Bộ Tài Chính Việt Nam vừa có công văn đề nghị phải thanh toán những khoản nợ vay của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mấy chục năm trước đây.
Đề xuất của Bộ Tài Chính được đưa ra hôm 18 tháng Bảy, sau khi có chỉ đạo của phó thủ tướng Trương Hòa Bình từ tháng trước, đề cập đến việc trả những khoản nợ mà nhà nước vay của dân trong hai cuộc chiến chống Pháp rồi chống Mỹ với kinh phí thanh toán lấy từ nguồn bảo đảm xã hội của ngân sách địa phương.
Trong công văn gởi Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, Bộ Tài Chính dẫn các văn bản từ trước cho thấy thời hạn kết thúc việc thanh toán các khoản tiền mà nhà nước vay của dân trong 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây là ngày 31 tháng Tám 1998. Thế nhưng vẫn theo Bộ Tài Chính thì việc chi trả tất cả các khoản nợ vay của dân trong kháng chiến đến lúc này vẫn chưa hoàn tất.
Chơi trò đấy là trò nước đôi với dân, đạo đức đểu với dân chứ không phải là trả ơn dân. <br/> - Ông Nguyễn Đức Giang
Ngay khi được thông tin này, nhà thơ ở trong nước là ông Hoàng Hưng, nhận xét một cách dè dặt:
Rất lạ lùng, chưa hiểu ra làm sao, phải đợi thêm những chi tiết rõ hơn đằng sau đó là gì, nội dung thực là cái gì, chứ còn bây giờ không thể bình luận sâu hơn được đâu.
Ông Đoàn Nhật Hồng, cán bộ Việt Minh cựu trào, nguyên giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Lâm Đồng, thành viên sáng lập Câu Lạc Bộ Phan Sào Nam, cho rằng chuyện xưa lắc xưa lơ mà giờ mới lôi ra biểu làm thì không khéo lại rách việc:
Trả được thì tốt thôi, có điều khó nhất là hiện giờ ai còn giữ lại những cái giấy chứng nhận nợ của nhà nước? Tôi nghĩ hình thức thì được cái tiếng là trả, đã trả thế thôi, còn thực chất thì khó đảm bảo lắm. Lâu quá tôi cũng quên mất đi, gia đình ông già tôi trước cũng có mua nhưng sau chiến tranh chả có ai hỏi lại nữa, những giấy tờ cũ, tín phiếu này kia cũng không còn để đổi. Bây giờ giá trị thì nó không đúng như giá trị ngày xưa thì dân cũng có cái phiền lòng. Tôi nghĩ chỉ để lấy lòng dân là chính chứ thực chất ra thì không trả được cái giá trị ban đầu cũng như tiền lãi từ đó đến nay. Khó lắm, không giải quyết được.
Ai còn giữ được bằng chứng?

Thực tế hồi năm 1979 thì Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư hướng dẫn thi hành quyết định của Hội Đồng Chính Phủ liên quan đến việc thanh toán tiền nhà nước nợ dân trong kháng chiến.
Những khoản nợ dân mà nhà nước phải trả gồm nhiều loại như công phiếu kháng chiến phát hành từng năm, từ 1948 cho đến 1952; công trái quốc gia phát hành từ 1947, 1948; công phiếu nuôi quân 1964.
Ngoài ra còn có tiền hay lương thực mà dân cho cơ quan nhà nước vay để sắm vũ khí, nuôi quân, nuôi cán bộ.
Tiếp đến là tài sản trưng thu nhằm phục vụ kháng chiến như máy móc, phương tiện vận tải, tiền ký gởi cơ quan tín dụng, gởi ngân hàng nhà nước cách mạng.
Từ Hà Nội, bộ đội phục viên Nguyễn Đức Giang, kể lại chuyện ủng hộ kháng chiến chống Pháp của thân phụ mà ông còn nhớ:
Sau 47, 48 thì cha có mua công phiếu của chính phủ là 10 đồng Đông Dương, hồi đấy ông bảo nó tương đương hàng tấn gạo đấy, để giúp chính phủ mua vũ khí phục vụ chiến trường Tây Bắc giáp Lào đấy. Trái phiếu đấy chỉ bé bằng 3 con tem của Việt Nam thôi, có chữ ký của người phụ trách về ngân hàng hồi đấy. Cha bảo giữ làm kỷ niệm thôi còn nhà nước làm gì có tiền trả, hàng tấn thóc tấn gạo năm 47, 48 nó rất lớn. Gia đình còn phải có hũ gạo bàn rồi là bát cơm bàn này, ăn bớt lại để giúp cho bộ đội rồi chiến khu chống Pháp. Những trái phiếu ấy khi hòa bình lập lại năm 54 là không ai nhắc đến cả, kể cả năm 60 là thời kỳ thịnh vượng cũng không ai dám nhắc đến, chỉ cất ở đấy chờ bao giờ chính phủ nhắc đến thì đưa ra. Giấy ấy thì mỏng mà không bọc biếc gì cả, để lâu ngày thì tự nhiên là nó mờ dần đi thôi, kể cả chữ ký.
Trả được thì tốt thôi, có điều khó nhất là hiện giờ ai còn giữ lại những cái giấy chứng nhận nợ của nhà nước? <br/> - Ông Đoàn Nhật Hồng
Đến bây giờ nhà nước yêu cầu điều ấy là bất khả thi bởi vì kể cả những trái phiếu chính phủ mua cách đây 10 năm 20 năm mà chính phủ còn không nhắc nhở đến thì làm sao trái phiếu từ thời sâu xa ai còn giữ được. Chơi trò đấy là trò nước đôi với dân, đạo đức đểu với dân chứ không phải là trả ơn dân. Đưa ra bây giờ thì giá trị một tấn gạo năm 47, 48 đến giờ mà nhân theo thời gian tích lũy cộng với tiền lãi nữa thì bao nhiêu, 10 tấn hay 100 tấn? Cái đấy là cái đạo đức giả, nhân dân không ai tin hết.
Tuy nhiên một cách nghiêm túc thì chuyện công phiếu trái phiếu từ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ phải được đề cập tới, vấn đề là cách tính toán trả nợ như thế nào là trách nhiệm của nhà nước. Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh khẳng định như vậy.
Vì nhiều lý do nên chưa thanh toán hết thì bây giờ phải thanh toán nốt theo tôi cái đấy là cần thiết. Thứ hai nữa là để mà thanh toán thì chắc chắn phải có giấy tờ hay bằng chứng nào đó chứ không thể dựa trên lời nói được.
Vấn đề thứ ba người ta quan tâm là giá trị của những khoản thanh toán đó. Nếu họ đóng góp bằng những cái không phải là tiền chẳng hạn thì theo tôi có thể qui ra tiền và đưa sang thời điểm tương ứng hiện nay để trả cho họ. Ví dụ trường hợp 10 tấn gạo chẳng hạn thì có thể là mình sẽ tính cái gốc 10 tấn gạo, tất nhiên tính cả lãi nữa, rồi qui ra gạo. Những cái mang tính vật chất như thế tôi cho là đơn giản hơn so với việc nó là tiền. Tức là Việt Nam thì đồng tiền sau hàng chục năm nay rồi thì đồng tiền đã bị mất giá rất nhiều. Cái thứ hai là trong quá trình hàng chục năm vừa qua thì Việt Nam cũng đã có một số lần đổi tiền với những tỷ lệ đổi khác nhau. Do đó tôi cho rằng phía nhà nước, ở đây cụ thể là Bộ Tài Chính, cần có phương án đảm bảo lợi ích cho những người đã có tâm đóng góp. Sau bao nhiêu biến động lịch sử tôi cho rằng chuyện này không hề đơn giản, tuy nhiên đây là nỗ lực để giải quyết cho xong một lần vần đề tồn đọng hàng chục năm nay rồi.
Được biết trong văn thư đôn đốc việc thanh toán nợ mà chính phủ vay của dân thời chiến, Bộ Tài Chính còn đề nghị địa phương nào có vướng mắc khó khăn trong việc thanh toán nợ thì cần báo cáo về để bộ trình báo lên thủ tướng chính phủ.