Người Việt hải ngoại lên tiếng về UPR

0:00 / 0:00

Việt Nam, trong tư cách một thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã và đang chịu khá nhiều sức ép từ trong ra tới ngoài nước khi chính thức lên tiếng giải trình về nhân quyền hôm thứ Tư ngày 5 tháng Hai vừa qua ở Geneva, Thụy Sĩ.

Đó là nhận định chung của những người Việt ở hải ngoại thường quan tâm và lên tiếng về quyền con người ở trong nước thường xuyên bị nhà cầm quyền Việt Nam bưng bít và cấm đoán.

Cuộc kiểm điểm định kỳ và phổ quát UPR trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve lần này, mà Việt Nam là một trong những thành viên ra giải trình, phải được coi như một sự kiện chấn đông dư luận người Việt bên ngoài.

Người việt từ Paris

Từ Paris sang Geneve tham dự buổi hội thảo về nhân quyền Việt Nam hôm qua do đại diện các hội đoàn trong và ngoài nước đảm trách, tiếp đến là theo dõi phần kiểm điểm của Việt Nam ngày hôm sau 5 tháng Hai, ông Nguyễn Gia Kiểng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tại Pháp, khẳng định như vậy:

Từ 2006 và 2007 trở đi, khi mà có những buổi UPR thì tôi nghĩ rằng có một cái thòng lọng nó thắt lại một cách từ từ, chậm chạp nhưng mà chắc chắn trên cổ các quốc gia độc tài và vi phạm nhân quyền...chính quyền cộng sản VN sẽ rất bối rối, càng ngày càng bối rối những kiểm điểm định kỳ về nhân quyền

ông Nguyễn Gia Kiểng

Tôi đánh giá kỳ họp UPR lần này là rất tích cực. Trước giờ phải nói rằng tôi không đánh giá cao hoạt động nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bởi trong Hội Đồng Nhân Quyền trước đây, trước 2006, thì có những nước rất là vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, cho nên tôi nghĩ đó chỉ là những buổi họp chiếu lệ mà thôi.

Nhưng từ 2006 và 2007 trở đi, khi mà có những buổi UPR thì tôi nghĩ rằng có một cái thòng lọng nó thắt lại một cách từ từ, chậm chạp nhưng mà chắc chắn trên cổ các quốc gia độc tài và vi phạm nhân quyền. Cho nên tôi nghĩ rằng kể từ nay phải dành sự quan tâm lớn hơn và tôi nghĩ rằng chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ rất bối rối, càng ngày càng bối rối những kiểm điểm định kỳ về nhân quyền. Tôi đặt hy vọng nhiều vào buổi kiểm điểm này, thấy phấn khởi khi tới thì gặp rất nhiều người Việt Nam từ các khuynh hướng chính trị khác nhau nhưng cùng chia sẻ sự quan tâm về nhân quyền Việt Nam.

Quang cảnh buổi họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève. AFP
Quang cảnh buổi họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève. AFP (AFP)

Từ Australia

Trong lúc ông Nguyễn Gia Kiểng đánh giá tình hình quanh cuộc họp UPR Việt Nam lần này rất tích cực, giám đốc đài phát thanh Vietnam Sydney Radio từ Australia, cô Bảo Khánh, cho rằng sự tích cực đó phản ảnh trong buổi hội thảo của các đoàn thể người Việt trước đó một ngày mà tiếng vang của nó vượt xa sự trông đợi của mọi người:

Trong cuộc kiểm điểm định kỳ năm 2009 Bảo Khánh đã có mặt tại Geneve cùng với hàng trăm đồng bào để biểu tình trước Liên Hiệp Quốc. Nhắc lại để nhớ rằng người Việt Nam khắp nơi đều rất quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền, đặc biệt vạch rõ sự thật về chuyện vi phạm nhân quyền của Việt Nam.

Qua việc này LHQ cũng như chính giới các nước sẽ thấy rõ hơn. Họ nhìn thấy được những nhân chứng, nhất là những nhân chứng từ trong nước, những câu chuyện và rất nhiều hình ảnh. Đó là lý do buổi kiểm điểm ngày hôm nay đã làm bộ mặt gian dối trong vấn đề nhân quyền của VN quá rõ ràng đi

cô Bảo Khánh

Qua đó mình cũng thấy UPR rất là quan trọng. Cuộc kiểm điểm định kỳ UPR lần này thì nó đặc biệt hơn vì Việt Nam vừa có được một ghế trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cho nên ngày này rất quan trọng để mọi người lên tiếng, bởi vì khi Việt Nam có chân trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì chắc chắn sẽ được theo dõi sát sao hơn, thành ra chúng ta lại phải càng lên tiếng nhiều hơn. Năm nay, khi biết có một số hội đoàn trong nước làm việc hết sức tích cực, tổ chức được buổi hội thảo 4 tháng Hai. Qua việc này Liên Hiệp Quốc cũng như chính giới các nước sẽ thấy rõ hơn. Họ nhìn thấy được những nhân chứng, nhất là những nhân chứng từ trong nước, những câu chuyện và rất nhiều hình ảnh. Đó là lý do buổi kiểm điểm ngày hôm nay đã làm bộ mặt gian dối trong vấn đề nhân quyền của Việt Nam quá rõ ràng đi.

Các tài liệu được cung cấp cho khách mời của sự kiện tại Palais Des Nations ở Geneve (Files photos)
Các tài liệu được cung cấp cho khách mời của sự kiện tại Palais Des Nations ở Geneve (Files photos) ((Files photos))

Từ Hoa Kỳ

Buổi kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền hôm thứ Tư ở Geneve đặt Việt Nam vào một hoàn cảnh mới khi lần đầu tiên ngồi trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc tại Hoa Kỳ, giải thích:

Cách đây 4 năm thì Việt Nam cũng đã đi qua một cuộc kiểm điểm như vậy, nhưng lần này phải nói các nhà tranh đấu cho nhân quyền không những của Việt Nam mà cả của thế giới đã làm được một việc khá hay tức là tổ chức cuộc hội thảo một ngày trước, trong đó tiếng nói đồng nhất và thuần nhất của cả người Việt hải ngoại lẫn người Việt trong nước đi ra.

Thành ra ngày hôm nay (5/2) dù Hà Nội có sắp xếp thế nào để cho những quốc gia thân thiện đặt những câu hỏi dễ chịu thì có thể nói cái sấm sét của vụ kiểm điểm định kỳ đã nằm trong tay của những người tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam

giáo sư Nguyễn Ngọc Bích

Đó là những người, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích kể tiếp, như luật sư Hà Huy Sơn, anh em mạng lưới bloggers như Đoan Trang hay Nguyễn Anh Tuấn, như ông Trần Văn Huỳnh ba của Trần Huỳnh Duy Thức, bà Trâm mẹ của luật sư Lê Quốc Quân, bà Ngọc Minh mẹ của nhà tranh đấu lao động trẻ tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh. Cả ba hiện bị giam cầm trong nhà tù ở Việt Nam:

Tất cả những báo cáo đó gần như là “cướp “ đi cái ” khí thế” của Việt Nam bởi vì hôm nay Việt Nam mới ra trình bày vấn đề của mình. Thành ra đứng về mặt tin tức thì những tin tức đã dồn hết trong buổi hội thảo hôm qua của các thành phần dân chủ cộng với các tổ chức phi chính phủ trên thế giới không những ở Mỹ mà cả Âu Châu như UN Watch, Chapter 19 vân vân… Những tin tức đó, cộng thêm sự kiện tiến sĩ Phạm Chí Dũng không được rời Việt Nam mà đến hôm qua định nói chuyện qua Skype cũng bị ngăn chặn đã nói lên quá rõ sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Thành ra ngày hôm nay (5/2) dù Hà Nội có sắp xếp thế nào để cho những quốc gia thân thiện đặt những câu hỏi dễ chịu thì có thể nói cái sấm sét của vụ kiểm điểm định kỳ đã nằm trong tay của những người tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tại Mỹ, những lời hứa hẹn cải thiện và thăng tiến quyền con người mà Việt Nam đưa ra hồi 2009 thì bốn năm sau đang được nhắc lại và đang được duyệt xét bằng cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR hôm 5 tháng Hai:

Nhất là ở trong nước năm vừa rồi vấn đề đàn áp nhân quyền bắt giữ blogger này nọ …nó thô bạo hơn, nặng nề hơn. Không những chỉ người Việt Nam chú ý mà dư luận thế giới cũng nhiều hơn.

Lần đầu tiên mà có những phía đoàn ở trong nước ra, đó là cái đáng mừng, cái dấu hiệu tốt. Tôi quan niệm rằng không phải chỉ có kỳ kiểm điểm này là chấm dứt mà đây là một biến cố có sự bắt tay trong và ngoài một cách cụ thể

ông Nguyễn Bá Tùng

Việc ông bộ trưởng ngoại giao Việt Nam nói rằng làm tốt cũng bị chỉ trích, nói rằng tập trung về Geneve cũng như lên tiếng là một âm mưu phá hoại thì đó là lập luận của họ lâu nay rồi. Nhưng mà đối với người Việt hải ngoại việc tập hợp là một sự đương nhiên. Cái may là cuộc vận động này có sự bắt tay trong và ngoài. Lần đầu tiên mà có những phía đoàn ở trong nước ra, đó là cái đáng mừng, cái dấu hiệu tốt. Tôi quan niệm rằng không phải chỉ có kỳ kiểm điểm này là chấm dứt mà đây là một biến cố có sự bắt tay trong và ngoài một cách cụ thể để làm một công tác đấu tranh còn dài.

Vẫn theo lời giám đốc điều phối Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam Nguyễn Bá Tùng, đối với người Việt hải ngoại nói riêng thì những hành vi độc đoán, nhũng nhiễu , bắt bớ, chà đạp nhân quyền của người dân trong nước đã vượt quá mức chịu đựng của người Việt hải ngoại.

Đã đến lúc, ông kết luận, người Việt sống tại những đất nước tự do và nhân bản phải nhân cơ hội kiểm điểm định kỳ UPR của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc để cất tiếng thay cho bao nhiêu người trong nước không được quyền lên tiếng tranh đấu cho những quyền lợi chính đáng và căn bản của mình.