Trong những tuần gần đây, thế giới liên tiếp xuất hiện các trường hợp nhiễm virus Corona mới có họ hàng với virus SARS gây chết người được phát hiện vào năm 2003. Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng cảnh báo về loại virus này vì tỷ lệ tử vong trong số những người nhiễm virus cao. Virus mới này là gì? Virus lây lan ra sao? Mời quý vị tìm hiểu thông tin về virus này trong trang tạp chí Sức Khỏe Đời sống do Việt Hà thực hiện.
Thế giới lo ngại về virus mới
Ngày 12 tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế Arap Saudi thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ca nhiễm Coronavius mới, được phát hiện vào ngày 28 tháng 2 và tử vong vào ngày 2 tháng 3 trong bệnh viện. Trường hợp bệnh nhân tử vong này đã đưa con số người nhiễm Coronavirus mới trên toàn thế giới lên 15 người, trong đó có 9 người tử vong.
Trong cùng ngày, WHO ra thông báo kêu gọi các nước thành viên phải tiếp tục giám sát chặt chẽ những ca viêm đường hô hấp cấp. WHO cũng cho biết đang làm việc chặt chẽ với các chuyên gia y tế, các nhà khoa học để tìm hiểu thêm về loại virus này.
Nói về loại virus mới được phát hiện, ông Gregory Hartle, người phát ngôn của WHO cho chúng tôi biết:
“Chúng tôi gọi đây là Novel Coronavirus, là loại virus mới chưa có tên. Trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 4 năm ngoái. Chúng tôi cũng đã phát hiện rải rác các trường hợp nhiễm bệnh trong các tháng 6, 9, 11 năm 2012 và tháng 1, 2 trong năm nay. Đây là các trường hợp nhiễm bệnh lẻ tẻ chứ không liên tục.”
Ngày 13 tháng 3, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) cũng đưa ra cảnh báo về loại virus mới mặc dù cho biết vẫn chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus này tại Mỹ.
Chúng tôi gọi đây là Novel Coronavirus, là loại virus mới chưa có tên. Trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 4 năm ngoái. <br/> Ô. Gregory Hartle
Ngay sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện nhiễm virus mới vào năm ngoái, đã có nhiều thông tin được đưa ra, và tên gọi thường được gán cho virus mới là virus dạng SARS. Điều này có thể gây lo ngại cho nhiều người vì virus SARS được phát hiện vào cuối năm 2002, đầu 2003 đã khiến 8.000 người ở châu Á và châu Âu bị nhiễm bệnh, trong đó có 774 người đã tử vong.
Những người nhiễm virus mới cũng có những triệu chứng tương tự giống như người bị cảm lạnh ví dụ như sốt và ho. Đây cũng là các triệu chứng được tìm thấy ở những người bị SARS. Tuy nhiên theo người đại diện của WHO, virus này không phải là virus SARS mà chỉ nằm trong cùng dòng virus mà thôi.
“Coronavirus là một gia đình gồm rất nhiều loại virus khác nhau. Loại Coronavirus mới được phát hiện và virus SARS cũng là virus Corona, tức là nó cũng cùng loại với virus gây cảm cúm thông thường. Chúng tôi có thể gọi đây là virus dạnh virus cảm thay vì gọi là virus dạng SARS.”
Mặc dù vậy, WHO vẫn coi đây là một loại virus gây bệnh nghiêm trọng vì tỷ lệ tử vong cao, và điểm đặc biệt là hiện các nhà khoa học chưa nắm được nhiều thông tin về loại virus mới này. Ông Hartle nói tiếp:
“Virus gây ra 50% số ca tử vong trong số những trường hợp nhiễm bệnh. Vì vậy có thể coi là nghiêm trọng. Chúng tôi vẫn cần biết thêm thông tin về loại virus này.”
Novel Coronavirus là gì?
Sau các ca nhiễm virus mới được phát hiện, các nhà khoa học đã bắt đầu các nghiên cứu tìm hiểu về loại virus này. Bác sĩ Susan Gerber, thuộc CDC cho biết về virus mới như sau:
“Novel Coronavirus vừa được phát hiện gần đây khác hẳn với virus SARS về mặt gene. Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn đang thu thập thông tin về loại virus này nhưng chúng tôi biết chắc chắn đây không phải là SARS. Có nhiều loại Coronavirus khác nhau mà chúng ta đã biết. Hiện có 4 loại Coronavirus phổ biến trên người liên quan đến cảm cúm hoặc viêm đường hô hấp trên, tiếp đó là SARS cũng thuộc dòng này, và mới đây là novel Coronavirus.”
Theo ông Hartle, đại diện của WHO, những người nhiễm virus mới không phải lúc nào cũng bị nặng:
“Thường thì virus sẽ gây bệnh ở các dạng nặng nhẹ khác nhau trên người. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy có những trường hợp bị nhẹ.”
Hồi tháng trước, giới chức Y tế tại Anh phát hiện 3 trường hợp nhiễm virus mới, 2 trong số này tử vong. Người thứ ba là một phụ nữ 30 tuổi khỏe mạnh. Người phụ nữ chỉ cảm thấy các triệu chứng giống như cảm cúm thông thường và không hề đến bác sĩ. Sau đó bệnh tự hết.
Người đàn ông đầu tiên bị phát hiện nhiễm virus mới tại Anh được cho là đã nhiễm virus này khi đến Arap Saudi và Pakistan. Khi trở về nước trên máy bay, ông ta đã có những dấu hiệu bệnh.
Các bác sĩ cho rằng người này đã truyền virus sang cho 2 người khác trong gia đình ở Anh, một là con trai 39 tuổi, và người thứ hai là người phụ nữ 30 tuổi. Trong khi người phụ nữ chỉ bị ốm nhẹ và tự khỏi, người con trai đã phải nhập viện và sau đó tử vong. Các bác sĩ cho rằng người này tử vong vì đang có bệnh ung thư, do đó hệ miễn dịch kém.
Virus đến từ đâu?
Virus gây ra 50% số ca tử vong trong số những trường hợp nhiễm bệnh. Vì vậy có thể coi là nghiêm trọng. <br/> Ô. Gregory Hartle
Những ca bệnh tại Anh cũng đặt ra nghi ngờ rằng virus này có thể lây trực tiếp từ người sang người. Ông Hartle, đại diện WHO cho biết:
“Chúng tôi không biết nhiều về virus này. Nó có thể lây nhiễm từ người sang người trong một số tình huống nhất định nhưng tiếp xúc phải rất là gần.”
Tiếp xúc gần được hiểu như dùng chung đồ ăn, thức uống với người nhiễm bệnh, ôm hôn người nhiễm bệnh, hoặc chạm tay vào những đồ dùng người bệnh đã dùng và chưa được làm sạch.
Các chuyên gia cũng đặt câu hỏi virus này đến từ đâu. Về địa lý, hiện tại các quốc gia được khoanh vùng chủ yếu là ở Trung Đông, đặc biệt là Arap Saudi. Các chuyên gia y tế vì vậy khuyên người đi du lịch đến khu vực này, nếu phát hiện có các dấu hiệu cảm cúm khác thường, nên theo dõi tình trạng bệnh chặt chẽ và báo cho giới chức y tế địa phương. Mặc dù vậy người đại diện WHO cho biết mọi người cũng nên thận trọng vì cho đến lúc này WHO không biết virus mới đã lây lan bao xa.
Cũng có câu hỏi được đặt ra về nguồn gốc của loại virus mới, đã có nghi ngờ về khả năng viruss này đến từ động vật tương tự như SARS. Khi virus SARS được phát hiện ở người vào năm 2003, các nhà khoa học cũng tức tốc tìm hiểu xem loài virus này phát xuất tại đâu và sau đó tìm thấy virus này trong một loài chồn civet ở Trung Quốc. Người Trung Quốc cũng ăn thịt loại chồn civet này.
Bác sĩ Susan Gerber thuộc CDC nói về khả năng nguồn gốc của virus Corona mới như sau:
“Có thể là có thành tố động vật trong việc lây nhiễm virus này khiến căn bệnh có thể xuất hiện trên người, hiện chúng tôi vẫn đang tìm hiểu thêm. Hiện chúng tôi vẫn chưa có đủ thông tin để hiểu về yếu tố động vật và cơ chế lây nhiễm.”
Các phân tích đầu tiên của các nhà khoa học Anh gần đây cho thấy mã gene của loại virus Corona mới trên người trùng với mã gene của loại Coronavirus trên dơi. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn rất thận trọng để đưa ra kết luận về mối liên hệ này vì chưa có bằng chứng cho thấy đã có người bị dơi cắn và nhiễm bệnh.
Trong khi đó một nghiên cứu sâu hơn của các nhà khoa học Hà Lan mới đây cho thấy dê có thể là một yếu tố trung gian lây bệnh. Bác sĩ Bart Haagmans thuộc Trung tâm Y tế Erasmus ở Hà Lan nói nghiên cứu đã tìm thấy các phần gắn kết trong gene của virus mới cũng nằm trong virus Corona ở dơi. Ông nói thêm ý tưởng cho rằng dê là một con vật trung gian truyền bệnh là rất có thể.
Điều trị và phòng tránh
Việc chẩn đoán người nhiễm virus Corona mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thế giới vẫn chưa có một bộ công cụ chẩn đoán đồng bộ chính xác. Ông Hartle giải thích:
“Chúng tôi hiện vẫn chưa có một bộ công cụ chẩn đoán cho loại virus này. Vì vậy các phòng thí nghiệm đang rất bận rộn để đưa ra công cụ chẩn đoán IgM hay IgG. Với công cụ chẩn đoán này chúng tôi có thể biế là đã có những người nào đã bị nhiễm virus, ở dạng nặng hay nhẹ. Hiện đã có những công cụ thử ban đầu đang được sử dụng nhưng vẫn cần phải điều chỉnh hơn nữa. Chúng tôi vẫn chưa biết đến bao giờ thì sẽ có bộ hoàn chỉnh.”
Vào lúc này chúng ta vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị nào cho virus này, thậm chí cả vaccine. Việc điều trị chủ yếu mang tính tăng cường, hỗ trợ sức khỏe. <br/> BS Susan Gerber
Cho đến lúc này vẫn chưa có một thuốc điều trị đặc hiệu nào đối với virus Corona mới. Việc điều trị cho các ca bệnh nặng trong bệnh viện, chủ yếu vẫn mang tính tăng cường. Bác sĩ Gerber cho biết:
“Vào lúc này chúng ta vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị nào cho virus này, thậm chí cả vaccine. Việc điều trị chủ yếu mang tính tăng cường, hỗ trợ sức khỏe.”
Tuy nhiên nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Hà Lan, được công bố vào tháng trước, lại cho thấy virus mới có thể được điều trị với các loại thuốc tương tự được sử dụng cho bệnh nhân bị bệnh SARS. Các nghiên cứu trước đây cho thấy corticosteroids kết hợp với thuốc interferon alfacon-1 có thể dùng để điều trị SARS có kết quả.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về cơ chế gây bệnh của loại virus mới để trên cơ sở đó tìm ra vaccine phòng bệnh đối với virus này.
Mặc dù bị coi là một loại virus nguy hiểm, novel Coronavirus không dễ lây nhiễm như các virus cảm cúm thông thường khác. Vì vậy để tránh nhiễm bệnh, các chuyên gia y tế khuyên mọi người không nên tiếp xúc gần với những người có dấu hiệu cảm cúm. WHO cũng kêu gọi giới chức y tế trong các cộng đồng thông báo kịp thời cho Tổ chức Y tế thế giới về những trường hợp viêm đường hô hấp mà không thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà thân mến tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị kỳ tới.