác nhau: quyền lợi chiến lược, quyền lợi kinh tế và quyền lợi về giá trị. Cái cuối cùng chính là tự do, dân chủ và nhân quyền. Ba lợi ích này luôn hiện hữu, nhưng trong từng trường hợp, không phải lúc nào ba cái này cũng quan trọng bằng nhau. Ví dụ, một khi quyền lợi chiến lược to lên, thì quyền lợi về giá trị bé đi'.
Đó cũng chính là chính sách Mỹ áp dụng với Arap Saudi khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước này bất chấp những quan ngại về nhân quyền. Hay đối với Trung Quốc, Mỹ vẫn cho quy chế tối huệ quốc trong thương mại vì quyền lợi kinh tế của Mỹ tại đây, mặc dù vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc không được cải thiện.
Với Việt Nam hiện tại, lá bài nhân quyền, tự do tôn giáo vẫn được Mỹ đưa ra trong các đối thoại về chiến lược và kinh tế, nhưng liệu nó có thực sự quan trọng nhất đối với Mỹ vào lúc này hay không giữa lúc Mỹ đang chuyển trọng tâm chú ý vào khu vực châu Á Thái Bình Dương, với sự lớn mạnh đầy lo ngại từ Trung Quốc? câu trả lời nằm trong các tính toán chiến lược lâu dài của Mỹ tại châu Á. Dù quyết định thế nào thì chính phủ Mỹ chắc chắn cũng phải đặt quyền lợi của nước Mỹ lên hàng đầu.