Lãng phí trong chi tiêu ngân sách: vấn đề đáng báo động

Góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng đang có tình trạng sử dụng ngân sách một cách tùy tiện, lãng phí khiến cho việc sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân không hiệu quả.

Vậy do đâu dẫn đến tình trạng như vậy và biện pháp xử lý thế nào?

Ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm.

Sử dụng tùy tiện ngân sách

Ở VN, tình trạng nguồn vốn ngân sách bị sử dụng tùy tiện gây nên lãng phí rất lớn là điều hết sức phổ biến. Có rất nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách tiến độ thi công chậm, kéo dài, chất lượng thi công không đảm bảo. Tình trạng công trình xây xong đắp chiếu, thất thoát, tham ô, lãng phí vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội thấp là phổ biến.

Vừa qua, góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), ĐBQH Trần Du Lịch nhận xét: "Không thấy ở đâu xài tiền ngân sách lãng phí và tùy tiện như nước mình".

Đánh giá về việc sử dụng nguồn vốn ngân sách ở trung ương và địa phương, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định:

“Tôi thấy việc lãng phí thể hiện thì muôn màu, muôn vẻ thể hiện qua những hiện tượng này: Thứ nhất là lãng phí do chất lượng quy hoạch chưa cao nên đầu tư không trúng, có những cái nhà máy đầu tư hàng trăm tỷ nhưng thiếu nguyên liệu, các điều kiện về hạ tầng không đáp ứng nên khi xây xong thì bỏ hoang. Cái lãng phí thứ hai là lãng phí trong đầu tư, đầu tư không đồng bộ, không thống nhất cho nên công trình xây nhiều năm rồi để hoang phí hay bỏ hoang. Tất cả chỉ nhằm mục tiêu quyết toán được kinh phí rót cho chương trình này. Đó là chúng tôi thống kê sơ sơ là như vậy.”

Không thấy ở đâu xài tiền ngân sách lãng phí và tùy tiện như nước mình

ĐBQH Trần Du Lịch

Nói về nguyên nhân của tình trạng sử dụng vốn ngân sách lãng phí, ông Trịnh Công Khanh, Vụ trưởng, Ủy ban Dân tộc cho biết suy nghĩ của ông. Ông nói:

“Tôi thấy có hai vấn đề, thứ nhất đó là lập Dự án thì ai cũng muốn làm to, thứ 2 là cơ quan thẩm quyền khi phê duyệt không căn cứ vào nguồn lực mà cứ chiều theo ý địa phương. Hai cái này gặp nhau đã gây ra lãng phí rất là nhiều. Tất nhiên cái cơ chế xin cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra lãng phí rất nhiều, bởi vì khi mà nguồn lực của trung ương cấp về chứ không phải là sự đóng góp của địa phương thì vai trò giám sát hay trách nhiệm theo dõi của địa phương sẽ không cao. Rồi về một mặt nữa là cơ chế chế tài xử lý chưa cụ thể và đặc biệt tôi thấy rằng chưa quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, chúng ta còn rất chung chung. ”

Đại biểu Trần Du Lịch: Không thấy ở đâu xài tiền ngân sách lãng phí và tùy tiện như nước mình (vietstock)
Đại biểu Trần Du Lịch: Không thấy ở đâu xài tiền ngân sách lãng phí và tùy tiện như nước mình (vietstock)

Bản chất của vấn đề, đó là hầu hết các dự án từ vốn ngân sách đều xuất phát từ nhu cầu trục lợi, tham nhũng của những người liên quan đến dự án. TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách thuộc ĐH Quốc gia Hà nội khẳng định:

“Tôi nghĩ rằng đây là một thực tế khá phổ biến, tức là họ muốn có một nguồn ngân sách được sử dụng thì họ áp đặt một dự án để xây cho dân. Thế thì về danh nghĩa có vẻ là phục vụ cho người dân, xong về về mục đích có vẻ nhiều hơn là cứ làm sao để có các công trình hay dự án, để giải ngân được. Và trong quá trình đó thì họ có các quyền lợi được gắn liền và cùng nhau chia sẻ những quyền lợi đó.”

Cần sự công khai và giám sát của người dân

Theo báo Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Tám (Hà Nam) thấy rằng tình trạng tham nhũng trong các dự án sử dụng vốn ngân sách là trầm trọng và hết sức phổ biến. Theo ông, tiền mình quản lý thì không ai dám lãng phí, còn tiền ngân sách thì tiêu thoải mái và dẫn đến tình trạng “Tiền của quốc gia nếu không quản lý có trách nhiệm thì sẽ thành tiền chùa cả”

Nói về vai trò giám sát của người dân đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết:

“Tôi nghĩ rằng trong các luật đã quy định quyền và trách nhiệm của người dân trong việc tham gia việc giám sát các công trình trên địa bàn. Và luật cũng quy định rõ, người dân có thể tham gia giám sát thông qua việc gửi các đơn thư tố giác hay kiến nghị, thậm chí tố cáo đến các cơ quan chức năng để xem xét xử lý giải quyết các vấn đề này. Và cũng có thể giám sát thông qua Mặt trận tổ quốc rồi các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Tôi cũng rát mong người dân tham gia giám sát để chúng ta thực hiện pháp luật đúng hơn.”

Theo báo Lao động, liên quan đến quy định công khai, minh bạch ngân sách và sự giám sát của người dân, ông Đinh Xuân Thảo , Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội thấy rằng, quyền thu thuế là của nhà nước nhưng người dân đóng góp thì phải được biết nhà nước đã sử dụng tiền đó như thế nào. Trên thực tế, việc người dân hầu như chưa rõ nội dung phạm vi, hình thức, và trách nhiệm công khai, giải trình ở tất cả quy trình ngân sách là hiện tượng hết sức phổ biến.

Theo tôi nghĩ cái giải pháp cho vấn đề lãng phí ngân sách thì việc điều hành phải bằng luật, sau nữa là phải nâng cao sự nghiệp giáo dục để nâng cao dân trí để nâng cao cái trách nhiệm giám sát của người dân. Thứ 2 là để cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu

Ông Trịnh Công Khanh

Khi được hỏi giải pháp nào để nâng cao hiệu quả sử dụng và tránh lãng phí trong việc sử dụng vốn ngân sách?

Tình trạng xin vốn ngân sách cho bằng được và sau đó tìm mọi cách cố tiêu cho hết là hết sức phổ biến ở mọi cấp, mọi ngành. Ông Trịnh Công Khanh ghi nhận:

“Theo tôi nghĩ cái giải pháp cho vấn đề lãng phí ngân sách thì việc điều hành phải bằng luật, sau nữa là phải nâng cao sự nghiệp giáo dục để nâng cao dân trí để nâng cao cái trách nhiệm giám sát của người dân. Thứ 2 là để cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, tức là cơ quan nào mà phê duyệt dự án thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về cái tính khả thi cũng như là hiệu quả của công trình. Chứ với cái cách làm của chúng ta hiện nay thì luôn luôn xảy ra lãng phí mà không ai giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật ”

Cần phải hoàn thiện cơ chế giám sát cũng như trách nhiệm giải trình của các cấp để tạo ra một môi trường công khai, minh bạch trong việc sử dụng vốn ngân sách. TS. Nguyễn Đức Thành khẳng định:

“Thế thì nó chỉ có một cách, đó là phải có một cơ chế giám sát khoản tiền chi tiêu, mà cái đầu tiên là vấn đề nhu cầu, tức là có thực sự cần thiết phải xây cái dự án đó không? Bước thứ 2 tiếp theo là phải đảm bảo chất lượng đúng như người ta mong, chứ không phải ông chỉ xây cho có thì đây nó liên quan đến vấn đề bàn giao nghiệm thu. Tôi nghĩ rằng người nghiệm thu không chỉ là việc của người chủ đầu tư và các nhà thầu vơi nhau, mà cần phải có sự tham gia của người sẽ sử dụng.”

Ở hầu hết các nước dân chủ, trong con mắt người dân, một đảng chính trị tốt là đảng biết sử dụng đồng tiền thuế (ngân sách) của dân hiệu quả nhất. Đây cũng chính là công cụ để đo sự tín nhiệm của người dân trong việc lựa chọn người thay mặt mình để tham gia điều hành đất nước. Tiếc rằng điều đó không có được ở VN, một quốc gia chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo.