Trương Minh Tam: “Tù nhân lương tâm bị đối xử như súc vật”

0:00 / 0:00

Ông Trương Minh Tam, một thành viên của Con đường Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự bảo vệ quyền con người, đang có mặt ở Mỹ và tham gia vận động cho các tù nhân lương tâm Việt Nam. Phóng viên Hải Ninh phỏng vấn ông Tam về chuyến đi này và tình cảnh tù nhân chính trị Việt Nam sau đây.

Vi phạm nhân quyền trong các trại giam

Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Trước hết, xin ông cho biết những hoạt động của Con đường Việt Nam và hoạt động của ông tại Mỹ lần này?

Trương Minh Tam: Phong trào Con đường Việt Nam là một tổ chức xã hội dân sự do những trí thức trong nước sáng lập ra như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định. Mục tiêu của Con đường Việt Nam là bảo vệ quyền con người và thông qua sự bảo vệ quyền con người đó sẽ thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam phát triển tốt hơn.

Tham gia với tư cách thành viên của Con đường Việt Nam thì đương nhiên tôi sẽ phải thực hiện các sứ mệnh bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, bằng trải nghiệm một năm đi tù thì tôi chọn cho mình một cái mảnh là bảo vệ quyền của tù nhân lương tâm Việt Nam hay nói chính xác hơn là tù nhân chính trị tại Việt Nam.

Nói về vật chất thì các điều kiện sống của họ không được đảm bảo các chế độ sinh hoạt như thức ăn nó hết sức bẩn thỉu và dơ ôi. Môi trường sinh sống thì họ bị giam trong các buồng biệt giam hết sức nhỏ từ 2-4 mét vuông cho hai người và họ phải thường xuyên chung sống với một tù hình sự. <br/> -Trương Minh Tam

Hải Ninh: Sau một thời gian làm việc với những tù nhân lương tâm, ông có thể nói cho các khán, thính giả của đài RFA về tình trạng các tù nhân lương tâm Việt Nam hay không, đặc biệt là những người bị biệt giam?

Trương Minh Tam: Luật pháp Việt Nam thì không có sự phân biệt hà khắc đối xử nào đối với tù nhân nói chung và tù nhân chính trị nói riêng. Tuy nhân, bằng cái cảm nhận của mình trong một năm đi tù của mình thì tôi cảm thấy tình trạng vi phạm nhân quyền trong các trại giam Việt Nam thì nó diễn ra hết sức trầm trọng, đặc biệt là những người tù chính trị hoặc những nhà bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền. Tôi thấy cần phải gióng lên tiếng chuông báo động khẩn thiết với các cơ quan truyền thông cũng như dư luận trong và ngoài nước để cải thiện tình trạng quyền con người ở việt Nam phải được đảm bảo hơn.

[Những người tù nhân bị biệt giam] bị đối xử như những con súc vật. Điều kiện sống về vật chất và tinh thần của họ đều không được đảm bảo. Nói về vật chất thì các điều kiện sống của họ không được đảm bảo các chế độ sinh hoạt như thức ăn nó hết sức bẩn thỉu và dơ ôi. Môi trường sinh sống thì họ bị giam trong các buồng biệt giam hết sức nhỏ từ 2-4 mét vuông cho hai người và họ phải thường xuyên chung sống với một tù hình sự. Tù hình sự không có nhiệm vụ gì khác mà là một camera theo dõi đặc biệt của người cộng sản đối với những tù nhân chính trị này.

Về đời sống tinh thần thì cũng hết sức khó khăn. Toàn bộ đời sống tinh thần của họ như các loại sách báo, tv hay các phương tiện nghe nhìn đều bị tước đoạt. Đồng thời là các thư từ gửi từ bên ngoài gửi vào đều không được tiếp cận hoặc được tiếp cận một cách hạn chế cho nên tôi thấy đời sống kể cả vật chất và tinh thần đều rất trầm trọng.

Ông Trương Minh Tam tại trụ sở RFA ở Washington DC hôm 12/6/2015. RFA PHOTO.
Ông Trương Minh Tam tại trụ sở RFA ở Washington DC hôm 12/6/2015. RFA PHOTO.

Hải Ninh: Việc bị biệt giam này ảnh hưởng thế nào tới các tù nhân và gia đình của họ. Và liệu những người dân bình thường VN có biết đến điều đó hay không?

Trương Minh Tam: Tình trạng trầm trọng này thì cả gia đình và xã hội ít được biết tới. Bằng cách giam cầm đặc biệt thì người cộng sản đang cố gắng bưng bít những thông tin đó. Tôi xin nêu một ví dụ là khi có thông tin về các tù nhân này bị rò rỉ ra ngoài thì ngay lập tức những tù nhân này được chuyển sang một trại giam khác, và đặc biệt hơn là họ được chuyển từ xa ra rất xa gia đình.

Ở Việt Nam có một luật bất thành văn là tù nhân chính trị miền nam sẽ được chuyển ra miền bắc để thực hiện bản án. Những tù nhân miền bắc thì được chuyển vào miền nam. Không phải để hạn chế quyền thăm gặp nhưng mà đương nhiên trong điều kiện đời sống kinh tế Việt Nam rất khó khăn, thì việc đi lại rất tốn kém và đương nhiên người ta không thể tới thăm tù nhân một cách thường xuyên được.

Đơn cử trường hợp của ông Đặng Xuân Diệu, sau khi tôi ra tù thì tôi có gióng tiếng chuông báo động về tình trạng sức khoẻ của ông rất nguy cấp và ông có thể bị tước đoạt mạng sống bất cứ lúc nào, sau khi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ thì ông đã được chuyển từ trại giam Thanh Hoá sang trại giam Xuyên Mộc. Hiện nay chúng tôi phải vượt khoảng 1.500 km thì mới có thể viếng thăm ông ấy hàng tháng.

Kêu gọi quốc tế gây sức ép lên nhà cầm quyền VN

Hải Ninh: Vậy thì trước tình cảnh của các tù nhân lương tâm đó, tổ chức Con đường Việt Nam cùng chuyến đi lần này của ông sẽ giúp được gì cho họ?

Mục tiêu chuyến đi này tôi đặt trọng tâm vào việc vận động quốc tế, kêu gọi các luật sư cũng như các vị dân biểu và các tổ chức quốc tế khác, có một tiếng nói mạnh mẽ, gây sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản buộc nới lỏng các hình thức giam cầm với các tù nhân này, đảm bảo cho họ các quyền con người. <br/> -Trương Minh Tam

Trương Minh Tam: Vẫn phải nhắc lại một chút là phong trào Con đường Việt Nam là phong trào bảo vệ quyền con người, cá nhân tôi thì chọn mảng tù nhân lương tâm nên mục tiêu chuyến đi này tôi đặt trọng tâm vào việc vận động quốc tế, kêu gọi các luật sư cũng như các vị dân biểu và các tổ chức quốc tế khác, có một tiếng nói mạnh mẽ, gây sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản buộc nới lỏng các hình thức giam cầm với các tù nhân này, đảm bảo cho họ các quyền con người.

Nếu trong điều kiện có thể, tôi kỳ vọng có phóng thích, đặc biệt như trường hợp Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn thì tôi nghĩ họ phải được đối xử nhân đạo, bởi vì họ tuyệt thực khá là dài, sức khoẻ khá là yếu, họ phải được phóng thích ra ngoài để chữa bệnh, sau đó được tiếp tục thực hiện cái bản án khá là dài ngày của họ. Ví dụ như chị Tạ Phong Tần thì cũng còn hơn 10 năm nữa. Ông Đặng Xuân Diệu cũng còn hơn 10 năm tù nữa.

Hải Ninh: Ông có lo ngại khi về Việt Nam sẽ bị chính quyền gây khó dễ hay không?

Trương Minh Tam: Tất cả các hoạt động của chúng tôi đều bị nhà cầm quyền coi là hoạt động chống đối, còn danh từ đúng mức thì chúng tôi là những nhà bất đồng chính kiến. Ngay trước chuyến đi thì chúng tôi đã nằm trong diện bị theo dõi rồi. Tuy nhiên chuyến đi này của tôi cũng nhận được sự "quan tâm khá sâu sắc" của nhà cầm quyền. Bản thân gia đình tôi thì chưa bị sự hăm doạ, sách nhiễu nào nhưng một thành viên đi cùng đoàn là mục sư Nguyễn Mạnh Hùng thì đã bị nhà cầm quyền đến sách nhiễu và đập phá gia cảnh. Còn tôi thì thường xuyên bị nhân viên công vụ đến thăm hỏi hơi bị bất thường và tôi cũng khuyến cáo họ là tôi cho đấy là một hình thức khủng bố tinh thần mặc dù tôi thừa nhận rằng gia đình tôi không bị một hình thức hăm doạ, sách nhiễu nào.

Tôi nghĩ việc trở về của tôi sẽ có chút khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng làm việc với họ một cách minh bạch nhất và tôi yêu cầu họ đảm bảo quyền con người cho tôi và con người tôi và hy vọng họ không làm quá mức nhất là trong tình cảnh thế giới quan tâm tới tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Hải Ninh: Xin chúc ông mọi chuyện suôn sẻ. Và xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.