Cơ hội cho Đảng và đất nước
"Đảng phản công – công luận không chùn bước". Đó là những gì đang diễn ra trong quá trình sửa đổi Hiến pháp tại Việt Nam, khiến chính quyền phải quyết định gia hạn thêm thời gian góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Những tranh luận về việc góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992 lại một lần nữa cho thấy cốt cõi của mọi vấn đề nằm ở Điều 4.
Từ "Kiến nghị của trí thức", "Tuyên bố công dân tự Do", cho đến "Thư góp ý của Hội đồng Giám mục", "Lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Quảng Độ", v.vân… tất cả đều cho thấy Điều 4 Hiến Pháp qui định quyền độc tôn lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; và chỉ có một chế độ đa đảng, trong đó người dân được tự do bỏ phiếu bầu lãnh đạo quốc gia mới thực sự phản ánh một bản Hiến pháp dân chủ, công bằng và tiến bộ.
Tuy nhiên, cũng như mọi lần trước, khi quyền lực của Đảng bị đưa ra mổ xẻ, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ngay lập tức có những phản ứng rất mạnh mẽ. Từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chính thức đăng đàn chỉ trích những tiếng nói dám thách thức đến quyền lãnh đạo của đảng CSVN.
Và cũng như mọi lần, để dập tắc làn sóng dân chủ vừa mới nhen nhóm này, một mặt chính quyền Việt Nam cho kéo dài thêm thời hạn góp ý sửa đổi Hiến Pháp, một mặt tìm cách chụp mũ “phản động”, “cơ hội” cho những ai dám hô hào hủy bỏ Điều 4 Hiến Pháp.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Đáp lại những qui chụp của lãnh đạo đảng cũng như hệ thống truyền thông lề phải, nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì lên tiếng phản biện, khi cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một cơ hội lớn cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Tuyên bố với báo điện tử VietnamNet, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nói rằng: "Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai."
Vẫn theo lời TS Nguyễn Sĩ Dũng, Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới. Đây là thời kỳ của hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Không có những cải cách sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội, thì Việt Nam không thể thành công.
Đồng cảm về vấn đề này, Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TP.HCM nói với Đài Á Châu Tự Do rằng:
“Đây là một cơ hội cho Đảng và Nhà nước Việt Nam thay đổi để phát triển đất nước chứ không phải như tình hình hiện nay, như TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói là, chúng không nên giáo điều không nên bị vòng kim cô giáo điều ràng buộc.
Tại sao chúng ta lại cứ bo bo giữ nó để nó ngăn trở sự phát triển đất nước và nhất là nó ảnh hưởng khối đoàn kết của dân tộc, không thể huy động toàn lực của dân tộc chiến đấu chống lại nghèo nàn lạc hậu, chống lại những bất bình hiện nay để xây dựng một nước Việt Nam mới ngang vai các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Thành ra bây giờ phải tháo bỏ cái vòng kim cô đó đi.”
Blogger Việt được vinh danh
Sau những hồi hộp, lo lắng, cuối cùng blogger Huỳnh Ngọc Chênh cũng đã đến được Paris, thủ đô nước Pháp, để nhận giải thưởng Công dân mạng Netizen 2013.
Trong buổi lễ trang trọng được tổ chức tại trụ sở của Google ở Paris chiều thứ Ba 12 tháng 3 vừa qua, ông Huỳnh Ngọc Chênh nguyên là một phóng viên của tờ Thanh Niên, đã được vinh danh vì sự dũng cảm của ông khi sử dụng phương tiện internet để viết lên những sự thật đang diễn ra trong đời sống xã hội Việt Nam.
Về phần mình, đáp lại phần thưởng cao quý do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới và Tập Đoàn Google trao tặng, trong bài diễn văn nhận giải Netizen 2013, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói rằng ông xin được dành vinh dự này cho tập thể giới blogger trong nước, những người đã bất chấp hiểm nguy, vượt qua mọi sợ hãi để tranh đấu cho các quyền tự do dân chủ, dân quyền và nhất là tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Cũng ngay trên bục nhận giải thưởng tự do báo chí của RSF, trò chuyện với phóng viên Nguyễn Khanh của Đài Á Châu Tự Do, blogger Huỳnh Ngọc Chênh một lần nữa đặt rất nhiều kỳ vọng vào giới blogger trong nước và cho rằng với những nỗ lực không mệt mỏi của đông đảo đội ngũ những người dám nói lên sự thật tại Việt Nam, trong tương lai không xa người dân trong nước sẽ sớm có được các quyền tự do căn bản mà nhân loại tiến bộ đang thụ hưởng:
Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đã chọn ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet 12 tháng 3 để tổ chức lễ trao giải Netizen cho blogger Việt Nam Huỳnh Ngọc Chênh. Và cũng ngay trong này này, RFS đã công bố bản báo cáo thường niên về tình trạng kiểm duyệt internet trên thế giới, theo đó Việt Nam tiếp tục được xếp trong danh sách 5 quốc gia “kẻ thù của internet”, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Syria, Iran và Bahrain.
Theo thống kê của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, trong năm qua công an Việt Nam đã liên tục theo dõi các hoạt động của giới blogger trên internet, và ít nhất đã có 31 người trong số này bị bắt giam.