Trước những hành động leo thang khiêu khích của Trung Quốc, tuần này cả Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng như phía các nhà lập pháp Mỹ đều đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Không xứng đáng một cường quốc
Tuyên bố trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington chiều thứ Ba 24 tháng 7, nữ phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, bà Victoria Nuland cho biết Hoa Kỳ quan ngại trước các hành động đơn phương của Trung Quốc, dường như để đặt sự việc vào một thế “đã rồi”.
Bà cũng nói rằng, vấn đề này đã được nhắc lại nhiều lần là chỉ có thể giải quyết dựa trên đàm phán, đối thoại và ngoại giao giữa các bên.
Bà Victoria cũng nhắc lại lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, nhấn mạnh là tranh chấp phải được giải quyết không thông qua hăm dọa, ép buộc hay vũ lực.
Cùng với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, phía các nhà lập pháp Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại trước các hành động leo thang khiêu khích của Trung Quốc.
Theo Thượng nghị sĩ John McCain, một tiếng nói mạnh mẽ tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã lên tiếng cho rằng Trung Quốc đang có những hành động “khiêu khích không cần thiết” và “không xứng với một cường quốc có trách nhiệm” khi thiết lập đơn vị đồn trú quân sự trên các quần đảo tranh chấp ở biển Đông.
TNS John McCain
Theo ông John McCain thì các hành động của Trung Quốc như việc chỉ định các đại biểu lập pháp để quản lý những khu vực đang tranh chấp chỉ làm tăng thêm mối lo ngại của các quốc gia châu Á trong việc tuyên bố mở rộng lãnh hải của Trung quốc.
Thượng nghị sĩ McCain nói là Bắc Kinh "gây thất vọng và không xứng đáng với một cường quốc có trách nhiệm".
Ông McCain cũng nhấn mạnh các quốc gia liên quan trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nên tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế.
Chiến thuật “sự đã rồi”
Nhận định về mục đích của việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở Biển Đông như tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa, thiết lập các đơn vị quân đội đồn trú trên các đảo đang có tranh chấp, triển khai một đội tàu đánh cá hùng hậu hàng chục chiếc với sự hộ tống của cảnh sát biển, v.v…; giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách áp dụng chiến thuật “sự đã rồi” nhằm thâu tóm vùng biển được cho là giàu tiềm năng về dầu khí cũng như thủy sản.
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Đông Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia thì ngoài yếu tố chủ quyền và dầu mỏ, các hành động gần đây của Trung Quốc còn phản ánh các yếu tố chính trị được toan tính trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Việt Hà của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Carl Thayer phân tích:
GS Carl Thayer
“Trung Quốc đang gia tăng một cách có tính toán những đe dọa đối với Việt Nam và theo tôi là cả Philippines. Nhưng điều nghiêm trọng hơn là việc Trung Quốc thiết lập đơn vị quân đội đồn trú. Vì đây là quyết định được đưa ra bởi hội đồng quân ủy trung ương, là bộ mặt của những lãnh đạo cao cấp trong quân đội và đảng cộng sản. Và bằng cách trao trách nhiệm của Tam Sa cho quân đội, Trung Quốc đang đẩy vai trò của quân đội lên.”
Đáp câu hỏi rằng liệu với những hành động mới đây của Trung Quốc, nhất là thiết lập các đơn vị quân sự tại Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ có những đáp ứng cụ thể nào không? Giáo sư Carl Thayer cho rằng:
“Trước diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nhấn mạnh chính sách lâu nay của Mỹ là họ muốn vấn đề này được giải quyết không phải bằng đe dọa, lấn chiếm và dùng vũ lực. Đó là một chính sách từ lâu này của Mỹ.
Nhưng dù sau khi Mỹ đã nhấn mạnh như vậy, Trung Quốc giờ đây tiến thêm một bước nữa bằng cách thiết lập quân đồn trú, cho thấy họ dường như không chú ý tới lời nói của Mỹ và khi mỗi nước đưa ra các tuyên bố của mình rồi vẽ đường ranh trên biển thì chỉ làm tăng sức nóng khiến Hoa Kỳ phải đưa ra các hành động của mình, không phải là đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền mà tập trung các ủng hộ về mặt ngoại giao chống lại Trung Quốc, nếu nước này chuyển từ các lời tuyên bố sang các hành động tượng trưng đến việc đưa ra các hành động đe dọa và lấn chiếm.”
Việt Nam tìm cách đối phó
Về phần mình, trước những gia tăng đe dọa của Trung Quốc, một mặt Việt Nam lên tiếng phản đối, mặt khác tin tức cũng cho thấy là Việt Nam đang tìm cách củng cố khả năng quốc phòng cũng như hợp tác quốc tế để ứng phó với tham vọng của Bắc Kinh.
Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ Ba 24 tháng 7, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VN, ông Lương Thanh Nghị khẳng định việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và triển khai các hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN và vô giá trị.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng gửi công hàm đến Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc phải chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, nhằm góp phần vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Cùng với những tuyên bố Ngoại giao, Không quân Việt Nam tuần qua cũng đã chính thức ra mắt phi đội bay Casa 212 với nhiệm vụ tuần tra trên biển.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng chủ trì cuộc họp cùng các bộ và ban ngành liên quan về dự thảo nghị định chính phủ thành lập lực lượng kiểm ngư tại 28 tỉnh, thành ven biển Việt Nam.
Và thưa quý vị, trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, người Việt Nam yêu nước tiếp tục xuống đường tuần hành, tố cáo âm mưu xâm lược của Bắc Kinh.
Liên tiếp trong ba cuối tuần qua, bất chấp những ngăn cản từ phía chính quyền, hàng trăm người Việt Nam yêu nước vẫn rầm rộ tuần hành trên đường phố Hà Nội, hô vang những khẩu hiệu khơi dậy tinh thần dân tộc, noi gương cha ông sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia.
Theo dòng thời sự:
- Hà Nội tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc ngày 8/7
- VN vẫn chủ trương đàn áp biểu tình chống TQ
- Quốc phòng Việt - Mỹ: Đầu tư liên kết chiến lược
- Trung Quốc gia tăng đe dọa Việt Nam tại biển Đông
- TQ bổ nhiệm chỉ huy trưởng và chính ủy cho thành phố Tam Sa
- TNS Jim Webb: TQ có thể vi phạm luật quốc tế
- Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trên biển Đông
- Thuốc súng biển Đông đang cháy?