Ngày 22 tháng 3 tới đây là ngày Nước Thế giới năm nay. Vấn đề nguồn nước là một chuyện lớn đối với hầu hết mọi nơi trên Trái đất hiện nay. Và thực tế tại Việt Nam thế nào? Trong khu vực có những thông tin gì mới đáng chú ý?
Hưởng ứng
Ngày Nước Thế giới năm 2013 nêu bật chủ điểm của cả năm là năm Hợp tác quốc tế về nước. Việt Nam là một thành viên của Liên hiệp quốc và hằng năm đều có hưởng ứng tổ chức ngày này.
Tin cho biết năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức Ngày Thế giới Nước tại thành phố Cần Thơ.
Ông Nguyễn Nhân Quảng, một chuyên gia cố vấn về nguồn nước xác nhận về thông tin này:
Ngày 22 này Việt Nam sẽ tổ chức Ngày Thế giới Nước ở Cần Thơ. Tôi chắc lãnh đạo Bộ Tài Nguyên- Môi trường sẽ vào dự cùng các cơ quan ban ngành trong đó.
Thực tế khô hạn
Vào thời điểm hiện nay tại Việt Nam hầu như tất cả các vùng đều đang trong tình trạng thiếu nước. Chuyên gia cố vấn về nguồn nước, ông Nguyễn Nhân Quảng, trình bày tình hình tại các miền hiện nay như sau:
Miền trung đang chịu những trận hạn. Nước về Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay cũng có hiện tượng ít hơn mọi năm. Theo dự báo các hồ nước ở miền bắc cũng đang xuống thấp.
Bây giờ đang ở mùa khô, mà vào giữa tháng tư là kiệt nhất. Một số người nói hiện tượng đó theo xu thế mùa kiệt; nhưng có người nói xu thế thấp hơn.
Vì sao tình trạng nước của Việt Nam lại khó khăn đến như thế? Tiến sĩ Phạm Hồng Giang đưa ra giải thích:
Theo tôi đáng lo ngại nhất là vấn đề không ổn định và không an toàn về nguồn nước. Bởi vì đứng về mặt lâu dài thì ở cả hai vùng châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long, nguồn nước tạo nên từ trong nước rất ít so với nguồn nước ngoại lai, từ nước ngoài qua biên giới vào. Vì thế nếu có những biến động từ trên thượng nguồn sẽ ảnh hưởng đến phần hạ du. Ở đồng bằng sông Hồng yếu tố ngoại lai khoảng 50%; ở đồng bằng sông Cửu Long yếu tố ngoại lai lên đến gần 95%. Nguồn nước miền trung phát sinh và phát triển trong nội địa, thế nhưng điều kiện để điều hòa nguồn nước của miền Trung cũng khó khăn vì địa hình của miền trung rất dốc nên lũ và hạn đều rất gay gắt, liên tiếp với nhau. Việc khắc phục và điều hòa cũng khó khăn.
Ngoài những nguyên nhân khách quan mà ông Phạm Hồng Giang vừa trình bày, trong thực tế nguồn nước ở Việt Nam bị suy giảm còn do những nguyên nhân chủ quan như ô nhiễm và khai thác quá mức nguồn nước ngầm trong đất.
Đứng về mặt lâu dài thì ở cả hai vùng châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long, nguồn nước tạo nên từ trong nước rất ít so với nguồn nước ngoại lai, từ nước ngoài qua biên giới vào. Vì thế nếu có những biến động từ trên thượng nguồn sẽ ảnh hưởng đến phần hạ du
TS.Phạm Hồng Giang
Ông Nguyễn Nhân Quảng xác nhận về điều đó:
Ô nhiễm nguồn nước thì ở miền bắc có hai lưu vực Sông Cầu và lưu vực Sông Nhuệ. Cũng đã lập nên những ủy ban bảo vệ môi trường Sông Cầu. Còn bên Sông Nhuệ do bên Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn vì tỉnh Hà Nam ở cuối nguồn và chịu ô nhiễm từ hai sông nhiều. Đang có biện pháp vận động các cơ sở thực hiện Luật Tài Nguyên Nước và Bảo vệ Môi trường mới ban hành hồi năm ngoái.
Tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm soát của Cảnh sát Môi trường. Còn biện pháp công trình thì Bộ NN-PTNT cũng đang nghiên cứu để dòng nước sông Nhuệ chảy ra Sông Hồng chứ không chảy ra Sông Đáy nhiều như trước đây. Còn phía trong lưu vực Sông Đồng Nai, sông Sài Gòn hiện nay cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt các nhà máy gây ô nhiễm phải có sự đền bù thỏa đáng và có sự thảo luận trực tiếp với những người bị ô nhiễm. Như vậy có giảm bớt, chưa thấy có những hiện tượng như Vedan… thêm.
Nước ngầm có những nơi khai thác quá mức, thì Bộ Tài Nguyên- Môi trường có khảo sát.Ngoài những dự án nhỏ cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn, Bộ Tài Nguyên- Môi trường đang có dự án kiểm soát lại và lập dự án giám sát, trong những vùng có hiện tượng sụt giảm nước ngầm nhiều, đặc biệt ở Tây Nguyên. Giám sát những hộ trồng cây công nghiệp, cà phê có những giếng khoan đào, xem có đúng trình tự luật qui định hay không.
Đặc biệt đối với các nguồn nước trên sông thì có những qui định phải ‘recharge’ lại để bù vào nguồn nước ngần đã khai thác.
Theo ông Phạm Hồng Giang thì mâu thuẫn trong quá trình phát triển và yêu cầu bảo vệ, xử lý nước thải để giữ gìn môi trường nước
trong sạch tại Việt Nam vẫn còn là vấn nạn chưa thể giải quyết. Ông nói:
Cũng phải nói rằng do điều kiện của chúng ta hiện nay còn khó khăn trong việc bảo vệ sự trong lành của các dòng sông. Ở những nước tiên tiến, người ta có thể xử lý nước thải với công nghệ rất tốt để khi nước thải ra sông đã trong lành rồi. Còn chúng ta chưa có điều kiện như vậy
TS. Phạm Hồng Giang
Mâu thuẫn giữa phát triển và môi trường luôn đòi hỏi phải có xử lý. Phát triển của một số ngành công nghiệp, nông nghiệp cũng thế và ngành thủy sản cũng tạo ra những thay đổi nhất định về môi trường. Tôi nghĩ các cơ quan về môi trường phải làm một cách cương quyết hơn và tích cực hơn để giữ cho được môi trường của các dòng sông, nhất là ở những khu công nghiệp và đô thị.
Cũng phải nói rằng do điều kiện của chúng ta hiện nay còn khó khăn trong việc bảo vệ sự trong lành của các dòng sông. Ở những nước tiên tiến, người ta có thể xử lý nước thải với công nghệ rất tốt để khi nước thải ra sông đã trong lành rồi. Còn chúng ta chưa có điều kiện như vậy nên đây là một vấn đề được đặt ra ở Việt Nam.
Giải pháp
Hai chuyên gia về nguồn nước tại Việt Nam là tiến sĩ Phạm Hồng Giang và ông Nguyễn Nhân Quảng cho biết cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay có đưa ra một số giải pháp, nay cả hiện nay cũng có, nhưng rồi thực tế vẫn chưa hiệu quả là bao.
Đó vẫn là sự kêu gọi tiết kiệm nước, sử dụng có trách nhiệm, không gây ô nhiễm nguồn nước… Tuy vậy, kêu gọi mà thiếu những biện pháp hành chính, xử phạt nghiêm minh nên các tình trạng diễn ra bấy lâu nay vẫn tiếp diễn.
Ngoài ra là một số biện pháp mang tính kỹ thuật để có thể chủ động nguồn nước khi Việt Nam nằm cuối nguồn của những con sông trước khi đổ ra biển. Nếu nước từ thượng nguồn không về đủ thì Việt Nam đành phải thúc thủ như lâu nay.
Tiến sĩ Phạm Hồng Giang nói về vấn đề này:
Có thể nói đã có những ý kiến nói về các giải pháp. Điều quan trọng nhất là làm sao mà chủ động được nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long; tức chủ động về nước trong mùa khô. Vì trong mùa khô,nếu trên thượng nguồn người ta ngăn nước lại, dòng chảy dưới hạ du sẽ bị cạn kiệt. Lúc nó nước biển vào sâu trong đất liền, và nguy cơ ngập mặn rất lớn trong mùa khô gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất lúa gạo và đời sống người dân. Giải pháp quan trọng nhất là phải làm sao giữ lại được nước ngọt trong mùa khô để phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Ngăn được nước biển xâm nhập đồng thời cũng tạo ra những vị trí nhất định để trữ được nước ngọt; nhất là nước trong mùa lũ về.
Điều quan trọng nhất là làm sao mà chủ động được nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long; tức chủ động về nước trong mùa khô. Vì trong mùa khô,nếu trên thượng nguồn người ta ngăn nước lại, dòng chảy dưới hạ du sẽ bị cạn kiệt. Lúc nó nước biển vào sâu trong đất liền
TS. Phạm Hồng Giang
Ông Nguyễn Nhân Quảng cũng cho biết một số biện pháp mà cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn thực hiện trong hình hình khô hạn như hiện nay:
Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn đang có biện pháp yêu cầu các sở xem xét điều chỉnh về thời vụ. Còn Bộ Tài Nguyên- Môi trường hô hào tiết kiệm nước; triển khai quản lý theo lưu vực sông theo Luật Tài Nguyên Nước mới ban hành hồi năm ngoái.
Chuyện nước các nơi
Thống kê cho thấy đến nay còn hơn 1 phần mười người dân trên thế giới không có nước sạch để uống. Do uống nước bẩn, và vệ sinh kém, cứ mỗi ngày trên toàn thế giới có 2000 trẻ chết. Riêng tại Châu Á, gần phân nửa những vụ tử vong đều có liên quan đến các thảm họa gây hại cho nguồn nước mà ra. 90% những người chịu tác động bởi các thảm họa như thế từ năm 1980 đến năm 2006 đều là người dân Châu Á.
Theo ADB thì không có quốc gia nào trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có thể là mẫu gương về hoạt động quản trị nguồn nước và các dịch vụ về nước.
Có 38 quốc gia đang phát triển trong khu vực có mức an ninh nguồn nước thấp hoặc chỉ mới bắt đầu được cải thiện. Mười một quốc gia đang phát triển tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống quản trị nguồn nước.
Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Á châu, ADB, Bindu Lohani phát biểu rằng trong khi khu vực này đang trở thành một khối kinh tế phát triển thì điều đáng báo động là không có quốc gia đang phát triển nào tại đó được cho là có an ninh nguồn nước.
Thống kê cho thấy đến nay còn hơn 1 phần mười người dân trên thế giới không có nước sạch để uống. Do uống nước bẩn, và vệ sinh kém, cứ mỗi ngày trên toàn thế giới có 2000 trẻ chết. Riêng tại Châu Á, gần phân nửa những vụ tử vong đều có liên quan đến các thảm họa gây hại cho nguồn nước mà ra
Gần 80% các dòng sông tại Châu Á bị đánh giá là trong tình trạng không tốt. Do dân cư đô thị gia tăng dẫn đến gây ô nhiễm; và rồi nhu cầu về năng lượng và lương thực tạo thêm sức ép lên nguồn tài nguyên nước.
Tuy nhiên tại Châu Á, một thống kê của Ngân hàng Phát triển Á Châu đưa ra hồi ngày 13 tháng 3 năm nay, cho thấy 91% người dân tại Châu Á trong khoản thời gian từ năm 1990 đến năm 2010 đã cải thiện được việc tiếp cận nguồn nước sạch. Đây được cho là một trong những thành tựu đáng kể trong hai thập niên qua tại khu vực đông dân cư nhất thế giới này.
Nói thế nhưng việc có được nguồn nước cung cấp đến hộ gia đình bảo đảm vẫn mới chỉ có hơn 65% của cư dân tại khu vực mà thôi.
Ngân hàng Phát triển Á Châu đưa ra cảnh báo nếu không có những biện pháp cấp thời thì viển cảnh khủng hoảng nước sẽ xảy đến.
ABD đưa ra đề nghị là các quốc gia trong khu vực cần hiện đại hóa dịch vụ thủy lợi, tích cực quản trị nhu cầu và tiêu thụ nước, thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu cạnh tranh giữa những người sử dụng.
Ngân hàng này hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn tài chính cho những quốc gia đưa ra những dự án và chương trình tăng cường an ninh nguồn nước trong khu vực. Cụ thể đó là những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ, phát triển năng lực, chia xẻ kỹ năng- kiến thức, và hợp tác khu vực.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.