Danh sách cuối cùng ba nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam còn lại sau chức vụ tổng bí thư Đảng đều như dự đoán đưa ra trước kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 13; đó là ông Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử chức thủ tướng và ông Nguyễn Sinh Hùng sang nắm chủ tịch quốc hội.
Ngay sau khi danh sách chính thức được đưa ra vào đầu tuần này, thì một số hãng thông tấn quốc tế có bài viết về những nhân vật không lấy gì làm mới trong cấp lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đó.
Vậy những đánh giá đó ra sao và ý kiến của một số người dân quan tâm đến tình hình đất nước trước thành phần nhân sự đó thế nào? Gia Minh trình bày trong phần sau.
Quốc hội bỏ phiếu tượng trưng
Hãng thông tấn AFP của Pháp loan tin hôm thứ ba cho rằng quốc hội độc đảng của Việt Nam đã thông qua việc để ông Nguyễn Tấn Dũng đảm nhận chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, một nhà chính trị được cho là có quyền lực nhất của đất nước vào lúc tình hình kinh tế bất ổn.
Tôi rất mong các vị đại biểu mới xem xét một cách cụ thể để người dân có quyền nói lên tiếng nói của bảo vệ chủ quyền của họ. Mà hành động nhỏ nhoi nhất là biểu tình.
Bà Lê thị Kiều Oanh
Cuộc bỏ phiếu của quốc hội mang tính cách tượng trưng đó không làm ai ngạc nhiên cả, và ông Nguyễn Tấn Dũng cũng là ứng viên duy nhất cho chức vụ thủ tướng đó.
Vừa qua về mặt đảng, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tái đắc cử vào Bộ Chính trị gồm 14 thành viên. Ông nhận được ủng hộ từ giới công an và quân đội nên tránh được những thách thức trong cương vị thủ tướng trong nhiệm kỳ vừa qua với những tai tiếng như vụ Vinsahin, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, vỡ nợ hơn 4 tỷ đô la, hay những vụ tham nhũng PCI, rồi vụ in tiền polymer mà phía Úc phải lót tay cho nhiều quan chức ngân hàng Việt Nam với hằng triệu đô la...
Ông Trương Tấn Sang được bầu vào chức chủ tịch nước thay cho ông Nguyễn Minh Triết nghỉ hưu. Tuy nhiên ở Việt Nam, chức chủ tịch nước không có thực quyền và mang tính biểu tượng mà thôi. Dầu thế, sau khi được đưa vào chức vụ này ông đã trả lời phỏng vấn báo chí và nói rõ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là một quyền bất khả xâm phạm. Bài trả lời phỏng vấn của ông được nhiều báo trong nước cho là thẳng thắn không né tránh vấn đề. Vừa qua, ông Trương Tấn Sang cũng có câu nói được nhiều người nhắc lại khi ông ví tình trạng tham nhũng thối nát tại Việt Nam hiện nay do một đàn chứ không phải một con sâu làm rầu nồi canh như câu nói cửa miệng của người dân Việt bấy lâu nay.
Trong khi đó phần ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, là người từng có câu nếu kỷ luật hết những người vi phạm thì lấy đâu ra người làm việc, được một số báo chí lề trái tức các trang blog cho rằng phát biểu của ông tại kỳ họp quốc hội hiện nay hàm ý mọi việc đều đo tập thể Đảng lãnh đạo quyết.
Bà Lê thị Kiều Oanh, vợ của giảng viên Phạm Minh Hoàng hiện đang phải bị giam chờ ngày ra tòa xét xử về tội âm mưu lật đổ chính quyền, phát biểu với tư cách công dân về thành phần nhân sự lãnh đạo:
“Tôi phát biểu với tư cách cá nhân người dân bình thường thôi, vì cái nhìn của tôi không thể khái quát như người khác. Nay có những đại biểu quốc hội mới. Tôi xem báo có thấy tân chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định chủ quyền đất nước là bất khả xâm phạm. Ông đại biểu Dương Trung Quốc có đề nghị xem lại luật biểu tình. Tôi rất mong các vị đại biểu mới xem xét một cách cụ thể để người dân có quyền nói lên tiếng nói của bảo vệ chủ quyền của họ. Mà hành động nhỏ nhoi nhất là biểu tình.
Tôi thấy ở các nước Phương Tây việc nói lên tiếng nói của mình là nhân quyền căn bản. Tôi mong đất nước tôi sớm được như vậy.
Qua sự việc của chồng tôi, tôi thấy chồng tôi dù có những tiếng nói phản kháng đi ngược lại quan điểm của Nhà Nước mà tôi không thể khẳng định đúng hay sai; nhưng dù có quan điểm đi ngược lại cũng phải tôn trọng và biết lắng nghe.”
Ân Xá Quốc tế lo ngại
Cái chuyện chính họ có nghĩ trong đầu nhưng họ sợ. Họ sợ mất hết quyền lợi nên không dám làm, thứ nữa họ sợ ông anh Trung Quốc, bên kia chưa làm thì chưa thể làm.
Nhạc sĩ Tô Hải
Bản tin của hãng thông tấn AFP vào ngày 26 tháng 7, trích dẫn ý kiến của Tổ chức Ân Xá Quốc tế cho biết giới hoạt động tranh đấu tại Việt nam lo ngại việc ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử chức thủ tướng, và là vị thủ tướng thứ bảy của Việt Nam, báo trước biện pháp tấn công thêm nữa vào các quyền tự do tại đất nước nơi mà hằng chục người lên tiếng chỉ trích chính trị đang bị tù tội kể từ năm 2009 cho đến nay. Đặc biệt trước kỳ đại hội đảng cộng sản Việt Nam hồi tháng giêng vừa qua, cũng diễn ra một đợt trấn áp giới đấu tranh cho dân chủ nhân quyền trong nước.
Một nhà ngoại giao Châu Á, không muốn nêu danh, được AFP trích dẫn nói rằng việc tái đắc cử của ông Nguyễn Tấn Dũng có thể hàm nghĩa một thời gian khó khăn hơn cho giới bất đồng chính kiến; nhưng vị thế mạnh của ông cũng có thể giúp ông thúc đẩy ‘phương thuốc đúng’ cho nền kinh tế.
Trong khi đó tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng thủ tướng sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn lao về kinh tế, mà trong nhiệm kỳ đầu của ông ta đã bất ổn khá nhiều.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu ra vô vàn những bất cập kinh tế gồm có tình trạng lạm phát phi mã, thâm thủng mậu dịch lớn lao, thâm thủng ngân sách và tài khỏan vãng lai, thâm hụt ngân sách và nguồn nợ nước ngoài gia tăng. Và theo ông Lê Đăng Doanh thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang trên bờ vực phá sản.
Phòng Thương Mại Công nghiệp Châu Âu vào ngày thứ hai vừa qua cho biết miền tin của doanh giới thành viên đối với thị trường Việt Nam tiếp tục giảm sút.
Lạm phát của Việt nam hiện được cho là cao nhất trên thế giới, ở mức 22% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm ngóai. Do cuộc sống khó khăn số các cuộc đình công của giới công nhân gia tăng nhanh chóng.
Nhạc sĩ Tô Hải, một người từng trải qua các thời kỳ tại Việt Nam từ những ngày đầu cách mạng tháng tám năm 1945 đến nay tỏ ra không tin tưởng gì vào hàng ngũ lãnh đạo chóp bu mới được chính thức công khai tại Việt Nam:
“Cái chuyện chính họ có nghĩ trong đầu nhưng họ sợ. Họ sợ mất hết quyền lợi nên không dám làm, thứ nữa họ sợ ông anh Trung Quốc, bên kia chưa làm thì chưa thể làm...”
Một nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam là Linh mục Phan Văn Lợi thì cho rằng cần phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề ở Việt Nam là cải cách chính trị, cho đa nguyên đa đảng:
“Cho dù ai là ai, ông nào là ông nào, bao lâu vẫn những người của Đảng Cộng sản, và đảng Cộng sản vẫn là đảng cầm quyền, độc tài - độc đảng thì tất cả không thể ra ngoài khuôn khổ của Đảng Cộng sản, không thể có hy vọng gì về dân chủ cả. Việc thay đổi nhân sự đó chỉ là một ‘trò’ sắp xếp trong lòng Đảng Cộng sản mà thôi, để duy trì quyền lực. Cho dù ông nào lên cũng là độc tài, độc đảng, đàn áp dân chủ. Chúng tôi không có hy vọng gì thay đổi trong guồng máy và trong đảng.”
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, dù sau khi được bầu vào cương vị mới đã dành chuyến công du ngoại quốc đầu tiên sang Lào hồi tháng sáu vừa qua; thế nhưng ông này bị chỉ trích là có đường lối thân Trung Quốc. Và chuyến đi tới đây của ông cũng sang Trung Quốc.
Trong khi đó theo chuyên gia Benoit de Treglode thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương đại, trụ sở tại Bangkok, thì tam đầu chế mới Sang – Dũng - Trọng là một chiến thắng chính trị cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng không cần ai cả.