Thương hiệu Nước Mắm Phú Quốc bị xâm hại

Thương hiệu Nước Mắm Phú Quốc của Việt Nam tiếp tục bị nước ngoài xâm hại và lần này là một công ty Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền ở Hồng Kông.

0:00 / 0:00

Dư luận bất bình

Sau vụ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vào tay người Trung Quốc, dư luận càng bất bình hơn khi báo chí đưa tin “Nước mắm Phú Quốc” được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Trung Quốc bởi một doanh nghiệp Hồng Kông và đang trong giai đoạn chờ cấp chứng nhận bảo hộ.

Vụ việc này cũng do Công ty Luật Bross và Cộng sự trụ sở ở Hà Nội phát hiện qua tìm kiếm dữ liệu trên mạng. Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc phụ trách sở hữu trí tuệ của Bross và Cộng sự phát biểu:

Các nước khác như Thái Lan họ sử dụng tên nước mắm Phú Quốc và được nhập khẩu ở Mỹ, chúng tôi sẽ đề nghị Nhà nước Việt Nam có ý kiến và văn bản gởi cho phía Thái Lan.

Nguyễn Thị Tịnh

“Đây mới là thông tin sơ bộ mà chúng tôi cung cấp để hiệp hội lưu ý, có lẽ họ sẽ chờ ý kiến Cục Sở hữu Trí tuệ nên chắc là phải chờ một thời gian nữa. Những sự việc này là nghiêm trọng, chắc chắn các cơ quan Nhà nước sẽ sớm phải bảo vệ những chỉ dẫn địa lý lớn của mình ở nước ngoài.”

Theo Luật sư Lê Quang Vinh, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Trung Quốc ngày 11/5/2011 theo số 9448516 cho sản phẩm thuộc nhóm 30 (nhóm có chứa sản phẩm nước mắm) dưới tên doanh nghiệp Hồng Kông ‘Viet Huong Trading Company Limited’.

Được biết, theo qui định của Trung Quốc, nhãn hiệu đăng ký sẽ được cấp bảo hộ nếu địa danh Phú Quốc trong trường hợp này chưa phải là nổi tiếng đối với cộng đồng người dân Trung Quốc.

Ông Trần Việt Hùng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, phát biểu với chúng tôi từ Hà Nội:

nuoc-mam-3Phu_Quoc250.jpg
Sản xuất nước mắm tại Phú Quốc, Kiên Giang. Photo courtesy of yeudulich.

“Hiện nay có một số chỉ dẫn địa lý thuộc về quyền của chính quyền địa phương, thông qua các hiệp hội và một số tổ chức thì cái nhậy bén về đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể nó chưa nhanh nhậy, nên có thể đã có sự chậm trễ nhất định. Chúng tôi sẽ có biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc bảo hộ ra nước ngoài của những loại nhãn hiệu như vậy.”

Chính quyền chậm trễ

Nước mắm chính hiệu sản xuất ở Phú Quốc có sản lượng mỗi năm từ 16 tới 18 triệu lít trên tổng sản lượng nước mắm 200 triệu lít đủ loại xuất xứ của cả nước.

Còn phần của Việt Hương xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nước mắm Phú Quốc, thì Nhà nước Trung Quốc chưa chấp nhận.

Nguyễn Thị Tịnh

Không phải đến bây giờ chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc mới bị nước ngoài tiếm đọat. Trong giai đoạn Việt Nam còn bị Hoa Kỳ cấm vận từ 1975-1994, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc đã bị các công ty Thái Lan sử dụng để xuất khẩu sang Châu Âu và Hoa Kỳ, việc này vẫn còn tiếp diễn đến nay.

Hơn 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài sử dụng nước mắm trong bữa cơm hàng ngày, phần lớn là nước mắm Phú Quốc được sản xuất và xuất khẩu từ Thái Lan hoặc Hồng Kông. Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc một đảo thuộc tỉnh Kiên Giang được cấp quyền bảo hộ quốc gia Việt Nam từ năm 2001, nhưng một lọat các thủ tục hành chánh tiếp theo sau đó mất thời gian tới vài năm.

Trả lời Nam Nguyên tối 19/9, bà Nguyễn Thị Tịnh Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc từ Kiên Giang phát biểu:

“Nói chung các nước khác như Thái Lan họ sử dụng tên nước mắm Phú Quốc và được nhập khẩu ở Mỹ, chúng tôi sẽ đề nghị Nhà nước Việt Nam có ý kiến và văn bản gởi cho phía Thái Lan. Còn phần của Việt Hương xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nước mắm Phú Quốc, thì Nhà nước Trung Quốc chưa chấp nhận. Điều này tôi nghe từ thông tin báo đài vậy thôi, còn thẩm định việc này có hay không là của cơ quan chức năng, nếu có thì chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam để có ý kiến với Nhà nước Trung Quốc về vấn đề này.”

11-250.jpg
Nước mắm Phú Quốc tại thị trường Việt Nam. Courtesy angiang.vn

Bà Nguyễn Thị Tịnh không đề cập tới việc đòi lại tên gọi nước mắm Phú Quốc đã và đang bị tiếm đoạt từ vài chục năm qua là khó khăn đến mức nào. Tuy nhiên bà rất tự hào về đặc sản nước mắm Phú Quốc của quê hương mình:

“Nước mắm Phú Quốc…khai thác đánh bắt trong vùng biển Phú Quốc Kiên Giang, chượp bằng con cá cơm tươi với tỷ lệ muối ướp thích hợp để lên men tự nhiên trong thùng gỗ từ 10 tới 12 tháng mới cho ra sản phẩm.”

Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc là nhãn hiệu đầu tiên được bảo hộ quốc gia ở Việt Nam năm 2001, từ lúc còn gọi tên là bảo hộ xuất xứ hàng hóa. Nhưng trên thực tế phải đến năm 2005 Bộ Thủy sản mới ban hành qui chế tạm thời về kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc. Cùng với sự chậm trễ này, tới 2010 Hội nước mắm Phú Quốc và Tỉnh Kiên Giang mới xúc tiến hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể này ra nước ngoài và cụ thể là các nước EU. Theo lời bà Nguyễn Thị Tịnh, hiện nay Hội nước mắm Phú Quốc vẫn đang chờ phản hồi từ cơ quan hữu trách của EU.