Việt Nam tuần qua

Chính phủ Việt Nam đã quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế để chống lạm phát.

Giảm mục tiêu tăng trưởng

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa thứ 13 hôm 20 tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, "Việt Nam phải hạ tỷ lệ tăng trưởng xuống còn 6% thay vì từ 7% như dự kiến, vì đang phải đối mặt với các thách thức toàn cầu và các yếu kém của nền kinh tế quốc gia".

Việc chính phủ Việt Nam quyết định hạ giảm mục tiêu tăng trưởng để ưu tiên kiềm chế lạm phát được đưa ra sau khi các con số thống kê cho thấy tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 vừa qua lên tới 23%.

Cùng lúc đó các định chế tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB đều cho rằng Việt Nam khó đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ lạm phát xuống còn 10% như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra hồi đầu năm nay.

VN đang muốn gì?

nguyen-phu-trong-china-250.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang duyệt hàng quân danh dự. Screen cap. China Central TV.

Về bang giao quốc tế, tuần này dư luận tiếp tục bàn tán về chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Nhận định về các thỏa thuận mà Việt Nam ký kết với Trung Quốc qua chuyến đi này, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho rằng:

“Việc ký kết thỏa thuận sáu điểm để giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Hoa, Việt Nam đã đi sai một nước cờ trên chính trường thế giới.

Việc Việt Nam xé lẻ đi với Trung Quốc trong chiến lược giải quyết vấn đề thông qua con đường song phương, Việt Nam bị lọt vào chính sách của Trung Quốc, đẩy Việt Nam vào thế mà những người bạn cũ cũng như bạn mới của Việt Nam, những đối tác của Việt Nam trong khối Đông Nam Á đặt lại vấn đề : Việt Nam đang muốn gì.

Tôi thật sự rất tiếc khi Việt Nam có động thái như thế. Tôi không nghĩ chính phủ Việt Nam tiếp tục muốn đu dây trong vấn đề này, nhưng chính phủ Việt Nam có bước đi hoàn toàn sai lầm trong vấn đề đó.”

Ngay trong nước, theo dõi chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của đảng và Quốc hội trong việc ký kết các văn kiện liên quan đến vận mệnh quốc gia.

Blogger Mẹ Nấm nêu ra điều 84 Hiến pháp về nhiệm vụ và quyền hạn của quốc hội và thắc mắc điều này được áp dụng như thế nào trong tiến trình ký kết các thỏa thuận với Trung Quốc?

Những người bạn cũ cũng như bạn mới của Việt Nam, những đối tác của Việt Nam trong khối Đông Nam Á đặt lại vấn đề : Việt Nam đang muốn gì.

LS Vũ Đức Khanh

Luật sư Lê Trần Luật từ thành phố Hồ Chí Minh thì đề cập đến vai trò của quốc hội trong việc phê chuẩn, thông qua các văn bản được nguyên thủ quốc gia ký kết với nước ngoài:

“Về pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế thì giữa Tổng Bí Thư tức là người đứng đầu của một đảng phái mà ký kết với một người đứng đầu của một đảng phái khác, hoặc là ký kết với một nguyên thủ quốc gia của một đảng phái khác, thì nó hoàn toàn không có giá trị.

Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đơn thuần là người đứng đầu của một tổ chức, một đảng phái, và một tổ chức hoặc một đảng phái không thể nhân danh nhà nước Việt Nam, trừ khi ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam mới nhân danh nước CHXHCN Việt Nam để ký các hiệp ước, các hòa ước quốc tế thì khi đó nó mới có giá trị.”

Theo cả blogger Mẹ Nấm và Luật sư Lê Trần Luật thì ở đây rõ ràng có sự nhập nhằng giữa vai trò của người đứng đầu đảng với lãnh đạo quốc gia.

Cũng liên quan đến Biển Đông, một mặt Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đàm phán với các nước liên quan, mà đặc biệt là Trung Quốc để giải quyết tranh chấp; một mặt cũng tìm cách gia tăng khả năng quốc phòng trong mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo các nguồn tin quân sự, hải quân Việt Nam đang xúc tiến kế hoạch mua 4 tàu hộ tống loại Sigma của Hòa Lan.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng vừa nhận được hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion thứ hai từ Nga.

Làm từ thiện phải xin phép?

mi-van-200.jpg
Cô Mi Vân. Photo courtesy of Mivan's facebook.

Việt Nam Tuần Qua cũng ghi nhận sự kiện một Việt kiều Na Uy, cô Mi Vân, đã bị nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất chận lại không cho nhập cảnh Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do sau khi bị buộc phải rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất sang Bangkok, cô Mi Vân cho biết lý do cô bị cấm vào Việt Nam:

"Cũng như thường lệ như mấy chuyến trước, khi vào sân bay Mi Vân đưa hộ chiếu để được đóng dấu visa đi vào trong nước. Trong lúc họ check hộ chiếu của Mi Vân và bảo Mi Vân không được vào nước. Sau đó thì giao cho Cục An Ninh và bảo Mi Vân ngồi chờ thì Mi Vân cũng không nghĩ tới tình trạng tệ là mình không được vào nước. Mi Vân cứ nghĩ là có sự sai lầm gì đó thôi. Thế thì Mi Vân chờ và sau đó thì Cục An ninh ra bảo Mi Vân là Mi Vân không được phép vào nước hôm đó. Mi Vân hỏi lý do và họ nói rằng Mi Vân không cần biết lý do, chỉ cần biết là Mi Vân không được vào nước."

Mi Vân cứ nghĩ đơn giản lắm là mình muốn cho ai một món quà thì mình cho chứ đâu có nghĩ là mình phải xin phép gì đâu.

Cô Mi Vân<br/>

Và một cách rất tự nhiên, cô Mi Vân giải thích về ý nghĩ của Cô khi muốn về Việt Nam làm từ thiện:

“Mi Vân cứ nghĩ đơn giản lắm là mình muốn cho ai một món quà thì mình cho chứ đâu có nghĩ là mình phải xin phép gì đâu. Cũng như là trong khi cái này là Mi Vân giúp những người nghèo, những người già yếu, những trẻ mồ côi, thì Mi Vân cứ nghĩ là đơn giản vậy thôi.”

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thanh Trúc, Mi Vân cho biết mặc dù gặp rất nhiều khó khăn cũng như thất vọng, cô sẽ không từ bỏ công việc trợ giúp những đồng bào khó khăn ở Việt Nam mà cô theo đuổi lâu nay:

“Trong chuyến đi này Mi Vân đã chuẩn bị rất nhiều quà cho các em và Mi Vân biết là có rất nhiều người đang chờ Mi Vân đến, và mặc dù bây giờ Mi Vân rất là thất vọng vì không được vào nước và không biết là mình có gặp lại những người đang chờ mình hay không. Nhưng mà Mi Vân sẽ thử và sẽ cố gắng tại vì Mi Vân sẽ không có bỏ cuộc dễ dàng như vậy đâu.”

Không được cấm quan chức chơi golf

dinh-la-thang-250.jpg
Bộ trưởng Đinh La Thăng ra quyết định cách chức ngay tại công trường - Ảnh PLO. Nguồn www.nld.com.vn.

Và cuối cùng, thưa quý khán thính giả: “Bộ trưởng Đinh La Thăng sắp bị “tuýt còi”. Đó là tựa đề một bài báo đăng trên tờ Người Lao Động ra ngày thứ Tư 19 tháng 10, đề cập đến việc Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam ra văn bản ngăn cấm các cán bộ dưới quyền chơi golf.

Phát biểu với báo chí, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn thuộc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết Bộ Tư pháp sắp ra văn bản “tuýt còi” việc Bộ trưởng Đinh La Thăng cấm quan chức ngành giao thông vận tải chơi golf.

Theo TS Lê Hồng Sơn, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã ra văn bản không đúng với thẩm quyền và vi phạm quyền của cán bộ, công chức nhà nước. Và nói thêm rằng: "Những quyết định, việc làm mạnh mẽ vừa qua của ông Đinh La Thăng rất đáng ghi nhận. Nhưng sự nhiệt tình cũng cần phải dựa trên sự hiểu biết về một số quyền của mình tới đâu; chứ không thể cứ làm theo suy nghĩ cá nhân và thiếu tính thực tế".

Nhắc lại, trong văn bản ký ban hành ngày 17 tháng 10, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cấm các cán bộ dưới quyền chơi golf. Nội dung văn bản này cho rằng thời gian qua một số quan chức đã lơ là công việc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án.

Theo dòng thời sự: