Biển Đông
Có mặt tại Việt Nam chỉ một tháng sau chuyến viếng thăm của Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta, Ngoại trưởng Hillary Clinton một lần nữa khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ các quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông.
Theo bà Hillary Clinton, những tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết dựa theo luật pháp quốc tế, vì vậy Hoa Kỳ hoan nghênh việc hình thành một bộ qui tắc ứng xử chung cho vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ cũng hy vọng là tại Diễn Đàn An Ninh khu vực nhóm họp ở Campuchia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các qui tắc ứng xử tại vùng biển đang có nhiều tranh chấp này.
Hợp tác giáo dục song phương
Ngoài vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Clinton cũng lên tiếng ca ngợi các nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật, v.v… Ngoại trưởng Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến những thành quả về hợp tác giáo dục song phương. Theo đó, số sinh viên Việt Nam sang du học tại Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng đáng kể. Và theo bà Hillary Clinton, đây là một trong những dấu hiệu rất tốt cho tương lai của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Thống kê của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, trong năm qua có đến 15.000 sinh viên học sinh Việt Nam được đưa sang Mỹ du học, từ bậc trung học cho đến đại học, cao học,nghiên cứu sinh, tiến sĩ, v.v…
Nhân quyền
Riêng về nhân quyền, một vấn đề được coi là khá tế nhị trong bang giao Việt – Mỹ, Ngoại trưởng Clinton cũng đã không ngần ngại đề cập đến với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy thực hiện dân chủ hóa đất nước song song với phát triển kinh tế.
Theo bà Clinton: "Dân chủ và thịnh vượng lúc nào cũng song hành với nhau. Cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế có mối liên kết và hỗ trợ cho nhau".
Tuyên bố với báo chí sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, bà Hillary Clinton cho biết Hoa Kỳ đặc biệt quan ngại về tình trạng thiếu tự do internet tại Việt Nam. Điều đó được minh chứng qua việc Hà Nội tiếp tục bỏ tù một số nhà báo, bloggers, luật sư và những nhà bất đồng chính kiến chỉ vì họ đã bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa trên các trang blog cũng như mạng xã hội.
Ngoại trưởng Clinton nhân dịp này cũng khuyến cáo rằng Việt Nam cần phải tôn trọng quyền tự do bày tỏ cảm tưởng của người dân, quyền tự do phát biểu hay các cuộc biểu tình trong ôn hòa.
Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam còn đặc biệt gây chú ý khi ngay trước khi Ngoại trưởng Clinton đặt chân đến Hà Nội, Dân biểu Frank Wolf, đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ lên tiếng đòi bãi nhiệm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
NT Hillary Clinton
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do hôm thứ Hai 9 tháng 7, Dân biểu Frank Wolf nêu lý do là đại sứ David Shear đã làm ông thất vọng về các hoạt động bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, không giữ được lời hứa mời những người bất đồng chính kiến thăm tòai đại sứ nhân dịp quốc khánh Hoa Kỳ mùng 4 tháng 7 vừa qua.
Theo quan điểm của Dân biểu Frank Wolf thì Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phải là nơi đại diện cho các giá trị về tự to, dân chủ, nhân quyền mà người Mỹ tôn trọng và cổ vũ.
Đáp lại các chỉ trích mạnh mẽ của Dân biểu Frank Wolf, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Đại sứ David Shear luôn luôn đặt vấn đề nhân quyền vào trọng tâm quan hệ song phương Mỹ- Việt, và trong mọi cuộc gặp với phía quan chức cao cấp Việt Nam, ông luôn luôn nêu lên vấn đề nhân quyền.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Victoria Nuland, lên tiếng nói rằng từ khi nhận nhiệm sở ở Hà Nội hồi tháng 8 năm ngoái, Đại sứ David Shear đã can thiệp cho rất nhiều người Việt Nam, trong đó có những nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, các vị lãnh đạo tôn giáo. Ông David Shear cũng đã có mời đại diện của những nhóm đó đến dự buổi tiếp tân nhân dịp Quốc khánh Hoa Kỳ 4 tháng 7 vừa qua.
TBT Nguyễn Phú Trọng cảm thấy ‘không thoải mái’
Và cuối cùng, thưa quý vị, theo dõi và đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, báo chí phương Tây còn dành sự chú ý đến một chi tiết ngoại giao trong các cuộc gặp của người đại diện cho chính phủ Mỹ với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Theo tường thuật của hãng thông tấn Reuters, khác với Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã không cảm thấy thoải mái khi nghe bà Clinton đề cập đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Reuters khi loan tin này cũng nói thêm là chính bà Hillary Clinton đã chủ động đề nghị được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với mục đích "để tìm hiểu thêm về sự dè dặt bên trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong việc thăng tiến các quan hệ với Hoa Kỳ".
Theo dòng thời sự:
- Biển Đông & Nhân quyền trong chuyến thăm VN của Ngoại trưởng Mỹ
- Quyền con người trên Internet
- Muốn phát triển kinh tế thị trường phải phát triển dân chủ
- Hoa Kỳ chú trọng mối quan hệ song phương về giáo dục
- Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hillary Clinton
- Ngoại trưởng Mỹ bàn thảo thúc đẩy mậu dịch song phương
- Vì sao giới trẻ Việt Nam thích du học Mỹ?
- Dân biểu Mỹ đòi bãi nhiệm đại sứ tại Việt Nam
- Ngoại trưởng Clinton kêu gọi giải quyết ôn hoà vấn đề biển Đông
- Nhìn lại quan hệ thương mại Việt - Mỹ