Chủ tịch Nước VN Trương Tấn Sang nhìn nhận sai lầm chính sách lúa gạo xuất phát từ tư duy phải quyết liệt xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nhưng thực chất không mang lại lợi ích về kinh tế cũng như thu nhập của nông dân.
Sai lầm trong chính sách
Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã phát biểu như vừa nêu trong dịp gặp mặt 40 đại biểu Hội Doanh nhân trẻ tại Hà Nội vào ngày 31/8 vừa qua. Theo VnEconomy, ông Trương Tấn Sang đã bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề lúa gạo, sau khi ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược của Tập đoàn FPT phát biểu về chủ đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ông Hòa nhận định, đất nước 60 triệu dân đang sống ở nông thôn như Việt Nam mà để tam nông tụt hậu thì thật sự rất nguy hiểm.
Chủ tịch Trương Tấn Sang được VnEconomy trích lời nguyên văn: “Đi khảo sát đồng bằng sông Cửu Long 2-3 ngày, thì thấy lúa thóc khí thế xuất khẩu nhất nhì thế giới, mình ca ngợi suốt ngày, nhưng xuất 3 tỷ đô thì nhập ngô, đậu tương hơn hai tỷ, trời ơi nghe mà thiểu nảo luôn.” Ông Sang cũng đặt câu hỏi một cách buồn lòng: “ Bớt lúa trồng ngô, đậu tương, vừa giữ giá gạo, tuy không xuất khẩu 2-3 tỷ đô, nhưng dân có việc làm tốt, tạo thêm 2-3 tỷ đô ở trong nước thì không làm, cứ phải khí thế tiến lên quyết liệt phải đứng đầu thế giới mới được. Đứng đầu, đứng giữa, mức độ thôi, khí thế quyết liệt mà mở túi chả có đồng bạc nào.”
Ông Trương Tấn Sang nhìn nhận theo nguyên văn “ cái này tụi tôi có lỗi trước,” ông không trách doanh nghiệp cũng không đổ thừa cho dân chúng. Với cách nói của Chủ tịch Nước thì cả hệ thống chính trị từ Đảng tới Nhà nước và Chính phủ đã phạm sai lầm trong chính sách phát triển nông nghiệp.
Trong dịp trò chuyện với chúng tôi GSTS Võ Tòng Xuân một nhà nông học có uy tín ở đồng bằng sông Cửu Long nhận định:
“Ông Nhà nước nhất là Bộ Nông nghiệp thường bị thương đâu chích đó, chứ không có lo cho thân thể khỏe mạnh. Cái gốc của vấn đề là muốn làm sao cho nông dân có lợi tức, đáng lẽ phải nghĩ tới từ đầu hay từ ít nhất từ khi mới bắt đầu xuất khẩu gạo thì nên nghĩ tới cái tình huống bây giờ. Ai cũng biết trồng lương thực không thể nào giàu được, trên thế giới nước nào cũng vậy, cho nên phải tìm cách làm sao cho nông dân có lợi tức cao hơn. Nếu mỗi địa phương họ nghĩ tới cái GDP của họ thay vì nghĩ tới cây lúa thì cục diện khác liền. Cái đầu óc cây lúa nó ăn sâu vô từng ông nông dân cho tới những người từ nông dân ra làm chính quyền ở trên.”
Nông dân vẫn nghèo
Câu chuyện nông dân nghèo nhất xã hội sau hơn 25 năm đổi mới và vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp trở nên sôi nổi, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt đề án của Bộ NN-PTNT ngày 10/6 vừa qua. Thanh Niên Online ngày 4/9 đưa lên mạng bài “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp: Nông dân chưa được ‘tái’thu nhập”. Các chuyên gia nông nghiệp được tờ báo trích lời đã cho người đọc báo có cảm tưởng rằng, Bộ NN-PTNT soạn ra một đề án tái cơ cấu đi ngược lại quyền lợi nông dân khi rất lập lờ về thu nhập của nông dân.
Theo Thanh Niên Online, GSTS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho rằng cái cần phải thay đổi nhất hiện nay là làm sao để nông dân có thu nhập cao, nhưng trong đề án lại không rõ lắm. GSTS Bùi Chí Bửu nhận định, khó giữ nông dân với đồng ruộng vì ngay ở đồng bằng sông Cửu Long, thu nhập bình quân đầu người của nông dân chỉ đạt 535.000đ một tháng, tính ra một ngày chỉ có 17.800 đồng tương đương 0,81 USD hay chỉ bằng giá nửa tô phở hiện giờ. Một số liệu so sánh khác được nêu ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng hơn 1.600 USD/năm nhưng thu nhập bình quân đầu người của nông dân mới chỉ đạt 480 USD/năm.
Theo Thanh niên Online, trong toàn bộ Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp được Thủ tướng phê duyệt dài 16 trang, thu nhập của người nông dân chỉ được đề cập đến một lần là “đến năm 2020, thu nhập của hộ gia đình nông thôn tăng 2,5 lần với năm 2008. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại so với năm 2008 mà không cập nhật hơn như mốc thời gian 2012-2013. Tại sao lại không phải là thu hẹp khoảng cách với mức bình quân chung của cả nước. Tờ báo nêu ý kiến là nếu như đề án tái cơ cấu nông nghiệp được thực hiện thành công thì đến năm 2020 thu nhập của người dân nông thôn vẫn nghèo như hiện nay.
Người nông dân ngay tại đồng bằng sông Cửu Long nơi được tiếng là vựa lúa, vựa tôm cá xuất khẩu nuôi cả nước, giờ đây cũng cay đắng với cuộc sống.
Lúa bây giờ nó rẻ rề làm bị sụt hoài, hai chục công đất chẳng ra gì làm cho có cái no bụng thôi chứ ăn xài này kia thì khỏi…tình hình khó khăn nguy hiểm lắm.<br/> - Một nông dân <br/>
“Lúa bây giờ nó rẻ rề làm bị sụt hoài, hai chục công đất chẳng ra gì làm cho có cái no bụng thôi chứ ăn xài này kia thì khỏi…tình hình khó khăn nguy hiểm lắm.”
Liên quan tới vấn đề tái cơ cấu, tờ báo Đảng Saigon Giải Phóng ngày 5/9 đóng khung phát biểu của ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng NN-PTNT theo đó, đã đến lúc Việt Nam phải chuyển từ nền nông nghiệp tập trung cho sản lượng sang một nền nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, đặc biệt là giá trị gia tăng làm tăng thu nhập cho nông dân. Ông Bộ trưởng nhấn mạnh là vấn đề này thể hiện rất rõ trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy vậy các chuyên gia đã nhận xét rằng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà ông Bộ trưởng vừa đề cập vẫn mang nặng tư duy chạy theo số lượng. Nội dung Đề án cho thấy, lĩnh vực trồng trọt sẽ duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực, sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn vào năm 2020. Tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thởi mở rộng diện tích trồng bắp để đạt sản lượng 8,5 triệu tấn nhằm cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thanh Niên Online ngày 4/9, trích lời GSTS Bùi Chí Bửu nhận xét, Bộ Nông nghiệp vẫn suy nghĩ phải trồng lúa, diện tích 3,8 triệu ha, làm 3 vụ liên tục, vẫn muốn tăng năng suất song song với tăng chất lượng….Tái cơ cấu như vậy thì quả thật quá khó thành công.”
Hướng giải quyết
Trao đổi với chúng tôi về hướng giải quyết tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, GSTS Bùi Chí Bửu phát biểu:
“Hiện nay phải giải quyết một cách đồng bộ và có định hướng lâu dài chứ không thể giải quyết theo chiều rộng như trước đây được. Tôi nghĩ là phải đưa bà con nông dân vô làm hợp tác theo mô hình hợp tác xã hiện đại, bởi vì qui mô ruộng đất quá nhỏ chỉ khoảng 5.000m2 tới 1 ha cho một nông hộ, không thể làm gì cho kế hoạch lâu dài được. Cho nên muốn làm với đầu tư lớn thì chính phủ tập trung rất mạnh trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng tổ hợp tác rồi dần dần trở thành hợp tác xã bậc cao như ở Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật, ở đó họ đầu tư rất nhiều về tín dụng, có thể trở thành công ty lớn thì mới có thể giải quyết vấn đề đời sống chứ nông dân không thể nào dựa vào cây lúa mà tăng thu nhập được. Lâu dài mà muốn công nghiệp hóa ngành trồng lúa thì phải theo hình thức đó.”
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực, nhưng hiện nay các cuộc hội thảo chú trọng nhiều về lĩnh vực trồng trọt. Có lẽ liên quan đến thời sự nóng trong thời gian qua vì sản lượng lúa dư thừa, xuất khẩu gạo vẫn được tiến hành không ngừng, dù giá rẻ nhất thế giới và doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi vì bán giá thấp thì mua thấp. Chỉ có khâu đầu tiên trong sản xuất lúa là người nông dân bị thiệt thòi, còn các thành phần trung gian như thương lái, doanh nghiệp xay xát cung ứng và nhà xuất khẩu, mỗi người đều có phần lời của mình nhiều hoặc ít. Hơn nữa doanh nghiệp thực hiện mua tạm trữ gạo mỗi khi thu hoạch rộ còn được chính phủ cấp bù lãi suất vay vốn mua gạo.
Câu chuyện lúa gạo, doanh nghiệp và nông dân đã cuốn hút cả lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho đến doanh nhân Việt Kiều không chuyên về nông nghiệp. Ngày 3/9 trang mạng Phunutoday phỏng vấn TS Alan Phan, một người có 47 năm kinh nghiệm ở các thị trường phát triển như Mỹ, Trung Quốc. Mặc dù tự nhìn nhận là không hiểu biết về lãnh vực nông nghiệp lúa gạo, nhưng ông Alan Phan nhìn thấy ngay được sự bất thường trong khâu tiêu thụ xuất khẩu gạo ở Việt Nam.
Hiện nay phải giải quyết một cách đồng bộ và có định hướng lâu dài chứ không thể giải quyết theo chiều rộng như trước đây được. <br/> - GSTS Bùi Chí Bửu<br/> <br/>
Đó là cơ chế độc quyền ngầm thông qua vai trò của VFA Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Theo ông Alan Phan, muốn hành động để cho thị trường tốt hơn thì điều cần làm vẫn là phá thế độc quyền của VFA, để trăm hoa đua nở. Lúc đó VFA muốn cạnh tranh họ cũng phải đưa ra chính sách mua và bán hợp lý không có chuyện bị lỗ. Theo TS Alan Phan, muốn dẹp bỏ nhóm lợi ích thì cần cởi mở nền kinh tế thị trường đích thực, nếu cứ làm theo kiểu hiện nay thì tạo ra nhiều vấn đề. Nếu mọi người cùng nhau cạnh tranh thì đương nhiên nhóm lợi ích sẽ bớt quyền đi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải từng có nhận định về vấn đề độc quyền kinh doanh những mặt hàng quan trọng. Bà nói:
“Điển hình nhất là lúa gạo giao cho Hiệp hội Lương thực (VFA) có quyền quá lớn trong việc quyết định về giá cả, quyết định về các thương vụ kinh doanh lớn, họ dùng vị thế của họ như vậy làm cho Hiệp hội nằm trong sự chi phối của một số Tổng công ty Lương thực lớn của Nhà nước như Tổng Công ty Lương thực I, Tổng Công ty Lương thực II. Như vậy cũng có phần nào lấn áp các doanh nghiệp khác cũng kinh doanh lúa gạo và như vậy kết quả thua thiệt cuối cùng bao giờ cũng là nông dân.”
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam với đề án của Bộ NN-PTNT có vẻ còn quá nhiều câu hỏi đầy hoài nghi của giới chuyên gia. Dù mới chỉ đánh giá sơ bộ về lĩnh vực trồng trọt. Các chuyên gia ví von đây vẫn là hình thức sơ cứu, băng bó tạm thời, chứ chưa có hướng điều trị lâu dài. Bởi vì điều cốt lõi là vấn đề ruộng đất được phân chia nhỏ lẻ và nông dân không thực sự sở hữu ruộng đất của mình, khiến cho việc sản xuất tập trung qui mô lớn trở thành một nan đề.