Tạm hoãn tăng lương
Cục Quản lý lao động người nước ngoài ( thuộc Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội) cho biết, theo quy định mới của chính phủ Mã Lai, bắt đầu từ ngày 1/1/2013 tiền lương cơ bản của công nhân sẽ được tăng lên thành 900 Ringgit một tháng. Đối với các doanh nghiệp có từ 5 lao động trở xuống thì quy định này được áp dụng từ 1/7/2013.
Trên thực tế, các công ty vừa và nhỏ, sử dụng ít lao động thì họ có thể tự cân đối tài chính để điều chỉnh tiền lương, nhưng với các công ty lớn, sử dụng nhiều công nhân thì việc tăng lương trở thành một áp lực nặng nề cho doanh thu.Vì vậy, một số công ty đã nộp đơn xin tạm hoãn tăng lương theo quy định và chính phủ Malaysia:đã chấp thuận yêu cầu này.
Quyết định này đã gây ra nhiều bức xúc trong giới công nhân và dẫn đến nhiều cuộc đình công của công nhân để phản đối quyết định có lợi cho chủ sử dụng lao động. Nổi bật nhất là cuộc đình công kéo dài 5 ngày của công ty Recron. Anh Đông, quê ở Hà Tỉnh, làm việc tại đây đã 8 năm cho biết lý do đình công:
“Đình công là vì chính phủ đề ra là sau tháng giêng năm 2013 trên Malaysia là phải lên lương cơ bản là 900 Ringgit (đơn vị tiền Mã lai). Một số công ty thì đã thực hiện vào tháng 12 hoặc tháng giêng năm nay, nhưng mà công ty Recron này tới tháng giêng mà chưa nghe nói gì cả, tháng hai cũng chưa nói gì, thế là tháng ba anh em mới đình công.”
Recron là công ty dệt may với với khoảng 7000 công nhân, có hai chi nhánh ở Nilai và Melaka. Anh Đông làm việc tại chi nhánh Melaka, nơi có khoảng 300 công nhân Việt Nam làm việc, cho biết cuộc đình công vừa qua là sự kết hợp giữa công nhân của chi nhánh Nilai và Melaka:
Chị Lai
“Đình công là vào ngày mùng 8/3, ngày 7 tháng 3 thì anh em vẫn đi làm; đi làm về nghe anh em trên Nilai gọi điện xuống kêu ngày mai đừng đi làm, ngày mai đình công, thế là ở dưới này theo luôn. Đình công này cũng là ở trong ký túc xá chứ không phải đình công public tại vì ở đây nó có thuê cảnh sát canh chừng để không cho người đình công ra ngoài để lộ làm mất mặt công ty cho nên không ai làm gì cả, chỉ có ở lại ký túc xá thôi.”
Lương công nhân tại đây là 1 Ringgit/giờ, nếu chịu khó làm tăng ca thì mỗi tháng có được 7-8 triệu đồng Việt Nam, trừ các chi phí ra thì chỉ còn lại khoảng 3-4 triệu đồng. Chị Lai tại Melaka tuy không chủ động nhưng cũng đồng ý đình công khi được bạn bè kêu gọi để đòi tăng lương:
“Em cũng không phải là chủ động, nhưng em cũng thấy tiền lương thấp, giống như là bàn thảo, cả nhà ngồi họp lại rồi cũng làm… Công ty nó hứa lên lương mà chẳng thấy gì cả.”
Chị Thanh làm việc đã 3 năm ở đây, chị không biết gì về việc đình công, nhưng đến hãng thấy công ty đóng cửa chị trở về và cùng đình công tại nhà với các công nhân khác:
“Hôm đó là bọn em cũng đi làm bình thường; em lên đến cổng công ty là không có một bóng con trai, con trai nó không đi. Bọn em lên không có người làm, thế là bọn em về, thế thôi. Sau đó (sau 5 ngày đình công) công ty nó gọi đi, nó bảo nếu ai không đi là nó cho công an lại bắt đấy, thế là bọn em lại đi làm. Em cũng chẳng hiểu thế nào.”
Công nhân ngoại quốc không được lãnh lương tối thiểu
Cuộc đình công do lao động nước ngoài chủ xướng, công nhân Mã Lai không tham gia đình công, công nhân Việt Nam đình công 5 ngày, công nhân Bang-La đình công 7 ngày thì đi làm lại, riêng công nhân Nepal, đến hôm nay vẫn còn đình công, anh Đông cho biết:
“Từ mùng 8 đến 12 là Việt Nam đình công, còn người Bang-La đến 14 mới đi làm. Ở đây vẫn còn 24 người Nepal từ hôm đình công đến giờ vẫn không đi làm. Môi giới mấy lần đến khuyên răn mà họ vẫn không đi làm, chính vì vậy mà từ hôm tháng 3 đến giờ chủ không phát tiền, đến bây giờ họ cũng sắp hết tiền ăn rồi.”
Sau 5 ngày đình công, ban lãnh đạo công ty thuyết phục công nhân chia sẻ khó khăn với nhà máy tạm chấp nhận hưởng lương cũ là 546 RM/tháng. Trong khi chờ đợi công ty sẽ cho thêm 25 Ringgit một tháng. Hiện công nhân Việt Nam đã chấp nhận trở lại làm việc:
“Vẫn có một sự động viên của cấp trên là từ lúc đó cho đến lúc lên lương thì công ty sẽ cho 25 Ringgit/ tháng. Họ hẹn ngày 31 tháng 3 sẽ có quyết định. Họ khuyên công nhân là hãy đi làm đi, chờ đến ngày 31/3 sẽ có quyết định mới.”
Công ty Recron là công ty con của Tập đoàn Reliance, một trong những tập đoàn dệt và kỹ nghệ nhựa lớn nhất thế giới của Ấn Độ với doanh thu trên 66 tỷ mỹ kim mỗi năm. Tuy nhiên, đại diện của Recron cho biết năm ngoái công ty đã thua lỗ 47 triệu mỹ kim nên đề nghị Hội đồng tư vấn tiền lương Quốc gia chấp nhận hoãn áp dụng mức lương tối thiểu. Cho đến khi Hội đồng đưa ra quyết định thì lao động nước ngoài sẽ phải tiếp tục nhận mức lương cũ. Đến ngày 30/3 thì ban quản lý nhân viên đưa ra thông báo mới số 1/03363 như sau:
“Chính phủ cho phép gia hạn tối đa đến ngày 1/1/2014 đối với một số công ty đang gặp khó khăn. Ban lãnh đạo công ty nhất trí thực hiện chế độ tiền lương tối thiểu đối với lao động nước ngoài chậm nhất vào ngày 1/1/2014.
Chúng tôi sẽ thực hiện chế độ tiền lương tối thiểu đối với lao động địa phương chậm nhất vào ngày 1/1/2013. Yêu cầu toàn bộ công nhân lưu ý và chờ thông tin đăng trên thông báo.”
Công nhân của cả hai chi nhánh Nilai và Melaka không ai hài lòng với quyết định này, anh Đông nói:
Anh Đông
“Họ nói là do công ty này đông người, đến 6800 công nhân nên họ xin hoãn lại. Ngày 31/3 họ ra tờ memo nói là đến tháng giêng 2014 mới có quyết định. Công nhân chả có ai vui, ai cũng buồn hết nhưng mà cũng phải chấp nhận đi làm thôi, Việt Nam, Bang-La, kể cả Mã Lai nó cũng buồn thôi, không có ai hài lòng hết.”
Tình hình trong các các công ty có lao động địa phương và lao động nước ngoài diễn biến khá phức tạp. Hầu hết công nhân thuộc diện lao động nhập cư không hài lòng và không chấp nhận tại sao lương tối thiểu được áp dụng cho công nhân Mã Lai từ ngày 1/1/2013, nhưng công nhân nước ngoài thì phải chờ đến năm sau, tức ngày 1/1/2014 mới được hưởng quy chế lương tối thiểu này, phải chăng có sự phân biệt đối xử ở đây. Đặt câu hỏi với ông Mozes, ủy viên đặc trách huấn luyện của Tổng Công đoàn Lao động Mã Lai (MTUC) vì sao có sự khác biệt này, ông Mozes cho biết:
“Sở dĩ công nhân ngoại quốc không được lãnh lương tối thiểu là bởi vì các xí nghiệp đã chịu nhiều tốn kém cho họ như nhà ở, chuyên chở, kể cả những thủ tục hành chánh đối với chính quyền bên Mã Lai này và cũng đối với chính quyền bên Việt Nam nữa.
Sở dĩ công nhân Mã Lai có quyền lãnh lương tối thiểu 900 Ringgit bởi vì các xí nghiệp không tốn kém cho họ như những tốn kém họ phải chịu như đối với những công nhân ngoại quốc. Vì lý do đó cho nên những sở phí của công ty cho công nhân ngoại quốc thì quá cao, nên việc họ lãnh lương tối thiểu thì sau này sẽ có, nhưng bây giờ thì chưa. Thế nào cũng sẽ có.”
Trước đây, Mã Lai không có chế độ lương tối thiểu. Các doanh nghiệp quyết định tiền lương tùy tiện. Nhờ vào việc vận động của Tổng Công đoàn Lao Động Mã Lai nên chính phủ đã thực hiện quy chế lương tối thiểu cho tất cả công nhân làm việc trên đất Mã. Tuy nhiên, do sự thực hiện không đồng đều nên gây ra bất mãn cho công nhân dẫn đến nhiều cuộc đình công. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tuy áp dụng chế độ lương tối thiểu nhưng lại tìm cách lấy lại từ công nhân qua những khoản thu nhập khác. Chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả các chi tiết này trong những bài sau.