Tường An gửi đến quý vị tâm tư của một số người trẻ ở hải ngoại về những cuộc xuống đường biểu tình của người dân trong nước.
Nhận thức của người dân
Đã 7 tuần qua, kể từ cuộc biểu tình lần thứ nhất ngày chúa nhật 5 tháng 6 tại Việt Nam, người Việt hải ngoại, đặc biệt là giới trẻ từ Mỹ, Úc, Âu Châu đã không ngừng theo dõi sát những cuộc biểu tình xuống đường phản đối hành vi xâm lược của Trung quốc. Họ đã không ngăn được những xúc động nghẹn ngào, nhiều người đã không ngăn được những dòng nước mắt khi nhìn thấy hàng đoàn người lũ lượt xuống đường trong tiếng la vang dậy. Họ cũng không khỏi xót xa khi nhìn thấy cảnh người xuống đường bị lực lượng công an ngăn cản, bắt bớ, đánh đập. Hơn bao giờ hết, già trẻ, gái, trai, công nhân, sinh viên, trí thức đã cùng đoàn kết để thể hiện lòng yêu nước của mình.
Nam, một kỹ sư tin học trẻ đang sống tại Paris, Pháp quốc cho biết cảm nghĩ của anh khi theo dõi những cuộc biểu tình qua youtube, qua những hình ảnh được phát tán trên internet :
«Cảm giác rất là xúc động tại vì với những người ở Việt Nam, chuyện biểu tình thì rất là khó khăn. Họ luôn bị những trở ngại từ phía công an, thậm chí mình thấy những hình ảnh mà họ bị kéo lê như một con súc vật vậy. Mình cảm thấy rất là buồn!»
Bên cạnh nỗi xúc động còn là một niềm vui, anh Dũng, một người trẻ ở Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức nói lên tâm tư của anh :
«Hơn cả xúc động nữa và tôi rất là vui là tại vì hồi xưa đến giờ người Việt Nam mình chưa bao giờ dám đứng lên biểu tình như vậy cho dù chuyện biểu tình này là chống Trung quốc chứ không phải chống chính quyền Việt Nam, nhưng mà dân Việt Nam mình bắt đầu nhận ra được cái sức mạnh của mình và cái quyền lợi của mình».
Cái cảm giác đầu tiên là em rất là vui tại vì người dân Việt Nam mình, nhất là giới trẻ đã biết thực thi được quyền dân chủ của mình.
Chị Trâm từ Úc châu
Cũng chia sẻ niềm vui đó, từ tiểu bang Adelaide, Úc châu, chị Trâm nói lên sự cảm phục của chị, đặc biệt đối với giới trẻ tại Việt Nam :
«Cái cảm giác đầu tiên là em rất là vui tại vì người dân Việt Nam mình, nhất là giới trẻ đã biết thực thi được quyền dân chủ của mình đó là xuống đường bày tỏ sự bất bình của mình trước Trung Quốc khi mà họ có hành vi xâm lấn chủ quyền của Việt Nam. Cái vui thứ hai của em là khi mà thấy được người dân ở trong nước đã bớt sợ hãi công an, dù rằng là có 1 số người đã bị cảnh cáo và có người còn bị công an đóng chốt ở cửa không cho xuống đường biểu tình. Một cảm giác mà em cảm nhận được nữa đó là sự cảm phục tinh thần yêu nước của giới trẻ cũng như mọi thành phần xã hội ở Việt Nam khi mà họ dám xuống đường biểu tình bày tỏ lòng yêu nước của mình».
Đàn áp vì sợ hãi
Theo dõi những cuộc biểu tình, niềm xúc động ban đầu đã trở thành nỗi ngạc nhiên, chị Lữ thị Thu Duyên cư ngụ tại Boston, Hoa Kỳ phân tích tại sao công an lại đàn áp những người dân biểu tình chống Trung quốc để bảo vệ biển đảo của quê hương :
«Em theo dõi ngày từ đầu thì ngày đầu em cũng xúc động lắm, nhưng sau đó thì em ngạc nhiên tại sao lại có cái chuyện mà họ lại để cho người dân xuống đường biểu tình như vậy. Ngày đầu tiên biểu tình, họ đứng ra họ tổ chức để cho mọi người biểu tình, mình cũng mừng đi nhưng sau đó lại thấy là việc đó nó lại không như mình mong muốn, tức là người dân không còn sợ, nhưng mà chính quyền bắt đầu lo sợ và họ đã ngăn chặn quyết liệt. Cho tới bây giờ thì em thấy là các cuộc biểu tình ở Sài Gòn là em thấy hầu như không còn thành công như lúc đầu và ở Hà Nội thì đàn áp mạnh tay hơn!»
Khắp nơi trên thế giới, từ Đức, Bỉ, Hà lan, Pháp ở Âu Châu để Houston, Hoa Thịnh Đốn, Cali ở Hoa Kỳ sang Sydney, Melbourn, Adelaide ở Úc Châu người Việt hải ngoại đều có những cuộc biểu tình chống bá quyền Trung quốc. Những cuộc biểu tình dù lớn hay nhỏ đều diễn ra trong bầu không khí ôn hòa với sự đồng ý của chính quyền địa phương, khác với những cuộc xuống đường trong nước vì trong nước, người dân biểu tình trong nỗi lo âu, sợ hãi. Công an cũng xuống đường nhưng bằng dùi cui, bằng bạo lực ngăn chặn những tiếng nói yêu nước."
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã phải than thở trên blog của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện :
«Người dân trong tay không có gì, chỉ biết tỏ lòng yêu nước bằng biểu tình hòa bình trong trật tự để phản đối sự xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Tổ Quốc sao lại bị bắt?! Chẳng lẽ những người bắt họ không có lòng yêu nước, không có lương tâm?»
Theo chị Trâm, đàn áp những người biểu tình ôn hòa là một sự vi phạm nhân quyền :
«Chuyện mình biểu tình bên đây là 1 chuyện rất bình thường, bởi vì đó là quyền căn bản của người dân sống trong 1 xã hội có pháp luật, cho nên là người Việt Nam ở trong nước xuống đường biểu tình mà bị công an bắt bớ thì em thấy chuyện đó rất là vô lý, nó rõ ràng là một hành động vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn.»
Anh Thành, một kỹ sư trẻ ở Houston, Hoa kỳ nói lên nguyên nhân của sự khác biệt này :
«Cái sự khác biệt ở đây thì người dân ở hải ngoại có quyền xuống đường biểu tình ôn hòa để nói lên sự bất đồng đối với nhà nước cầm quyền đang làm những chuyện sai trái, nhưng mà ở Việt Nam thì khác với hải ngoại ở điểm là một đảng thì họ không muốn người dân có quyền lên tiếng những sai trái đó và họ tiếp tục đàn áp để mà tiếp tục cai trị người dân trong nước» .
Biểu tình là một trong những phương tiện hợp pháp để nói lên nguyện vọng của người dân trong những nước tự do. Chị Thu Duyên cũng nhìn thấy sự khác biệt lớn giữa các cuộc biểu tình ở Việt Nam và hải ngoại :
«Phải nói là khác biệt rất là lớn : Một nơi là độc đảng, độc tài, còn một nơi là đất nước tự do. Bây giờ người dân đã vượt qua được nỗi sợ hãi đó, thì để có được tự do như ở bên Mỹ hoặc các nước khác thì chỉ có là xuống đường biểu tình, thứ nhất là đòi Hoàng Sa, Trường Sa, đòi bảo toàn lãnh hãi và lãnh thổ.
Thứ hai là đòi lại những quyền căn bản mà mình đã bị tước đoạt mấy chục năm nay. Đó là cái khác biệt lớn nhất mà chỉ có đa đảng mới giải quyết được »
Hơn 1 năm trước đây, chị Lữ thị Thu Duyên cũng đã từng có mặt trong đoàn người biểu tình ở Việt Nam, chị được mọi người biết đến qua các cuộc đấu tranh kiên trì đòi lại đất của dân oan. Chị chia sẻ kinh nghiệm biểu tình của chị như sau :
«Cái cảm giác của em khi đi biểu tình trong nước thì trước khi đi thì em dặn dò thân nhân gia đình, những người còn ở nhà nếu tới giờ chiều mà không thấy về thì cứ coi như là đã bị bắt rồi và chuẩn bị thông báo cho tất cả các anh chị em ở bên ngoài biết là những người đó đã bị bắt. Khi mà đã ra đường thì ở Việt Nam không có gì là an toàn hết, cho dù chị có xin phép biểu tình thì họ cũng không cho. Vì họ không cho phép cho nên vì cái quyền căn bản của mình bị tước đoạt cho nên mình đi vậy thôi và rất là nguy hiểm.
Người dân trong tay không có gì, chỉ biết tỏ lòng yêu nước bằng biểu tình hòa bình trong trật tự để phản đối sự xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Tổ Quốc sao lại bị bắt?!
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Nói chung là mình phải hết sức là bình tĩnh, kiên nhẫn để mà đối phó với công an, rồi là an ninh kể cả những người chìm, nổi mặc sắc phục hoặc không mặc sắc phục. Nói chung là họ có thể tìm đủ mọi lý do để mà bắt mình hoặc là đánh mình hoặc vu cho mình những tội này, tội nọ để mà ngăn cản hoặc là dẹp tan cái đoàn biểu tình đó, cho nên là ở Việt Nam biểu tình thì phải nói là em rất khâm phục».
Không riêng chị Thu Duyên từ Hoa kỳ, tỏ lòng khâm phục đối với lòng can đảm của người dân trong nước, anh Nam từ Pháp cũng cảm phục những người đã bất chấp mọi đàn áp để nói lên tiếng nói của mình:
«Cái điều mà em có thể gửi gấm đến họ là sự cảm phục của em đối với những người xuống đường. Những người xuống đường là những người chịu nhiều áp lực, thí dụ như họ có thể bị đuổi học, có thể công an đến sở làm hoặc trường học, bị kỷ luật v.v… mà họ vẫn chịu được cái sức ép đó để mà họ nói lên tấm lòng yêu nước của họ, thì đó là sự cảm phục và mong rằng họ sẽ tiếp tục ý chí mạnh mẽ như vậy ».
Từ Úc châu, chị Trâm nói lên sự ngưỡng mộ đối với những người trẻ tuổi đã biết sử dụng quyền lợi công dân để thể hiện lòng yêu nước :
«Em muốn chia sẻ với các bạn trong nước rằng là việc biểu tình phản đối Trung quốc, bày tỏ lòng yêu nước của các bạn, đó là một việc làm rất là đúng, rất là chính nghĩa, nó đúng với bổn phận, trách nhiệm của một con người yêu nước, yêu dân tộc, em hy vọng là các bạn sẽ tiếp tục việc làm của các bạn, chắc chắn là sẽ được sự hỗ trợ, quan tâm của rất là nhiều người trong nước cũng như đồng bào ở hải ngoại mà mình nghĩ là sự hỗ trợ đó không chỉ là vấn đề tinh thần mà kể cả vấn đề vật chất nữa nếu mà khi cần tới».
Hãy đoàn kết lại
«Hải ngoại cám ơn và không quên các anh chị em trong nước» đó là thông điệp của anh Thành từ Hoa kỳ gửi về quốc nội :
«Nếu em có một cái thông điệp đến cho những người trẻ trong nước thì em nói rằng các anh chị cũng như các cô chú ở hải ngoại đều ủng hộ việc làm của các anh, các chị cũng như là các sinh viên trong nước đang xuống đường từ mấy tuần qua. Phong trào này nên tiếp tục. Người hải ngoại không quên những người ở trong nước cũng như không quên những người có lòng với quê hương đất nước. Ở đây thì em cũng cám ơn những người trẻ trong nước mạnh dạn đứng lên».
Chị Thu Duyên nhắn nhủ với các bạn trẻ : «Các anh chị em đừng chần chờ nữa mà hãy đoàn kết lại»
«Em cũng muốn nhắn với mọi người là tất cả những đồng bào Việt Nam ở hải ngoại luôn hướng về trong nước, luôn mong muốn và yểm trợ bằng mọi mặt và nhiều cách cho nhưng người ở trong nước và mong rằng các bạn trẻ hãy mạnh dạn đứng lên không nên chần chờ và cũng không nên suy nghĩ nhiều nữa, bởi vì thời gian không còn nữa.
Nếu mà chúng ta không đoàn kết lại, cùng nhau xuống đường thì một thời gian không lâu nữa chúng ta cũng chẳng còn gì nữa để mà đòi vì lúc đó là người Tàu chiếm đất nước chúng ta rồi, chúng ta lại tiếp tục bị đô hộ nữa, đó là điều em muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người ở trong nước».
Nếu mà chúng ta không đoàn kết lại, cùng nhau xuống đường thì một thời gian không lâu nữa chúng ta cũng chẳng còn gì nữa để mà đòi vì lúc đó là người Tàu chiếm đất nước chúng ta rồi.
Thu Duyên từ Hoa kỳ
Kể từ cuộc biểu tình lần thứ nhất ngày 5 tháng 6 cho đến cuộc biểu tình mới đây ngày 17 tháng 7, sự trấn áp người biểu tình của công an ngày càng tăng dần. Ngày chúa nhật lần thứ 8, tức ngày 24 tháng 7 tới đây, các cuộc biểu tình có còn được tiếp tục nữa hay không ?
Sẽ có những người tiếp tục xuống đường, nhưng cũng sẽ có những người âm thầm ngồi nghe tiếng hô vang của bạn bè mình biểu tình ngoài đường phố, lặng lẽ nuốt trôi đi nỗi uất nghẹn của mình khi bên ngoài là công an đang đóng chốt.
Dù xuống đường, hay ở nhà, họ cũng là những hình ảnh đáng khâm phục và ngưỡng mộ của các đồng hương của họ bên kia bờ đại dương.