Trung Quốc lên án Luật biển của VN
Kính thưa quý vị, những tranh chấp dai dẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông tuần này lại một lần nữa được hâm nóng khi Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu mời Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đến để phản đối việc quốc hội Việt Nam thông qua luật biển.
Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Luật Biển, xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng mạnh mẽ phản đối.
Thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc lên án Luật biển của Việt Nam với tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Thậm chí, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã cho triệu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đến để trao công hàm phản đối.
Bắc Kinh tuyên bố Luật Biển của Việt Nam là không có hiệu lực, yêu cầu Việt Nam không làm phương hại đến quan hệ hai nước hoặc phương hại hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Nam Hải.
Đáp lại, Bộ ngoại giao Việt Nam cho rằng đây là một hoạt động lập pháp bình thường của Việt Nam nhằm tái khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phát ngôn viên Lương Thanh Nghị của Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố với báo chí tại Hà Nội rằng:
“Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.”
Được biết, luật biển Việt Nam mới được quốc hội thông qua với 99 phần trăm phiếu thuận, quy định những biện pháp cần thiết bao gồm quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo của Việt Nam.
PNV Lương Thanh Nghị
Luật Biển Việt Nam cũng đề ra nguyên tắc sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp với những quốc gia khác.
Ngoài ra luật này cũng thừa nhận quyền qua lại của các tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam. Những tàu này phải tuân thủ qui định quốc tế, không có nhũng hành vi bị coi là phương hại đến hòa bình và an ninh-quốc phòng của Việt Nam.
Trước đó, Trung Quốc và Việt Nam cũng lời qua tiếng lại khi lần đầu tiên không quân Việt Nam bay tuần tra ở Biển Đông.
Hôm thứ Ba, phát ngôn nhân Hồng Lỗi của bộ ngoại giao Trung Quốc họp báo tuyên bố các hoạt động tuần thám gần đây của Việt Nam ở Trường Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Phát ngôn nhân họ Hồng có ý nhắc đến phi vụ tuần tiễu, trinh sát Trường Sa của không quân Việt Nam diễn ra hôm 156.
Lần đầu tiên một phi tuần 4 máy bay gồm 2 chiến đấu cơ SU 27, 1 vận tải cơ AH 26 và một máy bay chỉ huy đã xuất phát từ căn cứ Phù Cát Bình Định bay tuần sát trên vùng đảo Song Tử Tây và Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đảng phái đối lập Campuchia phản đối việc nhượng làng cho VN
Cùng lúc với việc phải đương đầu với những tranh chấp chủ quyền với người láng giềng nhiều tham vọng ở phía Bắc, tại biên giới phía Nam, dư luận xứ Chùa Tháp tuần này nóng lên trước tin chính phủ Campuchia đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam về việc nhượng lại hai ngôi làng ở gần biên giới để đổi lấy một phần đất khác.
Báo chí Campuchia đầu tuần này trích lời Bộ trưởng Cấp cao phụ trách Ủy ban Biên giới Campuchia là ông Va Kimhong cho biết Campuchia sẽ thỏa thuận với Việt Nam để giữ hai ngôi làng Thlock Trach và Anlung Chrey (thuộc huyện Ponhea Krek, tỉnh Kampong Cham) trong khuôn khổ tiến trình phân định biên giới giữa hai nước.
Việc trao đổi này được chính phủ Phnom Penh gọi là một sự tương nhượng; nhưng các đảng phái đối lập tại nước này đã mạnh mẽ chống lại.
Đảng đối lập Sam Rainsy cho rằng công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Campuchia – Việt Nam đang làm xứ Chùa Tháp mất đất cho Việt Nam trong đó có phần đất ruộng, đồn điền, v.v…
Phát ngôn viên Yim Sovann của đảng này cho biết:
“Đảng đối lập Sam Rainsy từ chối dứt khoát Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 được ký giữa chính phủ và chính phủ Việt Nam hồi năm 2005. Đảng Sam Rainsy cũng sẽ yêu cầu chính phủ cho phép các bên liên quan tham gia giám sát vấn đề cắm mốc biên giới. Vì chủ quyền dân tộc không phải của riêng đảng Nhân dân Campuchia hay ông Var Kimhong, chính phủ buộc phải giải thích những thắc mắc của dân.”
Ô. Kem Sokha
Lãnh tụ đảng Nhân quyền là ông Kem Sokha nói rằng chủ quyền lãnh thổ không thể sang nhượng hay chuyển đổi. Ông phát biểu với phóng viên Quốc Việt của Đài Á Châu Tự Do:
“Theo tôi, trên thế giới chưa có nước nào thỏa thuận hoán đổi ngôi làng như vậy. Đó là điều lạ lùng khi Chính phủ làm chuyện này với Việt Nam. Những nhà giám sát vấn đề biên giới đang cáo buộc chính phủ của đảng Nhân dân Campuchia đã và đang có mối quan hệ mật thiết với ĐCS Việt Nam. Nếu chính phủ thật sự quyết định nhượng hai ngôi làng cho Việt Nam thì người dân sẽ càng nghi ngờ những quan hệ ấy.”
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban biên giới Campuchia là ông Var Kimhong bác bỏ lời các cáo buộc của các phe đối lập, và cho biết Campuchia và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận biên giới. Việc hoán đổi này được thực hiện dựa trên bản đồ thời Pháp thuộc:
“Sự thỏa thuận về vấn đề biên giới là dựa trên bộ bản đồ khổ 1100.000. Theo bộ bản đồ, hai ngôi làng Thlock Trach và Anlung Chrey đều nằm trên phần đất của Việt Nam. Do đó, chúng tôi đã có sự đồng thuận trao đổi làng nhằm giữ lại hai ngôi làng vừa nói cho Chủ tịch Heng Samrin và người dân đang sinh sống ở nơi đó…”
Được biết, theo Ủy ban biên giới Việt Nam, đường biên giới trên đất liền giữa Campuchia và Việt Nam có tổng chiều dài khoảng 1137 km, khởi đầu từ ngã ba biên giới Campuchia – Lào – Việt Nam thuộc tỉnh Kon Tum kéo dài đến sát mép biển Hà Tiên tỉnh Kiên Giang. Đường biên giới này đi qua 10 tỉnh biên giới miền Tây Nam của Việt Nam tiếp giáp 9 tỉnh biên giới của Campuchia.
Không khí Euro 2012 tại Việt Nam
Và cuối cùng, thưa quý vị, trong khi các trận tranh tài tại Euro đang ngày càng gay cấn khi các đội tuyển mạnh bước vào vòng tử chiến; thì tại Việt Nam không khí Euro cũng tràn ngập khắp nơi.
Dạo quanh các con đường trên khắp Việt Nam vào lúc các trận đấu đang diễn ra, đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp những quán cafe đông nghịt người, miệng hò hét, cổ vũ, mắt dán chặt vào các màn hình đang trực tiếp trận đấu. Không chỉ có giới trẻ, các bác ở lứa tuổi trung niên cũng sẵn sàng thức trắng đêm để thưởng thức EURO.
Tại các ký túc xá sinh viên thì không khí còn sôi động hơn rất nhiều,và đặc biệt không hề thiếu các fan nữ, cũng hò hét, cũng vui, buồn cùng trái bóng.
Xuất phát từ những mối quan hệ trong quá khứ, nhiều người Việt Nam có cảm tình đặc biệt với các đội tuyển Đông Âu. Nhưng không may, tại giải đấu năm nay cả Ba Lan, Ukraina, Nga, Croatia… đã phải sớm nói lời chia tay với cuộc chơi.
Nhưng "thiếu mợ thì chợ vẫn đông". Tất nhiên những Ronaldo, Rooney, Gomez, Balotelli… sẽ tiếp tục khuấy động không khí Euro 2012 tại Việt Nam.
Theo dòng thời sự:
- Trung Quốc mạnh mẽ chống lại Luật Biển của Việt Nam
- Việt Nam chuẩn bị thông qua luật biển
- Quốc hội Việt Nam khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa
- Phỏng vấn ĐB QH Dương Trung Quốc về Luật Biển Việt Nam
- Máy bay chiến đấu SU-27 lần đầu tuần tiễu Trường Sa
- Campuchia: chính phủ cần giải thích việc đổi đất với VN
- Chủ quyền lãnh thổ không thể nhượng hay đổi được
- EURO 2012 - Bắt đầu vòng tứ kết
- EURO 2012: Chiếc vé bán kết thứ nhì sẽ về tay ai?