Dừng lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi

Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm các các chức danh chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội được Quốc hội Việt Nam thực hiện lần đầu tiên vào tháng 5/2013 và dự kiến thực hiện hàng năm. Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 21/2/2014 cho biết việc này sẽ dừng lại theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

“Con bài dân chủ”

Nam Nguyên phỏng vấn TS Nguyễn Quang A, thuộc nhóm trị sự diễn đàn xã hội dân sự về vấn đề liên quan. Từ Hà Nội trước hết TS Nguyễn Quang A nhận định:

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ việc dừng lại này là một việc dễ hiểu vì bản thân việc lấy tín nhiệm ở trong Ban Chấp hành Trung ương đã bị Bộ Chính trị gạt đi mất rồi. Thế thì có thể nói rằng, một chủ trương lúc đầu có vẻ tiến bộ, có vẻ dân chủ nhưng khi người ta dùng cái gọi là "con bài dân chủ" trong ngoặc kép đó để đánh nhau, thì hóa ra con bài đấy nó có thể sát thương tất cả mọi người. Chính vì chuyện đó cho nên Bộ Chính trị đã dừng cái chủ trương ấy ở ngay bản thân Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ trương ấy đã được thực hiện một lần ở Quốc hội, nhưng bây giờ ở trong Bộ Chính trị trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị dẹp lâu rồi, thì hiển nhiên việc đó cũng phải được dẹp ở Quốc hội và là một hệ quả tất nhiên của quyết định đó của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một chủ trương lúc đầu có vẻ tiến bộ, có vẻ dân chủ nhưng khi người ta dùng cái gọi là "con bài dân chủ" trong ngoặc kép đó để đánh nhau, thì hóa ra con bài đấy nó có thể sát thương tất cả mọi người. <br/> -TS Nguyễn Quang A

Nam Nguyên: Thưa khi kết thúc phiên họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói là tạm dừng như thế này là trái với Nghị quyết 35 trước đó, thành ra kỳ họp tới sẽ phải thảo luận xin ý kiến Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 35. Việc này cho thấy có trục trặc về thủ tục và thể hiện việc Quốc hội Việt Nam không thể tự quyết định hoạt động của mình mà nhất nhất theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Như thế này có thể gọi là dân chủ được không và làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng này?

TS Nguyễn Quang A: Làm sao mà có dân chủ được, chuyện ông Chủ tịch Quốc hội nói thế chẳng qua chỉ là vấn đề thủ tục thôi. Đúng là về thủ tục Quốc hội đã ra một nghị quyết và bây giờ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam bảo rằng Quốc hội dẹp cái ấy đi. Quốc hội sẽ phải ngoan ngoãn nghe, nhưng cũng phải theo một hình thức của nó, tới phiên họp tới người ta sẽ bảo các đại biểu Quốc hội rằng, hãy thông qua một Nghị quyết khác phủ quyết cái Nghị quyết trước kia của mình và tôi đảm bảo là Quốc hội sẽ cung cúc ngoan ngoãn làm theo.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, mặc dù cách tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần trước vẫn là né tránh không lấy phiếu bất tín nhiệm, nhưng nó cũng phản ánh được sự đánh giá cán bộ. Nay dừng lại có là một bước lùi đối với sự hy vọng của nhân dân?

TS Nguyễn Quang A, ảnh minh họa chụp trước đây.
TS Nguyễn Quang A, ảnh minh họa chụp trước đây.

TS Nguyễn Quang A: Chắc chắn nó là một bước lùi, một bước lùi để cho thấy rằng, mình đừng tin vào những điều mà Đảng Cộng sản nói. Tất nhiên nó là một bước lùi nhưng tôi nghĩ không phải là lùi nhiều lắm. Bởi vì Quốc hội mà có bỏ phiếu thì thực sự nó cũng đã có sự định hướng rồi, và cuộc bỏ phiếu theo kiểu như thế này thực sự nó chỉ để phục vụ cuộc đấu đá mà thôi. Chứ nó không phục vụ một chút gì cái gọi là dân chủ hóa cho đất nước cả, bởi vì để cho có dân chủ thì phải có nhiều đảng cạnh tranh với nhau. Chỉ có một đảng thì tôi nghĩ rằng tất cả những điều gọi là dân chủ chỉ là dân chủ giả hiệu mà thôi.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, ông vừa nói đến việc phục vụ cho mục đích đấu đá. Thông tin cho thấy sự phân hóa trong Đảng là nghiêm trọng, hiện nay cập nhật tình trạng đó thì sự phân hóa trong Đảng có thể được đánh giá như thế nào?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ việc luôn luôn có sự đấu đá, luôn luôn có phe này phe kia ở trong bất kỳ một tổ chức nào, không riêng Đảng Cộng sản Việt Nam là chuyện hết sức bình thường. Tôi nghĩ rằng ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay nó luôn luôn là như vậy. Nhưng chỉ có một điều là vì dối trá nên người ta bảo là luôn luôn có sự nhất trí cao độ ở bên trong Đảng. Đấy là một điều không phải là sự thật và tôi nghĩ những biểu hiện ra thì mọi người đã nhìn thấy. Người dân phải quen dần với cái chuyện có các phe này phe nọ và càng công khai những chuyện cạnh tranh nội bộ của họ ra bao nhiêu, thì càng tốt cho bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu có bước tiến gì ở trong nội bộ thì đấy là điều đáng khích lệ.

Nam Nguyên: Như thế là dù chế độ độc đảng, nhưng ở trong đảng có nhiều ý kiến khác nhau thì cũng là một điều tốt trên một phương diện nào đó. Thưa có phải là như vậy?

TS Nguyễn Quang A: Vâng đúng như vậy, có những phe phái khác nhau ở trong Đảng, có những ý kiến khác nhau ở trong Đảng mà những ý kiến đó được tranh luận một cách công khai, được người dân chất vấn và không chỉ là các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đấy là một dấu hiệu tốt.

Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A đã trả lời Đài RFA.