Tỉ lệ nợ công của Việt Nam đã cận kề 65% GDP là mức tối đa được phép, những hệ lụy và giải pháp tháo gỡ sẽ như thế nào?
T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương dành cho Vũ Hoàng một cuộc phỏng vấn. Trước hết, T.S Lê Đăng Doanh nhận định về tình hình nợ công thời điểm hiện nay:
Nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây đã tiến rất nhanh và đã trở thành một mối quan ngại chung của các chuyên gia kinh tế và của công luận ở Việt Nam. Trước hết là số nợ công mà bộ Tài Chính công bố là số nợ của nhà nước và nhà nước bảo lãnh bao gồm nợ nước ngoài và nợ trái phiếu chính phủ trong nước, trong đó, nợ trái phiếu chính phủ trong nước là tương đối ngắn hạn và có lãi suất cao, cho nên yêu cầu chi trả nợ hàng năm cũng tăng lên rất nhanh, yêu cầu đó trong năm nay và 2015 đã lên tới 25% của chi ngân sách, đây là một tỉ lệ hết sức cao. Điều thứ hai đáng lo ngại là số nợ công mà bộ Tài Chính công bố lại không gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước, mà nợ của doanh nghiệp Nhà nước không trả được cũng phải do Nhà nước trả, nghĩa là cũng sẽ trở thành nợ công, đây là một tình huống rất phức tạp, nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp Nhà nước cộng vào thì số nợ công của Việt Nam hiện nay đã lên đến mức trên 105% của GDP và đó là một tỉ lệ quá cao.
Nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây đã tiến rất nhanh và đã trở thành một mối quan ngại chung của các chuyên gia kinh tế và của công luận ở Việt Nam. <br/> - T.S Lê Đăng Doanh
Mới đây, Chính phủ đã đề nghị với Quốc hội có thể dùng ngân sách để chi trả số nợ của doanh nghiệp Nhà nước không thể thanh toán được, điều này được công bố trên báo chí đã gây ra sự quan ngại rất sâu sắc trong công luận và nói chung người dân không đồng tình.
Vũ Hoàng: Thưa T.S Lê Đăng Doanh, tỉ lệ nợ công cao đến như vậy, theo ông những ảnh hưởng đối với các chính sách vĩ mô mà Chính phủ thực hiện trong thời gian tới sẽ bị tác động ra sao?
T.S Lê Đăng Doanh: Đối với nợ công đã cao như vậy và đáng chú ý, cách đây khoảng 1 tháng, ông bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có công bố rằng Chính phủ đang cân nhắc có thể vay nợ mới để trả nợ cũ, tức là để đảo nợ. Điều này, có thể có một sự hợp lý nhất định. Trong tình thế lãi suất trên thị trường thế giới ở mức thấp hơn cách đây khoảng 10 năm, nhưng việc chúng ta không thể trả được nợ, mà phải vay nợ mới để trả nợ cũ, tức là cộng thêm một gánh nợ nữa thì ấy không phải là một ưu điểm và đây là một lý do lo ngại. Để xử lý nợ này, Chính phủ cần phải có một đề án trình ra khi họp Quốc hội trong thời gian tới và có một phương án hết sức rõ ràng rằng cái gì để có thể trả được nợ.
Vũ Hoàng: Nếu trong trường hợp, những biện pháp thực hiện không được Quốc hội thông qua và VN đối mặt hoàn toàn với khả năng không trả được nợ thì lúc này, viễn cảnh sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?
T.S Lê Đăng Doanh: Chính phủ có những khả năng, thí dụ như có thể sẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và dùng số vốn thu được ở đấy để mà trang trải nợ. Nếu không, Chính phủ phải có phương án là vay quỹ Tiền tệ Quốc tế hay một định chế quốc tế nào đó để có thể trang trải được, nhưng đây là phương án mà cho đến nay Chính phủ vẫn chưa đề xuất và cũng chưa có sự nghiên cứu, hiện nay, phương án đó ở Việt Nam vẫn coi như đang bị bác bỏ. Còn những phương án nào khác nữa, thì cho đến nay tôi chưa thấy Chính phủ đề xuất ra.
Vũ Hoàng: Như ông vừa phân tích thì đó là dưới góc nhìn của các nhà lập chính sách vĩ mô, nhưng dưới góc nhìn của ông – những nhà nghiên cứu kinh tế có tâm huyết từ nhiều năm đề cập nhiều đến vấn đề nợ công hay bất ổn kinh tế vĩ mô, thì quan điểm đánh giá và giải quyết góc nhìn của ông thì thế nào ạ?
Tôi nghĩ rằng, việc giải quyết vấn đề nợ công của Việt Nam đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách trước mắt và những biện pháp tái cơ cấu lâu dài...<br/> - T.S Lê Đăng Doanh
T.S Lê Đăng Doanh: Trước hết, cần phải có điều chỉnh ngay những khoản chi ngân sách. Hiện nay, Việt Nam có tỉ lệ sử dụng ngân sách Nhà nước tương đối cao trong khu vực, tức là tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước của Việt Nam chiếm một tỉ lệ tương đối cao so với phần trăm GDP và đấy là một gánh nặng đối với người dân. Thứ hai, chi thường xuyên của ngân sách chiếm đến 72% tổng số chi, như vậy, chỉ còn lại 28%, mà 25% sẽ phải chi để trả nợ, như vậy, chỉ còn 3% để đầu tư, đây là điều hết sức đáng lo ngại, nếu như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể công nghiệp hóa được và Việt Nam sẽ phải có những biện pháp để giảm những khoản chi thường xuyên. Điểm thứ ba, cần phải tái cấu trúc đầu tư công và phải có những biện pháp để giám sát đầu tư công, để đầu tư công hiệu quả hơn. Cho đến nay, Nhà nước vẫn muốn trực tiếp tham gia vào quá trình kinh doanh, Nhà nước vẫn muốn trực tiếp nắm doanh nghiệp Nhà nước, vẫn tự quyết định phát triển ngành bia, nước ngọt… như thế nào, vẫn tự quyết định phát triển ngành dệt may như thế nào… đó là những ngành mà ở một nền kinh tế thị trường không cần có vai trò của Nhà nước.
Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đưa ra ý tưởng là Nhà nước phải trở thành người kiến tạo sự phát triển chứ không phải người trực tiếp chèo thuyền, ý tưởng đó cần phải được thực hiện trong việc cải cách trong thời gian tới đây, tức là, Nhà nước chỉ chăm lo phúc lợi xã hội và làm những việc mà khu vực tư nhân không làm, còn những việc gì mà khu vực tư nhân làm được thì để khu vực tư nhân làm.
Tôi nghĩ rằng, việc giải quyết vấn đề nợ công của Việt Nam đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách trước mắt và những biện pháp tái cơ cấu lâu dài, những điều đó sẽ làm cho Nhà nước Việt Nam trải qua một cuộc cải cách hết sức mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn cả kỳ đổi mới cách đây 30 năm.
Vũ Hoàng: Một lần nữa, chúng tôi cám ơn T.S Lê Đăng Doanh đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.