Dù có nhiều tiến triển và nỗ lực đáng kể, Việt Nam vẫn nằm lại Bậc 2 là quốc gia đang có vấn đề buôn người trong phúc trình thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tệ nạn buôn bán con người trên thế giới, vừa được công bố chiều thứ Tư ở Washington.
Quản lý kém
Phúc trình 2013 về tệ nạn buôn người trên thế giới, do Bộ Ngoại Giao Mỹ soạn thảo hàng năm, vừa được công bố chiều thứ Tư giờ địa phương ở Washington.
Bất kể mọi cố gắng cải thiện nhưng do quản lý kém và áp dụng luật không nghiêm, Việt Nam vẫn nằm lại Bậc 2 tức Tier 2 quốc gia có vấn đề về tệ nạn buôn bán người.
Việt Nam là điểm xuất phát mà cũng là điểm đến của tệ nạn đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn vào đường mãi dâm và đường cưỡng bách lao động.
Theo phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Việt Nam từ lâu được coi là nơi có rất nhiều lao động nam nữ, hoặc tự ý hoặc thông qua các công ty môi giới nhà nước và tư nhân, đi qua các quốc gia trên thế giới, làm đủ các ngành nghề như xây cất, đánh cá, trồng trọt, phu mỏ, đốn cây. Khá hơn một chút, vẫn theo báo cáo, nhiều người vào được các hãng xưởng ở Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Lào, Hàn quốc, Nhật Bản, Kampuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Anh Quốc, Thụy Sĩ, chưa kể các quốc gia Đông Âu hay các nước thuộc khối Ả Rập Thống Nhất và cả các xứ Châu Phi.
Mặt khác, phụ nữ và trẻ em Việt Nam là đối tượng của nạn buôn người vào đường mãi dâm. Nấp dưới hình thức xuất khẩu lao động, đã có nhiều phụ nữ và gái vị thành niên Việt Nam bị bán vào các động mãi dâm ở Nam Hàn, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Đài Loan.
Đó là phần mở đầu phúc trình về tệ nạn buôn người ở Việt Nam mà Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra chiều hôm qua.
Vậy dưới mắt Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, những nỗ lực và những cố gắng của Việt Nam trong việc phòng chống nạn buôn người, mà phúc trình thường niên đề cập tới, được thể hiện như thế nào. Trả lời câu hỏi đó của đài Á Châu Tự Do, giám đốc Cơ Quan Theo Dõi Phòng Chống Tệ Nạn Buôn Người thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ, đại sứ Luis CdeBaca, cho biết:
Kể từ khi thông qua Luật Chống Buôn Người hai năm trước, Việt Nam đã đưa vào áp dụng và thực hiện trên nhiều lãnh vực, gần năm trăm phạm nhân buôn bán người được đưa ra xét xử. Đó là điểm tích cực và cũng là lý do Việt Nam được xếp Bậc 2 trong báo cáo.
Điển hình lớn nhất mà phúc trình muốn nhấn mạnh là các chương trình bảo vệ nạn nhân. Tại Việt Nam ngày nay, một người được coi là nạn nhân của tệ nạn buôn người thì nhiều phần chắc nhận được sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông đại sứ Luis CdeBaca, trường hợp nạn nhân bị bóc lột sức lao động là người nam thì lại không có những dịch vụ trợ giúp thích đáng. Đây là điều mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông nói tiếp, mong muốn làm rõ với chính phủ Việt Nam rằng những hình thức hỗ trợ và giúp đỡ không phân biệt giới tính cần phải được lưu ý và cần được áp dụng triệt để hơn, đặc biệt vào khi xã hội Việt Nam còn tồn tại nhiều hình thái buôn người đa dạng như ép buộc phải bán dâm, cưỡng bách sức lao động, bắt trẻ đi ăn xin, lạm dụng hà hiếp người giúp việc nhà vân vân….
Hoa Kỳ muốn có sự bảo đảm chắc chắn là tất cả những nạn nhân của các hình thức lạm dụng vừa nói đó phải được bảo vệ đúng theo những điều khoản qui định trong Bộ Luật Chống Buôn Người của Việt Nam đã có hiệu lực từ đầu 2012.
Không được luật pháp bảo vệ
Câu hỏi thứ hai là về mặt giáo dục, chính phủ Việt Nam có hướng dẫn có khuyến cáo phụ nữ và trẻ em nông thôn, những đối tượng có nguy cơ cao bị buôn bán và bị khai thác về mặt tình dục, cho họ thấu hiểu tầm mức nguy hiểm cũng như mánh khóe gian xảo của bọn buôn người hay không, đại sứ CdeBaca trả lời:
Thực tế Việt Nam có nỗ lực và có những chiến dịch vận động tuyên truyền nhằm cảnh báo cũng như ngăn chận. Đó là công việc mà Bộ Văn Hóa Thông Tin của Việt Nam đang thực hiện.
Tháng Chín năm ngoái Việt Nam đã ký kết Bản Ghi Nhớ Tương Thuận MOU với Kampuchia, qua đó đồng ý trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau những chương trình những kế hoạch gọi là bảo vệ, hỗ trợ và nhận diện nạn nhân của tệ nạn buôn người qua biên giới.
Tuy nhiên Bản Ghi Nhớ Tương Thuận chỉ được coi là đủ và ích lợi một khi chính phủ hai quốc gia chứng tỏ được họ có hợp tác có làm việc chung về những phương thức hành động phòng chống cũng như trên phương diện giáo dục và nâng cao dân trí. Chính phủ hai nước phải bảo đảm cho bằng được rằng người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, thấu hiểu thế nào là quyền lợi căn bản và thế nào là quyền con người mà họ đương nhiên được hưởng và được tôn trọng.
Thiết tưởng điều tôi vừa trình bày, phòng chống, giáo dục và nâng cao ý thức, là mối thử thách lớn mà Việt Nam phải đương đầu. Nếu không áp dụng luật pháp một cách nghiêm minh, không dạy cho người dân tuân thủ luật lệ một cách có ý thức, Việt Nam khó có thể thành công trên mặt trận phòng chống và giảm thiểu tệ nạn buôn người.
Trong phúc trình thường niên 2013 về tệ nạn buôn người trên thế giới, mà Việt Nam vẫn đứng ở Bậc 2 là nước còn đang có vấn đề buôn người chưa được giải quyết rốt ráo, Bộ Ngoại Giao Mỹ đề nghị Việt Nam cần tăng cường thực thi Bộ Luật Phòng Chống Buôn Người năm 2011, cần thiết chỉ đạo và đưa ra bản hướng dẫn áp dụng thực thi bộ luật còn được coi là mới mẻ này, trừng phạt mọi hình thức tội phạm liên quan đến buôn người trong lãnh vực mãi dâm, giải quyết việc làm dẫn tới những vụ lường gạt xuất khẩu lao động mà hậu quả là phụ nữ và trẻ em bị khai thác vào đường mãi dâm, thanh niên nam nữ bị bóc lột sức lao động và không được luật pháp bảo vệ đến nơi đến chốn.
Nếu không áp dụng luật pháp một cách nghiêm minh, không dạy cho người dân tuân thủ luật lệ một cách có ý thức, Việt Nam khó có thể thành công trên mặt trận phòng chống và giảm thiểu tệ nạn buôn người. <br/>- Đại sứ CdeBaca <br/> <br/>
Bên cạnh đó, phúc trình nói tiếp, đưa vào học đường những chương trình giáo dục và cảnh giác về tệ nạn buôn người, về luật lao động và quyền lợi người lao động cho học sinh ngay từ Cấp Hai và Cấp Ba.
Sau cùng, Việt Nam cần vạch rõ những biện pháp trừng phạt chiếu theo luật lệ đối với những cá nhân, tổ chức hoặc đoàn thể nào vi phạm một trong những tội liên quan buôn bán phụ nữ trẻ em nói riêng và con người nói chung.
Tưởng cần nhắc, theo thẩm định của Cơ Quan Phòng Chống Buôn Người trực thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bị xếp vào Bậc 3 trong phúc trình thường niên là những nước mà chính phủ thất bại trong việc đối phó với tệ trạng buôn người.
Việt Nam từng bị xếp vào Bậc 2 cần theo dõi (Tier 2 Watch List) , sau đó được đưa lên Bậc 2 không còn bị theo dõi (Tier 2 No More Watch List) do có nhiều tiến bộ trong nỗ lực phòng chống. Bậc 1 là các quốc gia chứng tỏ được tầm mức quan tâm và thành quả bài trừ nạn buôn người một cách có hiệu quả.