Trong một văn bản đăng tải trên trang web chính phủ hôm thứ Tư 12 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin chống Đảng và Nhà nước.
Văn bản của Văn phòng chính phủ cho biết là, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng phải tập trung điều tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin thuộc dạng “lề trái” như các trang thông tin điện tử “Dân làm báo”, “Quan làm báo”, “Biển Đông”…
Cấm blog “lề trái”
Về lý do "xử lý" các trang blog này, chỉ thị của Thủ tướng chính phủ nêu rõ: "Các trang mạng trên đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc nhằm bôi nhọ bộ máy lãnh đạo, chống Đảng và nhà nước Việt Nam".
Ngoài chuyện phải “xứ lý” các trang blog này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các lãnh đạo địa phương không được xem, không sử dụng và phổ biến các thông tin trên các trang mạng được xem là “phản động” trên.
Phản ứng trước quyết định trấn áp mới này của chính phủ Việt Nam, giới viết blog trong nước đã ngay lập tức lên tiếng phản đối.
Trả lời Thanh Quang của Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, blogger Nguyễn Hữu Vinh bày tỏ:
“Tôi nghĩ rằng văn bản thông báo có những trang này trang khác phổ biến những thông tin bịa đặt, xuyên tạc nhằm mục đích này, mục đích kia thì nói như thế là không phù hợp.
Bởi vì vấn đề là các trang mạng đó nếu đưa lên những nội dung không chính xác, thì hẳn độc giả người ta biết những cái gì đúng và những gì sai.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh
Điều nói rằng trang blog này trang mạng kia nói đúng hay là không đúng thì tôi nghĩ độc giả Việt Nam sẽ có nhận xét tốt hơn và chính những người đó sẽ đánh giá chính xác.
Điều thứ hai là nói rằng những trang đó đưa lên những vấn đề bịa đặt, xuyên tạc, do các nhóm thù địch này khác, thì tôi nghĩ điều đó phía chính quyền phải có trách nhiệm, có trách nhiệm ở chỗ là tại sao những thông tin gọi là thù nghịch, những thông tin gọi là bịa đặt như vậy thì được mọi người xem?
Nếu Việt Nam thực sự có tự do hoàn toàn, có được tự do báo chí, truyền thông để người dân nắm bắt những thông tin trung thực thì rõ ràng những trang kia không có chỗ đứng, bởi vì hơn 700 tờ báo nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân.
Nhưng ngược lại, nếu nhà nước không đáp ứng được thông tin của người dân thì là vấn đề khác.
Nói cụ thể, nếu văn phòng thủ tướng chính phủ đã đưa văn bản như vậy thì chính họ phải chứng minh được chỗ nào đúng, chỗ nào sai, sự thật ở chỗ nào, là như thế nào, thì điều đó hầu như người dân không nghe đến. Mà khi người dân không được nghe thì người ta phải tìm đến một con đường khác thôi.”
Nguyên nhân của lệnh cấm?
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Vinh, việc chính phủ qui chụp cho trang web này đưa thông tin độc hại, trang blog kia loan truyền các thông tin phản động là không cần thiết và không còn phù hợp với xu thế truyền thông xã hội hiện nay.
Theo lập luận của blogger Nguyễn Hữu Vinh thì trong thời truyền thông xã hội ngày nay, độc giả, thính giả, khán giả có lẽ là những người biết rõ nhất đâu là thông tin độc hại, đâu là thông tin bổ ích. Ông nói:
“Tôi thấy điều này khá hài hước. Hài hước tức là chỉ đạo người ta không xem, không tuyên truyền này khác thì tôi nghĩ rằng điều đó hơi lạ. Làm gì có chuyện anh có thể ngăn chặn những người có tư cách công dân của họ, họ có quyền cần thông tin, cần tự do ngôn luận, tự do này khác của họ.
Vậy thì vấn đề là anh phải làm sao đó để người ta nhận thức được rằng những thông tin mà anh chỉ trích là không đúng sự thật, còn thông tin của anh là đúng sự thật. Chứ không thể nói chuyện ngăn chận thông tin như thế được. Bởi vì cái não trạng của anh cách nào đó là của thế kỷ thứ 19 chứ không phải của thế kỷ 20 hay 21 như bây giờ.
Điều đó tôi cảm thấy rất lạ. Sao lại có chuyện cấm người ta tiếp cận thông tin? Họ phải có quyền tiếp cận thông tin, nhưng nếu thông tin nào không đúng thì người ta sẽ loại bỏ. Chứ làm gì có chuyện chỉ đạo người nọ, người kia không xem, không này khác thì tôi cho đó chỉ là chuyện hài hước thôi.”
Và cũng nhanh nhạy không kém gì khi đưa tin về các vấn đề thời sự của đất nước, các trang blog bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu tên yêu cầu “xử lý” đã nhanh chóng phản bác lại các lập luận cho rằng họ loan tin vu khống, bịa đặt, và phản động.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh
Trong một văn bản phổ biến cho độc giả cũng như các cộng tác viên, những người chủ trương trang blog “Dân Làm Báo” kêu gọi….
"Danlambao không chấp nhận và khuất phục trước mọi hành động bịt mồm, bịt mắt, bịt tai của bất kỳ nhà nước, đảng cầm quyền nào. Không ai có quyền phán xét và tự quyết định những gì mà công dân Việt Nam được đọc, nghe và trao đổi.
Do đó, Danlambao sẽ tiếp tục cung cấp thông tin và quan điểm đa chiều của mọi thành phần nhân dân, tạo diễn đàn để chính dân “độc giả” chúng ta tự làm tin, tự thông tin, tự đại diện cho cái nhìn, quan điểm của chính mình, tự cất tiếng nói về những vấn đề chúng ta quan tâm trong đời sống."
Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải “xử lý” các kênh thông tin “lề trái” diễn ra trong bối cảnh nhiều scandal tài chính – ngân hàng, các tập đoàn quốc doanh liên tiếp xảy ra tại Việt Nam, càng khiến cho công luận đặt ra nhiều câu hỏi về lý do thực chất của lệnh cấm này???
Hầu như tất cả các trang blog nằm trong danh sách cần “xử lý” của thủ tướng chính phủ đều là các trang thông tin đi đầu trong việc loan tải tin tức nhanh nhạy nhất về các vụ bê bối này, đi kèm là các chi tiết về các mối liên hệ với cá nhân cũng như gia đình các quan chức cao cấp trong Đảng và chính phủ Việt Nam.
Và điều thú vị là nếu trong thời gian các vụ bê bối xảy ra tại Việt Nam, các trang blog này đã thu hút được một lượng người xem đáng kể, thì lệnh “xử lý” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm thứ Tư 12 tháng 9 lại càng làm cho số người vào đọc các tin này tăng vọt.
Theo các thống kê chưa đầy đủ, chỉ một ngày sau lệnh của thủ tướng chính phủ, đã có thêm hàng chục ngàn lượt người vào xem các trang blog này, trong đó có cả độc giả trong nước, ngoài nước và thậm chí là người nước ngoài quan tâm đến tình hình Việt Nam.
Dự luật Nhân quyền
Lệnh trấn áp giới bloggers của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không những thu hút sự quan tâm của dư luận, mà còn một lần nữa đánh động thế giới về tình trạng độc quyền thông tin tại Việt Nam.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, văn bản “xử ký” các trang blog phản động của Thủ tướng Việt Nam được ban hành chỉ không đầy một ngày sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dư luật Nhân quyền cho Việt Nam với đa số tuyệt đối, trong đó lên án chính phủ Hà Nội ngày càng gia tăng việc bắt giam, sách nhiễu và ngăn cấm các tiếng nói đối kháng trên mạng internet.
LM Phan Văn Lợi
Phát biểu tại diễn đàn Hạ viện Hoa Kỳ trước khi biểu quyết thông qua Dự luật hôm thứ Ba 11 tháng 9, nhiều nhà lập pháp Mỹ đã lớn tiếng tố cáo tố cáo chính sách vi phạm nhân quyền của Việt Nam, lên án việc lợi dụng những luật lệ mơ hồ như điều 79, điều 88 trong bộ luật hình sự để bắt giữ, giam nhốt những người bất đồng chính kiến, những người bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa trên internet.
Và cũng như những lần trước, dự luật nhân quyền Việt Nam của Hạ viện Mỹ đã gặp phải sự phản đối của chính phủ tại Hà Nội nhưng lại được giới tranh đấu trong nước hoan nghênh đón nhận.
Nếu tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị cho rằng dự luật Nhân quyền cua Hạ viện Mỹ đã dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người Việt Nam; thì từ Huế, Linh mục Phan Văn Lợi – một thành viên của Khối Dân Chủ 8406 cho rằng:
“Sau khi Hạ Viện của Hoa Kỳ đưa ra dự luật Nhân quyền cho Việt Nam, các nhà đấu tranh dân chủ trong nước và các phong trào đấu tranh hết sức vui mừng, và xin cám ơn quý vị dân biểu trong Hạ Viện. Đây là một sự khích lệ đối với những người đang đấu tranh dành tự do dân chủ cho đất nước.”
Thủy điện Sông Tranh 2?
Và cuối cùng, nên hay không nên tiếp tục đưa công trình thủy điện Sông Tranh 2 vào sử dụng giữa lúc xảy ra nhiều trận động đất liên tục, đe dọa đến sinh mạng của hàng trăm ngàn người dân trong khu vực?
Cho đến thời điểm này, đây vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Vì trong lúc Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho rằng đập thủy điện Sông Tranh bảo đảm các yếu tố an toàn và cho tiếp tục tích nước để vận hành; thì chính quyền tỉnh Quảng Nam đã công khai lên tiếng phản đối.
Tuần này, đích thân Bí thư tỉnh ủy Quang Nam, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị chấm dứt sự họat động của thủy điện Sông Tranh 2 nếu công trình này không an toàn cho người dân.
Ô. Nguyễn Thế Tài
Theo Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, với những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây, muốn an dân thì cần phải hy sinh công trình này. Ông Hải cũng đề nghị các nhà khoa học và các cơ quan chức năng cần tập trung làm rõ để công khai với người dân Quảng Nam.
Quan điểm của Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình của các giới chức địa phương tại nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do tối 13/9, ông Nguyễn Thế Tài, bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Huyện Bắc Trà My phát biểu:
“Chúng tôi có ý kiến là, làm gì thì làm phải tuyệt đối an toàn trước đã, an toàn tính mạng của nhân dân. Hôm qua (12/9) cấp ủy đã họp rồi, đã có ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và sẽ chờ kết luận của Trung ương.”
Trước những thực tế đang xảy ra, có lẽ đây là một chọn lựa rất khó khăn cho những nhà làm chính sách của Việt Nam; giữa một bên là hy sinh một công trình mà chính phủ đã phải đầu tư đến hơn 5 ngàn 2 trăm tỉ đồng; và bên kia là mối đe dọa đến sinh mạng của hàng ngàn cư dân trong vùng!
Theo dòng thời sự:
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh xử lý nhiều trang blog
- Quan Làm Báo: bí ẩn khó giải mã
- TS Nguyễn Xuân Diện bị phạt vì đưa tin biểu tình lên Blog
- Hà Nội chỉ trích việc thông qua dự luật nhân quyền VN
- Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền cho VN
- Hiệu ứng Boomerang
- Sông Tranh 2: Đánh cược tính mạng người dân
- Tiếp tục hay dừng thủy điện Sông Tranh 2?