Việt Nam Tuần Qua

Bản án gia đình ông Đoàn Văn Vươn

Tổng cộng 15 năm 6 tháng tù giam và 33 tháng tù treo. Đó là bản án sơ thẩm do Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng tuyên phạt 4 thành viên trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn sau phiên xử kéo dài 4 ngày.

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do ngay sau khi phiên xử kết thúc, bà Nguyễn Thị Thương – vợ ông Đoàn Văn Vươn cho biết sẽ kháng án.

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, Luật sư Nguyễn Việt Hùng, bào chữa cho anh em ông Đoàn Văn Vươn, nói với đài Á Châu Tự Do rằng nội dung bản án chưa thể hiện được hết quan điểm mà luật sư đưa ra trước tòa để biện hộ cho thân chủ:

"Quan điểm của tôi khác với quan điểm mà Viện Kiểm Sát đã buộc tội và tôi không hài lòng với bản án đó. Quan điểm của tôi trong trường hợp này là họ phản ứng lại bằng việc tự vệ và bảo vệ tài sản cũng như nơi ở của mình mà nằm ngoài khu vực cưỡng chế, tuy nhiên không được ghi nhận trong bản án."

Vụ án Đoàn Văn Vươn gây nhiều chú ý cho công luận khi đây là lần đầu tiên dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, một người nông dân đã nổ súng chống lại nhân viên công lực khi bị cưỡng chế đất đai.

Công an ngăn cản dânTiền Giang gặp CT Trương Tấn Sang

Cũng trong lĩnh vực xã hội, trong lúc tại Hải Phòng, một lực lượng công an đông đảo được huy động để ngăn cản người dân đến quan sát phiên tòa xử ông Đoàn Văn Vươn, thì tại miền Nam, công an tỉnh Tiền Giang đã ngăn chận không cho người dân đến gặp Chủ tịch nước khi ông Trương Tấn Sang về làm việc với các cán bộ lãnh đạo của tỉnh này hôm 1 tháng 4.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do, bà Lê Thị Nguyệt, một trong số dân oan tập trung trước nhà ông Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang để đòi giải quyết đơn khiếu kiện đất đai của họ, cho biết:

Bà Lê Thị Nguyệt

"Chúng tôi tập trung mấy ngày nay vì ông Trương Tấn Sang về Tiền Giang rồi đi Gò Công thì tụi tui xuống cũng bị công an dí, tấn công, không cho tụi tui vô gặp, mà tui về Tiền Giang nó cũng chặn. Coi như nó hốt nó liệng tụi tui như con heo.

Từ 2 giờ tới giờ tui vô Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, thanh tra tỉnh Tiền Giang và bây giờ tui vô trong nhà của Chủ tịch tỉnh. Nó đem rào nó tấn nó dí nó không cho tụi tui để nó hốt nữa. Phái đoàn của tụi tui là sáu mươi mấy người ở Tiền Giang”.

Một nữ dân oan khác cũng lên tiếng bày tỏ sự bức xúc:

“Chị cũng bị tấn công, tụi chị đang đứng ngay đường vô nhà ông Sang chủ tịch tỉnh. Người nào cũng mười mấy hai chục năm hết mà không giải quyết cứ đi thì bị công an cưỡng chế. Ngày hồi qua ông Trương Tấn Sang chủ tịch nước về, đáng lý ra vua về làng thì dân chúng phải đón tiếp còn cái này vua về làng mà dân bị cản trở, cưỡng chế không cho dân tiếp xúc.”

Vốn đầu tư trực tiếp giảm

Phòng giao dịch chứng khoán Sacombank ảm đạm hôm 20/12/2012. AFP photo
Phòng giao dịch chứng khoán Sacombank ảm đạm hôm 20/12/2012. AFP photo (Phòng giao dịch chứng khoán Sacombank ảm đạm hôm 20/12/2012. AFP photo)

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam Tuần Qua ghi nhận một số thông tin không mấy sáng sủa cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong lúc Nhà nước vẫn chưa tìm ra một giải pháp hữu hiệu để vực dậy thị trường bất động sản, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam đã bị sút giảm đáng kể.

Viện quản lý kinh tế trung ương thuộc bộ Kế hoạch và đầu tư hôm 3 tháng 4 cho biết, 5 năm sau ngày gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO, lĩnh vực đầu tư tại Việt nam đang lộ nhiều yếu kém.

Các yếu kém đó là: đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI giảm, các dự án sử dụng nhiều đất đai, tài nguyên và gây ô nhiễm, ít có dự án đầu tư vào các vùng khó khăn. Các dự án đầu tư công có hiệu quả thấp, gây thất thoát, chậm tiến độ thực hiện.

Để khắc phục tình trạng này, Viện quản lý kinh tế trung ương khuyến nghị là nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp vận dụng tốt hơn các cơ hội của hiệp định thương mại tự do của WTO để tiếp cận thị trường, chuyển từ gia công sang sản xuất trực tiếp, v.v… Thêm vào đó, Nhà nước cần điều chỉnh nguồn vốn vào các ngành sản xuất, loại bỏ các dự án đầu tư không mang lại lợi ích cho quốc gia.

Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ

Trong lĩnh vực bang giao quốc tế, tin cho hay cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ sẽ được nối lại vào tuần tới tại Hà Nội, sau nhiều lần phía Mỹ trì hoãn do tình trạng sa sút nhân quyền tại Việt Nam.

Hồi tháng rồi, lên tiếng trong cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Dan Baer, khẳng định là "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm một cách cứng rắn với Hà Nội về các quan ngại liên quan tới nhân quyền."

Theo ông Dan Baer, một mặt Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá cao việc Việt Nam mở rộng việc sử dụng internet trong dân chúng, nhưng mặt khác, nhà cầm quyền Việt Nam lại gia tăng việc ngăn chận trao đổi thông tin trên internet, đàn áp giới blogger, cũng như tuyên phạt các bản án nặng nề đối với những tiếng nói cổ vũ cho dân chủ, nhân quyền và quyền của người lao động.

TS Nguyễn Đình Thắng

Cũng trong nỗ lực vận động cho nhân quyền tại Việt Nam, ngay trước ngày diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, cộng đồng người Việt tại hải ngoại sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm đánh động công luận Hoa Kỳ về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn Đài chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một trong những người khởi xướng cuộc vận động lần này chia sẻ:

“Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, hành pháp Hoa Kỳ cần phải hội ý và hợp tác với tập thể người Mỹ gốc Việt ở ngay tại đây là công dân Hoa Kỳ trong mọi chính sách đối ngoại mà liên quan tới Việt Nam chứ không thể nào chỉ có tay đôi giữa bộ ngoại giao Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam

Trước khi bộ ngoại giao Hoa Kỳ lên đường đi, cử phái đoàn sang Việt Nam để mà đối thoại về nhân quyền thì chúng tôi muốn rằng họ lắng nghe và trao đổi với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, và sau khi họ đi về họ sẽ tường trình kết quả đến đâu và hội ý cho những bước kế tiếp.”

Phim “Bụi Đời Chợ Lớn” bị hoãn ngày chiếu

Một bộ phim do ekip đạo diễn và diễn viên Việt kiều thực hiện đã gặp rắc rối với cơ quan kiểm duyệt văn hóa Việt Nam ngay trước ngày chuẩn bị khởi chiếu.

Bộ phim võ thuật mang tên “Bụi Đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn với các diễn viên Johnny Trí Nguyễn; và dàn diễn viên đang ăn khách trong nước như Hoàng Phúc, Huỳnh Bích Phương, Long Điền, Hà Hiền, Nhung Kate, Hoàng Phi…. dự trù sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 19 tháng 4 tới đây, nhưng đã bị Hội đồng trung ương thẩm định phim truyện – thuộc Cục Điện ảnh Việt Nam tuýt còi với lý do “trong phim có quá nhiều các cảnh bạo lực, gây tổn hại đến hình ảnh xã hội Việt Nam”.

Theo yêu cầu của các giới chức kiểm duyệt phim truyện Việt Nam, "Bụi đời Chợ Lớn cần phải chỉnh sửa cho phù hợp hơn với văn hóa phương Đông, trước khi được cấp phép phát hành".

Được biết, phần lớn các cảnh quay trong bộ phim mới nhất này của đạo diễn Charlie Nguyễn được thực hiện tại khu vực Chợ Lớn - Sài Gòn, gồm các quận 5, quận 6, quận 10 và một phần của quận 11.