Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam

0:00 / 0:00

Lý do Phụ Nữ Nhân Quyền ra đời

Ngày 15 tháng 11 vừa qua, Xã hội dân sự Việt Nam vừa có thêm một thành viên mới: đó là một nhóm có tên gọi là: “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”.

Trong cuộc vận động cho Nhân quyền ở Việt Nam, sự đóng góp của nữ giới là quan trọng và không thể chối cãi; nhưng họ lại là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trước sự đàn áp của chính quyền. Có lẽ nhiều người không quên được hình ảnh blogger Huỳnh Thục Vy bị lôi kéo giữa công an trong các cuộc biểu tình, blogger Nguyễn Hoàng Vi bị xúc phạm thân thể, bị đánh chảy máu mũi trong đồn công an , gần đây nhất luật sư Lê thị Công Nhân bị công an hành hung ngay giữa đường phố Hà nội. Đã đến lúc những người phụ nữ này phải tự lên tiếng cho chính họ. Vì thế, Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam ra đời. Một trong những vận động viên của Phụ Nữ Nhân Quyền, chị Dương thị Tân, người vợ củ của người tù lương tâm Điếu Cày cho chúng tôi biết lý do Phụ Nữ Nhân Quyền ra đời:

“Trong bối cảnh hiện này, phụ nữ luôn luôn là những người dễ bị tổn thương nhất. Khi mà những gì người ta cần xúc phạm, người ta cần khủng bố thì người ta nắm vào chổ yếu của chị em phụ nữ. Người phụ nữ trong gia đình, nhất là gia đình của các tù nhân chính trị là những người luôn luôn hứng chịu những cảnh đau thương, thiệt thòi, mất mát nhiều nhất. Và, một điều nữa là khi mà Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì cái điều đầu tiên là họ cần phải tôn trọng Nhân quyền , nhất là Nhân quyền của chị em phụ nữ. Đó là cái lý do mà chúng tôi nhóm lại với nhau để trước hết là bảo vệ cho chính các chị em phụ nữ đó và sau nữa là bảo vệ gia đình của họ.”

Trước nay, những nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền ở Việt Nam luôn bị động trước những đàn áp của chính quyền. Nhưng từ nay chị em chúng tôi muốn chủ động đối phó. <br/> -Huỳnh Thục Vi

Blogger Hoàng Vi, một trong những người đã từng bị xúc phạm thân thể và nhân phẩm trong đồn công an, cho biết lý do cô tham gia vào Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam :

“ Lý do khiến cho em tham gia vào Phụ Nữ Nhân quyền Việt Nam là vì em cũng đã từng trải qua những xâm phạm về quyền Tự do. Cá nhân em, em cũng đã từng bị tước đoạt những cái quyền căn bản của em, và thậm chí là bị xâm phạm thân thể và nhân phẩm một cách rất nặng nề cho nên khi Phụ Nữ Nhân quyền Việt Nam ra đời em cần phải tham gia để cùng mọi người lên tiếng bảo vện quyền của phụ nữ.”

Qua các quá trình bị đàn áp, sách nhiễu tại nhà riêng và các nơi công cộng, một ý tưởng liên kết lại để tự bảo vệ mình đã nhen nhúm, từ đó cuộc vận động âm thầm bắt đầu. Blogger Huỳnh Thục Vy, một trong những người tham gia từ đầu kể lại quá trình vận động như sau:

“Chúng tôi đã manh múm ý tưởng này từ lâu nhưng do hoàn cảnh khó khăn về nhân lực trong số chị em phụ nữ chúng tôi lẫn những sách nhiễu rình rập từ phía chính quyền nên ý tưởng này mới thực sự hoàn chỉnh từ cách này vài tháng thôi, chúng tôi đã có liên hệ với các NGO quốc tế và các toà đại sứ của các quốc gia dân chủ đặt tại Việt Nam và đặc biệt là họ đều đồng ý với chúng tôi là có một sự thiếu vắng một tổ chức bảo vệ Nhân quyền cho nữ giới ở Việt Nam và họ cũng hứa sẽ đồng hành với chúng tôi trong cuộc vận động tự vệ này”.

Liên kết để đấu tranh

Một xã hội dân sự mới ra đời tại một nước độc đảng như Việt Nam vẫn luôn luôn là một sự thăm dò phản ứng của nhà cầm quyền cũng như xã hội chung quanh, chị Dương thị Tân chia sẻ những khó khăn và thuận lợi trong quá trình vận động:

Các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Courtesy vnwhr.net
Các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Courtesy vnwhr.net

“Về khó khăn thì những người đại diện trong cơ quan công quyền chưa có 1 thái độ gì cho đến ngày hôm nay. Chưa có thái độ gì chứ mình cũng không dám chắc là không có thái độ gì. Mình chỉ dám nói là chưa có động thái gì. Còn thuận lợi thì mình gặp rất là nhiều sự hưởng ứng, hỗ trợ tinh thần rất tốt từ những nơi mà mình yêu cầu cái sự hỗ trợ, yeu cầu sự quan tâm.”

Và nếu, trong tương lai sẽ có gặp khó khăn từ nhà cầm quyền thì họ cũng đã chuẩn bị cho mình những tư thế sẵn sàng, blogger Nguyễn Hoàng Vi chia sẻ:

“Từ trước đến giờ thì những người phụ nữ đấu tranh cho Nhân quyền ở Việt Nam vẫn luôn luôn gặp những cái rủi ro, những cái nguy hiểm và em thấy rằng mọi người đều vượt qua những rủi ro, nguy hiểm đó và tiếp tục đấu tranh bây giờ đã đến lúc mọi người ngồi lại với nhau, liên kết lại với nhau, gắn bó lại với nhau để mà đấu tranh về vấn đề nhân quyền , em nghĩ mọi người trong ban vận động của hội thì đều sẵn sàng đối thoại với nhà cầm quyền và sẵn sàng đón nhận những cái gì mình không mong muốn mà do họ gây ra.”

Bên cạnh đó, Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam sẽ mở đầu một hướng đấu tranh khác, chủ động hơn. Cô Huỳnh Thục Vi, một trong 9 vận động viên nói rằng:

“Trước nay, những nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền ở Việt Nam luôn bị động trước những đàn áp của chính quyền. Nhưng từ nay chị em chúng tôi muốn chủ động đối phó với tình huống. Chúng tôi đã có những kênh liên lạc cần thiết với các NGO Nhân quyền quốc tế, các Toà Đại sứ và các báo đài. Việc lên tiếng với truyền thông và các nhà ngoại giao nước ngoài là việc đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng. Sau đó thì tuỳ tình huống chúng tôi sẽ xử lý. Trợ giúp tài chính, viếng thăm thân nhân của người bị đàn áp là việc tiếp theo. Cuối cùng nếu một người bị bắt, chúng tôi sẽ tìm kiếm luật sư và vận động các nhà ngoại giao các quốc gia tự do áp lực chính quyền Việt Nam trả tự do cho người bị bắt.”

Phụ Nữ Nhân quyền khởi đầu với 35 thành viên là người trong nước, nhưng chị Tân cho biết Phụ Nữ Nhân quyền không phân biệt thành phần xã hội và sẽ không có biên giới địa lý cho những phụ nữ từ 18 tuổi trở lên muốn trở thành thành viên:

“Hôm qua thì đã có một số chị em ở bên ngoài gọi về muốn xin tham gia vào Phụ Nữ Nhân quyền. Chúng tôi sẽ mở rộng rất nhiều ra mọi hướng, kể cả là cho những người phụ nữ đang làm việc cho nhà nước, nhưng họ cos ý thức bảo về quyền con người, họ có ý thức bảo về chị em phụ nữ bị xâm hại, họ có ý thức bảo vệ quyền cho phụ nữ thì chúng tôi vẫn mời gọi. Và đương nhiên là chúng tôi có mời gọi chị em phụ nữ ở hải ngoại tham gia cũng chúng tôi vấn đề này.”

Phụ Nữ Nhân Quyền không phải là tổ chức duy nhất của phụ nữ Việt Nam, bên cạnh đó, Việt Nam cũng có Hội phụ Nữ Liên Hiệp Việt Nam thành hình từ năm 1976. Tuy nhiên, Hội này không đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp phụ nữ bị đàn áp vì đấu tranh cho Nhân quyền , cô Huỳnh Thục Vy nói:

“Cũng như tất cả chúng ta đều biết là Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam là một tổ chức xã hội nằm dưới một tổ chức lớn hơn, tức là Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính là cánh tay nối dài của đảng Cộng sản Việt Nam nên những điều mà họ làm, những mục tiêu mà họ hướng tới laf quyền lợi của đảng Cộng sản chứ không phải quyền lợi của chị em phụ nữ Việt Nam, bởi vậy chúng tôi rất là mong muốn có một tổ chức mà chị em chúng tôi có thể ngồi lại với nhau để suy nghĩ tìm cách bảo vệ nhau, bảo vệ quyền lợi thực sự bất chấp quyền lợi đảng của bất cứ đảng phái chính trị nào khác. Chúng tôi chỉ làm để bảo vệ nhân quyền của chính mình.”

Trong một chuyến đi vận động, đã nói với Nhân viên Toà đại sứ Úc tại Hà Nội, chị Tân đã nói: "Quý vị biết Việt Nam có một hồ sơ Nhân quyền tồi tệ nhưng quý vị đã bầu cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc thì quý vị phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Từ nay trở đi, nếu có một trường hợp người Việt nam nào, đặc biệt và phụ nữ Việt Nam, bị sách nhiễu hoặc bỏ tù thì người đó chính là nạn nhân của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc."

Sự ra đời của Phụ Nữ Nhân Quyền là một thách thức và cũng là một cơ hội để Việt Nam chứng tỏ mình xứng đáng với vai trò thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong 3 năm sắp tới.