Những tín hiệu trái ngược
Một mặt chính quyền tuyên bố sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo toàn lãnh hải – lãnh thổ, một mặt lại ra tay trấn áp những tiếng nói đi đầu trong việc chống lại âm mưu bá quyền của Trung Quốc.
Cùng trong ngày thứ Hai đầu tuần này, trong lúc tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên tiếng cam kết sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, thì tại Huế công an lại bắt giam Linh mục Nguyễn Văn Lý với lý do được thông tấn xã Việt Nam cho là Cha Lý lên tiếng kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc.
Sang ngày thứ Tư 27 tháng 7, nếu tại Sài Gòn nhà nước bật đèn xanh cho giới nhân sĩ tổ chức tưởng niệm các anh hùng tử sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt là trận đánh với Trung Quốc tại Hoàng Sa năm 1974, thì tại Hà Nội công an lại chất vấn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện về các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh.
Trong lời tuyên bố đầu tiên ngay sau khi được Quốc hội bỏ phiếu bầu làm tân Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang, đã khẳng định rằng "Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm". Và một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là phải kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ - lãnh hải Việt Nam.
Nhận xét về tuyên bố của tân Chủ tịch nước Việt Nam, từ Sài Gòn giáo sư Trần Khuê nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Trương Tấn Sang hay bất cứ ai nói là bảo vệ lãnh thổ, tổ quốc…thì ông nào mà chả nói được. Vấn đề là công việc làm của ông ta như thế nào. Có điều là đối với nhân dân VN, TQ hay bất cứ nước nào xâm phạm lãnh thổ VN thì họ phải xem lại lịch sử. Chưa bao giờ người dân VN chấp nhận điều đó cả. Điều ông Trương Tấn Sang nói thì người dân ghi nhận đó thôi. Chứ họ biểu tình biểu lộ lòng yêu nước, phản đối kẻ xâm phạm lãnh thổ thì công an lại cản trở, thì đó là cái gì?”
Sao họ không ra lệnh công an ngừng hành động cản trở những người yêu nước biểu tình? <br/>
GS Trần Khuê
Cũng giống như tuyên bố hồi tháng trước tại Nha Trang của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền biển đảo Việt Nam, lời khẳng định của tân Chủ tịch nước cũng được dư luận người Việt đón nhận và hy vọng.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người không khỏi thắc mắc là tại sao cùng lúc với những tuyên bố "đề cao tinh thần dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc" của các nhà lãnh đạo, thì công an lại ra tay đàn áp những người biểu tình bày tỏ lòng yêu nước?
“Sao họ không ra lệnh công an ngừng hành động cản trở những người yêu nước biểu tình? Nên tôi thấy mấy việc đó mâu thuẫn với nhau. Việc làm và lời nói của mấy ông lãnh đạo mâu thuẫn, là điều mà nhân dân không thể chấp nhận.”
Một nghĩa cử đẹp
Cũng liên quan đến tinh thần dân tộc, chủ quyền đất nước, Việt Nam tuần qua ghi nhận một sự kiện hiếm có vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm 27 tháng 7, nhân kỷ niệm 64 năm ngày lễ Thương binh liệt sĩ Việt Nam, giới nhân sĩ Sài Gòn đã tổ chức tưởng niệm những anh hùng, tử sĩ của cả hai miền Nam – Bắc, đã hy sinh để bảo vệ biên giới và hải đảo.
Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức tại câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã được người Việt trên khắp thế giới hoan nghênh tán đồng.
Từ trong nước đến hải ngoại, từ báo chí, truyền thanh truyền hình, cho đến các diễn đàn internet, người Việt Nam đồng loạt cho rằng đây là một nghĩa cử đẹp và đáng trân trọng.
Dư luận cũng đặc biệt dành sự ngưỡng một cho những người đã dám nghĩ và dám thực hiện một hành động mang tinh thần dân tộc cao thượng này.
Nhân buổi lễ tưởng niệm ở Sài Gòn hôm 27-7, người Việt Nam yêu nước, nhất là giới trẻ, có được cơ hội có một không hai để nhìn lại những hành động quả cảm của cha ông trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhất là trận đánh oai hùng với hải quân Trung Quốc năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa.
Một cử chỉ được coi là quá đẹp khi lần đầu tiên những chiến sĩ trong quân đội Miền Nam hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 khi quân Trung Quốc tràn lên xâm chiếm quần đảo này của Việt Nam, đã được vinh danh cùng với các liệt sĩ phía Bắc đã ngã xuống trong trận hải chiến chống quân Trung Quốc xâm lược đánh chiếm một số đảo tại Trường Sa năm 1988.
Đến dự buổi lễ tưởng niệm có nhiều nhà trí thức nổi tiếng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Tương Lai, Nguyễn Phương Tùng, các văn nghệ sĩ như nhà thơ Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, các khuôn mặt trong phong trào sinh viên Sài Gòn trước đây như các ông Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm… Đặc biệt có sự hiện diện của bà quả phụ Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng chiếc Nhật Tảo, tức HQ-10, đã tuẫn tiết theo tàu trong trận hải chiến ngày 18/01/1974, nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc thuộc quần đảo Hoàng Sa bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Cũng trong buổi lễ tưởng niệm này, những người tham gia đã giơ cao các khẩu hiệu "Ủng hộ kiến nghị 10/07/2011 của nhân sĩ, trí thức gởi Quốc hội và Bộ Chính trị", "Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam", "Hòa bình và công lý cho Biển Đông", "Yêu cầu nhà cầm quyền không đàn áp biểu tình yêu nước của nhân dân".
Tinh thần Đại Việt
Một trong những người đồng tổ chức buổi lễ, nhà thơ Lưu Trọng Văn, bày tỏ với Đài chúng tôi:
“Tôi nghĩ mỗi người đến đây đều mong muốn một điều và tôi thấy mọi người đến với những mong muốn đó. Sau khi tham dự buổi lễ xong tôi có cảm giác ai cũng đạt được điều mong muốn của mình. Đó chính là họ thể hiện được tấm lòng đối với những người con của đất nước dù ở đâu, dù thuộc chính kiến nào nếu đã hy sinh bảo vệ cho tổ quốc, cho toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.
Bảo vệ cho cái đẹp, cái nhân, cái nghĩa thì tôi nghĩ điều đó nó là sức mạnh không cần nói, không cần nhiều lời, nhưng trong ánh mắt, trong cử chỉ, trong từng cái bắt tay, tất cả mọi cái, người ta đều cảm nhận được và thấy có sự đồng cảm rất mạnh mẽ trong cái tinh thần đó.
Đấy là cái tinh thần rất lớn, tinh thần Đại Việt, nó bỏ qua tất cả những chấp nhặt, bực mình hay những điều gì đó chưa hay trong cuộc sống để cùng hội tụ và vươn tới một cái gì lớn hơn.”
Đấy là cái tinh thần rất lớn, tinh thần Đại Việt, nó bỏ qua tất cả những chấp nhặt, bực mình hay những điều gì đó chưa hay trong cuộc sống để cùng hội tụ và vươn tới một cái gì lớn hơn.
Nhà thơ Lưu Trọng Văn
Được biết, trong trận hải chiến với hải quân Trung Quốc tại Hoàng Sa năm 1974 đã có 58 người con nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ đến cùng biên cương của Tổ quốc.
Trả lời báo chí nhân buổi lễ tưởng nhiệm ở Sài Gòn, thân nhân của những chiến sĩ đã hy sinh anh dũng cho tổ quốc cũng như các đồng đội còn sống sót đều bùi ngủi tưởng nhớ lại trận đánh oai hùng này.
Và cảm xúc đặc biệt mà dường như tất cả đều cảm nhận được đó là sự xả thân quên mình của các chiến sĩ hải quân Việt Nam khi chứng kiến biển đảo thiêng liêng của tổ quốc bị ngoại bang xâm chiếm bằng vũ lực.
Chúng tôi xin mượn lời ông Nguyễn Văn Chọn (61 tuổi, hiện ngụ tại xã Phú Nghĩa Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), thủy thủ tuần dương hạm HQ-6 tham chiến trong trận đánh này, như một lời tri ân đến những người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước. Ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Đại Đoàn Kết hôm 27-7:
“Cuộc chiến đã lùi xa hơn 38 năm, dù không thể giữ được mảnh đất thiêng liêng của ông cha nhưng chúng tôi luôn nhận thức nơi biên cương ấy vẫn là vùng biển đảo chủ quyền của dân tộc Việt Nam; là máu, là nước mắt mà biết bao con người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ”.
Theo dòng thời sự:
- Tân Chủ Tịch nước hứa một lòng vì dân
- Hèn với giặc ác với dân
- TS Nguyễn Xuân Diện nói về việc bị công an triệu tập
- Một buổi tưởng niệm anh hùng tử sĩ hiếm có
- Sài Gòn tổ chức tưởng niệm anh hùng tử sĩ cả hai bên
- Sốc- Đau buồn- Thất vọng- sau biểu tình
- ĐCSVN viết tên mới cho mình?
- Cú đạp lịch sử, Hà Nội ơi!
- Hà Nội: Công an trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc