Giấc mơ mang tên phụ nữ

Những trường hợp chỉnh giới hay chuyển giới không còn quá mới mẻ tại Việt Nam nhưng có lẽ không phải ai cũng nghe được họ tâm sự về cuộc đời của mình.

0:00 / 0:00

Ước mơ chuyển giới

Cô Phạm Lê Quỳnh Trâm, một người phụ nữ mà khi đối diện, khó ai ngờ rằng cô có lúc đã từng là một người thầy giáo mẫu mực với cái tên “thầy Hiệp”. Quỳnh Trâm cho biết:

"Quá trình chuyển giới của Trâm bắt đầu từ tháng tư năm 2006. Khi đó Trâm đến Bangkok, Thái Lan với một cơ thể chưa phát triển như một phụ nữ bình thường. Hình hài của Trâm lúc đó vẫn là còn là một thầy giáo với một bộ tóc ngắn, một cái áo thun và quần jeans. Khi vào bệnh viện ở Bangkok thì bác sĩ trắc nghiệm tâm lý rất kỹ. Họ nói là “Trường hợp của cô thì có thể thành nữ hoặc nam cũng được; nhưng rõ ràng có một điều là cô nên suy nghĩ thật kỹ vì hiện tại cô không cho thấy hình ảnh người phụ nữ trong cô”. Họ bảo Trâm về. Đến tháng 4 năm 2008 thì cuộc phẫu thuật diễn ra thành công và Trâm trở thành một người mới."

Quỳnh Chi: Trâm có thể chia sẻ cảm xúc của mình ngay giây phút đầu tiên thấy mình trở thành phụ nữ?

Quỳnh Trâm: "Khi tỉnh dậy và sau khi phẫu thuật 14 ngày tôi mới có thể đi đứng bình thường được. Khi nhìn vào gương, Trâm đã ứa nước mắt. Trâm đã khóc vì nghĩ rằng cuộc đời mình đã thay đổi. Bởi hoàn cảnh của Trâm lúc đó là yêu một người mà không bao giờ dám nói vì sợ mất đi người đầu tiên trong đời nói yêu mình. Động lực giúp Trâm quyết định đi chuyển giới thứ nhất là do cơ thể của Trâm (có hai bộ phận sinh dục – RFA). Thứ hai là do Trâm cũng khao khát được có một tình yêu. Khi phẫu thật thành công và nhìn vào gương, Trâm đã khóc và quỳ xuống chân bác sĩ.

Tôi cám ơn họ, xem như họ đã khai sinh ra tôi một lần nữa. Hồi trước Trâm thật sự chưa bao giờ dám nghĩ mình có thể trở thành phụ nữ. Lúc trước gia đình Trâm quá nghèo. Khi đi học đại học Trâm chỉ có 500 ngàn đồng và một chiếc xe đạp cũ. Lúc đó đóng học phí trường ĐH Kinh Tế đã hết 450 ngàn đồng. Trâm từng nghĩ rằng được đi máy bay cũng là một điều xa xỉ trong ý nghĩ. Trâm đã rất cố gắng. Tôi cho rằng nếu cứ đi dạy bình thường thì sẽ không bao giờ thay đổi được cuộc đời mình. Sau khi học xong phần đại cương của trường ĐH thì Trâm quyết định nghỉ để dạy luyện thi đại học bảo đảm ba môn Toán, Lý, Hoá. Dạy bảo đảm có nghĩa là khi nào học sinh đậu đại học họ mới trả tiền. Trâm đã làm tốt công việc và sau khoảng 4 năm Trâm đã có tiền để đi làm phẫu thuật tại Thái Lan."

Khi nhìn vào gương, Trâm đã ứa nước mắt. Trâm đã khóc vì nghĩ rằng cuộc đời mình đã thay đổi.<br/>Quỳnh Trâm

Quỳnh Chi: Trước và sau khi chỉnh giới cuộc sống Quỳnh Trâm gặp những khó khăn cũng như thay đổi ra sao?

Quỳnh Trâm: "Trường hợp của Trâm là liên giới tính. Một số giấy tờ gọi Trâm là chuyển giới tính nhưng phải gọi là chỉnh giới tính mới chính xác. Trâm nghĩ là cuộc đời mình có ba giai đoạn. Trước khi chỉnh giới thì người ta biết Trâm như một thầy giáo mẫu mực – không hút thuốc, rượu bia hay la cà. Trâm dạy xong là về nhà. Nhưng mà cuộc sống của Trâm lúc đó tù túng ghê gớm lắm. Lúc đó mình cứ ao ước được mặc một cái áo dài, một cái váy thôi nhưng thấy xa vời lắm bởi tôi ý thức được sự khắt khe của xã hội dành cho công việc của Trâm đang làm – ngành giáo dục mà người ta hay gọi là ngành trồng người.

Khi đi phẫu thuật về thì cuộc sống của Trâm đảo lộn. Lúc đó hình hài Trâm đã làm một phụ nữ nhưng giấy tờ lại mang tên của một thanh niên. Lúc đó Trâm cũng không biết mình phải làm gì. Đi dạy thì sợ không được vì môi trường giáo dục khó chấp nhận như thế. Còn phụ huynh thì có lẽ cũng không tin tưởng giao con cho mình. Trâm đã bế tắc trong cuộc sống và định rẽ sang một con đường mới với cái nghề như làm tóc, trang điểm hay làm nghệ thuật chẳng hạn.

Tuy nhiên ngày 5 tháng 11 năm 2009, Trâm được công nhận giới tính nữ trong giấy tờ với cái tên mới là Phạm Lê Quỳnh Trâm. Lúc đó cuộc đời Trâm lại sang một trang khác. Lúc đầu nhiều người đã không tin là tôi có thể dạy học được nhưng sau 4 tháng thì Trâm đã chứng minh được rằng định kiến của họ về tôi là sai. Năm đó có 38 em học sinh bước chân vào các trường đại học hoặc cao đẳng tại Sài Gòn mặc dù trước đó nhiều người nói rằng các em không thể nào tốt nghiệp trung học được."

Sống cuộc đời phụ nữ

Cô Phạm Lê Quỳnh Trâm sau khi phẫu thuật chuyển giới.
Cô Phạm Lê Quỳnh Trâm sau khi phẫu thuật chuyển giới. (Cô Phạm Lê Quỳnh Trâm sau khi phẫu thuật chuyển giới.)

Quỳnh Chi: Trâm là người duy nhất cho đến giờ phút này được chuyển đổi giới tính trên mặt giấy tờ. Nhiều người nhìn Trâm như một giấc mơ của họ. Đuợc biết Trâm đang mở một lớp luyện thi đại học miễn phí. Đây có phải là cách Trâm muốn cám ơn cuộc đời?

Quỳnh Trâm: "Tình cờ nghe một học sinh tâm sự là em học rất yếu, Trâm đã mở một lớp luyện thi đại học miễn phí tại Trung tâm dạy nghề Quận 4. Lớp có 60 em. Sau hai tháng lớp hoạt động, Trâm kiểm tra thì thấy các em đều đạt điểm tốt nghiệp 8,9,10. Điều này làm Trâm rất hạnh phúc. Việc Trâm dạy cho học trò nghèo còn xuất phát từ cái tâm của mình. Đến với lớp này thuờng là những em nghèo, không đủ điều kiện đến trường.. đó là những em sẽ bị dạt ra bên ngoài xã hội. Cho nên Trâm muốn gom các em lại, đào tạo các em thành những người có học thức. Biết đâu được với những kiến thức của Trâm thì các em có thể thay đổi được cuộc sống hiện tại. Đó là mơ ước của tôi."

Quỳnh Chi: Số tiền Trâm bỏ ra để chỉnh giới rất lớn, cộng thời gian, công sức. Nếu được chọn lại lần nữa Trâm có làm khác đi? Và động lực nào giúp Trâm vuợt qua những khó khăn, đau đớn?

Quỳnh Trâm: "Động lực thực sự xuất phát từ con người của Trâm. Trâm muốn thay đổi hoàn cảnh sống của mình khi là người có bộ phận sinh dục không rõ ràng. Sống mà không thể yêu ai thì quá đau khổ. Động lực thứ hai là Trâm đã yêu một người hiện đang sống bên Mỹ. Trâm yêu anh ta hơn cả cuộc đời mình nên muốn được thay đổi hoàn cảnh sống của mình để có một cơ hội gặp được anh ấy. Ngày mà Trâm nằm trên giường phẫu thuật thì tôi cứ ôm bức ảnh của anh, sợ mất. Lúc đó Trâm sợ rằng mình sẽ không bao giờ thức dậy được nữa và cho rằng nếu chuyện ấy xảy ra thì tôi cũng ôm được hình bóng anh đi về một nơi xa nào đó. Thú thật từ khi làm phụ nữ cho đến bây giờ thì Trâm có cảm giác rất tuyệt vời cho nên nếu có kiếp sau thì Trâm vẫn muốn mình là phụ nữ."

Quỳnh Chi: Chắc có lẽ Trâm đã nói cho tâm sự của rất nhiều người. Trâm cũng từng chia sẻ là những người chuyển giới, chỉnh giới thường không được xã hội hoàn toàn chấp nhận và tôn trọng. Trâm làm thế nào để được người khác tôn trọng?

Quỳnh Trâm: "Theo Trâm thì xã hội nhìn người chuyển giới hơi khắt khe. Họ xem đó như một cái gì lạ lẫm như một phần thừa của xã hội. Nhưng có điều cũng một phần là do cách sống của người chuyển giới. Thông thường người chuyển giới chỉ làm những công việc như mại dâm, lừa đảo, bói toán... Nhưng đó chỉ là bề nổi. Phần đông họ sống rất tốt, rất có trách nhiệm với bản thân, họ cũng âm thầm đóng góp cho xã hội. Cá nhân Trâm quan niệm rằng muốn cho xã hội tôn trọng mình thì mình phải sống có tự trọng."

Và ước mơ riêng của Quỳnh Trâm thì cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác. Đó là có được một mái ấm gia đình bên cạnh người đàn ông mình yêu thương. <br/>Quỳnh Trâm<br/> <br/>

Quỳnh Chi: Con người thường chọn cho mình một mục đích sống, quan niệm sống và ước mơ. Đối với Trâm đó là gì?

Quỳnh Trâm: "Mỗi người đều có hoài bão và khát khao trong cuộc sống. Chỉ có điều muốn để xã hội tôn trọng thì mình phải sống tốt và chứng minh rằng mình cũng là một thực thể của xã hội. Ước ao lớn nhất của tôi là không mong xã hội cho người chuyển giới một đặc quyền nào mà hãy cho họ một cơ hội để họ thể hiện mình để họ có cơ hội cống hiến cho xã hội. Và ước mơ riêng của Quỳnh Trâm thì cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác. Đó là có được một mái ấm gia đình bên cạnh người đàn ông mình yêu thương."

Nói chuyện với cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, người ta dễ bị cuốn hút bởi người phụ nữ biết sống, biết yêu thương và có trách nhiệm. Và đặc biệt là cuốn hút vẻ nữ tính làm người khác quên mất Trâm đã từng là một “gã trai”. Cuộc trò chuyện kéo dài vỏn vẹn 12 phút. Mười hai phút không đủ để biết hết về Trâm; biết về cậu học trò nhỏ cương quyết không bỏ áo vào quần vị sợ bị phát hiện những điểm bất thường nơi nhạy cảm. Mười hai phút cũng còn quá ít để biết rằng cô giáo Quỳnh Trâm chỉ dám đứng thật xa nhìn cha hấp hối mà kêu tên “Hiệp”. Mười hai phút cũng quá ngắn để biết rằng hàng trăm học sinh, sinh viên bước vào giảng đuờng đại học, thay đổi cuộc đời mình từ lớp học của Quỳnh Trâm. Nhưng 12 phút có lẽ quá dài cho những định kiến quá khắt khe.

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org.