Thế nào là thông tin nhạy cảm?

0:00 / 0:00

Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam hôm thứ Tư 26 tháng 10 khuyến cáo phóng viên và báo chí trong nước cẩn trọng khi đưa tin về nhân quyền mà bộ này cho là vấn đề ‘nhạy cảm’, thường bị những thế lực xấu lợi dụng để chống phá nhà nước Việt Nam.

Quan điểm của nhà cầm quyền Việt Nam về nhân quyền, mức độ nhạy cảm của vấn đề như thế nào?

Nhạy cảm ngay từ trong khái niệm

Tại buổi họp có tên là Hội Nghị Cung Cấp Thông Tin Về Công Tác Nhân Quyền, được tổ chức định kỳ hàng tháng, thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Bảo, đưa ra cảnh báo như vừa nêu với báo giới trong nước.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo còn lưu ý báo giới Việt Nam rằng những gì đang diễn ra trong nước, thí dụ kỳ họp Quốc Hội hay chuyện ô nhiễm môi trường chẳng hạn, là những thông tin dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Họ không muốn nhân dân hiểu rõ và thực thi nhân quyền. Trên các phương tiện thông tin đại chúng họ cũng không muốn báo chí nhắc nhiều đến vấn đề này.<br/>-Vũ Quốc Ngữ

Ông Trịnh Hòa Bình, nguyên giám đốc Trung Tâm Dư Luận Xã Hội, nay là thành viên của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, nhận định:

Đây là phát biểu chính thức của nhà nước do đảng cộng sản cầm quyền, thế thôi. Đúng như điều anh Bảo nói, nhân quyền ở Việt Nam, dưới góc nhìn của quốc tế và đến lượt Việt Nam nhìn lại, thì nó là vấn nhạy cảm mà có lẽ cũng chưa bao giờ vấn đề nhân quyền một cách phổ quát được đặt ra ... tôi không muốn nói là gay gắt.

Nói gì thì nói Việt Nam cũng đạt được những bước tiến nhất định xét về mặt lý luận, xét về mặt quan điểm chung quanh vấn đề nhân quyền. Có điều là như thế này, nhân quyền Việt Nam còn bị qui chiếu bời văn hóa của Việt Nam nữa. Đương nhiên văn hóa này bao gồm cả chính trị, ở đây có những vấn đề như thế. Tôi nghĩ không nói được gì nhiều hơn bởi vì phát biểu chính thức của họ là như vậy, bản thân tôi không phải thước đo để đánh giá.

Đối với tầng lớp lãnh đạo Việt Nam hiện nay, nhân quyền là vấn đề nhạy cảm ngay từ trong khái niệm của nó. Đó là phát biểu của ông Vũ Quốc Ngữ, thành viên Mạng Lưới Các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Độ Lập:

Họ không muốn nhân dân hiểu rõ và thực thi nhân quyền. Trên các phương tiện thông tin đại chúng họ cũng không muốn báo chí nhắc nhiều đến vấn đề này.

Việt Nam nói họ có tiêu chuẩn nhân quyền riêng so với thế giới, họ không công nhận nhân quyền phổ quát, họ bảo rằng nhân quyền Việt Nam mang tính đặc thù xã hội chủ nghĩa, đại thể là như thế. Cho nên nhân quyền của người Việt Nam mình cũng khác với nhân quyền thế giới là nhân quyền phổ quát. Do đó việc đưa tin thế nào cũng phải theo đúng chỉ đạo của đảng và chính phủ, làm sao mà không ảnh hưởng đến sự lãnh đạo độc tôn của đảng và của chính phủ.

Cơ hội cho Việt Nam vi phạm quyền con người

Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam trước đây, ảnh minh họa.
Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam trước đây, ảnh minh họa. (AFP)

Quốc hội Việt Nam đang nhóm họp với dự định thông qua một loạt các luật trong đó có luật về tôn giáo vốn là một trong những chủ đề liên quan đến nhân quyền. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng các nhà hoạt động nhân quyền trong nước đã bày tỏ sự quan ngại rằng Luật Tôn Giáo, một khi được thông qua, sẽ là cơ hội cho Việt Nam vi phạm quyền con người nhiều hơn nữa.

Chính quyền thì lại cho rằng có những kẻ xấu, những thế lực thù địch đã nhân cơ hội này lôi kéo, tuyên truyền và kích động người dân chống phá nhà nước như nội dung phát biểu của thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Hoàng Vĩnh Bảo khi đưa ra cảnh báo là cần phải thận trọng khi viết về nhân quyền.

Phát biểu của thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông như một lời đe dọa không hơn không kém, là ý kiến của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển:

Lời đe dọa đó là chuyện hết sức bình thường ở Việt Nam. Đối với những ký giả mà tôi cho là thuộc nhà nước kiểm soát thì họ sẽ hết sức thận trong và chẳng bao giờ dám viết. Nhưng bên cạnh đó có những người viết báo mà không lệ thuộc vào chính quyền cộng sản Việt Nam thì họ chấp nhận trả giá khi nói lên sự thật.

Ở Việt Nam nhân quyền đang bị đe dọa, vì lên tiếng cho quyền tự do ngôn luận mà blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt. Rất nhiều người khác cũng rơi vào tình trạng bị khởi tố theo Điều 88 tuyên truyền chống phá nhà nước, bản thân tôi cũng đã bị tôi danh như vậy.

Vậy theo nhà nước thì những kẻ xấu nào, những thế lực thù địch nào đã lợi dụng vấn đề nhân quyền để xúi dục hành động chống phá. Ông Nguyễn Bắc Truyển trả lời:

Nhà nước, đảng cộng sản Việt Nam nhìn người dân với cặp mắt thù địch khi họ nói lên sự thật trong đời sống xã hội của họ.<br/>-Nguyễn Bắc Truyển

Nhà nước, đảng cộng sản Việt Nam nhìn người dân với cặp mắt thù địch khi họ nói lên sự thật trong đời sống xã hội của họ. Tôi xin khẳng định không có ai lợi dụng tôi cả. Tôi làm vì lương tâm của tôi, vì trách nhiệm của một công dân.

Câu hỏi tương tự cũng được nêu ra với cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam:

Có lẽ tôi trả lời bằng hình thức hóm hỉnh một chút là tôi hoàn toàn bị lợi dụng, hoàn toàn bị kích động, hoàn toàn bị xúi dục bởi chính lương tâm và trách nhiệm của tôi chứ ngoài ra không có thế lực nào bên ngoài hết.

Đảng cộng sản Việt Nam vẫn coi nhân quyền là một điều cấm kỵ không chỉ riêng đối với các nhà báo lề đảng mà đối với mọi thành phần trong xã hội Việt Nam.

Phải chăng đó là lý do khiến Bộ Thông Tin Truyền Thông phải lên tiếng cảnh báo phóng viên cần thận trọng khi viết những tin những bài có liên quan đến nhân quyền?

Trong bối cảnh này tôi nghĩ chúng ta cần thừa nhận một điều là người dân càng ngày càng nhận thức được rõ hơn về giá trị con người mà cụ thể là vấn đề nhân quyền. Phát biểu này một lần nữa cho thấy trước sau như một nhà nước Việt Nam luôn nhất quán cho nhân quyền là điều tối kỵ, cấm kỵ, không được phép tồn tại.

Hiến định về quyền con người đang được hiểu khác nhau là tựa đề một bài do báo trong nước loan tải, đề cập đến báo cáo quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến Pháp giai đoạn 2014-2016, qua đó chính phủ nêu ra một số vướng mắc cần tháo gỡ mà thí dụ điển hình là qui định trong Khoản 2 Điều 14 về quyền con người.

Tin nói vì cách hiểu khác nhau nên khó đạt sự nhất trí cao trong quá trình xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân, vì thế ảnh hưởng đến tiến độ soạn thảo văn bản cũng như sự trình bày của chính phủ.

Ông Trần Ngọc Quang, trước kia là phóng viên báo đảng, nay là một nhà báo độc lập, góp ý:

Thực sự ngay nhà nước ngay quốc hội, kể cả những tổ chức lề phải cũng chưa đưa ra được cho xã hội Việt Nam một khái niệm thế nào là nhân quyền. Bản thân họ cũng còn chưa hiểu thì đừng có nói đến chuyện hướng dẫn dư luận. Anh là quan chức mà trước hết tư cách con người anh còn chưa rõ, quyền của anh anh còn không biết, làm sao mà anh có thể dẫn đắt dân chúng được.

Chính vì những lẽ đó, nhà báo độc lập Trần Ngọc Quang kết luận, lãnh đạo Việt Nam đã có những khái niệm rất mơ hồ, trong lúc báo mạng thì đầy đẫy những định nghĩa cũng như những tin bài xác thực về nhân quyền, về dân chủ, về tự do mà nhà nước không thể hay không có khả năng che lấp.