Thêm 39 người Việt tị nạn ở Thái Lan được nhận sang Canada

0:00 / 0:00

Sau tám năm chờ đợi, chiều thứ Ba 25/11 vừa qua thêm 39 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan hơn hai thập niên qua đã đặt chân xuống phi trường quốc tế Vancouver của Canada, trở thành những người định cư rất mới ở xứ sở này.

Những người vừa tới Vancouver hôm thứ Ba 25 là đợt thứ nhì gồm 39 người. Đợt đầu tiên với 28 người đã tới Vancouver hôm 13 tháng này.

Đồng hương giúp đỡ

Tất cả nằm trong số 105 người từ Việt Nam chạy sang Thái Lan xin tị nạn rồi trở thành những kẻ cư trú bất hợp pháp 25 năm nay. Nhờ sự vận động pháp lý của luật sư Trịnh Hội thuộc tổ chức VOICE 8 năm về trước, cuối cùng họ được chính phủ Thái Lan cấp giấy xuất cảnh cho đi một nước khác sau khi trải qua mấy ngày bị tạm giữ rong nhà tù của Sở Di Trú Thái cũng như đã nộp phạt 200 đô la về tội sống bất hợp pháp ở Thái.

Đây là những anh chị đã ở Thái Lan 25 năm rồi nên vừa mới bước xuống thì mọi người rất xúc động và quý anh chị cũng rất là cảm kích cộng đồng người Việt ở đây đã mở rộng vòng tay. <br/> -Đỗ Kỳ Anh

Tưởng cần nói rõ trong nhóm có 35 là dân tị nạn Việt Nam, 4 người Thái là vợ con của họ, tổng cộng 39 người.

Ra đón những người mới đến là nhóm thiện nguyện viên của VOICE ở Vancouver. Chủ tịch VOICE ở Vancouver, anh Đỗ Kỳ Anh, cho biết chuyến bay chở 39 người này đã quá cảnh Philippines trên đường đến Canada:

“Trong 39 người này có 12 người ở lại Vancouver, 12 người đi Toronto, 7 người đi Calgary, số còn lại sẽ đi Edmonton. Đây là những anh chị đã ở Thái Lan 25 năm rồi nên vừa mới bước xuống thì mọi người rất xúc động và quý anh chị cũng rất là cảm kích cộng đồng người Việt ở đây đã mở rộng vòng tay để giúp những người này.”

Như đã nói trước, chính phủ Canada chỉ chấp nhận những người mà VOICE vận động định cư với điều kiện cứ một người tị nạn phải năm người bảo trợ, chưa kể người Việt ở Canada phải trang trải từ lệ phí xuất cảnh, tiền vé máy bay, phí tổn khám sức khỏe, rồi thì lo nơi ăn chốn ở và giúp tìm công việc để người mới đến ổn định cuộc sống trong thời gian một năm đầu.

Chính vì lẽ đó, người Việt ở Canada nói riêng và người Việt tại các nước khác nói chung, đã tổ chức những buổi gây quỹ hầu có đủ phương tiện tài chánh lo cho đồng hương mới tới. Chỉ riêng tại Toronto, số tiền quyên góp đã lên tới 150.000 đô la. Chủ tịch VOICE Vancouver Đỗ Kỳ Anh:

Nhóm 39 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan hơn hai thập niên tại phi trường quốc tế Vancouver của Canada, ngày 25/11/2014. Courtesy VOICE Canada.
Nhóm 39 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan hơn hai thập niên tại phi trường quốc tế Vancouver của Canada, ngày 25/11/2014. Courtesy VOICE Canada.

“Nhân dịp này Kỳ Anh cũng xin phép thay mặt cho VOICE Canada cám ơn quý đồng hương khắp nơi trên thế giới đã cùng đóng góp. Ở Toronto cũng quyên góp được khoảng 150.000 đô la. Nếu kể ra từng nơi thì sẽ rất là nhiều. Đặc biệt cũng xin được cám ơn anh Nam Lộc đã kêu gọi quyên góp để chúng tôi có thể giúp ổn định cuộc sống của quý đồng hương tị nạn này.”

Tiếp lời người của VOIVE ở Vancouver, ông Nam Lộc, giám đốc Sở Di Trú Và Tị Nạn thuộc Cơ Quan Thiện Nguyện USCC ở Los Angeles, California:

“Và tôi cũng rất hân hạnh nhận được chi phiếu từ Nhà Việt Nam vùng Washington DC gởi đến 4.427 đô la và chúng tôi đã trao trực tiếp đến tổ chức VOICE. Riêng Cộng Đồng Việt Nam Tự Do tại New Jersey thì quý vị đó đã quyên góp được 8.650 đô la và cho biết mục tiêu sẽ là 10.000 đô la. Đây là những số tiền đến đúng lúc, đúng chỗ và rất quan trọng vì như tôi vừa trình bày là vì những trở ngại trong vấn đề xin cấp giấy phép xuất cảnh cho nên một số vé máy bay đã phải xin đổi ngày, đó cũng là những tốn kém bất ngờ nhưng cũng may có sự tiếp tay của đồng bào cho nên đồng hương chúng ta đã đến được đúng ngày đúng giờ, nếu không có thể sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa.”

Mơ cũng không dám nghĩ tới

Trên đường dây viễn liên từ phi trường Vancouver là nơi sẽ bay về Edmonton là trạm sau cùng, anh Lâm Phước Xe bày tỏ sự cảm kích, nhắc nhở đến vị tu sĩ Công giáo người Thái Lan nói thạo tiếng Việt là, linh mục Peter Namwong, tác nhân quan trọng đã liên kết với luật sư Trịnh Hội để vận động cho người tị nạn bất hợp pháp:

“Nhờ hội VOICE có những nhân viên đích thân đến Thái Lan để làm thủ tục và hồ sơ cho tụi em được đến đây, nhờ cha Peter Namwong là người đứng ra để ký với mặt luật pháp của chính quyền Thái Lan, bảo lãnh cho chúng em là 105 thuyền nhân còn kẹt lại ở đó. Vì thế những thủ tục đó mới hoàn tất . Nhờ công nhiều của VOICE, anh Trịnh Hội và nhiều thành viên của VOICE nữa tụi em mới đến được Canada này.

Cái mừng này trở thành một cái xúc động luôn đó, có nghĩa là trong thời gian mình bị lún trong vũng lầy mà có người cứu với mình đi thì quá là cuộc đời mình được sống lại lần thứ hai.”

Người thứ hai, anh Phan Thanh Long, có vợ Thái Lan và 2 con, sẽ ở lại Vancouver để xây dựng cuộc sống mới:

Tới khi chuyển máy bay từ Manila tới Vancouver thì tôi nghĩ tôi có nằm mơ cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới. <br/> -Phan Thanh Long

“Tôi rời Việt Nam năm 1990, nhập trại năm 1990. Năm 1993 rớt thanh lọc và bị cưỡng bức về Việt Nam tôi đã trốn ra ngoài sống được 6 tháng. Sau đó tôi bị bắt vào tù ở SiKew. Năm 1995 tôi lại quyết định trốn, học tiếng Thái và làm trong ruộng tôm 5 năm. Vì cuộc sống cực khổ quá tôi đi làm vườn ở tỉnh Chanthaburi. Vào cơ hội đó thì tôi thường liên lạc với cha Peter Namwong. Qua cha Peter Namwong thì được gặp VOICE.

Cũng không nuôi hy vọng vì tôi là người mà thế giới bên ngoài đã quên mất rồi. Không ngờ bên VOICE và luật sư Trịnh Hội đã tới gặp, tôi nuôi hy vọng mãi tới hôm nay.

Cho đến khi tới Philippines thì tôi vẫn nghĩ trong lòng là có phải họ chở tôi về Việt Nam hay không, rất là hồi hộp. Tới khi chuyển máy bay từ Manila tới Vancouver thì tôi nghĩ tôi có nằm mơ cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới. Nhờ cha Peter Namwong, luật sư Trịnh Hội và VOICE thì hôm nay không biết nói gì hơn. Cảm ơn tất cả và riêng luật sư Trịnh Hội.”

Cũng như 28 người tị nạn đợt đầu qua Canada hai tuần trước, một số trong 39 người của đợt hai đến Vancouver và ở lại đây thì cũng được chùa Hoa Nghiêm của thượng tọa Thích Thanh Thảo cho nương náu trong thời gian đầu.

Thầy Thích Thanh Thảo cho biết những người ở lại Vancouver trong đợt đầu đã đi làm việc tại một trại nấm:

“Đợt này mới qua thì bà con nghĩ vài hôm cho nó khỏe rồi sẽ đưa về những trại hoặc những nhà hàng là nơi người ta cần nhân công làm ở đó. Mới qua đây thì bên VOICE sẽ mua bảo hiểm sức khỏe, tới phi trường đã có nhận giấy thường trú rồi thì bây giờ phải làm thẻ an sinh xã hội. Khi bà con qua mà nếu những người bảo trợ có khả năng thì chùa sẳn sàng chia sẻ thiện tâm của họ. Nếu họ không có khả năng thì chùa đứng ra lo cho bà con tìm công việc làm, nhờ người đưa đi làm giấy tờ vân vân.”

Theo ước tính của ông Nam Lộc, giám đốc Sở Di Trú Và Tị Nạn thuộc USCC, hiện những người còn lại trong số 105 được Canada nhận đang còn trải qua những đợt khám sức khỏe và chữa bệnh.

Vẫn theo lời ông, có khả năng đợt thứ ba, hy vọng cũng là đợt cuối, sẽ đi trong khoảng tháng Giêng năm 2015.