Tưng bừng lễ hội
Đại hội kéo dài 4 ngày từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 6. Trong bầu không khí tưng bừng lễ hội của Vương quốc Anh.
Luân Đôn, mấy ngày nay như đang lên cơn sốt, quốc kỳ Anh tràn ngập đường phố, khắp nơi được trang hoàng lộng lẫy với cờ và hoa.
Mọi người dùng lá cờ Anh để trang điểm gương mặt, nón, áo, tóc, môi và tất cả những gì mà người dân của xứ sương mù có thể nghĩ ra được, các cơ quan được nghĩ lễ, hàng trăm ngàn người đổ về một thành phố đã quá đông đúc, trên 10.000 bữa tiệc đường phố được tổ chức để gắn bó các gia đình lại với nhau. Điểm nhấn của lễ hội là 1000 chiếc thuyền diễn hành trên sông Thames để lập nên một kỷ lục mới. Tất cả để đón chào đại lễ kim cương kỷ niệm 60 năm lên ngôi và trị vì của Nữ hoàng Anh : Elisabeth đệ nhị.
Với khoảng 30.000 người Việt đang sinh sống tại đây, cộng đồng người Việt sống rải rác nhiều nơi như Lodon, Birmingham, Manchester, Derby….Anh Vương, đến Anh từ năm 1981, hiện định cư tại Machester kể lại ấn tượng đầu tiên của anh khi đến vùng đất sương mù này:
“Cái cảm tưởng đầu tiên của tôi là cái an sinh xã hội ở đây, vì lúc đó ở VN là chế độ cộng sản vẫn còn khắc nghiệt lắm, rồi đòi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, không có còn đói, người này lo cho người kia thì lúc đó tôi thấy nước Anh là nước cộng sản rồi chứ tại sao nói là tư bản. Thì đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi mà tôi được cấp tiền trợ cấp, được cấp nhà để ở không phải trả đồng nào hết rồi được trả tiền cho đi học dù mình rất là lớn tuổi.”
Tôi thấy người ta rất tôn trọng quá khứ, có một số người vì vấn đề kinh tế. Thật sự nữ hoàng không có quyền gì hết, chỉ là một biểu tượng của nước Anh. <br/>Anh Dương
Nhiều chương trình được tổ chức để đánh dấu sự kiện quan trọng này như chuyến đi thăm vòng quanh nước Anh, đi thăm các gia đình hoàng tộc đang sống ở hải ngoại, biễu diễn thuyền trên sông Thames, buổi hòa nhạc BBC tại điện Buckingham, lễ tạ ơn truyền thooasng tại nhà thờ St Paul và nghi lễ rước xe ngựa dành cho Nữ hoàng.
Chị Hoa, sống tại Anh đã 26 năm, tuy không đủ hiểu tiếng Anh để có thể theo dõi tất cả mọi sự kiện, nhưng chị cũng rất cảm thấy hạnh phúc khi được sống trên đất nước này:
"Lễ kỷ niệm thì em nghĩ năm nào bà cũng có chứ không phải chỉ có năm nay. Nhưng năm nay thì lớn hơn. Chúng em thì ngôn ngữ không biết, thôi thì mình cũng mừng chung chứ đâu phải riêng mình chúng em. Lúc chúng em mới qua, nhiều khi ở VN mình chiến tranh, sang đi thì cuộc sống khác đi nhiều hơn, tuy ngôn ngữ mình không có, mình không hiểu nhiều nên mình thấy buồn, nhưng bây giờ mình ở lâu thì mình hiểu ngôn ngữ, hiểu luật của người ta hay là hiểu các chế độ các thứ, nói chung là mọi thứ đều rất vui vẻ, hạnh phúc. Em là người Việt gốc Hoa, nếu nói về chính trị thì nó khác nhiều lắm. Mình ở đâu thì quen đấy, ở VN thì quen phong độ VN, ở đây thì quen phong độ ở đây."
Biểu tượng của nước Anh
Nữ hoàng Anh sinh vào lúc 2.40 giờ sáng ngày 21 tháng 4 năm 1926, là con cả của công tước và công nương xứ York. Nữ hoàng Elisabeth đệ nhị lên ngôi ngày 2/6/1953, cho đến hôm nay, bà là người trị vì lâu nhất sau Nữ hoàng Victoria (63 năm). Vương quốc Anh là một nước có chế độ quân chủ lập hiến lâu đời và cho mãi đến hôm nay, người dân Anh vẫn rất tôn sùng Nữ hoàng, thăm dò của Ipsos Mori có khoảng 18% dân Anh ủng hộ nền Cộng hòa trong khi đó có ¾ dân chúng Anh ủng hộ vương triều. Theo anh Dương, sự tôn sùng này là do:
“Tôi thấy người ta rất tôn trọng quá khứ, có một số người vì vấn đề kinh tế. Thật sự nữ hoàng không có quyền gì hết, chỉ là một biểu tượng của nước Anh. Khi nghe nói Nữ hoàng Anh hay Vương quốc Anh, ở đây là chế độ Dân chủ, Nữ hoàng không có ý kiến gì hết, quyết định là ở hai đảng ở đây hết. Nhưng mà điều mà tôi ngưỡng mộ người dân Anh là người ta rất trân trọng cái quá khứ của người ta. Đối với VN, thời Cộng hòa của mình, mình cũng rất là giữ gìn cái quá khứ của mình, chỉ có chế độ bây giờ à nó không thôi, đó là điều mà tôi so sánh nhiều nhất trong mấy ngày nay.”
Trong chiếc áo choàng màu bạc, đội một chiếc mũ trắng, Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, 86 tuổi, đứng trên chiếc thuyền của Hoàng gia vẫy chào đám đông, ước tính khoảng 1 triệu người, đang tung hô hai bên bờ. Sau 8 tiếng chuông Đại lễ, đoàn thuyền bắt đầu hành trình kéo dài 11 km từ Cầu Battersea, phía Nam sông Thames đến điểm cuối cùng là Cầu Tháp ở trung tâm Luân đôn. Theo dõi cuộc diễn hành trên truyền hình, cô Linh, 22 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Anh hào hứng nói:
"Cháu đang xem đại lễ trên TV, cháu thấy bà Queen sống mấy chục năm rồi mà bà vẫn chịu khó cho mình và cho gia đình. Ở bên Anh thích bà Queen nhiều.”
Chuyện một người Việt
Được diện kiến Nữ Hoàng của Vương quốc Anh là một hân hạnh mà ít người có được, đối với người Việt thì lại càng hiếm hoi hơn. Một trong những người có được hân hạnh được mời vào điện Buckingham bắt tay Nữ hoàng là chị Nguyễn thị Sương. Chị Sương kể lại một buổi chiều khó quên tại nhà chị ở Manchester:
“Tôi đi làm về đến nhà thì có hai công an mặc thường phục đến hỏi phải tên tôi không, tôi hết hồn không biết chuyện gì, họ cho biết sở đề nghị cho tôi và ông chủ lãnh phần thưởng về Export technology, tôi hỏi có sao không? Ổng nói không có sao hết nhưng mà tuyệt đối từ hôm nay cho đến ngày đi tôi không được quyền nói cái gì với ai là tôi đi hết, chỉ có 3 người biết thôi: ông giám đốc, ông phó giám đốc và tôi.”
Chị Sương là người VN duy nhất của công ty Vicom Science Instrument (một công ty ráp máy kỹ thuật thí nghiệm thử chất vàng, đá quý). được nhận giải thưởng Queen’s Award for Export and Technology. Bước chân vào điện Buckingham ngày thứ năm 10/3/1988, chị kể lại ấn tượng của chị về người phụ nữ được toàn dân Anh kính phục:
“Mình đi vào đó, vừa sợ vừa hồi hộp, mình mới qua được mấy năm thôi nên cũng lo chứ. Đi vào đó thì gặp bà Nữ hoàng, ông chồng Nữ hoàng, và bà Thacher. Mình vào đó chào bà với cách chào của hoàng gia. Ông bà đứng trên cái bục, mình lại bắt tay từng người. Cảm giác rất là hồi hộp, vừa vui, vừa lo sợ không biết là mình có làm đúng không tại vì trước đó 1 tuần người ta cho mình cuốn sách để học cách chào như thế nào.
Lúc đầu không biết bà Nữ hoàng như thế nào, khi bắt tay rồi thì thấy cặp mắt của Bà sáng lắm, mặt thì nghiêm nhưng cái cười tươi lắm. <br/>Chị Sương
Vừa vui, vừa lo, vừa hồi hộp, đủ hết mình không biết bà nữ hoàng như thế nào? Lúc đầu không biết bà Nữ hoàng như thế nào, khi bắt tay rồi thì thấy cặp mắt của Bà sáng lắm, mặt thì nghiêm nhưng cái cười tươi lắm. Mình nghĩ mình là thân phận thuyền nhân mà sao được vào gặp Nữ hoàng như vậy, vào cung điện đâu có dễ đâu. Chuyện đó chỉ có 1 lần chứ đâu có lần thứ hai!”
Để chọn một bộ y phục xứng đáng cho sự kiện quan trọng này, chị Sương cũng rất phân vân không biết phải chọn y phục như thế nào cho thích hợp. Cuối cùng, chị đã có một lựa chọn toàn hảo:
“Họ bắt mình mặc formal, nhưng mình cũng đâu biết formal là thế nào? Thì tôi mặc áo dài VN của mình. Tôi đi vào đó thì cũng hơi hãnh diện chút xíu, ai cũng nhìn áo dài VN của mình hết, lúc đó thì ít người biết đến vấn đề VN của mình lắm, nên có mấy người hỏi ở đâu tới, tôi nói ở VN tới, vậy thôi!”
Trong niềm hân hoan kỷ niệm đại lễ kim cương của vị Nữ hoàng giàu nhất thế giới. Người ta vẫn không quên: mặc dù rất tôn sùng vương triều, người Anh lại hay diễu cợt các định chế khác như Quốc hội, cảnh sát, báo chí. Đi tìm một giải thích cho sự tồn tại của Hoàng gia, người ta không thể căn cứ vào sự logic vì Anh là một quốc gia chấp nhận những sự lập dị một cách rất…Anh !
Nhà báo, doanh nhân, cây viết tiểu luận Walter Bagehot ở thế kỷ 19 viết: “Người dân có sự tôn kính đối với cái mà chúng ta có thể gọi là màn kịch xã hội. Đỉnh điểm của màn kịch này là Nữ hoàng”.