Dự luật phổ biến tuyên truyền pháp luật

Việt Nam đang xây dựng Bộ Luật Phổ Biến Tuyên Truyền Pháp Luật nhằm nâng cao ý thức cho người dân hầu tiến tới một nhà nước pháp quyền là mục tiêu được nói đến nhiều trong thời gian qua.

0:00 / 0:00

Mục đích và đối tượng

Tiến sĩ Vương Thị Hạnh, giám đốc Trung Tâm Giáo Dục, Hỗ Trợ Và Nâng Cao Năng Lực Cho Phụ Nữ, một tổ chức xã hội ở Hà Nội, cho biết đối tượng chính của công tác tuyên truyền phổ biến và nâng cao ý thức luật pháp là những nhóm yếu thế ở nông thôn. Trình bày vấn đề trong bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, tiến sĩ Vương Thị Hạnh giải thích:

TS Vương Thị Hạnh: Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì trên cơ sở đó người dân cũng phải được hiểu biết luật pháp, người thực thi công vụ phải nắm vững luật pháp và phải đảm bảo pháp luật đó được thực thi.

Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì trên cơ sở đó người dân cũng phải được hiểu biết luật pháp, người thực thi công vụ phải nắm vững luật pháp và phải đảm bảo pháp luật đó được thực thi.

TS Vương Thị Hạnh

Phía nhà nước theo tôi hiểu thì tới đây sẽ ra một luật gọi là phổ biến và tuyên truyền luật pháp, coi vấn đề tuyên truyền luật pháp là bắt buộc các cơ quan nhà nước phải tuyên truyền cho người dân.

Còn những tổ chức xã hội như bên mình thì trên cơ sở phải đi làm việc với cộng đồng, cấp xã cấp huyện, nơi người ta ít hiểu biết luật pháp, người ta không quan tâm đến luật pháp hoặc chỉ quan tâm khi mà quyền và lợi ích của người ta bị động đến và có va chạm, lúc đó người ta mới tìm hiểu.

Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Vương Thị Hạnh, bà đang nói đến những nhóm gọi là yếu thế ở nông thôn, cần được nâng cao ý thức pháp luật, là những đối tượng như thế nào?

TS Vương Thị Hạnh: Nghèo, khuyết tật, đơn thân, những người cao tuổi hay những người nhiễm HIV chẳng hạn, gọi chung là những người yếu thế, ít có cơ hội tham gia luật pháp, ít tham gia học hành.

Cách thức

cong-an-danh-dan-250.jpg
Một cảnh công an, dân phòng đàn áp phụ nữ. Photo of nuvuongcongly.

Thanh Trúc: Xin cho biết cách thức cụ thể mà Trung Tâm Giáo Dục, Hỗ Trợ Và Nâng Cao Năng Lực đang làm trong việc nâng cao ý thức luật pháp cho những đối tượng yếu thế đó?

TS Vương Thị Hạnh: Thứ nhất là những đối tác ở cộng đồng như hội phụ nữ, tổ hòa giải, những trưởng thôn, kể cả những cán bộ tư pháp, cán bộ văn hóa. Đấy là các chương trình mà hiện nay Trung Tâm đang làm phối hợp với các tổ chức công tác địa phương.

Phối hợp bởi vì không thể nào những tổ chức tận trên Hà Nội có thể ngày một về đó được, bởi thế nòng cốt chính là trưởng thôn, cán bộ tư pháp, cán bộ hòa giải, cán bộ công an, và các tổ chức xã hội như hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi., hội phụ nữ. Chúng tôi cho đây là những đối tác.

Cách thức là tổ chức những cuộc hội thảo hoặc tập huấn cho những nhóm nòng cốt này, để họ hiểu được luật pháp một cách cụ thể hơn dưới hình thức trao đổi, chia sẻ và đưa ra các tình huống để biết giải quyết theo đúng pháp luật là như thế nào và không theo đúng pháp luật là như thế nào. Đấy là cách tạo một đội ngũ một mạng lưới, đấy là bước thứ nhất.

Thanh Trúc: Thưa có rất nhiều vấn đề pháp lý mà người dân vùng nông thôn không phải là không biết, trái lại họ còn ý thức rõ rằng có lúc quyền lợi của họ không được pháp luật và người thực thi pháp luật bảo vệ đến nơi đến chốn. Thí dụ những tệ trạng như cửa quyền, bạo lực gia đình, kỳ thị giới tính, nhất là tranh chấp đất đai, khiếu nại, kiện tụng liên quan đến nhà đất thường là từ địa phương mà ra?

Cách thức là tổ chức những cuộc hội thảo hoặc tập huấn cho những nhóm nòng cốt này, để họ hiểu được luật pháp một cách cụ thể hơn dưới hình thức trao đổi, chia sẻ và đưa ra các tình huống để biết giải quyết theo đúng pháp luật là như thế nào và không theo đúng pháp luật là như thế nào.

TS Vương Thị Hạnh

TS Vương Thị Hạnh: Bước thứ hai là tổ chức những sinh hoạt cộng đồng để những nhóm yếu thế được tham dự. Những điều chưa hiểu sẽ được nêu lên để những người trong mạng lưới giải thích qua những điều khoản điều luật cần biết, xây dựng những tài liệu phổ biến pháp luật, thí dụ luật phòng chống bạo lực gia đình hỏi và đáp. Luật bình đẳng giới cũng tương tự như thế, hay là những điều cần biết về luật khiếu nại tố cáo, hướng dẫn người ta khi có vấn đề thì cách khiếu nại cách tố cáo như thế nào, gặp gỡ ai.

Liên quan đến đất đai thì những vấn đề cần biết là quyền sử dụng đất liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng liên quan đến vấn đề bồi thường … Tức là tuyên truyền giải thích trực tiếp tới tận người dân.

Mà để giúp cho sự hiểu biết của người dân, tăng cường sự hiểu biết, dân chủ và lắng nghe thì phải tổ chức những buổi tọa đàm giữa chính quyền và người dân, giữa chính quyền với những nhóm yếu thế, trao đổi cho người dân biết được các chính sách. Cái hoạt động là như vậy, cái chính là phải có mạng lưới ở ngay cộng đồng. Hướng sẽ đi tiếp nữa là những phòng tư vấn pháp luật, đơn vị tư vấn pháp luật, hay là củng cố phòng tiếp dân. Hướng tới thêm nữa là những xã quá rộng hoặc miền núi, thì đang tiến tới là có thể có những tủ sách pháp luật.

Thanh Trúc: Thưa bà Vương Thị Hạnh, theo như bà nói là mọi chuyện đang trong bước khởi đầu, vậy có thể cho một thí dụ cụ thể khi bắt đầu thực hiện công tác nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, cho các nhóm yếu thế ở vùng quê, điển hình chuyến công tác vừa qua ở Bắc Giang?

vietnamexodus-123-250.jpg
Dân oan khiếu kiện ở Hà Nội. Photo courtesy of vietnamexodus (Dân oan khiếu kiện ở Hà Nội. Photo courtesy of vietnamexodus)

TS Vương Thị Hạnh: Vừa rồi chúng tôi đi thì dự án đã triển khai trong một năm và đến giờ thì đã sang tháng thứ bảy thứ tám rồi. Vừa rồi là tổ chức một sinh hoạt giao lưu giữa các mạng lưới phổ biến pháp luật cho cộng đồng. Thì họ chia sẻ họ làm cái gì dưới thôn của họ. Một vấn đề chia sẻ là người ta chưa biết được luật về khuyết tật. Thì cách họ tuyên truyền là tổ chức hội thảo từng nhóm nhỏ, theo phương pháp cùng tham gia, tức là nêu những ý chính của luật, sau đó thì cho người ta hỏi.

Cái thứ hai là những hoạt động hỗ trợ khuyết tật của chính phủ là những hoạt động gì, làm thế nào cho họ hòa nhập, làm thế nào để họ không phải là những người sống dựa dẫm. Sau đó họ hình thành những nhóm sinh hoạt của những người này với nhau. Đấy là một cái ví dụ chúng tôi đi là như thế.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn bà Vương Thị Hạnh và bài phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự: