Việt Nam nước xuất khẩu gạo xếp thứ nhì thế giới đang lâm vào khó khăn khi doanh nghiệp nói là thua lỗ, còn nông dân trồng lúa thì ngày càng nghèo hơn. Phải chăng chính sách phát triển lúa gạo của Việt Nam không còn phù hợp.
Rẻ vẫn khó bán
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa đề xuất chính phủ điều chỉnh qui hoạch giảm diện tích trồng lúa để tránh rủi ro cho nông dân, khi nguồn cung dư thừa không tiêu thụ được. Thông tin này được phổ biến giữa khi gạo xuất khẩu của Việt Nam đang rẻ nhất thế giới mà vẫn khó bán.
Ít nhất đã có hai tờ báo là Saigon Tiếp Thị Online và báo điện tử chính thức của Bộ Công thương đưa tin này. Theo đó, trong một văn bản vừa được gởi tới các Bộ ngành và Chính phủ, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhìn nhận là “đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh lúa gạo, không nên chạy theo số lượng nữa, không nên xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo mỗi năm nữa mà cần chú trọng đến chất lượng nhằm nâng giá trị hạt gạo lên”.
Khi thị trường thăng hoa, phát triển theo nhu cầu quốc tế tăng lên thì họ dễ dàng bán được gạo, còn khi thị trường suy yếu thì họ gặp bế tắc. <br/> -Võ Hùng Dũng
Trong một cuộc phỏng vấn liên quan tới vấn đề thu nhập của nông dân, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nói với chúng tôi, với tư cách nhà nghiên cứu ông tán đồng với ý kiến không nên chạy theo số lượng hoặc danh hiệu kỷ lục.
“Làm thế nào lấy mục tiêu chính tăng thu nhập cho người nông dân, chứ câu chuyện không phải là dứt khoát phải duy trì một sản lượng lớn lúa gạo để xuất khẩu để đạt mục tiêu này mục tiêu kia. Chúng tôi nghĩ rằng, mọi người nói chung càng ngày càng hiểu rõ hơn điều đó và nhất trí với quan điểm như vậy.”
Theo TS Đặng Kim Sơn, cần đa dạng hóa sản xuất cho người trồng lúa. Hãy để cho thị trường quyết định nên trồng cây gì nuôi con gì là yêu cầu cần thiết. Theo quan điểm của TS Sơn chỉ với cây lúa và với chính sách đầu tư hỗ trợ như hiện nay thì chưa thể tạo chuyển biến để cải thiện thu nhập của nông dân.
Việc VFA kêu gọi chính phủ cải tổ chiến lược sản xuất kinh doanh lúa gạo gây ngạc nhiên. Do thời gian dài, VFA thể hiện điều gọi là tính chất nhà xuất khẩu buôn chuyến, có hợp đồng xuất khẩu rồi mới đi mua gạo nguyên liệu của thương nhân để hưởng chênh lệch, chứ bản thân họ không mua lúa trực tiếp từ nông dân. Không những vậy VFA còn bày tỏ quan điểm là không thể ép buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo đầu tư thực hiện cánh đồng mẫu lớn, xây dựng vùng lúa gạo chuyên canh với sản phẩm đồng nhất, chất lượng cao. Trong khi đó, nông dân đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thấy được lợi ích của sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Một nông dân ở Kiên Giang phát biểu:
“Hè thu đang chuẩn bị sạ nhưng vụ này tôi chuyển hướng làm cánh đồng mẫu cho Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang. Tình hình đầu ra cái lúa gạo này bấp bênh quá, vụ rồi tính ra tôi lời ít lắm, mình làm riêng khi bán không có người mua. Năm nay tôi vừa ký hợp đồng cánh đồng mẫu với công ty họ sẽ bao tiêu sản phẩm cho mình, bên An Giang họ mở nhà máy tận Cà Mau thu mua luôn. Tính ra cũng tiện mình chỉ xài 1 thứ giống do người ta qui định, sau khi mình thu hoạch họ hỗ trợ tiền chuyên chở tới tận nhà máy của họ, rồi người ta sấy khô. Nếu mình đồng ý bán thì bán, còn không người ta cho gởi lại 1 tháng, lúc nào muốn bán thì bán lấy tiền về, tôi thấy là có lợi.”
Nên qui hoạch vùng lúa phù hợp
Theo tin ghi nhận, VFA đề nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn: “Nghiên cứu, quy hoạch phát triển mùa vụ cho hợp lý để tránh rủi ro cho nông dân khi lúa gạo trên thế giới đang có chiều hướng dư thừa giá thấp, nhất là vụ hè thu, thu đông có thể giảm diện tích lúa, tăng cây màu như bắp, đậu nành làm nguyên liệu thức ăn gia súc. Ngoài ra cũng nên qui hoạch vùng lúa thơm phù hợp với thị trường, nguồn giống và khu vực canh tác.”
VFA qua lời Chủ tịch Trương Thanh Phong nêu lên vấn đề gạo Việt Nam không có thương hiệu, mà một trong những nguyên nhân là các nhà khoa học đã không thể lai tạo ra giống lúa phẩm chất cao mang đặc trưng Việt Nam. Ông Phong nói những giống lúa thơm của Việt Nam như OM 4900 hay ST chỉ sản xuất vài vụ là thoái hóa, diện tích sản xuất lại nhỏ.
Làm thế nào lấy mục tiêu chính tăng thu nhập cho người nông dân, chứ câu chuyện không phải là dứt khoát phải duy trì một sản lượng lớn lúa gạo để xuất khẩu. <br/> -TS Đặng Kim Sơn
Nhận định về tình trạng bế tắc trong xuất khẩu tiêu thụ lúa gạo mà các doanh nghiệp lương thực nhà nước có vai trò chi phối trong VFA, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, việc trông chờ vào hợp đồng tập trung khối lượng lớn cấp chính phủ làm cho các doanh nghiệp gạo có nguồn gốc nhà nước ỷ lại và gập khó ở các thị trường tiêu thụ mang tính cạnh tranh:
"Khi thị trường thăng hoa, phát triển theo nhu cầu quốc tế tăng lên thì họ dễ dàng bán được gạo, còn khi thị trường suy yếu thì họ gặp bế tắc. Tình trạng này lặp đi lặp lại rất nhiều năm cho tới bây giờ cũng không thay đổi, nếu vậy ngành gạo suy yếu kéo dài và nông dân càng thêm khó khăn. Chỉ tiêu thụ gạo như vậy, họ cũng không thể nào phát triển chuỗi giá trị của ngành gạo để tạo ra được giá trị gia tăng mới gì cả."
Mới năm ngoái Việt Nam còn nói nhiều về thành tích xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo trị giá hơn 3 tỷ USD dù lượng tăng nhưng giá trị giảm, hoặc năm 2011 xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD. Năm nay 2013, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vẫn kỳ vọng xuất khẩu tới 8 triệu tấn gạo giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp than lỗ vốn vì mua cao bán thấp, còn nông dân thì bất mãn vì lợi nhuận không đạt 30% giá thành như hứa hẹn của chính phủ.