Việt Nam muốn thu hút thêm khách du lịch Trung Quốc vào khi lượng người từ quốc gia này đi tham quan Việt Nam càng ngày càng đông. Đề nghị này được những người làm du lịch và giới kinh doanh lữ hành đón nhận như thế nào.
Du khách tiềm năng
Nhằm mục đích thu hút thêm khách Trung Quốc, được coi là tiềm năng và chịu chi tiền khi đi du lịch, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Việt Nam gởi công văn đề nghị lãnh đạo các thành phố và các tỉnh quan tâm đến việc tăng cường và phát triển thị trường du lịch địa phương đối với khách du lịch từ xứ lân bang rộng lớn này.
Theo Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Việt Nam thì Trung Quốc đang là thị trường đứng đầu thế giới về số lượng cũng như khả năng chi tiêu khi đi du lịch. Số liệu từ Tổng Cục Du Lịch Việt Nam cho thấy từ năm 2010 đến 2016 lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng trung bình 20% một năm, mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho ngành du lịch nước nhà.
Tôi cho rằng một trong những chuyện cấp bách phải làm ngay để phục vụ cho khách Trung Quốc tốt hơn là đào tạo cấp tốc hướng dẫn viên tiếng Hoa. <br/> - Ông Nguyễn Văn Mỹ <br/>
Vẫn theo số liệu này, năm 2016 Việt Nam đón 2 triệu 700 ngàn khách Trung Quốc, tăng 51% so với năm 2015. Bước sang 2017, chỉ nội 4 tháng đầu đã có 1 triệu 300 ngàn lượt khách Trung Quốc sang Việt Nam, tăng hơn 60% so với cùng thời gian của năm ngoái.
Chính vì thế để phát triển thị trường khách Trung Quốc năm 2017 cũng như những năm tiếp theo, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Việt Nam yêu cầu lãnh đạo địa phương quan tâm đến những việc như thống nhất nhận thức về vị thế, vai trò và phương cách ứng xử đối với du khách Trung Quốc, tăng cường quản lý những điểm đến, cải thiện và hoàn chỉnh các dịch vụ du lịch của địa phương, phát triển và tăng cường lượng nhân viên đón tiếp hướng dẫn trong những lúc cao điểm.
Văn bản của Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, còn chỉ thị địa phương các cấp phải kiểm tra, rà soát, phân loại đồng thời cung cấp thông tin về những cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch cho khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, địa phương được khuyến khích là nên phát triển tốt những trung tâm mua bán hoặc giải trí để có thể phục vụ du khách Trung Quốc một cách lành mạnh, đa dạng và đúng pháp luật.
Đây là chỉ thị nhắm đến sự tăng trưởng bền vững cho ngành du lịch Việt Nam nhưng nếu chỉ dựa vào số lượng khách Trung Quốc mà không chú ý đến chất lượng thì e rằng sẽ có tác động ngược lại, là suy diễn của anh Nguyễn Văn Thái, du học sinh từng đi tham quan nhiều nơi trước khi về nước làm hướng dẫn viên du lịch 7 năm nay ở Hà Nội:
Du lịch cũng phải là mũi nhọn kinh tế để mang lại tiền cho quốc gia, phải thiên về phát triển bền vững. Tăng lượng khách Trung Quốc làm chất lượng đi xuống một cách thảm hại, đặc biệt là khi khách Trung Quốc tập trung vào phía biển rất nhiều như Quảng Ninh, Hạ Long, đảo Cát Bà ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Gội An, Nha Trang... Số lượng lớn người Trung Quốc ở đó đã tác động xấu, đã có tình trạng gọi là dị ứng giữa thị trường khách Trung Quốc với những thị trường truyền thống phương Tây vốn đã mang lại rất nhiều tiền tiền cho Việt Nam. Khi mà Việt Nam mình đi theo số lượng, đưa rất nhiều người Trung Quốc vào thì đồng nghịa với việc những thị trường truyền thống phương Tây họ tẩy chay người Trung Quốc và gián tiếp tẩy chay Việt Nam.
Nha Trang trước đây thì có khách Nga và một số khách Tây khác, nhưng trong khoảng một năm trở lại đây khi Trung Quốc đến thì Tây người ta không trở lại Nha Trang nữa.
Ra qui tắc ứng xử văn minh
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Đà Nẵng, du khách Trung Quốc đông đảo ồ ạt đổ vào liên tục là tình trạng chung tại nhiều nước chứ không riêng Việt Nam, vấn đề là Việt Nam phải chọn lựa cách thông minh nhất để mang lợi cho nền kinh tế đồng thời cũng hạn chế những tiêu cực mà du khách Trung Quốc mang lại:
Trên cơ sở thực tiễn và những kinh nghiệm rút ra gần đây thì du khách Trung Quốc đứng vào hàng Top 5 khách nước ngoài đến Đà Nẵng, có thể đứng thứ nhì sau Hàn Quốc. Trong chừng mục nào đó thì du khách Trung Quốc đã làm cho ngành du lịch thành phố Đà Nẵng có sự tăng trưởng nhất định, đóng góp vào kinh tế của thành phố, kể cả những doanh nghiệp kinh doanh về lưu trú du lịch, những công ty lữ hành cũng như những người buôn bán, ăn uống và cơ sở mua sắm.
Vẫn theo lời ông chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng, việc du khách Trung Quốc tấp nập sang Việt Nam khiến tiêu cực nảy sinh cũng là vấn đề không thể tránh, thế nên văn bản đề nghị hoặc chỉ thị của nhà nước là để mọi người tự hoàn chỉnh qui cách ứng phó của mình trước.
Việc tăng trưởng đó cũng kéo theo những điều không được tích cực cho lắm vì cách ứng xử của du khách Trung Quốc nơi công cộng cũng không được văn minh lắm. Tất nhiên phải ứng xử thế nào đó để hạn chế và chọn được du khách tốt hơn, tiêu tiền nhiều hơn, văn minh hơn.
Ông Huỳnh Tấn Vinh nhắc lại những trường hợp tiêu cực và phản cảm liên quan đến du khách Trung Quốc trước đây, điển hình chuyện Nhà Thờ Đá ở Nha Trang quyết định không tiếp khách du lịch Trung Quốc vì họ quá ồn ào, khiến lãnh đạo thành phố phải nhờ Tòa Giám Mục can thiệp để cho khách Trung Quốc được vào thăm lại, đến chuyện khách Trung Quốc chỉ chịu trả tiền của họ khi mua hàng của người Việt Nam, hoặc chuyện xả thải rác bừa bãi tại những bãi biển sạch đẹp của Đà Nẵng khiến người dân bất bình. Ông Huỳnh Tấn Vinh nói tiếp:
Chúng ta chào mừng khách Trung Quốc đã mang lại thu nhập và tăng trưởng cho ngành du lịch, cho cộng đồng dân cư cũng như ngân sách của một nơi nào đó. Ta có thể lọc bằng cơ chế giá, ví dụ không chấp nhận những tour quá rẻ mà bán với giá cao hơn để bớt đi cái bát nháo. Nếu mình biết bản chất của họ, tính cách của họ như vậy thì hãy đưa ra những qui tắc ứng xử. Qui tắc ứng xử đó làm cho họ phải thực hiện theo cái văn minh cái qui định của mình.
Theo dự báo do Tổng Cục Du Lịch đưa ra thì lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam năm 2017 ước lượng khoảng 4 triệu, tăng gần gấp đôi năm 2016. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Mỹ, ủy viên ban chấp hành Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam tại TP HCM, nhận định:
Nếu mình biết bản chất của họ, tính cách của họ như vậy thì hãy đưa ra những qui tắc ứng xử làm cho họ phải thực hiện theo cái văn minh cái qui định của mình. <br/> - Ông Huỳnh Tấn Vinh
Con số 4 triệu không là gì cả nếu so với Thái Lan, năm 2016 Thái Lan đón 8 triệu khách Trung Quốc. Nếu làm cho tốt chúng ta có thể đón gấp đôi số khách vào Thái Lan. Chính phủ dùng nhiều hình dung từ như nỗ lực, tập trung, phấn đấu... Không phải muốn là được mà vấn đề là làm cụ thể ra sao. Khách vào Việt Nam năm 2016 là 2,7 triệu nhưng tới giờ này chỉ có 2.191 hướng dẫn viên tiếng Hoa thôi, trong đó tỉnh Khánh Hòa là tỉnh trọng điểm của khách Trung Quốc chỉ có 83 hướng dẫn viên tiếng Hoa. Như vậy bài toàn hiện nay là thiếu trầm trọng hướng dẫn viên.
Đây là một điều bất cập mà Việt Nam phải cố giải quyết, ông Nguyễn Văn Mỹ nói tiếp, vì thực tế cho thấy đã có những đoàn du khách Trung Quốc sử dụng hướng dẫn viên Trung Quốc và chính những người này đã thuyết minh những điều sai trái bất lợi về Việt Nam:
Tôi cho rằng một trong những chuyện cấp bách phải làm ngay để phục vụ cho khách Trung Quốc tốt hơn là đào tạo cấp tốc hướng dẫn viên tiếng Hoa. Người Hoa ở Việt Nam hiện nay cũng mấy triệu người, mình có thể sự dụng lực lượng người Hoa biết tiếng Việt làm hướng dẫn viên nội địa , đào tạo hướng dẫn viên tiếng Hoa từ nguồn người Hoa tại chỗ, còn không thì sẽ rối ren không quản lý được.
Trong văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý khu vực khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch còn đề nghị các địa phương nâng cấp, đa dạng hóa cũng như hợp thức hóa tức ghi rõ nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thủ công nghiệp phục vụ bán cho khách du lịch.
Còn theo ý kiến của những người trong ngành du lịch như hướng dẫn viên Nguyễn Văn Thái ở Hà Nội và ông Nguyễn Văn Mỹ ở Sài Gòn, phải có biện pháp xử lý thật nghiêm các doanh nghiệp lữ hành nào cấu kết hay thông đồng với cò du lịch Trung Quốc để thực hiện những chuyến du lịch gọi là tour không Đồng mà mọi lợi nhuận trôi vào túi người Trung Quốc thay vì đến tay người Việt Nam.