Ngày 23/3 vừa qua, khắp nơi trên nước Pháp, các cử tri đã đi bầu Hội đồng Địa phương để bầu ra các dân biểu đại diện cho mình tại thị xã, thành phố nơi họ cư ngụ. Đặc biệt năm nay, có khá nhiều người Pháp gốc Việt ra tranh cử. Thông tín viên Tường An tìm hiểu những khó khăn và thuận lợi trong việc tham gia vào chính trường của người Pháp gốc Việt tại đây.
Muốn phát triển cộng đồng
Ngày 23 tháng 3, cư dân Pháp của 36.000 communes (đơn vị hành chánh tại Pháp) đã đi bầu vòng 1 cho những Dân biểu đại diện cho địa phương mình. Trong bối cảnh nước Pháp đang có những sự kiện làm cho uy tín của đảng Xã hội thiên tả cầm quyền cũng như đảng UMP cánh hữu đối lập xuống thấp, người ta vẫn hy vọng số cử tri đi bầu không quá thấp vì trong cuộc bầu cử Hội Đồng Địa Phương, người dân đi bầu để chọn ra những dân biểu làm việc trục tiếp cho địa phương mình, tiêu chuẩn chọn thường là tuỳ theo uy tín của ứng cử viên ở địa phương đó chứ không do đảng phái. Trong các liên danh, có nhiều ứng cử viên không thuộc đảng phái nào.
Cuộc bầu cử Hội đồng Địa phương (Elections Municipales) gồm 2 vòng: vòng 1 vào ngày 23/3 và vòng 2 vào ngày 30/3. Pháp có 36.670 thị xã. Thị xã hay hay thành phố là đơn vị hành chánh nhỏ nhất (commune). Thành phố nhỏ nhất của Pháp là Rochefourchat với 1 cư dân và thành phố lớn nhất nước Pháp là thủ đô Paris với 2,16 triệu cư dân. Chỉ có thành phố trên 1000 dân mới có bầu cử Hội đồng địa phương. Các Dân biểu đắc cử sẽ bầu ra một thị trưởng. Cuộc bầu cử Hội đồng Địa phương rất quan trọng với dân Pháp vì nó có ảnh hưởng trực tiếp với đời sống của họ tại thị xã hay thành phố họ cư ngụ.
Bản thân tôi thì lúc đầu chỉ tham gia với tư cách ủng hộ thôi, nhưng thời thế đưa đẩy làm sao nên cũng trở thành Dân biểu và bây giờ thì tiếp tục tham gia sinh hoạt chính trị ở địa phương. <br/> -Ô. Phạm Thế Hùng
Hội đồng Địa phương có nhiệm kỳ 6 năm. Năm nay có 926.068 ứng cử viên của 36.670 đơn vị tham gia tranh cử Hội đồng Địa Phương. Đặc biệt năm nay, người ta ghi nhận đông đảo người Pháp gốc Việt tham gia, nhất là Paris và vùng phụ cận.
Quận 13 của Paris là nơi tập trung đông đảo người Á châu nhất với các trung tâm mua bán tấp nập nhất Âu châu. Có khoảng 7 người Pháp gốc Việt từ đảng cực hữu, trung hữu đến cực tả ra tranh cử Hội đồng Thành Phố quận 13.
Ông Nguyễn Chí Thiện của hội người Việt Cộng Hòa (thuộc đảng UMP) đến Pháp từ năm 8 tuổi, ra ứng cử trong liên danh “Paris Libéré” (Paris Tự Do) với mong muốn phát triển về mặt du lịch cho quận 13 từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, mặt khác là một người Việt, ông luôn quan tâm đến sự hội nhập của người Việt vào đời sống Pháp, ông nói:
“Tại vì em là Pháp nhưng gốc Việt Nam, từ xưa đến giờ em cũng để ý tạo ra một khung cảnh tốt đẹp cho mình hôm nay cũng như cho con cái của mình sau này. Trong thời gian hơn 10 năm em có sinh hoạt trong cộng đồng công giáo trong thiếu nhi thánh thể. Mục đích lúc đó là làm cho mấy em có thể intégrés (hội nhập) trong nước Pháp một cách tốt đẹp để người Việt Nam mình chú ý đi vào kinh tế và chính trị bên này và cũng làm cho những người Tây để ý đến cộng đồng của mình.”
Dân biểu của một đơn vị hành chánh như thị xã hay thành phố ở Pháp, tuy do dân trực tiếp bầu lên nhưng không lãnh lương, chỉ được phụ cấp chút ít trong khi đó công việc rất bận rộn và hoàn toàn tự nguyện để phục vụ người dân. Do vậy, có những nơi không có người ra ứng cử. Courdimache, một thị xã chỉ có 6.500 dân, ông Phạm Thế Hùng, thuộc đảng Xã hội, ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai tại thị xã này cho biết:
“Bản thân tôi thì lúc đầu chỉ tham gia với tư cách ủng hộ thôi, nhưng thời thế đưa đẩy làm sao nên cũng trở thành Dân biểu và bây giờ thì tiếp tục tham gia sinh hoạt chính trị ở địa phương.”
Bussy Saint Georges là một thành phố mới với 25.000 dân, với 10% là người Việt, nơi duy nhất có bùng binh Sài Gòn do người Việt xây cất. Ông Nguyễn Hoài Thanh không thuộc đảng phái nào, ra ứng cử với một trong những lý do khác đặc biệt:
“Tôi ứng cử là tại vì ông Maire là một người bạn của tôi mà cũng là 1 người bạn của cộng đồng Việt Nam tại Bussy. Ông thị trưởng ở đây là 1 người rất ưu ái đối với người Việt Nam. Mỗi lần người Việt ở Bussy cần gì là ổng luôn luôn giúp đỡ cho nên khi ra ứng cử trong liên danh của ổng thì mục tiêu của tôi là cũng để bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ở đây khi cần thiết.”
Một trong 2 ứng cử viên người Pháp gốc Việt tại Lognes, nơi có 15.000 dân với 60% gốc Á châu, cô Thu Tâm, hội UVR (Người Việt Cộng Hoà) và thuộc đảng UDI . Cô thích đọc truyện Kiều, quan tâm đên chính trị từ nhỏ vì Ba của cô làm trong toà đại sứ Bỉ thời VNH. Đến Pháp năm 11 tuổi, cô cho biết muốn trở thành dân biểu tại Lognes để đem lại an ninh cho người dân tại đây và cũng có cơ hội bảo toàn văn hóa Việt:
“Em muốn giữ văn hóa Việt Nam, em không muốn mất nguồn gốc, người Việt mình phải tranh đấu làm sao cho nước Việt Nam được tự do và con người Việt Nam được hãnh diện là người Việt, theo em nghĩ lúc sau này, những em trẻ Việt Nam mình không có biết cái giá trị nguồn gốc Việt Nam thực sự mà của Trung Quốc hay nước nào chứ đối với em không phải là nước Việt Nam thành ra em muốn giữ những cái giá trị của người Việt cho người Việt.”
Vẫn còn hạn chế?
Pháp có khoảng 300.000 người Việt sinh sống, với khoảng 75% người Việt đã nhập tịch , mặc dù tỷ lệ nhập tịch khá cao nhưng rất ít người tham gia vào chính trường Pháp. So với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ hay Úc, sự tham gia vào chính trường Pháp của người Việt hãy còn rất hạn chế. Đi tìm nguyên nhân của sự hạn chế này, chúng tôi nhận thấy có những lý do khách quan cũng như chủ quan.
Một trong những lý do chủ quan, theo ông Nguyễn Hoài Thanh có lẽ nó đến từ sự mặc cảm 100 năm Pháp thuộc của một nước nhược tiểu:
“Tôi nghĩ nó có nhiều lý do lắm: một trong những lý do đó là làm như là chúng tôi có cái mặc cảm khi mà đi chơi thân với người Pháp. Không hiểu cái mặc cảm đó xuất phát từ đâu ra? Khi đi chơi thân với những người làm chính trị của Pháp thì mình không chịu gần gủi họ lắm, không biết có phải đó là tự ái dân tộc khi ngày xưa họ cai trị đất nước mình hay không hay là vì một lý do nào khác không biết? Thứ hai nữa là người Việt Nam chúng ta nghĩ rằng làm chính trị là một điều không tốt. Không biết có phải vậy không mà đa số anh em chúng tôi lúc trước không chịu tham gia vào những đảng phái để ra ứng cử. Bây giờ nhìn lại mới thấy đó là một sai lầm.”
Theo ông Phạm Thế Hùng, một lý do chủ quan khác có lẽ là do bản tính an phận của người Việt, tuy nhiên, ở thế hệ mới người ta đã tìm thấy một sự năng động hơn. Ông Hùng nói:
Tôi nghĩ rằng bên Pháp có thể khó hơn bên Mỹ chút xíu vì dù sao đi nữa bên Mỹ cũng là một chúng tộc, còn bên Pháp là một quốc gia. <br/> -Ô. Nguyễn Hoài Thanh
“Người Việt mình vẫn có tính an phận, tức là khi sang được nước Pháp thì chỉ chăm chỉ làm ăn. Cho tới nay hầu như rất hiếm người Pháp gốc Việt ra tranh cử. Chỉ vài năm trở lại đây có một số thành phần người Pháp gốc Việt bỏ qua cái mặc cảm về nguồn gốc dân tộc để mà ra tham gia các sinh hoạt chính trị của nước Pháp và một số người thì mạnh dạn ra tranh cử.”
Ngoài ra, còn có những lý do khách quan đến từ những quan điểm bảo thủ của xã hội Pháp, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng xã hội Pháp vẫn chưa hoàn toàn quen được với hình ảnh một người Á châu trong chính trường Pháp và đó là một rào cản tâm lý rất lớn khiến nhiều người ngần ngại tham gia vào chính trường. Với kinh nghiệm của một người làm truyền thông, Ông Phạm Thế Hùng chia sẻ:
“Cái nhìn của người Pháp đối với cộng đồng người gốc nước ngoài thật sự vẫn chưa có những thay đổi lớn lao lắm. So với nước Mỹ hay Úc thì nước Pháp thật sự chưa có tạo điều kiện cho các cộng đồng gốc nước ngoài tham gia vào đời sống chính trị ở các cấp bậc ngày càng cao hơn. Ngay cả trong lãnh vực truyền thanh, truyền hình, nhất là truyền hình ít khi người ta thấy những xướng ngôn viên hoặc phóng viên người gốc nước ngoài có mặt trên màn ảnh truyền hình.”
So sánh với các quốc gia khác, Ông Nguyễn Hoài Thanh nhận xét:
“Tôi nghĩ rằng bên Pháp có thể khó hơn bên Mỹ chút xíu vì dù sao đi nữa bên Mỹ cũng là một chúng tộc, còn bên Pháp là một quốc gia. Thường thường bên Pháp những người làm chính trị thì họ học khá cao như ENA, Polytechnique… Đó là chuyện hồi xưa, còn bây giờ họ lại rất muốn người Á châu, nhất là người Việt Nam chúng ta tham gia vào chính quyền.”
Tuy nhiên, giới trẻ lại có một nhận định khác hẳn. Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết ông hoàn toàn không có một trở ngại nào để đi vào chính trường Pháp, theo ông, nếu mình không lên tiếng thì sẽ không ai biết đến mình, ông nói:
“Trở ngại thì không có trở ngại đâu. Đối với em thì không có chuyện kỳ thị. Phân biệt thì có, nhưng kỳ thị thì không. Phải nói người Việt mình bên Pháp là một cái intégration exemplaire (thí dụ điển hình của sự hội nhập) Em nghĩ rằng dù mình rất đông ở bên này mà nếu mình không tham gia thì người ta không biết đến mình. Người ta không biết mình thì người ta không tạo ra một khung cảnh tốt để cộng tác với người ta. Thứ hai nữa là có rất nhiều người Pháp nghĩ là người Á đông bên Pháp là người Tàu chứ không phải là người Việt Nam. Em thấy mình cũng phải làm cho người ta biết điểm khác biệt của người Việt Nam với người Tàu.”
Là một phụ nữ, nhưng cô Thu Tâm không gặp trở ngại về giới tính hay sắc tộc trong việc thực hiện niềm mơ ước tham gia vào chính trường Pháp. Hơn thế nữa, là một bác sĩ, cô có lợi thế để nói lên tiếng nói của mình:
“Chính trị quan trọng bởi vì nó điều khiển cuộc sống hàng ngày của mỗi con người. Người Á châu không có tinh thần chính trị nhiều nên để cho người khác quyết định cuộc sống của họ. Em cũng thích làm chính trị lắm. Theo em nghĩ người phụ nữ cũng phải lên tiếng bởi vì họ có bổn phận trong gia đình và bổn phận ngoài xã hội, họ cũng phải có quyền lên tiếng.”
Mặc dù đa số người Việt ở Pháp vẫn còn bước những bước khởi đầu vào đời sống chính trị ở Pháp. Nhưng là một khởi đầu đa dạng và bộc phát. Ông Phạm Thế Hùng rất hy vọng thế hệ nối tiếp sẽ có những tiếng nói đông đảo hơn trong chính trường Pháp:
“Hiện nay người Việt tham gia chính trường ở cấp quốc gia thì hầu như chưa có, hy vọng là trong thời gian tới, với sự tham gia ngày càng đông đảo của giới trẻ sẽ thúc đẩy những người khác mạnh dạn hơn trong sinh hoạt chính trị của người Pháp.”
Với khoảng 100 người Pháp gốc Việt ra tranh cử Hội đồng Địa Phương trên toàn nước Pháp năm nay thì đó không phải là con số đáng kể. Tuy nhiên, so với các nhiệm kỳ trước thì đây là một khởi đầu đáng khích lệ để người Việt từng bước tham gia góp tiếng nói trong chính quyền sở tại.