Biển Đông lại nhộn nhịp
Đầu tuần này, trong lúc Philippines cho triển khai một chiến hạm mới để tuần tra khu vực quanh quần đảo Trường Sa, thì Trung Quốc cũng điều tàu hải giám lớn nhất của hải quân nước này vào vùng biển Hoa Đông.
Tiếp đến, hôm thứ Năm 15 tháng 12 Thành Uỷ Đà Nẵng cho biết sẽ triển khai các biện pháp bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Tại hội nghị bàn về tình hình công tác năm nay và nhiệm vụ, phương hướng cho năm tới, giới lãnh đạo Đà Nẵng một lần nữa bày tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa, một đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng, nhưng đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974.
Và, tranh chấp Biển Đông cũng sẽ là một trong những đề tài được bàn thảo nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới.
Về mặt chính thức, chuyến sang thăm Việt Nam của nhân vật sắp lên nắm quyền lãnh đạo tại Trung Quốc được cho là nhằm "thắt chặt các quan hệ song phương".
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng vấn đề Biển Đông cũng sẽ được ông Tập Cận Bình nêu ra trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Trả lời Việt Hà của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng:
"Một loạt các vấn đề sẽ được bàn thảo thảo mà hiển nhiên là vấn đề biển Đông cũng được hai bên nói đến vì vào tháng giêng Trung Quốc sẽ là chủ nhà cho cuộc họp của nhóm làm việc với ASEAN để cố gắng tìm ra các biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai phía vì đây là vấn đề nóng bỏng giữa hai phía…"
Sau 10 năm
Cũng trong lĩnh vực bang giao quốc tế, trước khi đón tiếp nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, tuần này lãnh đạo Việt Nam đã có các cuộc bàn thảo với Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Williams Burn trong việc thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực năng lượng, an ninh, quốc phòng….
Chuyến thăm Việt Nam của ông Williams Burn diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt – Mỹ kỷ niệm 10 ngày ký kết Hiệp định Thương mại Song phương, qua đó tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, mà cụ thể là mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO hồi năm 2007.
Theo các con số thống kê được Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội công bố vào dịp này, 10 năm sau ngày Hiệp định Thương mại Song phương chính thức có hiệu lực, mậu dịch song phương giữa hai nước Việt – Mỹ đã gia tăng đến mức 1.200 phần trăm, từ 5 triệu đôla hồi năm 2001 lên đến trên 20 tỷ đôla, tính đến thời điểm này.
Mỹ đưa Vinashin ra tòa
Cũng về kinh tế, vụ Vinashin một lần nữa gây chú ý cho công luận khi tuần này một nhà đầu tư Mỹ chính thức nộp đơn kiện đòi nợ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam lên tòa án Anh Quốc.
Theo tin của nhật báo tài chính The Wall Street Journal, Quỹ đầu tư Elliott Advisers LP của Hoa Kỳ khởi kiện Vinashin về những khoản giá trị đầu tư cùng với những khoản tiền lãi mà quỹ này khai tổng cộng là 13 triệu 200 ngàn đô la.
Trước khi bị công ty Mỹ kiện đòi nợ, Vinashin cũng đã bị công ty Elliott VIN của Hà Lan đâm đơn kiện ra tòa án London.
Được biết Elliott Advisers LP và Elliott VIN chỉ là 2 trong số nhiều chủ nợ của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam với tổng số nợ lên đến 600 triệu đôla Mỹ mà Vinashin nợ các chủ nước ngoài.
Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội cho rằng đây có thể coi là sự kiện kinh tế tồi tệ nhất ở Việt Nam từ trước tới nay:
“Vinashin là một trường hợp nghiêm trọng nhất về qui mô với 4,2 tỷ USD đúng là điều hết sức nghiêm trọng, hơn nữa Vinashin cho đến bây giờ những gì đã làm được thì dưới xa các yêu cầu. Có lẽ cần có sự đào sâu và mổ xẻ thật kỹ vấn đề Vinashin, đâu là yếu kém của Vinashin, đâu là yếu kém của quản lý Nhà nước và của những người khác nữa.”
Lỗi từ gốc
Về mức độ trầm trọng của vụ đổ bể này, ngay từ khi Vinashin được chính thức công bố vỡ nợ, đã có nhiều tiếng nói lên tiếng chất vấn phương cách điều hành các tổng công ty nhà nước của chính phủ Việt Nam.
Nếu Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng: "Chính phủ và các cơ quan chức năng không biết, không ai chịu trách nhiệm. Xã hội và cử tri rất bức xúc cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản của Nhà nước."
Với thể chế như hiện nay ở Việt Nam thì mọi thành công hay thất bại đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng.
CT QH Nguyễn Văn An
Thì nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lại có những tuyên bố mạnh mẽ hơn, xin trích:
“Vinashin vừa là hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vừa có căn nguyên sâu xa bắt nguồn từ lỗi hệ thống, lỗi từ gốc, từ chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị”. Và “Với thể chế như hiện nay ở Việt Nam thì mọi thành công hay thất bại đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng.”
Thống kê cho thấy, chỉ 4 năm hoạt động trong cương vị một Tổng công ty Nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin làm thất thoát 86.000 tỷ đồng gây nhiều hệ lụy. Nếu tính theo kiểu dân gian, 86.000 tỷ đồng thất thoát của Vinashin nếu chi đồng cho 86 triệu dân Việt Nam mỗi đầu người phải gánh nợ 1.000.000 đồng.