Số liệu từ Cục Chăn nuôi cho biết, chỉ trong quý 1, thức ăn chăn nuôi đã tăng giá từ 12 – 15%. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, một số loại thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, bột cá, sắn… thậm chí tăng đến hơn 30%. Dự đoán, mức giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tiếp tục tăng lên khoảng 3% trong những ngày tới. Thức ăn chăn nuôi tăng giá đã góp phần làm cho giá thực phẩm trên thị trường tăng theo.
Nguyên nhân tăng giá
Ông Đoàn Xuân Trúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến cho giá thức ăn chăn nuôi tăng:
“Chuyện giá thức ăn lên là đương nhiên bởi vì bản thân nguyên liệu từ các nước tăng rồi tỉ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô-la cũng tăng, thứ ba là bây giờ còn có một việc nữa là trước đây Việt Nam nhập nguyên liệu ở Ấn Độ khá nhiều, nhất là ngô và đậu tương.
Vừa rồi có chuyện là ngô có mọt TG, đó là loại mọt mà thuốc không trị nổi. Cho nên để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước, (Việt Nam) phải cho tái xuất 45.000 tấn ngô của Ấn Độ. Việc tái xuất đã làm cho phía Ấn Độ có phản ứng, họ dừng lại, tạm thời không bán cho Việt Nam ngô nữa.
Việt Nam phải quay sang các nước như Mỹ, Argentina để nhập ngô. Đương nhiên, nhập từ Mỹ thì chất lượng tốt hơn nhưng giá cao hơn, khoảng cách xa nên vận chuyển xa, bản thân giá gốc của các nước đó cũng cao, cho nên đó là nguyên nhân làm cho giá thức ăn tăng lên.”
Nông dân là người chịu thiệt thòi
Việc tăng giá thức ăn chăn nuôi đã làm cho số lượng tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường chỉ còn khoảng 60% so với trước đây. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp việc sản xuất của mình. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Xuân Trúc, người chịu thiệt hại năng nề nhất trong chuyện này chính là người nông dân.
Nhưng người nuôi là khổ nhất, bởi vì giữa đầu vào là giá thức ăn, chi phí điện và vận chuyển cao lên, trong khi đó thực phẩm khó có thể duy trì được mức cao.
Ông Đoàn Xuân Trúc
“Thực tế là người sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không ảnh hưởng hưởng lắm, bởi vì giá tăng lên cao quá thì người ta sản xuất ít đi, bán ít đi thôi. Nhưng người nuôi là khổ nhất, bởi vì giữa đầu vào là giá thức ăn, chi phí điện và vận chuyển cao lên, trong khi đó thực phẩm khó có thể duy trì được mức cao.”
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, trong khi giá thức ăn chăn nuôi nhiều loại tăng đến hơn 36% thì hiện mức giá thịt gà công nghiệp tăng khoảng 26% và giá thịt heo ở phía Nam chỉ tăng 13% thì việc sản xuất của người nông dân chỉ từ hòa đến lỗ.
Giải pháp
Chính vì những khó khăn trên mà các nhà hoạch định chính sách cùng với các doanh nghiệp đã phải họp bàn để tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành chăn nuôi. Ông Đoàn Xuân Trúc cho biết hiện đang có các giải pháp được đưa như kiến nghị giảm thuế cho các nguyên liệu nhập khẩu để giảm chi phí sản xuất thức ăn. Thứ hai, thành lập quỹ bình ổn giá nguyên liệu, hạn chế việc cắt điện ở các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, v.v… Tuy nhiên, tất cả các giải pháp trên đều đang trong thời gian bàn thảo và chưa được phê duyệt.
Trả lời về các giải pháp tức thời được đưa ra, Phó cục trưởng Cục Chăn Nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết:
“Tức thời thì chúng tôi nghĩ là ngay cả vấn đề sản xuất nguyên liệu trong nước thì chúng tôi khuyến cáo chế biến, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch để giảm thất thoát sau thu hoạch. Đó là giải pháp tức thì có thể làm được.
Một giải pháp nữa là chúng tôi có kiến nghị với chính phủ là nếu có khoản thuế nào còn có thể giảm được với nguồn nguyên liệu thì chúng tôi kiến nghị chính phủ giảm thuế nhập khẩu đối với những nguyên liệu mà chúng tôi không sản xuất trong nước được. Đó là những giải pháp tức thì để giảm giá thành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước trong thời gian tới.”
Một giải pháp nữa là chúng tôi có kiến nghị với chính phủ là nếu có khoản thuế nào còn có thể giảm được với nguồn nguyên liệu thì chúng tôi kiến nghị chính phủ giảm thuế nhập khẩu đối với những nguyên liệu mà chúng tôi không sản xuất trong nước được.
Ô. Nguyễn Xuân Dương
Được biết, hiện Việt Nam phải nhập nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến hơn 60%. Vì vậy, giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính là việc tăng cường sản xuất nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Xuân Trúc, đây cũng lại là một việc chưa thực hiện được trong thời gian qua.
Trong nước thì lâu nay vẫn hô hào mãi mà chưa thực hiện được, tức là bây giờ Việt Nam có đất nông nghiệp nhiều thì phải dành một quỹ đất ra để trồng cây nguyên liệu thức ăn, chủ yếu là ngô và đậu tương. Thứ hai là bột cá thì bây giờ cũng phải khoanh vùng ra để tập trung một số sản phẩm. Thay vì xuất khẩu cả thì bây giờ phải dành một ít để sản xuất bột cá trong nước. Nhưng đó là việc các nơi bây giờ đang làm nhưng ngay bây giờ vấn đề dành đất để quy hoạch nguyên liệu cũng đang khó.
Vấn đề khó mà ông Đoàn Xuân Trúc đề cập đến là ở chỗ do chính sách đất đai của Việt Nam từ trước tới giờ không được quản lý tốt. Bây giờ, chính phủ giao đất cho dân và quy hoạch cho họ trồng ngô hay đậu tương. Tuy nhiên, việc trồng các loại cây này lại không mang lại lợi ích kinh tế bằng các loại cây khác. Mặt khác, chính phủ lại không có chính sách để hỗ trợ người nông dân trong việc trồng các loại cây này. Chính vì vậy, việc người nông dân tự ý chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn là đương nhiên.
Phó cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cũng thừa nhận khó khăn trên và ông cho biết thêm:
“Chúng tôi có giới hạn về quỹ đất nhưng chúng tôi vẫn có thể mở rộng một phần nữa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chẳng hạn trước đây chúng tôi trồng nhiều lúa hay các cây khác thì có những diện tích mà việc trồng lúa hiệu quả không cao thì chúng tôi chuyển sang trồng ngô. Việc này cũng có thể tăng thêm một phần diện tích. Rồi chúng tôi tăng thêm vụ và việc quan trọng nhất mà chúng tôi có thể làm được là thâm canh.
Trước kia nếu ngô bình thường chỉ đầu tư ở mức độ vừa phải thì bây giờ khuyến cáo là phải thâm canh hơn. Chẳng hạn như phân bón phải tốt hơn, diện tích tưới nước tăng hơn và chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề giống đưa vào như giống chịu được hạn, chịu được sâu bệnh và một số những giải pháp kỹ thuật về giống nữa, thì năng suất có thể giải quyết được một phần.”
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, ngay cả những giải pháp trên cũng không thể giúp cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tự túc trong vấn đề nguyên liệu mà chỉ làm giảm bớt sức ép trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài mà thôi.
Được biết, hiện thức ăn chăn nuôi chiếm đến hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Một khi giá thức ăn tăng sẽ khiến cho giá thực phẩm tăng, mà thực phẩm lại là mặt hàng chiếm tỉ trọng rất lớn trong việc tính chỉ số lạm phát. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp khắc phục trình trạng tăng giá thức ăn chăn nuôi không chỉ là nhu cầu bức thiết của người nông dân.