Quyết định về lương tối thiểu vừa được cơ quan chức năng Việt Nam thông qua. Người công nhân đón nhận tin đó thế nào? Lần tăng lương tối thiểu mới này có thể giúp họ đủ sống và tái tạo sức lao động hay không?
Chỉ tăng thêm 15%
Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015 vào sáng ngày 6/8/2014. Hiện tại lương tối thiểu của công nhân vùng I như; Hà Nội và Sài Gòn là 2,7 triệu đồng khoảng 127 đô la Mỹ và sẽ được tăng thêm 15% trong năm 2015 là thêm được 400 ngàn đồng. Ông Bùi Hồng Đô - Chủ Tich LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng Hội đồng đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định:
“Anh nghĩ rằng Hội đồng tiền lương quốc gia đã quyết định chắc là cũng tính toán trên cơ sở khoa học và thực tiễn rồi. Mức lương tối thiểu nó phải đáp ứng được cho người lao động có phải không. Cái thứ hai nó phải hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp. Nếu quá thì người lao động được hưởng nhưng mà doanh nghiệp người ta cũng rất là vất vả trong vấn đề đóng bảo hiểm, các quỹ.”
Một chị công nhân không cho biết tên đã có một thời gian dài làm việc trong khu công nghiệp Bình Dương, nhưng vì thu nhập không ổn định và thấp nên Chị đã nghỉ và hiện nay đang làm việc cho một xí nghiệp may tư nhân tại Bình Dương chia sẻ với chúng tôi, mức lương tối thiểu hiện nay 2,7 triệu không đủ với đời sống công nhân, nếu công nhân không tăng ca, không làm thêm bên ngoài:
Phải hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp. Nếu quá thì người lao động được hưởng nhưng mà doanh nghiệp người ta cũng rất là vất vả trong vấn đề đóng bảo hiểm, các quỹ. <br/> -Ô. Bùi Hồng Đô
“Bây giờ mọi thứ đều tăng như xăng, ăn uống..tất cả mọi thứ đều tăng hết cho nên là mức lương đó (2,7triệu đồng) là mức lương căn bản chắc chắn sẽ không đủ sống, nếu mà người công nhân không được tăng ca đi làm thêm thì không đủ. Lương như vậy gói gém đủ sống, nếu phát sinh thêm thì không có thể nào sống được.”
Chị Chi đang làm công nhân tại khu công nghiệp Sóng Thần có một cháu nhỏ mới được 11 tháng, mỗi tháng nhận lương được 3,5 triệu đồng mà chi phí mua sữa cho con hết 2 triệu đồng, chưa tính tiền ăn uống hằng ngày của chị, cho nên vừa đi làm công nhân vừa phải nhận thêm tiền trợ cấp của gia đình, chị Chi chia sẻ:
“Nhờ gia đình phụ, bé còn nhỏ phải uống sữa, bản thân em một tháng sữa cho con là 2 triệu, nhưng bản thân tôi chỉ có lương 3,5 triệu, tiền gởi cho Mẹ cho con ăn cháo nữa là 3,2 triệu đồng, rồi chưa tính đến tiền bệnh đau của cháu, mà trong khi đó mình cũng phải ăn sáng, uống nước, nói chung không có đủ.”
Chị cho biết thêm lương lãnh ra của các chị em công nhân chỉ trong 10 ngày là hết:
“Lãnh lương 10 Tây thì tới mười mấy, hai mươi Tây là bắt đầu thấy ai cũng có vẻ không còn tiền nhiều nữa, nhiều thứ để chi mà, ai có gia đình thì gia đình lo phụ.”

Anh Thế đang làm kỹ thuật ở khu công nghiệp Long Thành - Đồng Nai, có người vợ đang làm ở khu công nghiệp Singapore Bình Dương cho chúng tôi biết, mấy ngày qua báo chí trong nước vừa thông báo tiền lương công nhân được tăng vào 2015, thì các chủ nhà trọ tại khu Đồng Nai - Bình Dương đã rục rịch đòi tăng tiền nhà:
“Nói chung là có tăng mấy thì một số cũng tăng từ từ, như cái mức lương của nhà nước qui đinh nó tăng cỡ đó thì nói chung theo cái giá cả thị trường nó đều tăng thì nói chung cũng cuộc sống mà, giá cả thị trường tăng theo mức lương chứ nó không nằm một giá , nên tất cả các mục hàng như ăn uống đồ - nhà trọ nhà đồ đều tăng theo cái mức lương. Nhà nước mới quy định mới tăng lên mức lương cái là nghe xung quanh là nó lên nhà trọ, lên nhà đồ lung tung hết.Mới trực về hồi tối thì nghe nói tăng lương thì phía nhà trọ nó nói tháng tới nó sẽ lấy tiền thêm.”
Ông Bùi Hồng Đô - Chủ Tich LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cuối tháng 7 vừa qua Ông có một chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại một số nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Ông nói về mức lương công nhân của các quốc gia mà Ông đến:
“Hiện nay là một số nước ví dụ như Việt Nam, ví dụ như Indonesia thì bây giờ lương tối thiểu của người ta là khoảng 250 đô, Mã Lai thì khoảng 350 – 400, Hàn Quốc thì 1.000 – 1.500. Tuy nhiên thì cái trình độ tay nghề người ta cũng có, người ta được đào tạo được bài bản hơn Việt Nam. Mức thu nhập của mỗi nước người ta cũng khá hơn, đời sống đó. Ví dụ ở Ma Lai thì bình quân đầu người là cũng tầm 16.000 đô hơn, tiền bình quân đầu người đấy.”
Cần tăng cường giám sát
Trước thực trang người công nhân đang sống khó khăn vất vả, trong khi chính họ là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội, ông Đô tâm sự muốn được nhìn thấy người công nhân được hưởng nhiều quyền lợi và nhà nước quan tâm đến hơn:
Cần nhiều chính sách xã hội khác, ví dụ như chăm lo cho người lao động về qua các hỗ trợ, thông qua các hoạt động như là các nơi giữ trẻ cho con. <br/> -Ô. Bùi Hồng Đô
“Cần nhiều chính sách xã hội khác, ví dụ như chăm lo cho người lao động về qua các hỗ trợ, thông qua các hoạt động như là các nơi giữ trẻ cho con. Như vậy là nếu như gởi tư thục là 1,5 triệu/ tháng, gởi công lập thì chỉ có 700, nếu anh xây dựng trường công lập; hay là những cái phòng phát sữa cho con, thì rất là tốt; hoặc là các hạ tầng xã hội, các khu vui chơi giải trí; từ từ mới điều tiết lại bằng các công trình hạ tầng xã hội – hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp với người lao động. Thật ra thì các cơ quan quản lý nhà nước họ phải tăng cường giám sát, đặc biệt là điều kiện chế độ người lao động.”
Chị công nhân nói trên tâm sự cho biết, hiện nay Chị đang ở trọ với nhiều cô bạn công nhân, chị thấy tình trạng phúc lợi của các anh em công nhân rất là bấp bênh:
“Từ lương bổng, chế độ công đoàn, bảo hiểm, tất cả đối với họ đều khó khăn, lương chỉ đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt thôi, chứ để có cuộc sống ổn định hơn thì không có, chế độ về y tế, giáo dục cho con cái họ thì không có...”
Anh Thế cho biết cuộc sống của những công nhân không biết đến giải trí là gì, không có điều kiện đi đến nhưng khu vui chơi, chỉ biết cặm cụi làm việc cho hết ngày, rồi có thời gian thì ngủ li bì trong phòng trọ:
“Đời sống công nhân rất rối ren và bấp bênh, làm chỉ kiếm sống chứ đâu có thời gian mà rảnh rỗi. Nhiều khi Chủ Nhật có công việc cũng cố gắng đi làm thêm, nói chung ra đâu có người nào của ăn của để để đi chỗ này chỗ kia…”
Theo hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hiện hành, đội ngũ công nhân lao đông vẫn là đội ngũ tiên phong; tuy nhiên như chín lời của những người công nhân cho biết thì họ đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Điệp khúc ‘lương chạy theo giá’ lại được nghe thấy mỗi khi có tin Nhà nước rục rịch tăng lương cho tầng lớp này. Những người công nhân chờ đợi một giải pháp căn cơ để chấm dứt thực trạng đó.