Việt Nam tuần qua

Tức nước vỡ bờ

Chết chóc, thương tật, tù tội, khổ đau…. tất cả đã diễn ra do tình trạng tranh chấp đất đai không có lời giải tại Việt Nam.

Gần hai năm sau vụ nổ súng gây chấn động tại Tiên Lãng – Hải Phòng, dư luận Việt Nam lại một lần nữa bàng hoàng trước tin một nông dân Thái Bình dùng súng xông vào trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố bắn chết một cán bộ và làm bị thương 3 người khác, sau đó đã tự kết liễu đời mình.

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 11/09/2013, khi ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, trú tại phường Kỳ Bá, Thái Bình xông vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố dùng súng bắn 5 cán bộ thuộc Trung tâm phát triển Quỹ đất Thành phố Thái Bình khiến một người chết, ba người bị thương.

Sau đó, ông Viết về quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình và tự sát dưới chân tượng Phật trong buổi chiều cùng ngày.

Theo thông tin trên các báo, nguyên nhân bức xúc của ông Viết có liên quan đến chuyện thu hồi đất đai và chính sách đền bù của chủ trương xây dựng khu đô thị mới ở phường Kỳ Bá.

Nó làm đường đi qua nhà người ta và lại đền bù không thỏa đáng. Trên cơ sở nó nói rằng nhà người ta không có giấy tờ nhưng thực ra đất này đã có bốn đời rồi cũng hơn trăm năm rồi. <br/> -Người dân gần nhà Anh Viết

Gia đình anh Viết được láng giềng cho biết đã tận cùng của sự khốn khó. Cha và em trai anh là nạn nhân chất độc da cam. Anh Viết đã ly dị vợ và có hai con phải nuôi trong khi không có một nghề nghiệp gì chắc chắn. Mảnh đất duy nhất của gia đình anh đã qua nhiều đời bỗng nhiên bị trưng thu và đền bù với cái giá thấp hơn giá thật của nó rất nhiều lần.

Một người láng giềng của gia đình anh Đặng Ngọc Viết cho chúng tôi biết:

“Nó làm đường đi qua nhà người ta và lại đền bù không thỏa đáng. Trên cơ sở nó nói rằng nhà người ta không có giấy tờ nhưng thực ra đất này đã có bốn đời rồi cũng hơn trăm năm rồi. Thực tế là vậy đã dẫn đến bức xúc trước việc lấy quyền lực áp đặt trên đất đai của họ khiến đi kiện mãi nhưng không được thế thì bắn! Nó đi miền Nam sống nhưng thấy việc gia đình như vậy mà không giải quyết được nên nó bức xúc quá nó phải bắn vì biết không làm gì được chính quyền này đâu”.

Nếu vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn dùng súng và mìn tự chế chống lại lực lượng cưỡng chế đất của chính quyền, làm 6 nhân viên công lực bị thương và nhiều người trong gia đình ông Vươn phải lâm cảnh tù tội là một tiếng chuông báo động về chính sách cưỡng chế đất đai của chính quyền gây nhiều bất bình trong dân chúng; thì sự việc ông Đặng Ngọc Viết bắn chết cán bộ nhà nước và tự sát cho thấy việc chính quyền tiếp tục cho thi hành các biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đã đẩy người dân vào bước đường cùng.

Công an, côn đồ bao vây dân để để xe ủi phá hoại tài sản hoa màu tại Văn Giang ngày 17-9-2013. Courtesy FB NghiemVietAnh.
Công an, côn đồ bao vây dân để để xe ủi phá hoại tài sản hoa màu tại Văn Giang ngày 17-9-2013. Courtesy FB NghiemVietAnh.

Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, GSTS Nguyễn Thế Hùng ở Đà Nẵng, một nhân vật tích cực với vấn đề phục hồi xã hội dân sự, nhận định về tình trạng giọt nước tràn ly liên quan đến vấn đề thu hồi đất đai, qua vụ Tiếng súng Hoa cải Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cũng như vụ Đặng Ngọc Viết bắn lãnh đạo Địa chính rồi tự sát ở Thái Bình:

“Vụ việc vừa rồi đúng là đáng báo động, bởi vì người dân bị dồn vào đường cùng. Một số quan chức Nhà nước móc ngoặc với đại gia để họ bán đất ăn trên đầu trên cổ nhân dân, gây ra một làn sóng phẫn uất rất chính đáng và gọi là tức nước vỡ bờ. Cho nên phải thừa nhận sở hữu tư nhân và khi thu hồi đất phải trên cơ sở thỏa thuận giữa người dân và cơ quan thu hồi đất, bởi vì thỏa thuận thì người dân được đền bù chính đáng. Không có khoản tiền chênh lệch thì quan tham mới không chui vào đó ăn được. đó là một trong những cách hạn chế tham nhũng.”

Đất đai sở hữu toàn dân

Cũng liên quan đến quyền sở hữu đất đai, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội nhận định, Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Qui định này mù mờ về chủ sở hữu cũng người đại diện chủ sở hữu. TS Lê Đăng Doanh phân tích:

Vụ việc vừa rồi đúng là đáng báo động, bởi vì người dân bị dồn vào đường cùng. Một số quan chức Nhà nước móc ngoặc với đại gia để họ bán đất ăn trên đầu trên cổ nhân dân. <br/> -GS Nguyễn Thế Hùng

“Việc thu hồi đất của nông dân và đền bù với một giá rất thấp rồi chuyển giao cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước và ăn chênh lệch giá đó, giá đất thì thường xuyên được đẩy lên rất cao cho nên làm cho giá bất động sản của Việt Nam tăng lên cao hơn rất nhiều lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Đấy là một vấn đề rất là gay gắt, cho nên hiện nay đang có nhiều phương án đưa ra để thảo luận.”

Vụ một người dân bị thu hồi đất tự sát sau khi xông vào trụ sở UBND Thành phố Thái Bình nổ súng vào 5 cán bộ địa chính, đã trở thành sự kiện nóng trên báo chí, dư luận cho tới diễn đàn Quốc hội.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ở Hà Nội hôm 12/9, một ngày sau vụ ông Đặng Ngọc Viết tự sát sau khi bắn chết cán bộ thành phố Thái Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ vụ việc ở Thái Bình với vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, để khẳng định việc thu hồi đất thực sự là một vấn nạn đầy phức tạp bức xúc.

Vụ người dân nổ súng bắn cán bộ địa chính và tự sát ở Thái Bình chỉ là một trong hàng chục ngàn vụ rắc rối có liên quan đến thu hồi đất đai và đền bù không thỏa đáng. Báo chí ghi nhận hàng trăm vụ biểu tình hoặc chống đối cưỡng lệnh thu hồi đất để chính quyền thực hiện các dự án có tính cách thương mại, như Ecopark Hưng Yên hoặc đơn lẻ nhưng gây tiếng vang lớn, như vụ nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng.

Mới nhất, cái chết của Đặng Ngọc Viết tại Thái Bình cũng không đánh động được lương tâm, trách nhiệm của các cơ quan chính quyền Việt Nam. Tại miền Nam, hôm thứ Hai 17 tháng 9, hàng trăm người tập trung khiếu kiện đất đai tập trung tại số 210 đường Võ Thị Sáu thành phố HCM nơi đặt Văn phòng Chính phủ Trung ương 3 có nhiệm vụ tiếp dân tại miền Nam, lại bị nhân viên an ninh bắt đưa lên xe chở về địa phương.

Chị Trần Ngọc Anh, một trong những dân oan bị trục xuất, kể lại với chúng tôi:

“Họ bưng tôi như một con chó họ thả xuống mạnh đến nỗi đầu của tôi đập xuống khiến tôi bất tỉnh. Lúc họ kéo tôi, nó ghìm tôi nó dập đầu tôi xuống đất làm tôi chấn thương rồi bất tỉnh (khóc) sau khi chị em đưa tôi vào bệnh viện có các chị như chị Hoàng…. bây giờ tôi mệt quá không nói thêm được…”

Theo lời kể của các nhân chứng với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do thì dân oan từ nhiều tỉnh phía Nam kéo lên tập trung trước Văn phòng tiếp dân chính phủ tại Sài Gòn lên đến cả trăm người, cầu cứu Trung ương giải quyết cho những oan ức của họ cho bị chính quyền địa phương cưỡng chế đất đai mà không đền bù thỏa đáng.

Tuy vậy, thay vì được công lý lắng nghe, những dân oan này đã bị hàng chục công an, an ninh triển khai chặn tất các các ngõ đường, áp chế bà con lên xe chở đi.

Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị tuần sau!