Hai mươi tám người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan khi từ trong nước chạy sang xứ này xin tị nạn nhiều năm về trước, nhờ sự vận động trong vòng 8 năm qua của tổ chức VOICE ở Philippines mà sau cùng đã tới Canada hôm thứ Năm ngày 13 vừa qua.
VOICE và 6 năm vận động pháp lý
Đây là 28 trong số gần 100 người tị nạn từ Việt Nam chạy qua Thái, sống bất hợp pháp tại đất nước này hai ba chục năm qua. Sau 6 năm dưới sự vận động pháp lý của luật sư Trịnh Hội cùng tổ chức VOICE do anh sáng lập, họ được chính phủ Canada chấp thuận cho định cư với điều kiện người Việt ở Canada phải bảo trợ mọi chi phí xuất cảnh, lo liệu nơi ăn chốn ở cũng như giúp những người mới đến gầy dựng cuộc sống trong thời gian một năm đầu.
Từ văn phòng của VOICE ở Manila, luật sư Trịnh Hội, được coi là người có công vận động cho những thuyền nhân Việt Nam bị kẹt lại Philippines trong hơn 16 năm mà kết quả là hai ngàn người được Mỹ nhận năm 2005, một ngàn người đi Úc, Canada và Na Uy từ năm 2000 đến năm 2009, thuật lại chuyện người tị nạn Việt ở Thái Lan được Canada nhận như thế nào:
“Từ năm 2006, Trịnh Hội cùng các anh chị thiện nguyện viên trong VOICE sang Thái Lan để bắt đầu thành lập danh sách và sau đó tranh đấu bằng cách gặp những dân biểu những thượng nghị sĩ và cuối cùng là gặp được ông tổng trưởng Bộ Di Trú Canada lúc đó là ông Jason Kenney.
Cũng may mắn là sau 6 năm tranh đấu thì cuối năm 2012 ông Jason Kenney quyết định cho đồng bào sang Canada qua diện nhân đạo với hai điều kiện. <br/> -LS Trịnh Hội
Cũng may mắn là sau 6 năm tranh đấu thì cuối năm 2012 ông Jason Kenney quyết định cho đồng bào sang Canada qua diện nhân đạo với hai điều kiện. Thứ nhất là phải tìm được những người bảo trợ lo cho họ trong một năm đầu tiên. Điều kiện thứ hai là chúng ta phải trang trải mọi chi phí.
Từ cuối năm 2012 cho đến bây giờ VOICE đã hợp tác với nhiều tổ chức như Liên Hội Người Việt Canada, sau đó là những hội đoàn khác kể cả những Phật tử của chùa Hoa Nghiêm ở Vancouver hoặc nhóm VOICE Canada, cùng đứng ra gây quĩ cho đủ số tiền mà chúng ta phải trả cho chính phủ Canada cũng như trang trải mọi chi phí ở Thái Lan. Trong hai năm rất nhiều cá nhân rất nhiều tổ chức giúp đỡ thì mới có ngày hôm nay.”
Để được ra đi hợp pháp như vậy, luật sư Trịnh Hội trình bày tiếp, những người tị nạn phải nhất mực tuân thủ luật lệ của đất nước Thái Lan mà họ là người ở bất hợp pháp trong 25 năm:
“Đầu tiên, thì từ năm 1989 khi vượt biên sang Thái Lan thì họ ở trong trại. Đến năm 1997, sau khi trại tị nạn đóng cửa thì họ ra ngoài sống và không có bất kỳ một giấy tờ nào hết. Nếu bị cảnh sát bắt thì họ phải vô tù ngồi cho đến khi có người bảo trợ ra mà thôi.
Nhóm người này không được Cao Ủy Tị Nạn công nhận là tị nạn bởi theo Cao Ủy đây là những người đã rớt thanh lọc. Khi được chính phủ Canada nhận và khi chúng ta đã vận động thành công tìm người bảo trợ, họ được phỏng vấn, khám sức khỏe, coi như qua tất cả thì họ được cấp visa và hồ sơ đi sang Canada. Nhưng cái ải cuối cùng là phải làm sao xin chính phủ Thái cấp cho họ giấy xuất cảnh. Do đó bên Canada cùng với VOICE là nhóm của Trịnh Hội ở đây đã sang Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR nhờ họ giúp đỡ, cùng lúc vận động chính quyền Thái Lan. Chờ đợi một thời gian khá lâu, sau đó được Cao Ủy Tị Nạn cùng với chính phủ Canada sắp xếp để ra tòa, đóng một số tiền phạt tượng trưng là 200 đô mỗi người.
Sau đó phải vào IDC nhà tạm giam của di trú, ở hai đêm rồi 9 giờ sáng có xe đến rước đi thẳng ra phi trường Thái rồi từ phi trường đi thẳng qua Canada.”
Chính vì thế, đến xế chiều thứ Năm 13, chiếc máy bay của Philippines Airlines đưa 28 người Việt từ Thái Lan đáp xuống phi trường thành phố Vancouver, Canada. Ra đón những người tị nạn muộn màng của đợt đầu tiên này là các thiện nguyện viên trong tổ chức VOICE ở Vancouver bên cạnh một số đồng hương của thành phố:
“Đây là Đỗ Kỳ Anh, chủ tịch của VOICE ở Canada. Hôm qua khoảng 3giờ 15 thì có 28 người tị nạn mà cuối cùng đã đến được bến bờ tự do. Đến thứ Bảy này, trong số 28 người đó thì 13 người đi Toronto, một người đi Ottawa, 7 người ở lại Vancouver và số còn lại sẽ đi Calgary.”
Nhóm 28 người đến Vancouver hôm thứ Năm là đợt đầu trong số 105 người sắp sửa rời Thái Lan nay mai:
“Cứ một người đến Canada thì phải có năm người bảo trợ. Những năm rồi VOICE đã vận động thì đã có đủ người bảo trợ cho những người tị nạn. VOICE Canada có hứa sẽ phụ một phần nào với những nhà bảo trợ đó cho nên trong những đợt vừa qua chúng tôi đã vận động quyên góp tiền. Cách đây khoảng sáu tuần thì chiến dịch gây quĩ bắt đầu trong đó VOICE Canada tổ chức những buổi gây quĩ ở Vancouver, ở Ottawa, ở Toronto. Tiền chi phí xuất cảnh cho 105 người lúc đầu dự định là 180.000 gồm tiền khám sức khỏe bên Thái Lan, visa vào Canada thì trong hai năm vừa rồi đã quyên đủ 180.000. VOICE cũng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, đặc biệt ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới theo lời kêu gọi của anh Nam Lộc.”
Mang ơn những người giúp đỡ
Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh tại phi trường Vancouver, cả 28 người được đưa về chùa Hoa Nghiêm, là nơi đồng ý cho những người từ Thái Lan đến tá túc trong thời gian đầu.
Hai mươi lăm năm, cô có nghe chăng, đi làm cho người ta, đầu tiên là làm trong nhà rồi đi làm thợ. Sống qua ngày cũng khổ cực không có giấy tờ gì, con ở một nơi mẹ ở một chỗ. <br/> -Bà Bảnh
Một người sẽ về Ottawa, anh Huỳnh Hữu Hậu, vượt biên qua Thái Lan năm 1989, ở trại tị nạn cho tới khi đóng cửa năm 1996 thì trốn ra ngoài vì sợ bị bắt trở về nước:
“Sống thì sống chui, làm mướn cho người ta, đi chạy bàn đi giao hàng cho người ta. Nhiều khi bị công an bắt người ta lấy tiền rồi người ta thả mình đi. Lúc anh Hội qua bển thì nghe anh em nói mình tới đăng ký. Lúc đầu không có nghĩ là được đi nhưng sau này được đi thì ai cũng mừng tại vì ở bển sống chui sống nhủi. Nói chung bước được tới xứ tự do mình được hợp lệ thì mình rất là mang ơn những người giúp đỡ cho mình.”
Một người sẽ về Calgary ngày Chúa Nhật này, Bà Bảnh, được mọi người gọi là má Năm, từng trôi nổi qua ba bốn trại tị nạn ở Thái Lan cho tới khi đóng cửa phải mang con trốn ra ngoài:
“Hai mươi lăm năm, cô có nghe chăng, đi làm cho người ta, đầu tiên là làm trong nhà rồi đi làm thợ. Sống qua ngày cũng khổ cực không có giấy tờ gì, con ở một nơi mẹ ở một chỗ.
Chiều hôm qua tới đây thấy đồng bào mình ở tại đây chào đón cầm cờ này kia thì má Năm xúc động quá. Má Năm quá mừng như là chết đi sống lại, bước xuống máy bay thấy đồng bào quá vui rồi khóc chứ không nói được lời gì hết trơn. Giờ ở tại chùa Hoa Nghiêm đây.”
Người thứ ba sẽ ở lại Vancouver là anh Nguyễn Thanh Sơn, được cha mẹ cho đi vượt biển một mình đến Thái Lan năm 1990, khi lên đường đi Canada thì đã một vợ ba con:
“Sợ bị cưỡng bức về nên em trốn trại, cũng được Cao Ủy can thiệp nhưng sau đó lại bị nhốt. Đầu tiên qua đến phi trường thì phải nói nhiều người không cầm được nước mắt vì cái sự vui sướng và thấy được sự đoàn kết của cộng đồng người Việt ngoài này. Xin cám ơn tất cả sự đóng góp của đồng bào, các hội đoàn mà nhất là VOICE.”
Được biết trong tuần tới, thêm 39 người Việt tị nạn ở Thái Lan sẽ đến Canada trong đợt thứ nhì.