Việt Nam Tuần Qua

Nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình vừa kết thúc 3 ngày thăm viếng Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến công du ngoại quốc nhằm khuyến trương uy tín của ông, chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực tại Bắc Kinh.

Ngay sau khi đặt chân đến Hà Nội, nhân vật được cho là sẽ lên thay ông Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng và Chủ tịch quân ủy Trung ương, đã có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Về mặt chính thức, chuyến đi Việt Nam của ông Tập Cận Bình được cả Tân Hoa Xã và Thông Tấn Xã Việt Nam thông báo là: "Nhằm mục đích tiến thêm một bước trong việc củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, tăng cường lòng tin chiến lược, đẩy mạnh hợp tác thực chất, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt và cùng hướng về phía trước…"

Tuy nhiên, một số hồ sơ gai góc trong quan hệ song phương cũng đã được ông Tập Cận Bình đặt ra với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Theo giới quan sát, vấn đề Biển Đông và mối quan hệ với Hoa Kỳ là hai trong số các đề tài đã được lãnh đạo hai nước Việt – Trung quan tâm bàn thảo.

Giảm ảnh hưởng của Mỹ

tap-can-binh-nguyen-tan-dung-2011-250.jpg
Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và Thủ Tướng VN Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 22/12/2011. AFP photo.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Carl Thayer thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng Australia cho rằng, việc cố gắng làm giảm ảnh hưởng của Washington đối với Hà Nội là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại Việt Nam:

“Sắp làm lãnh đạo tối cao cho nên ông Tập Cận Bình cũng thấy chính sách của Trung Quốc ở vùng biển này có chút khập khiễng, đã gây ít nhiều mất mát cho Trung Quốc về mặt ảnh hưởng của Trung Quốc và cảm tình của các quốc gia Đông Nam Á.

Việt Nam và Philippines đã công khai chống Trung Quốc cho nên ông Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam là để thử nghiệm xem chính sách hợp tác song phương với Việt Nam có thể đem lại kết quả nào, nhất là ông sẽ trắc nghiệm xem chính sách đối thoại trực tiếp giữa 2 đảng cộng sản lãnh đạo có thể khiến Việt Nam bớt cương quyết hơn trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa hay không.”

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng hiện đang giảng dạy môn Bang giao Quốc tế tại trường Đại học George Mason, Hoa Kỳ:

"Theo tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Trung Quốc cũng muốn phản ứng lại trước một loạt những cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ sang Châu Á như của bà ngoại trưởng Hillary Clinton, rồi tổng trưởng quốc phòng Leon Panetta, và của cả tổng thống Barack Obama.”

Tạo ảnh hưởng quốc tế

Theo giới quan sát, ngoài việc tiếp tục xác lập các mối quan hệ song phương với quốc gia cộng sản anh em Việt Nam, chuyến công du của ông Tập Cận Bình còn nằm trong chiến lược tạo ảnh hưởng quốc tế cho nhân vật sắp lên nắm quyền tại Bắc Kinh trong nay mai.

Chuyến đi Việt Nam lần này của ông, theo tôi, có ý nghĩa là ông ta nhằm gây ảnh hưởng cho chính mình, để làm nổi bật vai trò của mình đối với các nước chung quanh.

Ô. Nguyễn Minh Cần

Trả lời Thanh Quang của Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, và hiện đang cư ngụ tại Matxcơva thì chuyến công du của ông Tập Cận Bình vừa nhằm siết chặt các quan hệ với Việt Nam, vừa nhằm gây ảnh hưởng cho cá nhân ông trong khu vực:

"Ông Tập Cận Bình là người sắp lên thay ông Hồ Cẩm Đào trong cương vị chủ tịch nước tương lai. Chuyến đi Việt Nam lần này của ông, theo tôi, có ý nghĩa là ông ta nhằm gây ảnh hưởng cho chính mình, để làm nổi bật vai trò của mình đối với các nước chung quanh; chuyến đi này cũng có một ý nghĩa nữa là các Ủy viên Bộ chính trị của đảng CS Trung Quốc để cho ông Tập Cận Bình thực tập vai trò chủ tịch nước nữa.”

Sự cố ngôi sao

000_Hkg5706967-250.jpg
Em bé Việt Nam với là cờ Trung Quốc trên tay hôm 21/12/2011 tại Hà Nội. AFP photo (Em bé Việt Nam với là cờ Trung Quốc trên tay hôm 21/12/2011 tại Hà Nội. AFP photo)

Ngoài những hoạt động song phương, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác…; chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam còn gây ra một sự cố ngoại giao khác, khi lá cờ Trung Quốc được sử dụng trong các buổi lễ tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Hà Nội lại có thêm một ngôi sao nhỏ, so với quốc kỳ chính thức của Trung Quốc.

Giải thích về sự kiện này, phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Liu Vị Dân nói với báo chí rằng "là cờ 6 sao của Trung Quốc xuất hiện trong buổi lễ đón chào Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua là do lỗi về kỹ thuật". Và cho biết thêm là phía Việt Nam đã nói với Đại Sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam về lỗi kỹ thuật này.

Tuy nhiên dư luận Việt Nam lại có cái nhìn khác về những lá cờ Trung Quốc 6 sao thay vì 5 sao xuất hiện trong buổi lễ đón ông Tập Cận Bình tại Hà Nội.

Một số các blogger trong nước đã nhanh chóng nêu lên thắc mắc về hành động này. Trả lời Quỳnh Chi của Đài Á Châu Tự Do, blogger Bảo Lê từ Việt Nam nói:

Thêm vào đó, đây là lần thứ hai (thứ ba) chứ không phải là lần đầu tiên để có thể nói đó là sơ sót kỹ thuật.

Blogger Bảo Lê

“Ngay bây giờ, để kết luận rằng ngôi sao nhỏ thứ 5 tượng trưng cho Việt Nam là hơi hồ đồ nhưng đối với Trung Quốc, Việt Nam có gặp vấn đề về Biển Đông, về lãnh thổ. Và, Trung Quốc từ xưa đã có ý muốn coi Việt Nam là một tỉnh của họ cho nên những người nhạy cảm về chính trị khi nhìn thấy thêm một ngôi sao, sẽ nghĩ ngay đó là Việt Nam”.

Đồng thời cách giải thích của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây là “lỗi kỹ thuật” cũng không thuyết phục được giới blogger trong nước:

“Thứ nhất, khi VTV đăng bản tin và sử dụng lá này thì tôi có xem rõ ràng. Thứ hai, các hình ảnh này cũng được báo chí chụp lại. Thêm vào đó, đây là lần thứ hai (thứ ba) chứ không phải là lần đầu tiên để có thể nói đó là sơ sót kỹ thuật”.

Tưởng cũng xin được nhắc lại, đây là lần thứ hai lá cờ Trung Quốc có 6 sao xuất hiện ở Việt Nam. Lần đầu tiên là vào tháng 10 khi đài truyền hình Việt Nam đưa tin về chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc.

Báo chí trong nước không hề đưa tin gì về cả hai lần này, chỉ trừ những trang blog không thuộc nhà nước kiểm soát.

Theo dòng thời sự: