Hy vọng cho Pháp Luân Công?

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi tháng 3 đề xuất giải oan cho Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

0:00 / 0:00

Nếu đề xuất này được xem xét, liệu việc này sẽ tháo bỏ phần nào những giới hạn của Pháp Luân Công tại Trung Quốc và mở ra cánh cửa hy vọng cho Pháp Luân Công tại Việt Nam? Quỳnh Chi tìm hiểu và tường trình.

Hy vọng cho Pháp Luân Công Trung Quốc

Đài truyền hình NTDTV – Tân Đường Nhân, có trụ sở tại New York, nơi thường xuyên đăng tải những thông tin bị kiểm duyệt hoặc bị cấm đoán đại Bắc Kinh, hôm tháng 3 đăng tải tin tức cho biết Thủ tướng Ôn Gia Bảo vừa đưa ra một loạt các đề xuất, trong đó có khuyến nghị “giải oan cho Pháp Luân Công”.

phap-luan-cong-250.jpg
Học viên Pháp Luân Công Tung Quốc tổ chức một buổi biểu diễn đường phố tại Hyde Park ở Sydney ngày 6 Tháng Chín 2007. Ảnh minh họa. AFP photo.

Nguồn tin này trích lời một số nhân sĩ Bắc Kinh tiết lộ cho biết, trong hội nghị cấp cao Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn ra ngày 24 tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã chỉ trích hành động đàn áp Pháp Luân Công vào cuối thập niên 90. Thời báo Đại Kỷ Nguyên (The Epoch Times), trụ sở tại New York cũng trích lời ông Ôn Gia Bảo nói rằng “hậu quả đáng sợ mà việc đàn áp Pháp Luân Công gây ra cho Trung Quốc đã nhìn thấy được rồi. Thông qua điều tra, chúng ta phát hiện Giang Trạch Dân đã sử dụng một lượng tài lực quốc gia kinh hoàng để trấn áp một đoàn thể dân chúng tay không tấc sắt, thật cực kỳ hoang đường. Mãi cho đến hôm nay, vấn đề này Trung ương vẫn không dám đối diện, không dám giải quyết”.

Tháng 7 năm 1999, Pháp Luân Công tại Trung Quốc bị đàn áp nghiêm trọng, đã thu hút sự quan tâm của thế giới. Theo các nhà phân tích, người đứng đầu phong trào đàn áp này là ông Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng bí thư ĐCSTQ. Nguyên nhân chính khiến hành động đàn áp này diễn ra được cho là vì sự ghen tị và lo ngại của ĐCSTQ khi Pháp Luân Công phát triển quá lớn. Theo ước tính của ĐCSTQ, số người tập Pháp Luân Công vào năm 1999 ít nhất là 70 triệu, trong khi lúc đó số đảng viên ĐCSTQ chỉ khoảng 65 triệu người.

Sau khi có đề xuất trên của ông Ôn Gia Bảo thì từ khóa “Pháp Luân Công” được có thể được tra cứu tự do trên Baidu, một công cụ tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc. Cũng trong khoảng tháng 3, Baidu dần gỡ bỏ một số nội dung cấm về Pháp Luân Công như quyển “Chuyển Pháp Luân” (một tác phẩm nổi tiếng của Pháp Luân Đại Pháp); quyển “Thu hoạch đẫm máu” (nói về việc mổ sống lấy nội tạng của học viên Pháp Luân Công) và bộ phim “Lửa giả”.

Hy vọng cho Pháp Luân Công Việt Nam

Anh Vũ Đức Trung (T), và anh Lê Văn Thành (P), hai học viên Pháp Luân Công bị truy tố ra Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 10 tháng 11, 2011. AFP photo.
Anh Vũ Đức Trung (T), và anh Lê Văn Thành (P), hai học viên Pháp Luân Công bị truy tố ra Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 10 tháng 11, 2011. AFP photo.

Phát biểu tại một diễn đàn ở Washington sau khi có đề xuất này, một chuyên gia về Trung Quốc, ông Trương Kiệt Liên cho rằng đây là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sẽ có những chuyển biến mới. Tuy nhiên, đề xuất này không chỉ gây lạc quan cho những người quan tâm đến Pháp Luân Công tại Trung Quốc mà còn cho những ai thực hành Pháp môn này tại Việt Nam. Anh Công, một bác sĩ mới ra trường và là một đồng tu cho biết hy vọng của mình:

“Tôi hy vọng như thế vì Pháp Luân Công tại Việt Nam bị gây khó dễ một phần cũng là do Trung Quốc ra chỉ thị. Nếu ông Ôn Gia Bảo có thể giải oan cho Pháp Luân Công thì tôi cho rằng tình hình về Pháp Luân Công tại Việt Nam sẽ được cải thiện”.

Pháp Luân Công du nhập vào Việt Nam từ năm 2000, bắt đầu phổ biến từ khoảng 4 năm nay và bắt đầu bị can nhiễu nghiêm trọng từ năm ngoái. Tháng 6 năm 2010, hai học viên Pháp Luân Công là Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành bị bắt vì bị cáo buộc phát thanh các thông tin về Pháp Luân Công sang Trung Quốc.

Anh Công

Những người tập Pháp môn này cho biết việc Việt Nam đàn áp Pháp môn này xuất phát từ Trung Quốc do một công hàm ngày 5 tháng 3 năm 2010 của Bắc Kinh. Công hàm này có đoạn: “Đề nghị tấn công và ngăn chặn tất cả các hoạt động trái phép của những người theo Pháp Luân Công ở Việt Nam”.

Từ năm ngoái, sau khi xuất hiện công hàm này, Pháp Luân Công tại Việt Nam tố thường xuyên bị đàn áp, can nhiễu, gây khó khăn bằng nhiều hình thức bao gồm ngăn cấm, gây khó khăn cho công việc, bắt vào trung tâm bảo trợ xã hội và thậm chí đánh đập. Ông Gilles Lordet thuộc văn phòng Tổ chức Phóng viên Không Biên giới - RSF đặc trách khu vực Á Châu Thái Bình Dương, cũng từng kêu gọi Việt Nam không nên bị sức ép từ Trung Quốc trong việc xét xử các học viên Pháp Luân Công.

Chính vì cho rằng Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam nhằm đàn áp Pháp Luân Công, nhiều học viên Việt Nam cho rằng nếu pháp môn này được nới lỏng tại Trung Quốc, nó cũng sẽ được nới lỏng tại Việt Nam.

Số phận của lời đề xuất?

Các học viên Pháp Luân Công bị nhân viên an ninh sắc phục và thường phục giặt băng rôn và bắt giữ khi tham gia chương trình đi bộ vì cộng đồng mang tên Lawrence S. Ting (tháng 1, 2012). RFA photo.
Các học viên Pháp Luân Công bị nhân viên an ninh sắc phục và thường phục giặt băng rôn và bắt giữ khi tham gia chương trình đi bộ vì cộng đồng mang tên Lawrence S. Ting (tháng 1, 2012). RFA photo.

Tuy nhiên, đề xuất “giải oan cho Pháp Luân Công” của đương kim thủ tướng Trung Quốc bị ông Chu Vĩnh Khang, một người đứng đầu trong bộ máy an ninh Trung Quốc phản đối. Bốn nhân vật đứng đầu phong trào đàn áp Pháp Luân Công Trung Quốc là Giang Trạch Dân, Chu Vĩnh Khang, La Cáng và Bạc Hy Lai.

Đề xuất của ông Ôn Gia Bảo đưa ra giữa lúc ông Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân đang bị điều tra và cắt chức vì có liên quan đến vụ bê bối ở Trùng Khánh. Cả ba nhân vật Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân được xem là thuộc phe cánh ông Giang Trạch Dân và con đường quan chức của những nhân vật này liên quan nhiều đến việc đàn áp Pháp Luân Công.

Trong tháng 4, nhân vật quyền lực Chu Vĩnh Khang bị một số người trong ĐCSTQ chỉ trích; thậm chí lúc đó đã có những đồn đoán rằng ông Chu Vĩnh Khang sẽ bị cắt chức. Và nếu chuyện này xảy ra thì đề xuất giải oan cho Pháp Luân Công của ông Ôn Gia Bảo có thể loại đi bớt một vật cản.

Mặc dù cho đến hôm nay, ông Chu Vĩnh Khang vẫn giữ chức Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và được chính thức bầu vào danh sách 42 đại biểu Tân Cương, nhưng việc ông này ủng hộ Bạc Hy Lai cũng đủ để uy tín của nhân vật này giảm đi phần nào. Điều này cho phép các học viên Pháp Luân Công hy vọng, kể cả Pháp Luân Công tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong lúc có những ý kiến lạc quan, vẫn có những ý kiến hết sức dè chừng.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, một bác sĩ quân y đã nghỉ hưu và là học viên Pháp Luân Công cho biết ý kiến của mình:

Ông Nguyễn Đức Tuấn

“Tôi không nghĩ như vậy bởi vì tình hình chung ở Việt Nam là (chính quyền) sợ tụ tập đông người. Ông Ôn Gia Bảo có giúp minh oan được cho Pháp Luân Công hay không thì tôi thấy ông ấy cũng là người thường. Không thể dựa vào cái đó được”.

Cũng theo ông Tuấn, mặc dù truyền thông mới biết đến những vụ trấn áp của chính quyền Việt Nam đối với Pháp Luân Công trong thời gian gân đây. Tuy nhiên, ông cho biết Pháp môn này cũng gặp khá nhiều rắc rối khi tu tập từ năm 2009, tức trước khi có công hàm vào tháng 3 năm 2010 của Đại sứ quán Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông vẫn thừa nhận rằng Việt Nam có chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc đối xử với Pháp Luân Công.

Theo ông Tuấn, chính sự thật về “Chân, Thiện, Nhẫn” pháp môn này là thứ vũ khí mạnh nhất thuyết phục mọi người:

“Mình vẫn cứ tu luyện, hiểu theo cách sư phụ tôi nói là bằng nỗ lực của mình vạch trần sự thật Pháp Luân Công là tốt và việc đàn áp là sai. Chúng tôi phải nói cho những người hiểu nhầm hay bị sức ép Trung Quốc biết những điều này mà không làm điều có tội với Pháp môn”.

Dù hiểu theo cách nào thì đề xuất giải oan cho Pháp Luân Công cũng được xem là một tín hiệu tốt, có thể dẫn đến việc giải oan cho những cáo buộc trước đây về Pháp môn. Điều còn lại là đề xuất này có được xét đến hay không. Hiện tại, rất khó đánh giá tính khả thi của đề xuất này khi đặt sức mạnh của phe cánh trong ĐCSTQ lên bàn cân. Trong lúc ông Chu Vĩnh Khang đã 70 tuổi và con đường chính trị cũng sắp kết thúc; thì ông Ôn Gia Bảo được dự đoán sẽ giao quyền cho ông Lý Khắc Cường vào đầu tháng 10 tới. Điều này làm người ta rất khó đoán số phận lời đề xuất của “Ôn lão thái” (tên thân mật của ông Ôn Gia Bảo) là như thế nào.

Theo dòng thời sự: