Đây là một trong những sự kiện đen tối nhất và không bao giờ phai mờ trong lịch sử của quốc gia Hiệp Chủng Quốc này cũng như trong lịch sử của nhân loại. Cuộc chiến chống khủng bố không những của nhân dân Hoa Kỳ mà của cả thế giới đã kéo dài suốt 10 năm dài, tiêu tốn nhiều tiền của và nhân lực. Vào ngày 2/5/2011, một lần nữa, cả thế giới lại chấn động về cái chết của thủ lãnh Osama bin Ladin. Phải chăng sự kết liễu này đã “đền tội” cho những gì mà tổ chức Al-Qaida gây ra 10 năm trước? Hay cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn tiếp diễn.
"Nghĩa vụ của người Hồi giáo"
Không bao lâu sau ngày cả địa cầu hân hoan đón chào thiên niên kỷ mới, người dân Hoa Kỳ và thế giới kinh hoàng trước hình ảnh hai chiếc máy bay dân sự do các tên khủng bố cảm tử lái đâm vào tòa nhà tháp đôi World Trade Center ở New York. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp này bị sụp đổ. Một nhóm không tặc khác lái chiếc máy bay thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc Phòng tại Ngũ Giác Đài. Và thêm một chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng ở tiểu bang Pennsylvania sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này. Nếu như không kể 19 không tặc thì có tổng cộng 2974 người thiệt mạng và 24 người liệt kê mất tích xem như đã chết trong vụ tấn công này.
Ủy ban Quốc gia về vụ Khủng bố tại Hoa Kỳ và chính phủ của nhiều nước khác cho rằng Osama bin Ladin, người Saudi, thủ lĩnh tổ chức Hồi Giáo Al-Qaida là người chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng trùm khủng bố này quyết liệt bác bỏ mọi liên quan trong hai lời tuyên bố vào năm 2001. Ngày 16 tháng 9, Osama bin Ladin đáp trả bằng cách đọc một bản tuyên bố được phát sóng trên kênh vệ tinh Al Zeera của Qatar, cũng được phát sóng trên mạng lưới tin tức của Hoa Kỳ và thế giới. Trích lời phát biểu:
“Tôi nhấn mạnh rằng tôi không tiến hành điều này, nó được thực hiện bởi các cá nhân với mục tiêu riêng của họ.”
Phản ứng thứ hai của bin Laden xuất hiện vào ngày 18 tháng 11 trên tờ nhật báo Daily Ummat của Pakistan. Ông ta nói:
“Tôi đã nói rằng tôi không dính líu đến các cuộc tấn công 11 tháng 9 tại Mỹ. Là một người Hồi giáo, tôi cố làm hết sức mình để khỏi phải nói dối. Tôi không biết gì về vụ tấn công, cũng không hề xem việc tàn sát phụ nữ và trẻ em vô tội, cùng những nhân mạng khác là một hành động thích đáng. Hồi giáo nghiêm cấm việc gây tổn hại cho phụ nữ, trẻ em vô tội và những người khác. Một hành vi như thế bị cấm đoán ngay cả khi đang ở trong thời chiến.”
Tuy nhiên, không lâu sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2004, trong một thông báo ghi âm sẵn, bin Ladin công khai thừa nhận sự dính líu của Al-Qaida vào vụ tấn công, và nhận có quan hệ trực tiếp với vụ tấn công này. Ông ta nói rằng cuộc tấn công được thực hiện bởi vì:
“Chúng tôi là một dân tộc tự do không chịu chấp nhận bất công, và chúng tôi muốn dành lại tự do cho dân tộc chúng tôi.”
Theo Hoa Kỳ, sự kiện 911 là một phần trong kế hoạch "giết người Mỹ ở tất cả những nơi nào trên thế giới có thể" do trùm khủng bố bin Ladin lợi dụng niềm tin tôn giáo, khởi phát từ một giáo lệnh ban hành năm 1998. Giáo lệnh mở đầu với phần trích dẫn kinh Koran: “hãy giết những kẻ ngoại giáo bất cứ nơi nào ngươi tìm thấy chúng”, và đi đến kết luận là “nghĩa vụ của mỗi người Hồi giáo” phải “giết người Mỹ ở khắp mọi nơi.”. Họ cáo buộc Hoa Kỳ đã bóc lột nguồn tài nguyên vùng bán đảo Ả Rập; Hoa Kỳ lũng đoạn nền chính trị của các quốc gia trong vùng, ủng hộ những chế độ và các vương triều bóc lột người dân trong khu vực Trung Đông; Hoa Kỳ đặt các căn cứ quân sự tại bán đảo Ả Rập, xâm phạm đất thánh của người Hồi giáo, nhằm mục tiêu đe doạ các nước Hồi giáo láng giềng; Hoa Kỳ âm mưu tạo mối bất hoà giữa các quốc gia Hồi giáo để làm suy yếu sức mạnh chính trị của khối này; đồng thời Hoa Kỳ ủng hộ Israel và nỗ lực hướng sự quan tâm của quốc tế khỏi việc chiếm đóng Palestin.
Cuộc chiến chống khủng bố
Cuộc tấn công 911 không dừng lại ở con số hơn mấy ngàn người thiệt mạng, không dừng lại ở hai tòa tháp đôi biểu tượng cho nền kinh tế hùng cường bị sụp đổ, không dừng lại ở những vết sẹo vật chất và tâm sinh lý từ thảm họa xảy ra. Mà cuộc tấn công này đã gây ra tất cả tai ương và nhiều hệ lụy cho nền kinh tế Mỹ, cũng như chính Osama bin Ladin đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Nhà bình luận Ezra Klein có bài viết đăng trên tờ Washington Post hồi tháng năm, ngay sau cái chết của trùm khủng bố cho rằng cuộc chiến mà Osama bin Ladin tiến hành chống lại Hoa Kỳ phần lớn là một cuộc chiến kinh tế. Ông ta cố gắng làm cho Mỹ phá sản, buộc phải đi đến một kết cục giống như những gì đã xảy ra với Liên Xô và Afghanistan. Dù ông ta không thắng, nhưng ông ta đã thật sự thành công.
Chỉ khoảng một tháng sau cuộc tấn công kinh hoàng ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ đã dẫn đầu một liên minh quân sự quốc tế tiến vào Afghanistan để săn đuổi các lực lượng vũ trang của Al-Qaida hầu đánh đổ chính phủ Taliban vì chứa chấp bọn khủng bố. Chính quyền Pakistan quyết định đứng về phía Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại Osama bin Ladin và Al-Qaida. Hoa Kỳ cũng được ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Trung Quốc và Nga trong việc hợp tác chống khủng bố.
Cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan có thể xem như là bị sa lầy với chi phí quân sự đã tăng lên đỉnh điểm chưa từng thấy với con số 3.000 tỉ đô la. Đánh đổi với chi phí quân sự này, chính phủ Hoa Kỳ phải cắt giảm thâm hụt ngân sách, cắt giảm trợ giúp lương thực cho người nghèo, cắt giảm chi phí y tế cho người cao tuổi. Hàng loạt các chương trình phúc lợi xã hội và chi tiêu quan trọng khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Chi phí cho phát triển hạ tầng giảm mạnh kể từ sau vụ khủng bố 911.
Trong cuộc chiến chống khủng bố ròng rã suốt 10 năm, bên cạnh việc tiêu tốn cả núi tiền của chính phủ, cuộc sống thắt lưng buộc bụng của người dân, sự hy sinh không gì bù đắp được của hơn 4.000 quân nhân nơi chiến trường, là một niềm tin bị sa sút, là một sự chờ đợi mỏi mòn không biết bao giờ cuộc chiến sẽ chấm dứt…Nhưng phía sau bóng tối của một đêm dài thì bình minh sẽ ló dạng.
Bin Laden đền tội
Vào ngày 2/5/2011, Hoa Kỳ và cả thế giới lại thêm một lần chấn động với tin trùm khủng bố Osama bin Ladin đã chết bằng các phát súng vào đầu và ngực ở Pakistan trong một cuộc đột kích có mật danh “Neptune’s Spear”. Cái chết của bin Ladin có ý nghĩa như thế nào trong cuộc chiến kéo dài một thập kỷ qua. Trích lời phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton:
“Trước hết, tôi xin bày tỏ sự quan tâm và gửi lời cầu nguyện của mình tới hàng nghìn gia đình có người thân yêu bị giết trong các cuộc khủng bố đẫm máu và đầy bạo lực của Usama bin Ladin, từ các vụ đánh bom vào các đại sứ quán tại Châu Phi, tới vụ tấn công vào chiến hạm Hoa Kỳ U.S.S Cole tại Yenmen năm 2000, tới vụ khủng bố ngày 11/9/2001, và rất nhiều các cuộc khủng bố khác. Các chiến dịch khủng bố này không đơn thuần chống lại người Mỹ, mặc dù chúng ta phải chịu đựng nhiều mất mát về sinh mạng, mà nó chống lại toàn thế giới. Ở London, Madrid, Bali, Istanbul và nhiều nơi khác trên thế giới, các sinh mạng vô tội-hầu hết theo đạo hồi-là mục tiêu khủng bố tại các khu chờ và đền thờ, trong các trạm xe điện ngầm, hay trên các chuyến bay; tất cả các cuộc khủng bố này được châm ngòi bởi một ý thức hệ bạo lực, vốn không đếm xỉa tới mạng sống và phẩm giá của con người.
Tôi biết rằng không có gì có thể bù đắp các mất mát đối với sinh mệnh của các nạn nhân cũng như thay thế vị trí của họ, nhưng tôi hy vọng gia đình và người thân của họ có thể tìm được chút bình an rằng công lý đã được thực thi.
<i>Tôi biết rằng không có gì có thể bù đắp các mất mát đối với sinh mệnh của các nạn nhân cũng như thay thế vị trí của họ, nhưng tôi hy vọng gia đình và người thân của họ có thể tìm được chút bình an rằng công lý đã được thực thi.</i>
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Tiếp theo, tôi xin cùng Ngài Tổng Thống vinh danh lòng dũng cảm và tận tụy của những người đàn ông và phụ nữ can trường đã phục vụ tổ quốc, làm việc không biết mệt mỏi và không ngừng trong hơn một thập kỷ qua, để tìm kiếm và đưa Osama bin Ladin, kẻ khủng bố này, ra trước công lý. Đây là sự nỗ lực to lớn và toàn diện của lực lượng quân đội và các chuyên gia tình báo, của các nhà ngoại giao cũng như của các cơ quan hành pháp Hoa Kỳ.”
Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 là một trong những sự kiện quan trọng đáng chú ý nhất trong thế kỷ 21, và là một trong những vụ khủng bố gây thiệt hại nhiều nhất về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, và quân sự của Hoa Kỳ cũng như những nơi khác trên thế giới. Giờ đây, sau một thập kỷ, trùm khủng bố Osama bin Ladin đã chết, Hoa Kỳ và các quốc gia liên minh trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố có thể vui mừng trong ca khúc khải hoàn. Tuy nhiên, theo như lời phát biểu của Thủ tướng New Zealand John Key rằng “thế giới là một nơi an toàn hơn khi không còn Osama bin Ladin, nhưng cái chết của ông ta không đồng nghĩa với sự chấm dứt của chủ nghĩa khủng bố.”
Năm 2011 sắp qua, vết thương của sự kiện 911 phần nào được hàn gắn, nhưng dường như cuộc chiến này vẫn còn chưa kết thúc.
[ Video: 9/11: 10 năm sauOpens in new window ]