Ngành mía đường: cái chết được “định hướng”

0:00 / 0:00

Ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ nguy cơ phá sản khi hết bảo hộ vì không thể cạnh tranh với đường ngoại. Chính sách nhà nước thiếu sót dẫn tới tương lai u ám này, hay là vì doanh nghiệp chậm cải cách không thích nghi kinh tế thị trường.

Vấn đề nan giải

Người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng đường ăn với giá cao hơn gấp rưỡi thậm chí gấp đôi giá đường nhiều nước trên thế giới. Giá thành sản xuất đường ở Việt Nam cao là vì năng suất trồng mía là 60 tấn/ha, trong khi Thái Lan đạt gần 100 tấn và Hoàng Anh Gia Lai trồng bên Lào đạt 120 tấn/ha. Ngoài ra công suất của các nhà máy đường cũng thấp làm cho giá thành cao. Sự kiện vừa nêu được Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trình bày trong bài viết của mình và được phổ biến trên báo chí.

Tương lai ngành công nghiệp sản xuất hơn 1,5 triệu tấn đường mỗi năm và người nông dân trồng mía sẽ ra sao? vì đến năm 2018 Việt Nam bắt buộc phải mở cửa thị trường 100%, tự do hóa nhập khẩu đường của các nước ASEAN theo lộ trình Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA).

Từ Bình Dương Tiến Sĩ Cao Anh Đương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường nhận định:

“Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt tới đây, một số doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất yếu kém thì người ta có thể bị đóng cửa giải tán hoặc sáp nhập. Xu hướng trước mắt người ta sáp nhập để giảm tối đa chi phí trong điều kiện hiện tại chứ không cầu mong được điều kiện như Hoàng Anh Gia Lai, không thể có vùng nguyên liệu lớn, cái đó liên quan đến đất đai. Ngành mía đường sắp tới đây không chết nhưng chắc chắn sẽ bị thu hẹp lại. Những doanh nghiệp có giá thành hợp lý, quản lý tốt thì mới có thể tồn tại được.”

Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Nếu bây giờ bỏ mía đường đi thì trồng cái gì? Đấy là một vấn đề rất nan giải của Chính phủ Việt Nam hiện nay.<br/> - Tiến sĩ Vũ Văn Hóa

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, Chính phủ sẽ phải tìm cách cứu ngành mía đường vì không thể để cho nó chết được. Ông nói:

“Tính cạnh tranh của mía đường Việt Nam với bên ngoài là không đạt. Do đó nếu không có một sự quan tâm thì ngành mía đường Việt Nam sẽ biến mất trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên Chính phủ không thể nào để cho ngành mía đường biến mất được. Tại sao? Vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Nếu bây giờ bỏ mía đường đi thì trồng cái gì? Đấy là một vấn đề rất nan giải của Chính phủ Việt Nam hiện nay.”

Chính sách bảo hộ ngành đường kéo dài từ lâu làm cho người tiêu dùng bị móc túi với mục tiêu được cho là vì lợi ích quốc gia, hỗ trợ ngành sản xuất đường và nông dân trồng mía. Báo chí Việt Nam trong đó có tờ Thanh Niên cho rằng các mục tiêu đó đã thất bại. Khi gia nhập WTO Việt Nam tranh đấu để có lộ trình mở cửa ngành đường chậm theo hình thức hạn ngạch và duy trì thuế nhập khẩu cao. Nhưng riêng đối với thị trường ASEAN, theo Hiệp định Thương mại tự do AFTA đến năm 2018 Việt Nam sẽ tự do hóa nhập khẩu đường của các nước ASEAN.

Việt Nam đề ra chính sách 1 triệu tấn mía đường cuối thập niên 1980 với sự thất bại tài chính, thua lỗ nặng nề cho hệ thống doanh nghiệp mía đường quốc doanh trên toàn quốc. Hầu hết nhà máy đường lúc đó được các tỉnh thành lập theo phong trào với máy móc lạc hậu từ Trung Quốc, cũng như không tổ chức được vùng nguyên liệu. Sau này hầu hết các doanh nghiệp mía đường đã cổ phần hóa, ngoại trừ những doanh nghiệp và nhà máy nợ ngập đầu không thể tái cơ cấu. Khi sản xuất mía đường nằm trong tay tư nhân kể cả đầu tư nước ngoài thì tình hình ổn định hơn về sản lượng, nhưng có vẻ chính sách bảo hộ mới là công cụ chủ yếu để duy trì hoạt động của ngành mía đường. Doanh nhân có thể tìm thấy lợi nhuận qua sự bảo hộ, nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp với nhà máy hiện đại có tổ chức vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân. Chính sách bảo hộ mía đường được báo chí mô tả là đem lợi nhuận tới cho các nhóm lợi ích, trong khi nông dân rất khốn khó với cây mía.

Người tiêu dùng bị "móc túi"

Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia nghiên cứu thị trường từ Hà Nội nhận định về tương lai ngành sản xuất mía đường:

“Nếu cứ tiếp tục con đường này thì tới 2018 và đặc biệt 2015 bắt đầu cộng đồng kinh tế ASEAN thì trước sau nó sẽ không tồn tại. Đấy là điều tất yếu vì trong cạnh tranh giá và chất lượng là vấn đề hàng đầu. Trong bối cảnh hiện nay vấn đề chiến lược của Việt Nam nói thẳng ra là chưa thành công bởi vì chiến lược đó được xây dựng còn theo tư duy không phải kinh tế thị trường mà phần lớn còn theo tư duy nửa vời của cơ chế cũ. Chính vì vậy mới dẫn đến hậu quả như vậy.”

Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Cao Anh Đương viện phó Viện Nghiên cứu mía đường phản bác các thông tin, mà ông nói là đề cao quá đáng, khi đưa tin năng suất mía của Hoàng Anh Gia Lai lên tới 120 tấn/ha. Tuy nhiên ông nhìn nhận, tình trạng đất đai ở Việt Nam bị chia cắt nhỏ lẻ, khiến việc tạo lập vùng nguyên liệu mía diện tích lớn để trồng mía công nghiệp năng suất cao, như Hoàng Anh Gia Lai thực hiện bên Lào, là nan giải. Theo lời ông năng suất mía của Việt Nam hiện nay dù thấp nhưng cũng gần ngang bằng với Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên ông đề cập tới một khía cạnh đặc biệt khiến cho giá đường xuất xưởng và giá đường bán trên thị trường chênh lệch quá lớn ảnh hưởng người tiêu dùng. TS Cao Anh Đương nói:

Hiện nay ở cổng nhà máy giá đường 11-12 ngàn đồng/kg đưa ra thị trường bán 17-18 ngàn, chênh lệch phân phối tiêu thụ như thế là quá lớn. <br/> - TS Cao Anh Đương

“Cái khó là quản lý nhà nước làm sao để tránh việc giá đường chênh lệch quá lớn từ cổng nhà máy. Hiện nay ở cổng nhà máy giá đường 11-12 ngàn đồng/kg đưa ra thị trường bán 17-18 ngàn, chênh lệch phân phối tiêu thụ như thế là quá lớn. Trách nhiệm như Hiệp hội nói Bộ Công thương, mình chưa tạo ra được chuỗi tiêu thụ. Hiện nay hình như có hệ thống ngầm chi phối giá đường từ cổng nhà máy ra đến chỗ bán lẻ. Chênh lệch lớn như thế cũng chính là chỗ để đường lậu nhập vào.”

TS Cao Anh Đương nhấn mạnh, nâng cao năng suất mía Việt nam để giảm giá thành là việc làm không phải là dễ đối với Việt Nam. Theo lời ông, mía đường là ngành bị chính sách chi phối rất nhiều, trong khi hệ thống chính sách pháp luật chưa chú trọng ngành mía đường. Các nước đều có luật mía đường, Thái Lan chẳng hạn họ có luật mía đường nên phát triển rất ổn định. Giá mía, giá đường thị trường nội địa được bảo hiểm rất nhiều năm, giá đường bán lẻ ở Thái Lan và Trung Quốc rất cao. TS Cao Anh Đương nêu ra chính sách mía đường ở các nước là dùng thị trường nội địa để hỗ trợ xuất khẩu và bảo lãnh giá mía giá đường nội địa để nông dân an tâm đầu tư.

Theo lời TS Cao Anh Đương, để phát triển cây mía ổn định vấn đề giống kỹ thuật canh tác thu hoạch không phải là quá khó. Nhưng cần giải quyết vấn đề chính sách pháp luật, nhà nước cần đứng ra làm trọng tài để bảo vệ người nông dân, cũng như làm trung gian giữa nhà máy và nông dân để họ yên tâm phát triển cây mía. Hơn nữa cần có chính sách dồn điền đổi thửa cho thuê đất một cách lâu dài.

Mía đường được cho là một kinh nghiệm sống còn cho tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam đứng trước giai đoạn hội nhập quốc tế.