Thời gian gần đây, Việt Nam nhắc nhiều đến một yếu tố quan trọng để đưa nền kinh tế ra khỏi sự ảnh hưởng, lệ thuộc vào Trung Quốc và nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu đó là đẩy mạnh những ngành “công nghiệp hỗ trợ”.
Vai trò của công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ được hiểu là các ngành công nghiệp sản xuất từ nguyên vật liệu đến gia công chế tạo các sản phẩm, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm… để cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp các sản phẩm cuối cùng là tư liệu và công cụ sản xuất hay sản phẩm tiêu dùng.
Trong cuốn "Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam" G.S Trần Văn Thọ chỉ ra rằng "công nghiệp hỗ trợ" rất quan trọng vì ngoài việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiều rộng và chiều sâu, công nghiệp hỗ trợ còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm một cách hiệu quả.
Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam rất sơ sài, nên các doanh nghiệp FDI của Việt Nam vẫn phải nhập các phụ tùng, thiết bị công nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam. <br/>TS Trần Văn Hải<br/>
Vì lẽ đó, nếu công nghiệp hỗ trợ không phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh, khó thu hút được các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài và Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh Biển Đông còn nhiều phức tạp, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chứa đựng nhiều rủi ro, bất ổn vì thế ngành công nghiệp hỗ trợ càng có vai trò lớn hơn, nhằm đảm bảo tính chủ động của nền kinh tế quốc nội.
Thậm chí nhiều vị còn cho rằng “công nghiệp hỗ trợ” này phải mang tính chất “xương sống” của nền công nghiệp quốc gia.
Thế nhưng, trên thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa cất cánh và chưa được chú trọng đầu tư dù rằng đã có những quy hoạch phát triển do Chính phủ phê duyệt từ cách đây hàng chục năm.
Đánh giá chung về ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, T.S Trần Văn Hải, nguyên là giảng viên bộ môn Kinh tế ở một trường đại học tại Hà Nội hiện đang làm tư vấn về đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài nhận xét:
“Những ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam rất sơ sài, nên các doanh nghiệp FDI của Việt Nam vẫn phải nhập các phụ tùng, thiết bị công nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam. Đơn giản, họ chỉ lắp ráp các sản phẩm công nghiệp ở trong nước, rồi sau đó mang đi xuất khẩu.
Chính vấn đề đó, nó giúp cho Việt Nam trong chuỗi sản phẩm không lớn. Cũng chính vì đặc tính trên nên giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm không nhiều.”
Ngoài ra, T.S Hải lấy thí dụ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hay Malaysia những ngành công nghiệp hỗ trợ có vị trí rất quan trọng để phát triển nền công nghiệp trong nước, những quốc gia trên ưu tiên phát triển những ngành này từ những ngày đầu thực hiện công nghiệp hóa tại nước họ.
Kết quả là xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng ở những quốc gia trên có sự phân công lao động hợp lý và hiệu quả.
Nghịch lý Việt Nam
Nếu nhìn vào bức tranh chung, có thể nhận thấy vai trò của ngành công nghiệp trong nước hiện tại tạo ra giá trị gia tăng không nhiều trong chuỗi sản phẩm, vì thế phần đóng góp của Việt Nam không cao, chỉ được coi như “phần ngọn” trong khi “phần gốc” lại là hàng hóa nhập khẩu về từ một bên thứ ba.
Vấn đề công nghiệp là đang chế biến hộ cho thiên hạ, công nghiệp phụ trợ của mình không có, thành thử giá trị gia tăng để tăng thu nhập cho nền kinh tế gần như ở mức thấp nhất. <br/>GS Vũ Văn Hóa<br/>
Chính điều này được giáo sư Vũ Văn Hóa gọi bằng cái tên "Việt Nam đang chế biến hộ cho thiên hạ" ông phân tích:
“Vấn đề công nghiệp là đang chế biến hộ cho thiên hạ, công nghiệp phụ trợ của mình không có, thành thử giá trị gia tăng để tăng thu nhập cho nền kinh tế gần như ở mức thấp nhất, dệt may chẳng hạn, tăng trưởng của nó theo thông báo thì tương đối lớn trong xuất khẩu thế nhưng từ nguyên liệu là vải đến tất cả các việc tạo ra một cái áo, ngay cả mẫu mã cũng phải nhập ở nước ngoài. Như vậy Việt Nam chỉ có mỗi cái chi phí nhân công là chính mà chi phí nhân công của Việt Nam lại quá rẻ.”
Trong một buổi thảo luận gần đây về ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, G.S T.S Võ Thanh Thu của trường Đại học Kinh tế TPHCM đã phát biểu với truyền thông trong nước rằng “Việt Nam sắp đi hết chặng đường 30 năm đổi mới kinh tế, nhưng chỉ mới xây dựng được nền công nghiệp gia công mang tính phụ thuộc.
Nền kinh tế Việt Nam đứng trước một nghịch lý đó là nguyên liệu trong nước có khả năng cung cấp được thì hầu hết xuất khẩu thô như nông sản, than đá… công nghiệp chủ lực mang lại ngoại tệ cho đất nước chủ yếu gia công lắp ráp từ nguyên liệu nước ngoài, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển.”
Với hai điểm cơ bản thứ nhất là thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, tăng cường tính chủ động cho nền kinh tế, và thứ hai là tăng cường giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu cũng như FDI, do đó, việc đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ hẳn là lúc cần phải được đẩy nhanh. Vậy những gì Việt Nam cần phải làm lúc này:
“Hiện nay các doanh nghiệp tư nhân không có điều kiện để mà khai thác các thị trường mặc dù họ vẫn có thể có cơ hội ở đâu đó thị trường trong nước, thị trường bên ngoài hoặc tạo thành các doanh nghiệp mang tính chất cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài để tham gia vào các liên kết.
Cũng có thể là ban đầu ở vị trí thấp hoặc cung cấp một số sản phẩm thôi về sau nâng cấp dần để có thể tham gia sâu hơn vào những giá trị trong khu vực và toàn cầu.”
Vừa rồi là lời nhận xét của bà Phạm Chi Lan trong một lần phỏng vấn gần đây với chúng tôi khi nói về làm sao để thúc đẩy vai trò khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hoạt động của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo số liệu thống kê, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phần lớn do các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện với quy mô sản xuất nhỏ, đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm và chiếm tới hơn 97% số doanh nghiệp ở Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ là biện pháp hữu hiệu nhất để đối phó với khủng hoảng kinh tế cũng như khiến nền kinh tế nội địa chủ động hơn.
Bên cạnh biện pháp tăng cường vai trò của những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi sản xuất, việc đẩy mạnh vai trò của công nghiệp hỗ trợ cũng khiến môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ không còn phải lo lắng vấn đề nhập khẩu linh kiện, thiết bị phụ trợ hay các dịch vụ đi kèm từ một nước thứ ba.
Và cuối cùng khi một nền công nghiệp phụ trợ phát triển cũng sẽ đẩy mạnh tiến trình chuyển giao và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất.
Có thể nhận thấy tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực, thế nhưng để ngành công nghiệp này phát huy tối đa hiệu quả thì còn là câu chuyện dài vì như lời T.S Trần Du Lịch nhận xét: "Bàn bạc bao nhiêu, cuối cùng cũng chỉ là những tài liệu cất trong hộc bàn."