Khẳng định chủ quyền Trường Sa
Một ngày trước kỷ niệm 24 năm trận hải chiến Trường Sa với Trung Quốc, Tỉnh Hội Phật Giáo Khánh Hòa hôm 13 tháng 3 thông báo sẽ gửi 6 vị tu sĩ Phật Giáo đến quần đảo Trường Sa, để tái lập lại 3 ngôi đền bị bỏ hoang từ năm 1975, trong mục đích khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo này.
Trả lời Chân Như của Đài Á Châu Tự Do, Đại đức Thích Giác Nghĩa, một trong 6 vị sư được cử ra Trường Sa, xác nhận tin này, và cho biết thêm:
“Chúng tôi phát nguyện ra ngoài đó để tu tập và hướng dẫn bà con Phật tử ngoài đó tu tập. Chúng tôi đã được 3 lần ra ngoài đó để làm lễ cầu siêu cho anh hùng, liệt sĩ, nhân dân, đồng bào trải qua tất cả các thời đại đã nằm xuống thì mình đem tình thương của đạo Phật, đem lòng từ bi của đạo Phật, và đem sự oai thần của Tam Bảo để cầu nguyện cho họ siêu thoát.
Qua các buổi lễ đó thì người dân và Phật tử và quân dân ngoài đó đã yêu cầu mời chúng tôi ra đó, và sau đó chúng tôi phát nguyện ra đó để duy trì tu học cho bản thân cũng như hướng dẫn Phật tử ngoài đó tu học, đồng thời là tâm lên cầu nguyện cho các hương linh anh linh của những người dân Việt Nam đã nằm trên Biển Đông được siêu thoát. Đó là nguyện vọng duy nhất của chúng tôi hướng về mảnh đất thiêng liêng của mình.”
Cũng theo Đại đức Thích Giác Nghĩa, kế hoạch ra đảo Trường Sa đã được sự chấp thuận của chính quyền, và phái đoàn sẽ nhanh chóng khởi hành khi lực lượng hải quân sẵn sàng.
Cùng lúc với việc xác lập chủ quyền tại Trường Sa, Việt Nam tuần này một lần nữa lên tiếng tố giác Trung Quốc đang xâm lấn chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa.
Tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 15 tháng 3 tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị, nói rằng trong thời gian gần đây Trung Quốc tiếp tục có những hoạt động quanh khu vực Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ông Nghị cho biết, trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã cho triển khai nhiều hoạt động trong vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam; từ việc thăm dò dầu khí, khuếch trương du lịch cũng như tổ chức tập trận.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, những hoạt động trên đây của phía Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam cũng như vi phạm các công ước quốc tế về luật biển.
Tranh chấp đất đai tiếp tục căng thẳng
Trên lĩnh vực xã hội, tranh chấp đất đai tiếp tục là vấn đề thời sự tại Việt Nam. Sau một thời gian dư luận tập trung sự chú ý vào vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, tuần này vấn đề Cồn Dầu, EcoPark lại một lần nữa được hâm nóng.
Trong lúc tại Hà Nội, các viên chức chính phủ nhiều lần đăng đàn tuyên bố sẽ đưa ra các giải pháp hợp tình hợp lý nhằm ổn định đời sống cũng như công việc canh tác của người dân; thì tại Đà Nẵng, Hưng Yên chính quyền vẫn tiếp tục công tác cưỡng chế đất đai của dân chúng.
Nếu tại Cồn Dầu, đầu tuần này công an đe dọa sẽ dùng vũ lực trục xuất những ai chống lại lệnh cưỡng chế để lấy 10 mẫu đất của giáo dân giao cho một công ty địa ốc xây dựng khu du lịch; thì tại Hưng Yên, hôm thứ Năm 15 tháng 3 hàng trăm người dân đã tập trung về trụ sở tiếp dân của Thanh tra Huyện Văn Giang, khiếu nại những sai trái của chính quyền địa phương trong việc giải tỏa đền bù đất đai trong dự án Ecopark.
Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, một người dân tham gia khiếu kiện cho biết:
“Người ta chưa đồng tình với dự án. Quá trình thực hiện dự án chưa đúng; không đúng từ văn bản của chính phủ cũng như của tỉnh đưa về. Chúng tôi không chấp nhận những văn bản đó: một là tỉnh không được thu hồi 500 héc ta đất; thứ hai nữa thủ tướng cũng không được ký thu hồi 500 héc ta đất mà phải thông qua Quốc hội. Thế mà thủ tướng ký nên chúng tôi thấy chưa hợp lý. Hiện họ mới xây dựng phân khu một Bắc Hưng Hải mấy chục héc ta, còn nằm im chưa làm gì."
Người ta chưa đồng tình với dự án. Quá trình thực hiện dự án chưa đúng; không đúng từ văn bản của chính phủ cũng như của tỉnh đưa về.
Một người dân tham gia khiếu kiện
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Gia Minh của RFA, ông Bùi Huy Thành, chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cho rằng:
“Chỉ còn một số hộ thôi, chứ cơ bản người ta đồng thuận cao rồi. Chỉ còn một số hộ chưa nhất trí nên tỉnh đang tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục cho nhân dân hiểu lợi ích việc thực hiện quyết định của thủ tướng chính phủ. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà không làm qui mô thì làm sao có đô thị đẹp được, phải làm lớn mới bài bản mới đẹp được chứ. Nếu mà cứ làm lắt nhắt thì làm sao có kết nối đồng bộ hạ tầng đẹp được.
Về việc chăm lo cuộc sống của người dân thì chưa có dự án nào được hỗ trợ để tạo điều kiện bảo đảm cuộc sống tốt như dự án này. Bởi vì ngoài chế độ, chính sách bồi thường theo qui định của Nhà nước ra, công ty này coi như còn hỗ trợ đảm bảo đời sống. Tức 40% diện tích thu hồi đó, người ta đảm bảo bằng giá trị sản xuất nông nghiệp, lo cho từ 5, 7 đến 10 năm... Thứ hai nữa chính quyền địa phương cấp cho diện tích đất liền kề khu đô thị đó để làm dịch vụ..."
Cũng lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, những người dân bị cưỡng chế thu hồi đất cho rằng chính quyền địa phương đang sử dụng thủ thuật “đánh tỉa” nhằm di dời dân chúng ra khỏi khu vực đang có tranh chấp; và vì vậy họ phải khiếu kiện lên các cấp cao hơn nhằm đòi hỏi công bằng cho người dân:
“Vừa rồi người ta ‘đánh tỉa’. Đợt trước cưỡng chế đường của cả ba xã, bây giờ người ta làm từng xã một chứ không làm đồng loạt nữa. Theo cách hiểu của chúng tôi cả bó đũa bẻ khó, còn bẻ dần dần thì bẻ được.”
Đình công
Cũng trong lĩnh vực kinh tế xã hội, Việt Nam Tuần Qua chứng kiến cuộc đình công của hàng trăm công nhân thuộc một nhà máy do người Trung Quốc làm chủ ở Tiền Giang.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, một công nhân cho biết lý do đình công là vì mức lương quá thấp, không đủ bù đắp chi phí cuộc sống:
"Khi tôi đi về thì một số công nhân đi ra cổng thì bị bảo vệ đóng cổng lại không cho ra, khi mà tới ông phó tổng giám đốc công ty Freeview ông kêu công nhân quay trở vào và khi đi tới nhà xe thì ông khoát tay bảo họ đi về thay vì ở lại nhiều quá thì số công nhân sẽ gây rắc rối. Sau đó ông phó tổng nói người nào cầm đầu cái cuộc này ông sẽ nhờ công an điều tra và sẽ giải quyết… nhưng thật tình là vì lương công nhân quá thấp."
Cũng theo lời kể của công nhân, từ trước tết âm lịch cho đến nay, công nhân nhà máy Freeview Industrial Ltd. chuyên sản xuất giày và túi ba lô hiệu New Balance - do nhà đầu tư Trung Quốc làm chủ, đã tiến hành ba cuộc đình công để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc nhưng đến nay vẫn không có kết quả.
Thanh niên gốc Việt được vinh danh
Và cuối cùng, thưa quý vị, tiếp theo sau thỉnh nguyện thư Nhân quyền, người Mỹ gốc Việt một lần nữa lại được vinh dự tiếp kiến tại Tòa Bạch Ốc.
Thứ Năm tuần này, anh Thạch Nguyễn – một thanh niên trẻ gốc Việt đã được chính phủ của Tổng thống Obama vinh danh bằng một buổi lễ long trọng tại Tòa Bạch Ốc, nhờ tấm lòng hảo tâm và các nỗ lực phục vụ xã hội.
Theo thông báo của Tòa Bạch Ốc, Thạch Nguyễn được vinh danh là 1 trong 5 nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc nhất nước Mỹ qua chương trình "Champions of Change" – một sáng kiến của Tổng thống Obama.
Cũng theo Tòa Bạch Ốc, bằng tấm lòng và những nỗ lực của mình, Thạch Nguyễn và các bạn trẻ trong nhóm của anh đã "thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt từ lúc còn trên ghế nhà trường cho đến khi tham gia các hoạt động xã hội".
Những gì cha mẹ dạy tôi rất quan trọng. Nếu không, tôi sẽ không được như ngày hôm nay.
Thạch Nguyễn<br/>
Sang Mỹ theo chương trình HO cùng với gia đình lúc mới 4 tuổi, và vừa mới tốt nghiệp đại học UCLA mùa hè năm ngoái, Thạch Nguyễn được chọn vinh danh vì thành tích giúp đỡ hàng ngàn người vô gia cư qua tổ chức bất vụ lợi do anh và các bạn đồng học khởi xướng hồi năm 2009.
Chia sẻ với báo chí Việt Ngữ tại California ngay sau khi nhận được vinh dự này, Thạch Nguyễn tâm sự rằng, lớn lên trong một gia đình Việt Nam, anh biết rất rõ cuộc sống khó khăn như thế nào. Và anh cũng học được từ những người thân trong gia đình mình tinh thần làm việc chăm chỉ.
Anh nói tiếp: "Những gì cha mẹ dạy tôi rất quan trọng. Nếu không, tôi sẽ không được như ngày hôm nay".
Được biết, sau 3 năm hoạt động, tổ chức từ thiện của Thạch Nguyễn ngày nay không chỉ gói gọn trong khuôn viên đại học UCLA mà đã hiện diện tại hơn 10 trường đại học ở Hoa Kỳ và các nước khác.