Hội nghị CITES lần thứ 16 của Công Ước Quốc Tế Về Buôn Bán Động Vật Và Thực Vật Hoang Dã Nguy Cấp , đã kết thúc tại Thái Lan với quyết định của Hội Đồng Thường Trực CITES là Gang Of Eight tức Nhóm Tám Nước gồm Thái Lan, Kenya, Tanzania, Uganda, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam, phải chận đứng hoàn toàn và tức khắc việc mua bán ngà voi và sừng tê giác trái phép nếu không muốn bị trừng phạt bởi những biện pháp nghiêm khắc của CITES.
Ngoài thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Hà Công Tuấn, tham dự và trình bày trước hội nghị CITES lần thứ 16 còn có ông Thái Truyền, phó giám đốc Cơ Quan Quản Lý CITES Việt Nam. Trở về từ Bangkok, ông Thái Truyền dành cho Thanh Trúc bài phỏng vấn như sau:
Thanh Trúc: Thưa ông Thái Truyền, sau hội nghị CITES, đã kết thúc ở Bangkok tuần trước, tổng quát liên quan đến Việt Nam thì ông đúc kết được điều gì?
Ông Thái Truyền: Trước mắt mà nói CITES Việt Nam lãnh hội tất cả tinh thần cũng như ủng hộ tất cả quyết định của CITES 16. Trực tiếp nhất, tại các hội nghị của CITES 16, thứ trưởng Hà Công Tuấn và đoàn Việt Nam đều nêu lên các nổ lực của mình trong việc chống buôn bán các động vật hoang dã trái phép, đặc biệt vấn đề ngà voi và tê giác, cũng như Việt Nam ủng hộ Thái Lan về đề
xuất đưa loại gỗ Trắc vào Phụ Lục II (Appendix II) để tăng cường quản lý việc buôn bán một cách bền vững.
Việc bảo vệ động vật hoang dã
Thanh Trúc: Thưa sau khi có báo cáo của TRAFFIC, tổ chức chuyên giám sát việc buôn bán động và thực vật hoang dã trên thế giới, nói rằng Việt Nam là điểm đến quan trọng của sừng tê giác và ngà voi Châu Phi, từ đó đại biểu các nước đưa ra những biện pháp hay phương cách giải quyết nào liên quan tới vấn đề vừa nêu?
Một quan điểm chung mà hội nghị đã thống nhất là việc giải quyết không thể đơn phương một quốc gia nào có thể giải quyết được mà tình trạng buôn bán này có tính chất quốc tế. Do vậy, cần tăng cường hợp tác kể cả các nước xuất xứ cũng như các nước vận chuyển và các nước tiêu thụ
ông Thái Truyền
Ông Thái Truyền: Tại hội nghị đoàn Việt Nam cũng đã trình bày tất cả những nổ lực của chính phủ Việt Nam cũng như cơ quan chức năng trong việc chống buôn bán các động vật hoang dã trái phép, trong đó có ngà voi và sừng tê giác, và cũng nêu lên một quan điểm chung mà hội nghị đã thống nhất là việc giải quyết không thể đơn phương một quốc gia nào có thể giải quyết được mà tình trạng buôn bán này có tính chất quốc tế. Do vậy, cần tăng cường hợp tác kể cả các nước xuất xứ cũng như các nước vận chuyển và các nước tiêu thụ.
Trực tiếp trên lãnh vực này, Việt Nam đã ký thỏa thuận MOU với Nam Phi, Việt Nam và Nam Phi cũng đã ký kết hợp tác về tăng cường quản lý việc buôn bán ngà voi và sừng tê giác bất hợp pháp giữa hai nước.
Hiện cơ quan chức năng của hai bộ là Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường của Nam Phi và Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam, đang tiến hành thảo luận giai đoạn cuối về kế hoạch hành động cụ thể, hai bên cũng sẽ sớm ký kết kế hơạch hành động cụ thể này để thực hiện thỏa thuận MOU hai nước. Nói chung phía Việt Nam đã làm hết mình tất cả những việc đấy.
Thanh Trúc: Thưa ông Thái Truyền, vấn đề buôn lậu ngà voi và sừng tê giác từ Châu Phi vào Việt Nam của các Vietnamese Syndicates, tiếng mà tổ chức TRAFFIC nêu ra, tức là các tập đoàn Việt Nam, ông có thể phân tích như thế
nào?
Ông Thái Truyền: Nói các tập đoàn buôn lậu ngà voi hay tê giác Việt Nam-Nam Phi hay Châu Phi- Việt Nam là không có. Một số các cá nhân riêng lẻ vi phạm bên kia rồi bị bắt chứ không thể có một tập đoàn hay một tổ chức nào của Việt Nam đứng ra làm việc đấy. Cũng cần phải nói rõ tổ chức TRAFFIC đó đã đánh giá không chính xác lắm điểm đó. Làm gì có cái tập đoàn nào, mà đã có mức đó thì nói chung chính phủ Việt Nam kiên quyết chống lại tất cả những việc đấy, và cũng không thấy bằng chứng nào gọi là tập đoàn buôn lậu kiểu đấy.
Thanh Trúc: Báo cáo của TRAFFIC cũng nói rằng các cá nhân đó là những nhân viên của các đại sứ quán Việt Nam ở tại thí dụ như Mozambique, Angola, Uganda, Kenya, Tanzania, Nam Phi ...?
Ông Thái Truyền: Trong một số vụ việc phát hiện ở bên kia thì đứng về mặt cá nhân cũng có một số cán bộ nhà nước như vậy. Nhưng điều đó không thể nói rằng chính phủ Việt Nam dung túng cho những điều đấy. Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ủng hộ những cái xử lý của các nước bạn, kể cả trong nội bộ thì chính phủ Việt Nam đã có xử lý những cán bộ đó chứ không có nghĩa Việt Nam dung túng cho cái gọi là các tập đoàn hay tổ chức vân vân.. Cái đó hoàn toàn không đúng, thông tin đó cần phải nói rõ.
Bảo vệ rừng và những loại gỗ quý
Thanh Trúc: Thưa ông, bây giờ nói về Rosewood tức cây Trắc, cũng gọi là thực vật hoang dã có nguy cơ bị khai thác trắng. Trong hội nghị vừa qua, cây Trắc được đưa lên Appendix II (Phụ Lục II), trước đó nó chưa nằm trong CITES. Ông có thể giải thích?
Ông Thái Truyền: Đưa vào Phụ Lục II là đưa việc buôn bán quốc tế vào để mà quản lý. Chính Thái Lan và Việt Nam đề xuất đưa vào Phụ Lục II để quản lý. Phụ Lục I là cấm khai thác cấm buôn bán thương mại, còn Phụ Lục II là vẫn cho phép buôn bán thương mại nhưng có quản lý bằng cái độ cấp phép của CITES.
Thanh Trúc: Nói riêng về Trắc Việt Nam, thưa ông, sự khai thác như thế nào?
Nói chung đối với việc khai thác gỗ ở rừng tự nhiên của Việt Nam là chính phủ càng ngày càng giảm chứ không ủng hộ, kể cả các loài cây gỗ cứng ví dụ như cây Trắc, và thúc đẩy việc trồng rừng để có nguyên liệu thay thế cho mặt xuất khẩu.
Ông Thái Truyền
Ông Thái Truyền: Hiện nay, đối với loài này ở Việt Nam, nói chung các quần thể trong tự nhiên suy giảm khoảng 50% trong vài thập kỹ qua. Chính vì vậy cần thống nhất và cần ủng hộ quan điểm của Thái Lan đưa Trắc vào Phụ Lục II để quản lý việc khai thác bền vững.
Thanh Trúc: Sau hội nghị CITES này Việt Nam sẽ áp dụng những biện pháp gì để bảo tồn Trắc?
Ông Thái Truyền: Tất nhiên là việc khai thác trên các quần thể của nó chỗ nào được cấp phép khai thác và chỗ nào không được. Việc khai thác trên buôn ban quốc tế phải có kiểm soát bằng việc cấp giấy phép CITES chứ không phải như trước đây là không có giấy phép.
Nói chung đối với việc khai thác gỗ ở rừng tự nhiên của Việt Nam là chính phủ càng ngày càng giảm chứ không ủng hộ, kể cả các loài cây gỗ cứng ví dụ như cây Trắc, và thúc đẩy việc trồng rừng để có nguyên liệu thay thế cho mặt xuất khẩu.
Thanh Trúc: Về mặt pháp luật, báo chí thỉnh thoảng vẫn đưa những tin gọi là lâm tặc phá rừng, khai thác gỗ..., đôi khi lại tấn công người thi hành công vụ nữa. Tình trạng đó, thưa ông, làm thế nào để giải quyết và khắc phục?
Ông Thái Truyền: Thực ra việc khai thác gỗ trái phép ở Việt Nam cũng như một số nơi trên thế giới vẫn xảy ra chứ không thể tuyệt đối không có được. Nhất là những vùng núi xa xôi là những nơi người dân còn khổ, cũng bị các đối tượng khác lợi dụng sự nghèo đói của người dân để khai thác trái phép. Thì một mặt phải tăng cường thực thi pháp luật, trong đó có hoạt động của lực lượng kiểm lâm, một mặt cũng phải giải quyết các chương trình kinh tế xã hội. Đối với vùng dân tộc còn tỷ lệ đói nghèo cao thì cần phải có những chính sách của chính phủ. Một mắt khác phải tăng cường thực thi pháp luật để mà chống lại các hành vi vi phạm, đắc biệt các tội phạm có tổ chức.
Thanh Trúc: Sau khi đã dự hội nghị CITES lần thứ 16 ở Thái Lan nói chung ông nhận thấy kết quả như thế nào?
Ông Thái Truyền: Mục tiêu của CITES thì rõ ràng là đưa vào các Phụ Lục để quản lý việc khai thác buôn bán một cách bền vững, nhất là buôn bán về thương mại trên thế giới. Muốn thực thi CITES được thì rõ ràng là cần tăng cường năng lực của tất cả các nước thành viên, trong đó việc thực thi pháp luật của mỗi nước thành viên hết sức là quan trọng.
Để làm được điều đó thì cần có sự phối hợp hỗ trợ của các nước. Đặc biệt đối với những nước thiếu nguồn lực hay điều kiện năng lực, kỹ thuật cũng như tài chính cũng cần sự hỗ trợ của các nước khác để nâng cao hiệu quả thực thi của mỗi nước thành viên, thì mới phát huy mục tiêu của Công Ước CITES được.
Thanh Trúc: Thưa ông Thái Truyền, xin cảm ơn về thời giờ của ông.