Ngoại giao phương Tây chú ý nhiều đến nhân quyền VN

0:00 / 0:00

Trong những ngày vừa qua, các nhà ngoại giao phương Tây như Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan tại Việt nam đã có những nổ lực nêu lên những vấn đề nhân quyền tại Việt nam, trong đó có ông Phó thủ tướng Đức là Sigmar Gabriel. Ông Sigmar Gabriel có gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự Việt nam tại Sài gòn vào ngày 21/11. Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm có dành cho đài RFA cuộc trao đổi về buổi gặp gỡ này.

Blogger Mẹ Nấm: Ngày 21/11 vừa qua một số nhà hoạt động nhân quyền có buổi gặp gỡ với ông Phó Thủ tướng Đức là ông Sigma Gabriel và các thành viên trong phái đoàn ngoại giao Đức đến Việt nam để tham dự hội nghị châu Á Thái Bình Dương của các doanh nghiệp Đức tổ chức tại Sài gòn. Buổi gặp gỡ này diễn ra hơn hai tiếng đồng hồ và có rất nhiều vấn đề được đặt ra để trao đổi.

Kính Hòa : Những người được phía Đức mời gồm có những ai?

Blogger Mẹ Nấm: Những người tham gia có doanh nhân Lê Quốc Quyết là em trai của luật sư Lê Quốc Quân, em Nguyễn Trí Dũng là con trai của blogger Điếu Cày, anh Phạm Bá Hải, blogger Huỳnh Thục Vy và em trai là Huỳnh Trọng Hiếu, cùng với tôi.

Kính Hòa: Vấn đề chủ yếu được bàn trong buổi gặp gỡ đó là gì?

Blogger Mẹ Nấm: Bắt đầu buổi gặp thì Ngài Phó Thủ tướng Đức nói là nước Đức xem trọng vấn đề cải thiện nhân quyền, và tình hình nhân quyền ở Việt nam nó quan trọng như là việc hợp tác và phát triển kinh tế, cho nên đó là lý do tại sao họ dành thời gian cho buổi gặp gỡ này, một buổi gặp gỡ chính thức vì báo chí Đức sẽ viết về nó, và cũng trong ngày đó thì buổi sáng thì ông Sigma Gabriel đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt nam để nói về chuyện hợp tác kinh tế.

Khi gặp thì ông ấy lắng nghe câu chuyện của từng người. Vấn đề chủ yếu là họ muốn bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển của xã hội dân sự, tìm ra phương hướng nào mà giới ngoại giao có thể sử dụng để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt nam.

Kính Hòa : Sau khi nghe câu chuyện của những nhà hoạt động xã hội dân sự cũng như nhân quyền Việt nam thì phía Đức, mà cụ thể là ông Phó Thủ tướng có phát biểu gì không, hay là có suy nghĩ gì như chị Như Quỳnh nói, để cải thiện tình hình nhân quyền Việt nam?

Khi tôi bắt đầu câu chuyện của tôi thì mọi người trong khán phòng không thể tin là bên ngoài cái vẻ đẹp đẽ mà VN vẽ ra thì nó vẫn còn có tình trạng đàn áp nhân quyền, đặc biệt là những người sử dụng mạng xã hội để thể hiện sự bất đồng chính kiến của mình một cách ôn hòa trên Internet

Blogger Mẹ Nấm

Blogger Mẹ Nấm: Tôi có thể thấy là khi tôi bắt đầu câu chuyện của tôi thì mọi người trong khán phòng không thể tin là bên ngoài cái vẻ đẹp đẽ mà Việt nam vẽ ra thì nó vẫn còn có tình trạng đàn áp nhân quyền, đặc biệt là những người sử dụng mạng xã hội để thể hiện sự bất đồng chính kiến của mình một cách ôn hòa trên Internet, cũng như là sử dụng bạo lực để đàn áp những người bất đồng chính kiến như anh Phạm Bá Hải nêu ra.

Họ nói là cuộc gặp đã cho họ rất nhiều thông tin mà họ nghĩ rằng ở những trường hợp sắp tới nếu phải cần thiết lên tiếng về mặt ngoại giao, để làm áp lực cho việc cải thiện nhân quyền thì họ sẳn sàng. Ngài Phó Thủ tướng Đức có nói là việc sử dụng mạng xã hội để thay đổi xã hội là một phương thức ôn hòa và các quốc gia tiên tiến trên thế giới ủng hộ chuyện đó. Chính vì vậy các công dân Việt nam nên mạnh dạn bước ra khỏi sự sợ hãi của chính mình để tiếp tục bày tỏ chính kiến.

Cũng giống như khi mà mình thảo luận phải làm như thế nào để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt nam, thì cá nhân tôi cũng nói rằng là đương nhiên khi đứng trên mặt ngoại giao thì chính phủ Đức cũng như chính phủ Việt nam đều phải tôn trọng lợi ích quốc gia. Và Việt nam luôn vin vào cái điều đó để bắt những người bất đồng chính kiến vì lý do an ninh quốc gia rất chung chung. Cho nên chúng tôi nói chuyện với các nhà ngoại giao Đức để chỉ ra rằng luật pháp Việt nam đương nhiên là để bảo vệ lợi ích Việt nam và khi Việt nam đã vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì buộc chính phủ Việt nam phải tuân thủ những cái luật, đặc biệt là những cái luật về bảo vệ quyền con người, nó không thể bị suy diễn hay biến tấu theo luật pháp của bất cứ quốc gia nào để hạn chế quyền con người. Chính vì vậy trong buổi gặp đó chúng tôi nói là nếu sau này có những trường hợp bị đàn áp thì chúng tôi mong rằng những người có tham gia buổi gặp cũng như những người có quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt nam có thể vận dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt là điều qui định và chế tài mà Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra để buộc Việt nam cải thiện nhân quyền theo đúng cái lộ trình mà họ nói.

Kính Hòa: Có một điểm thú vị là ông Phó Thủ tướng Đức đã gặp ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bàn chuyện kinh tế hầu như trong cùng một thời điểm mà ông ấy gặp các nhà hoạt động dân sự và nhân quyền ở Việt nam. Liệu nước Đức, một cường quốc ở châu Âu, có tính đến chuyện gây áp lực lên Việt nam trong vấn đề hợp tác kinh tế hay không?

Chúng tôi nói là nếu sau này có những trường hợp bị đàn áp thì chúng tôi mong rằng những người có tham gia buổi gặp cũng như những người có quan tâm đến tình hình nhân quyền VN có thể vận dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt là điều qui định và chế tài mà HĐ nhân quyền LHQ đưa ra để buộc VN cải thiện nhân quyền

Blogger Mẹ Nấm

Blogger Mẹ Nấm: Mình có thể thấy rằng họ đặt những sự hợp tác ngoại giao lên trên hết. Nhưng ông ấy có nói là trong dịp gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên Đức thì phía Đức có nêu ra những trường hợp bị đàn áp, vi phạm nhân quyền, như trường hợp tù nhân lương tâm Mai Thị Dung lên bàn nghị sự để yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có câu trả lời thích hợp, nhưng dường như ông Thủ tướng đã né tránh vấn đề này. Vì vậy khi được hỏi là liệu buổi gặp gỡ có tác dụng như thế nào, thì tôi trả lời là việc ngài Phó Thủ tướng sắp xếp thời gian để tổ chức một cuộc gặp gỡ như thế này thì những nổ lực của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt nam được ghi nhận một cách chính thức. Cũng như là sự công khai buổi gặp gỡ, công khai đưa tin và hình ảnh các nhà ngoại giao Đức cho thấy là thế giới vẫn quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt nam theo cách của họ. Họ đã có được sự thực chứng minh bằng chính những người là nạn nhân là chúng tôi, để mà có bằng chứng cụ thể đối với chính phủ Việt nam.

Bên cạnh đó chính cái việc công khai là một hình thức bảo vệ những người hoạt động nhân quyền được thừa nhận bởi những nhà ngoại giao quốc tế.

Kính Hòa : Những anh chị em hoạt động xã hội dân sự có gặp trở ngại gì không khi đến gặp đoàn chính phủ Đức? Và nếu như hoạt động đó diễn ra suông sẻ thì có phải chăng đây là một bước tiến bộ từ phía chính quyền Việt nam?

Blogger Mẹ Nấm: Những người khác đến buổi gặp như thế nào thì tôi không biết nhưng cá nhân tôi thì thấy là nó không suông sẻ. Trước đó tôi đã bị thu chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe ở công an Khánh Hòa. Sau đó họ dùng rất nhiều thủ thuật để làm mất thời gian cũng như giới hạn quyền tự do đi lại của tôi. Chuyện tôi thoát ra khỏi nhà để đi Hà nội và Sài gòn nó không phải là chuyện dễ dàng. Trước khi gặp ông Phó Thủ tướng Đức thì tôi có gặp ông Đại sứ phụ trách nhân quyền của Hà Lan tại Hà nội, chuyện tôi đi được chuyến đó không dễ dàng chút nào. Thậm chí trước khi rời Hà nội để vào Sài gòn, thì một nhân viên an ninh đến gặp tôi trực tiếp để hỏi là tôi sẽ ở Sài gòn trong bao lâu. Tức là không hề dễ dàng, mà tôi không muốn công bố để những người quan tâm người ta lo lắng.

Kính Hòa: Cám ơn chị Như Quỳnh đã cho đài Á châu Tự do buổi phỏng vấn ngày hôm nay.