Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm: Nên hay không?

0:00 / 0:00

Sao cho có ích?

Việc Quốc hội tạm dừng việc bỏ phiếu tín nhiệm theo thông báo số 149 ngày 20/12/2013 của Bộ Chính trị, Đảng CSVN là việc làm vi hiến. Trên thực tế việc bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm hình thức không hiệu quả. Quốc hội nên làm gì và làm như thế nào để việc bỏ phiếu tín nhiệm có ích thực sự?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định sẽ tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn ở kỳ họp tháng 5.2014, để chờ một phương án mới hiệu quả hơn.

Việc Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đã diễn ra khoảng 1 năm trở lại đây và đã có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau. Có ý kiến cho rằng với cách làm như cũ chỉ mang tình hình thức cần phải sửa đổi, nếu không thì nên bỏ và bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đánh giá cao việc làm này.

Cách hay nhất của việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ tiến hành trong Đảng CSVN mà thôi, tức là bỏ phiếu trong Ban Chấp hành TW để lấy tín nhiệm của Bộ Chính trị mỗi năm một lần. <br/> -TS Nguyễn Quang A

Theo báo chí trong nước cho biết, phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc dừng việc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội dựa trên thông báo số 149 ngày 20.12.2013 của Bộ Chính trị Đảng CSVN là trái với nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời Quốc hội cũng sẽ có các biện pháp giải quyết cụ thể trong kỳ họp tới. Dư luận xã hội cũng cho rằng đây là sự vi phạm Hiến pháp, trong đó có quy định rõ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.

Khi được hỏi về việc Quốc hội tạm dừng việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm với các quan chức là việc làm cần thiết và ông nhận thấy 2 luồng ý kiến khác nhau của dư luận hiện nay về vấn đề này đều có lý. Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh dân bầu, theo TS. Nguyễn Quang A nên chỉ hạn chế ở mức các quan chức của cơ quan hành pháp, còn các chức danh ở cơ quan lập pháp là điều không cần thiết.

Các ý kiến cho rằng cần tạm dừng lại để sửa đổi cách thức lấy tín nhiệm ở 3 mức như hiện tại là đúng, vì đó là việc làm hoàn toàn hình thức nên bỏ. Theo TS. Nguyễn Quang A việc lấy phiếu tín nhiệm các quan chức nên chỉ làm trong nội bộ Đảng thông qua kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương mỗi năm một lần. Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Quang A nói:

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Việt Nam khóa 13 hôm 21 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Việt Nam khóa 13 hôm 21 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội. (AFP)

“Họ chỉ làm cho ra vẻ dân chủ mà thôi, nếu như thế theo tôi Quốc hội không cần bỏ phiếu tín nhiệm ai cả. Bởi vì Đảng đã quyết định ông này thôi chức, ông kia thôi chức thì Quốc hội cũng phải làm theo như thế thôi. Cho nên cách hay nhất của việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ tiến hành trong Đảng CSVN mà thôi, tức là bỏ phiếu trong Ban Chấp hành TW để lấy tín nhiệm của Bộ Chính trị mỗi năm một lần. Đấy là cách tốt nhất trong tình trạng không bình thường của Việt nam”

Từ Hà nội, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết cựu ĐBQH, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên của Quốc hội cho rằng: việc Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua được dư luận đánh giá cao, người dân đồng tình ủng hộ, tuy rằng nó còn có những bất cập. Việc sẽ dừng hay không dừng việc này phải do Quốc hội quyết định trong kỳ họp tới, cho dù ông biết việc này Quốc hội chắc chắn cũng sẽ thông qua.

Tránh né sự thật

Tuy nhiên GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết đánh giá việc dừng việc bỏ phiếu tín nhiệm này là hành động đáng tiếc, đồng thời ông cũng đặt câu hỏi nếu cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm có những bất cập thì sao trong hơn một năm qua UB Thường vụ Quốc hội không trình Quốc hội các phương án, biện pháp sửa đổi cho phù hợp? Và tại sao không ấn định cụ thể thời gian dừng việc này đến khi nào?

Trao đổi với chúng tôi, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

"Việc lấy phiếu tín nhiệm là sự cảnh báo đối với các đại biểu được Quốc hội bầu và phê chuẩn, để làm sao cho những người này làm việc tốt hơn. Thế nhưng đến bây giờ mình lại dừng công việc đó thì có thể gây thất vọng cho nhiều người. Đặc biệt tôi phải nhấn mạnh rằng việc này đã được quy định trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định rằng khi có một cơ quan của Quốc hội hoặc 20% đại biểu Quốc hội trở lên đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một chức danh nào đó, thì Quốc hội sẽ phải thảo luận để bỏ phiếu tính nhiệm."

Chỉ khi nào họ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo cách mà tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn làm thì khi đó mới là hoàn toàn đúng. <br/> -LS Nguyễn Văn Đài

LS. Nguyễn Văn Đài nhận xét rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm ở ba mức độ như hiện nay không giống như thông lệ, vì thế đã không nhận được sự ủng hộ của người dân và một số đại biểu Quốc hội. Vì lý do tránh né sự thật. Mặt khác việc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội là một việc làm hoàn toàn mang tính hình thức, vì thực tế ở Việt nam Quốc hội không có chút quyền lực nào và chỉ là cơ quan thi hành, tất cả quyền lực đều nằm trong tay của Đảng. Theo LS. Nguyễn Văn Đài nếu việc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội không được sửa đổi thì nên bỏ, vì tính hình thức của việc này sẽ gây nên sự mất lòng tin của người dân.

Từ Hà nội, trao đổi với chúng tôi, LS Nguyễn Văn Đài cho rằng:

“Việc lấy phiếu tín nhiệm như phương pháp hiện nay nó đã trở thành cái trò lố bịch, cho nên họ bỏ đi là một việc làm đúng đắn. Chỉ khi nào họ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo cách mà tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn làm thì khi đó mới là hoàn toàn đúng.”

Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do dân bầu là hình thức thể hiện quyền giám sát của người dân một cách gián tiếp, bằng cách thông qua các đại biểu Quốc hội . Tuy nhiên còn có nhiều cách để người dân có thể đánh giá một cách trực tiếp thông qua việc điều tra thăm dò dư luận xã hội của các tổ chức có uy tín hoặc phương tiện báo chí.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao chính quyền Việt nam không tạo điều kiện cho người dân trực tiếp giám sát và đánh giá tín nhiệm đối với các quan chức dưới các hình thức khác nhau. Theo TS. Nguyễn Quang A, nếu cho đó là do lỗi của thể chế chính trị chỉ là một phần, còn một phần nữa quan trọng là do người dân còn sợ, chưa biết tự phát huy quyền làm chủ theo như quy định của Hiến pháp. Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Quang A nhận xét:

“Tôi nghĩ đấy là do căn bệnh ung thư của một chế độ độc đảng như Việt nam hiện nay, là không có dân chủ, không có tự do báo chí và quyền con người không được tôn trọng. Đó là những cái quyền, như quyền của ông Trương Duy Nhất đã làm là hoàn toàn trong cái quyền của ông ấy. Nhưng ta người ta vu cho ông ấy cái tội mà ngày xưa các ông Vua gọi là khi quân.”

Một nhà nước của dân do dân và vì dân thì bắt buộc phải tôn trọng quyền lựa chọn, giám sát của nhân dân để làm cơ sở điều chỉnh quyền lực của nhà nước. Quyền lựa chọn cho mình một chính phủ với những chính sách kinh tế xã hội tốt nhất của người dân, đáp ứng được nguyện vọng của đa số dân chúng chính là một động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nhà nước xã hội.