Trên các trang mạng xã hội, mọi người truyền tay nhau những tấm hình các cô gái trẻ măng, mặc trang phục áo yếm của phụ nữ Việt Nam xưa, hở nguyên phần vai và nửa lưng. Những cô gái này đang cầm khay đồ ăn phục vụ gần 300 đại biểu từ các nền kinh tế APEC, sau khi kết thúc kỳ họp 4 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC- ABAC và tối ngày 6/11 vừa qua.
Áo yếm là một thứ trang phục nội y không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam xưa, được lịch sử ghi chép là bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào thời nhà Lý (thế kỷ 12). Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, được dùng để che ngực. Áo yếm ngày xưa là một trang phục nội y được sử dụng rộng rãi, không chỉ ở chốn cung đình cao sang, quý phái mà cả những người nông dân gắn bó với chiếc áo tứ thân cũng rất “ưa chuộng”.
Nhà văn Thùy Linh, một người quan tâm và am hiểu lĩnh vực xã hội, văn hóa của Việt Nam nói rằng việc Việt Nam cho lễ tân mặc trang phục áo yếm để tiếp khách ngoại giao là một sự “lố bịch”:
Mình rất không hài lòng về điều đó, bởi vì cái yếm của các cụ ngày xưa nó thay cho cái áo ngực thường các cụ mặc bên trong. Còn ở nông thôn, khi những người đàn bà cho con bú để đứa trẻ dễ tiếp cận với ngực của mẹ. Cho nên những kiểu mặc đó rất suồng sã.
Mình không hiểu một bữa tiệc để đãi các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam mà lại mặc áo yếm đó, không hiểu xuất phát từ ý nghĩ gì. Mình thấy nó hơi kỳ quặc.
Đêm đại tiệc được tổ chức tại Furama Resort Đà Nẵng do Sovico Holdings và Ngân hàng HD Bank tài trợ. Đại diện của khu resort nói rằng đã chuẩn bị cho sự kiện này trong vòng 3 năm, với ý nghĩa chính là giới thiệu văn hóa dân gian Việt Nam khi tái hiện cuộc sống 4 mùa tại các vùng miền khác nhau.
Tuy nhiên, nhà văn Thùy Linh lại cho rằng việc lựa chọn áo yếm để khoe nét truyền thống của Việt Nam trong một sự kiện lớn như vậy là không phù hợp.
Truyền thống thì có nhiều cấp độ lắm. Váy đùm cũng là truyền thống mà. Sao không cho các cô ấy mặc váy đùm và áo yếm đi tiếp? Mình nghĩ bây giờ cho mình mặc cái yếm đó ra ngoài đường chắc mình cũng không dám mặc. Hay mặc ở nhà để tiếp bạn mình cũng không dám mặc chứ đừng nói mang ra mặc trước mặt các quốc gia khác.
<i>Trong một quốc tiệc, thì nó không mang tính chất nghi lễ, không trang trọng, không thể hiện một sự lịch lãm tối thiểu với một tư cách quốc gia.<br/>- Nhà văn Thùy Linh</i>
Chúng tôi cũng trò chuyện với chị Tâm, một người dân sống ở Sài Gòn về vấn đề này. Chị Tâm chẳng ngần ngại so sánh những hình ảnh lễ tân phục vụ APEC không khác nào những cô gái trong các quán bar:
Tôi cũng thấy như vậy không phù hợp khi tiếp khách quốc tế. Mình phải ăn vận như thế nào cho lịch sự để khi mình tiếp khách cho kín đáo. Khi mình tiếp khách mà ăn mặc lố lăng quá thì không khác nào những chỗ như quán bar. Ăn vận như vậy mà gọi là truyền thống thì không phù hợp cho lắm. Ăn mặc như vậy sẽ làm mất hình ảnh người Việt Nam.
Trên các trang mạng, chúng tôi ghi nhận nhiều bình luận dưới những tấm hình các cô gái áo yếm tiếp khách quốc tế. Hầu như mọi bình luận đều chỉ trích cách ăn mặc không phù hợp của nước chủ nhà Việt Nam. Một bài viết của tác giả Nguyễn Phan Khiêm nhận định rằng: Với các suy nghĩ nông dân của tôi thì các cụ xưa tuyệt không mặc thế khi có người lạ, chưa kể khi ra đường hay nhà có khách các cụ luôn mặc áo dài. Yếm chỉ khi rất nóng nực người ta mới mặc trong nhà, tương tự đàn ông bây giờ mặc may ô. Cho nên, vị nào tham mưu cho gái trẻ mặc yếm ra tiếp quốc khách thì nên cho nghỉ để tìm tham mưu khác. Việt Nam tự hào là nước có văn hiến nên không thể không mặc đẹp một cách nền nã, sang trọng để đón khách quí.
Chính trang phục được chọn để tiếp đãi khách quý lại là trang phục từng bị báo chí Việt Nam lên án nhiều lần, chẳng hạn như bài viết “Đỏ mặt vì mỹ nhân hững hờ áo yếm” trên báo Lao Động hay “Người đẹp Việt gây phản cảm khi mặc áo yếm quá sexy” trên Báo Mới,…
Câu hỏi được đặt ra đó là những cô gái mặc áo yếm trong những bài báo này đã bị chỉ trích phần nào tự làm mất hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “công, dung, ngôn, hạnh”. Vậy thì, liệu Việt Nam có tự làm mất hình ảnh của mình khi để lễ tân mặc yếm tiếp khách hay không?
Chúng tôi nêu câu hỏi này với nhà văn Thùy Linh và bà cho biết:
Mình không nghĩ đến mức mất hình ảnh, bởi vì người ta cũng không thể đánh giá Việt Nam qua một cái áo yếm. Thế nhưng trong một quốc tiệc, thì nó không mang tính chất nghi lễ, không trang trọng, không thể hiện một sự lịch lãm tối thiểu với một tư cách quốc gia trong khi tiếp đón các quốc gia khác.
Chúng tôi tiếp tục nêu vấn đề với Nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, bà cũng không đồng tình với cách ăn mặc như vậy trong một sự kiện lớn của quốc gia:
Tôi nghĩ là trong xã hội Việt Nam bây giờ, một người bình thường cũng thừa hiểu cần mặc trang phục lịch sự ở một sự kiện cần thiết nào đó ví dụ như giỗ tết, hay cưới hỏi, mọi người đều biết ăn mặc như thế nào cho lịch sự.
Người bình thường cũng biết điều đó, huống chi một quốc gia thì người ta cũng phải thừa hiểu. Trong tường hợp này tôi cũng không hiểu vì sao người ta lại quyết định như vậy.
<i>Tôi nghĩ là trong xã hội Việt Nam bây giờ, một người bình thường cũng thừa hiểu cần mặc trang phục lịch sự ở một sự kiện cần thiết nào đó.<br/>- TS. Phạm Quỳnh Hương</i>
Vấn đề giới trẻ Việt Nam đua theo trào lưu ăn mặc hở hang được nêu trên các phương tiện truyền thông thường xuyên. Việt Nam hiện tại cũng có những quy tắc và điều luật cấm ăn mặc hở hang phản cảm đối với nghệ sĩ hay nơi công cộng.
Nhà văn Thùy Linh nói rằng có vẻ như Nhà nước đang muốn “cách tân hóa” và học theo trào lưu của giới trẻ hiện tại. Tuy nhiên bà cho rằng sự áp dụng không đúng lúc đúng chỗ đã biến tính sáng tạo thành một điều “điên rồ” trước mắt khách quan.
Sau những lời bán tán, chỉ trích của cư dân mạng, người ta hỏi nhau rằng liệu trong những ngày APEC sắp tới có lặp lại hình ảnh những cô thiếu nữ hở vai, lưng trần tiếp khách nữa hay không?
RFA đã liên hệ với ban tổ chức APEC 2017 để hỏi về nguyên nhân vì sao lựa chọn trang phục áo yếm cho đêm đại tiệc hôm 6/11 vừa qua, nhưng không nhận được hồi đáp.